Quá trình hình thành và phát triển

(Bqp.vn) - Trước thực tiễn sử dụng và phát triển những loại vũ khí giết người hàng loạt trong các cuộc chiến tranh thế giới, việc thực dân Pháp đã sử dụng bom cháy napan, phốt pho ở Việt Nam, Đảng và Bác Hồ đã thấy rõ nguy cơ đất nước phải đối mặt với một cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí hủy diệt lớn khi Mỹ thay Pháp nhảy vào Việt Nam. Từ nhận định đánh giá nhạy bén, chính xác này, Tổng Quân ủy đã tích cực làm công tác tổ chức, chấn chỉnh các đơn vị quân, binh chủng đã được xây dựng từ trước và chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời một số quân, binh chủng mới, trong đó có Bộ đội Hóa học.


Bộ đội Hoá học trong buổi ra quân huấn luyện.

Từ năm 1955, Tổng Quân ủy đã giao cho Trường Sỹ quan Lục quân Việt Nam tổ chức tập huấn những nội dung cơ bản về hóa học, nguyên tử cho đội ngũ giáo viên của trường. Năm 1956, Bộ Quốc phòng đã thành lập Tổ nghiên cứu tác chiến dưới điều kiện vũ khí nguyên tử, hóa học ở Cục Quân huấn. Đây là tổ chức tiền thân, cơ quan chỉ đạo phòng hóa của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 17/3/1958, Bộ Tổng Tham mưu ban hành Công văn số 173/BTTM, tổ chức các cơ quan trực thuộc Tổng cục Quân huấn trong đó có Phòng Hóa học - Nguyên tử nằm trong Cục Huấn luyện chiến đấu. Phòng Hóa học - Nguyên tử là cơ quan nghiệp vụ làm tham mưu cho Bộ, chỉ đạo huấn luyện Phòng Hóa học - Nguyên tử trong toàn quân; đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức, xây dựng một số cơ quan, đơn vị hóa học theo đề án đã được xác định.


Bộ đội Hoá học thực hành huấn luyện sử dụng trang bị phòng độc cá nhân.

Ngày 19/4/1958, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 214/BTM, giao nhiệm vụ cho Trường Sỹ quan Lục quân tổ chức một tiểu đoàn hóa học trực thuộc lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 6. Đây là tiểu đoàn hóa học đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ đào tạo hạ sỹ quan hóa học cho toàn quân, đảm nhiệm phòng hóa học hạt nhân và chiến đấu bằng vũ khí lửa; đồng thời, cùng ngày Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập 2 đại đội hóa học trực thuộc Sư đoàn Bộ binh 308 và Sư đoàn Bộ binh 320.

Ngày 19/4/1958, đánh dấu sự phát triển đầy đủ, yếu tố cần thiết cho sự ra đời Binh chủng Hóa học Quân đội nhân dân Việt Nam và được, Bộ Tổng Tham mưu quyết định lấy làm ngày truyền thống của Bộ đội Hóa học (1973). Ngày 9/5/1966, theo Quyết định số 34/QĐ-QP, Phòng Hóa học - Nguyên tử được phát triển thành Cục Hóa học thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Ngày 17/7/1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 224/QĐ-QP phát triển Cục Hóa học thành Bộ Tư lệnh Hóa học.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Hóa học đã phát triển mạnh mẽ về mọi mặt: biên chế tổ chức, trang bị vũ khí khí tài mới, huấn luyện thường xuyên kỹ chiến thuật, nghiên cứu các loại vũ khí mới của địch, các cách phòng chống các loại vũ khí hoá học của địch. Chiến công đầu tiên của Bộ đội Hóa học là đã tổ chức thả khói ngụy trang Nhà máy Điện Yên Phụ trước các đòn tiến công bằng bom đạn có điều khiển của Không quân Mỹ và đã bảo vệ mục tiêu an toàn.

Trong chiến dịch Khe Sanh năm 1967, Bộ đội Hóa học được giao nhiệm vụ phòng hóa cho các lực lượng tham gia chiến dịch bảo đảm kho tàng, nhiên liệu, vũ khí trang bị kỹ thuật, tránh được tổn thất hoặc giảm tổn thất tới mức thấp nhất do chất độc, chất cháy của địch gây nên, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của chiến dịch khi có tình huống bị địch tập kích bằng vũ khí hóa học. Các phân đội hóa học trực thuộc Bộ lần đầu tiên bảo đảm phòng hóa, sử dụng màn khói, tổ chức nghi binh có hiệu quả, tham gia chiến đấu hiệp đồng quy mô lớn, dài ngày đã thể hiện khả năng tổ chức bảo đảm phòng hóa và tham gia chiến đấu tốt, làm nòng cốt trong công tác phòng hóa và tham gia đánh địch.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, chấp hành Chỉ thị số 43/TM-CT về việc sử dụng màn khói để ngụy trang các mục tiêu, lực lượng hóa học của bộ, các quân khu, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã triển khai thực hiện tích cực nhiệm vụ thả khói, sử dụng màn khói; tổ chức chiến đấu hàng trăm trận, chống lại hiệu quả các loại bom có điều khiển của Không quân Mỹ.

Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Bộ đội Hóa học được lệnh huấn luyện khẩn trương, chuẩn bị đầy đủ các loại trang bị xe máy, khí tài phòng hóa, súng phun lửa, chuẩn bị sẵn sàng bảo đảm phòng hóa cho bộ đội trên các hướng chiến dịch, các mũi tiến công của ta.

Trong kháng chiến chống Mỹ, để có những bằng chứng cụ thể về tội ác của giặc Mỹ, làm tài liệu cho Tòa án Béctơrăng Rutxen, Cục Hóa học đã cử một số cán bộ kỹ thuật vào các chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên thu thập hiện vật, vũ khí, phương tiện, các loại chất độc, chất cháy mà Quân đội Mỹ đã sử dụng, tìm gặp phỏng vấn các nhân chứng bị nhiễm độc, quay phim để góp phần vạch tội ác của giặc Mỹ đối với nhân dân ta.

Hiện nay, Bộ đội Hóa học tiếp tục phát huy thành tích trước đây, tích cực thực hiện các nhiệm vụ xác định đánh giá các khu vực bị nhiễm chất độc trên các khu vực của miền Trung, miền Nam, tiến hành các biện pháp tiêu, tẩy độc, phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước trong điều kiện mới.

Xây dựng nền phòng hoá toàn dân - nhìn từ thảm họa chất độc da cam/điôxin do Mỹ gây ra trong chiến tranh xâm lược Việt Nam

Đã 50 năm kể từ ngày Quân đội Mỹ bắt đầu phun rải chất độc diệt cây xuống miền Nam Việt Nam, nhưng đến nay hậu quả của chất độc hoá học, đặc biệt là chất độc điôxin gây ra còn hết sức nặng nề đối với người dân ở nhiều khu vực khác nhau. Nhìn từ thảm họa đó cho thấy, việc quán triệt quan điểm của Đảng để xây dựng nền phòng hoá toàn dân có ý nghĩa quan trọng, lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Bộ đội Hoá học luyện tập tiêu tẩy độc cho môi trường.

Theo số liệu mà Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận thì trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Quân đội Mỹ đã sử dụng hàng chục nghìn tấn chất độc hoá học (CĐHH); trong đó, có hơn 9.000 tấn chất độc CS và phương tiện chứa CS, hơn 74 triệu lít chất độc diệt cây với nhiều loại khác nhau; đáng kể nhất là chất độc da cam chứa chất siêu độc điôxin. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trên thế giới còn công bố các số liệu cao hơn thế. Số nạn nhân ở Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam/điôxin là khoảng 4,8 triệu người. Đây chắc chắn chưa phải là số cuối cùng, vì các “điểm nóng” tồn lưu chất độc điôxin vẫn còn nhiều và việc tiêu tẩy, làm sạch môi trường còn phải tiến hành trong nhiều năm. Khác với việc rà phá bom mìn, việc dò tìm chất độc điôxin vô cùng khó khăn, phức tạp; chưa có loại máy móc nào phát hiện ngay được điôxin tại hiện trường mà phải trên cơ sở phán đoán khu vực nghi vấn, lấy mẫu, đưa về các phòng thí nghiệm chuyên dụng với các máy phân tích có độ nhạy cao tới một phần nghìn tỷ gam mới có thể phân tích, kết luận được về nồng độ điôxin so với ngưỡng cho phép đối với môi trường. Theo tính toán, chỉ cần 80 gam chất này đủ để giết chết khoảng 8 triệu người1. Hơn nữa, đó là loại chất vô hình, khó nhận biết, truyền lan nhanh, phạm vi tác hại rộng và huỷ hoại cơ thể sống một cách âm thầm, lặng lẽ, dai dẳng và phát tác sau nhiều năm. Do đó, thực hiện các giải pháp tổng hợp để góp phần khắc phục hậu quả CĐHH, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết hiện nay. Từ kinh nghiệm phòng hoá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và công tác khắc phục hậu quả CĐHH trong nhiều năm qua, chúng tôi đề xuất một số giải pháp xây dựng nền phòng hoá toàn dân trong điều kiện mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như sau:

Một là, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao kiến thức phòng hoá cho toàn dân.

Công tác giáo dục kiến thức phòng hoá phải được tiến hành thường xuyên bằng nhiều hình thức phù hợp; trong đó, chú trọng đưa kiến thức phòng hoá vào chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, trước hết là với đội ngũ cán bộ các cấp. Trong chương trình giáo dục, đào tạo đối với học sinh, sinh viên, ngoài chương trình chính khoá, cần lồng ghép nội dung phòng hoá trong các hoạt động ngoại khóa. Nội dung và phương pháp tuyên truyền đối với toàn dân phải phù hợp, sinh động, dễ hiểu để mọi người thấy rõ đặc điểm, tác hại, nguy cơ của CĐHH; từ đó, có ý thức phòng hoá cao, biết đề phòng, cảnh giác theo dõi, phát hiện mọi diễn biến bất thường của môi trường xung quanh (sự biến đổi về màu sắc, mùi vị của nguồn nước sinh hoạt, động vật chết, cây cối héo úa hàng loạt không rõ nguyên nhân...); biết xử lý những tình huống thông thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày (bị ngộ độc, gặp khí độc dưới giếng sâu, trong hang hầm, các khí cháy nổ độc hại...). Hệ thống các bảo tàng chứng tích chiến tranh phải liên kết, chia sẻ các tư liệu, hiện vật tố cáo tội ác về cuộc chiến tranh hoá học, nhằm nhắc nhở ý thức cảnh giác cho các thế hệ người dân trong và ngoài nước về thảm họa của chiến tranh hóa học. Thực tiễn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã cho thấy, chất độc da cam/điôxin được sử dụng rất nhiều ở vùng rừng núi, nơi có các căn cứ hậu phương, tuyến đường vận tải chiến lược trên bộ, các khu sơ tán của cơ quan chỉ đạo kháng chiến của ta; không còn chỗ an toàn tuyệt đối, kể cả những nơi rừng núi hẻo lánh nhất... Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng hóa phổ thông phải thực hiện rộng khắp ở mọi vùng, miền, mọi địa phương trong cả nước. Trong một số trường hợp cụ thể (nơi đã bị nhiễm hoặc có nguy cơ cao), cùng với giáo dục nâng cao kiến thức, ý thức phòng hoá còn phải tổ chức huấn luyện để người dân biết cách thu thập tư liệu về CĐHH (lấy mẫu độc, thu thập vật chứng, quay phim, ghi hình...) để giúp lực lượng chuyên môn khắc phục hậu quả và phục vụ cho mặt trận đấu tranh ngoại giao, kịp thời vạch trần tội ác của những kẻ sử dụng CĐHH.

Hai là, huy động mọi lực lượng, mọi mặt trận tham gia ngăn chặn cuộc chiến tranh hóa học.

Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, CĐHH dễ được che đậy ở các dạng có vẻ nhân đạo hơn; chúng không được chế tạo và cất chứa ở dạng vũ khí hoàn chỉnh có thể sử dụng được ngay, mà được bảo quản ở dạng các hợp phần riêng biệt, bảo đảm an toàn hơn, trốn tránh được sự giám sát. Do đó, mọi lực lượng, nhất là các nhà khoa học phải nhạy bén để “nhìn thấy” được những tiền chất có thể chế tạo ra chất độc nguy hiểm để vạch trần và cung cấp thông tin cho việc giám sát quốc tế. Mặt trận ngoại giao phải làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn bản chất cuộc chiến tranh hóa học tàn bạo mà nhân dân phải gánh chịu hậu quả. Thực tế cho thấy, thông thường ban đầu CĐHH thường được sử dụng ở quy mô nhỏ, nhưng sẽ nhanh chóng được phát triển ở quy mô lớn hơn. Năm 1961, lúc đầu, việc “khai quang” cũng chỉ được Mỹ, ngụy tiến hành thử nghiệm ở phạm vi nhỏ, sau khi thấy hiệu quả cao của việc dùng chất diệt cây, có thể phát lộ những nơi ẩn náu của du kích quanh các căn cứ quân sự; có thể phá hoại mùa màng, triệt hạ nguồn lương thực tiếp tế cho Quân giải phóng, nên Mỹ đã quyết định đưa vào miền Nam Việt Nam một lượng lớn chất diệt cây để thực hiện chiến dịch khai quang với mật danh “Ranch Hand” kéo dài suốt 10 năm. Cùng với việc ngăn chặn từ xa, từ quy mô nhỏ, những năm tới, chúng ta cần tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin; tranh thủ sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, kể cả ở chính các quốc gia đã đưa quân đi xâm lược (đặc biệt là các cựu binh Mỹ và đồng minh đã từng tham chiến ở các chiến trường Việt Nam) để vạch trần những kẻ đã gây tội ác, buộc họ phải thừa nhận sự thật, có trách nhiệm giải quyết hậu quả. Đồng thời, chúng ta cần tích cực vận động các quốc gia là thành viên của tổ chức Công ước Cấm vũ khí hóa học thực hiện tốt trách nhiệm đấu tranh, ngăn chặn thảm họa hoá học.

Ba là, chú trọng tổ chức phòng hoá trong quá trình xây dựng các khu vực phòng thủ (KVPT).

Trên cơ sở quan điểm kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, trong các dự án trọng điểm trên địa bàn phải kết hợp các yếu tố bảo đảm an toàn, phòng chống các tác nhân độc hại cả trong thời bình và trong chiến tranh. Đối với các khu vực trọng điểm, nhạy cảm, đông dân, phải tổ chức đồng bộ các biện pháp phòng hoá, như: đặt các đài, trạm quan sát hoá học chuyên môn và kiêm nhiệm, các khu vực dự kiến triển khai cấp cứu cho người, tiêu tẩy cho phương tiện, địa hình. Các công trình giao thông ngầm, hang, hầm, địa đạo sơ tán và ẩn nấp cho nhân dân phải thiết kế, lắp đặt hệ thống phòng hoá, như: thông hơi, lọc độc, nguồn dự trữ nước sạch, các công trình, thiết bị lọc, xử lý nguồn nước ô nhiễm... Lực lượng vũ trang và nhân dân trong KVPT phải được trang bị đủ khí tài phòng hoá chế sẵn hoặc ứng dụng, được huấn luyện đầy đủ kiến thức phòng thủ dân sự về phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn, các thảm họa về hoá học, phóng xạ, sinh học theo chương trình quy định của Bộ Quốc phòng. Các cuộc diễn tập KVPT phải lồng ghép các tình huống hoá học, phóng xạ để các lực lượng và nhân dân tập xử trí.

Các cơ sở liên quan đến hoá chất, phóng xạ, hạt nhân trên địa bàn phải có phương án bảo đảm an toàn ngay từ khi thiết kế, thi công; phải xây dựng và luyện tập các phương án để khi có dấu hiệu chiến tranh, các cơ sở này có thể khẩn trương chuyển sang chế độ hoạt động thời chiến, không để xảy ra sự cố, thảm hoạ hoá học, hạt nhân trong KVPT khi bị địch tập kích hoả lực. Các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, trung tâm y tế của các địa phương cần rà soát, xây dựng các phương án sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, mặt bằng kho, trạm vào nhiệm vụ phòng hoá. Các cơ quan khoa học, cơ sở y tế phải bám sát thực tiễn, cập nhật thông tin liên quan, kịp thời nghiên cứu, kết luận về chất độc mà địch sử dụng, nhất là các chất mới; xác định cơ chế gây tác hại để sản xuất các loại thuốc tiêu độc, cấp cứu phục hồi sức khoẻ cho người, gia súc, phổ biến cách phòng chống cho bộ đội và nhân dân.

Trong các KVPT, cần nghiên cứu biện pháp “đề kháng” dài ngày trong môi trường nhiễm chất độc và bị bao vây, chia cắt; tích cực thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác hại của chất độc, như: quan sát, phát hiện, thông tin, thông báo, báo động kịp thời dấu hiệu và hành động địch sử dụng CĐHH, che chắn địa hình, sơ tán, ẩn nấp, phổ biến kinh nghiệm phòng, chống... Sau mỗi đợt tập kích, mỗi phi vụ phun rải chất độc của địch, cần khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng ô nhiễm, tẩy độc sơ bộ, tạo những “vùng sạch” để tổ chức các hoạt động bám trụ chiến đấu và sản xuất lâu dài, thực hiện “làng giữ làng, xã giữ xã”. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phá thế chia cắt của địch, tạo hành lang vận chuyển tiếp tế lương thực, thực phẩm và vật chất thiết yếu từ “vùng sạch” đến hỗ trợ cho vùng bị tổn thất do CĐHH gây ra.

Bốn là, xây dựng Bộ đội Hoá học, dân quân tự vệ phòng hoá đồng bộ, cân đối, đủ sức thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác phòng hoá toàn dân.

Cấp chiến lược, chiến dịch cần tổ chức lực lượng đủ mạnh với hệ thống cơ quan tham mưu chỉ đạo, phân đội phòng hoá chuyên môn, các cơ sở bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật hoá học, cơ sở đào tạo cán bộ và nhân viên kỹ thuật hoá học, cơ sở nghiên cứu... Một bài học kinh nghiệm sâu sắc trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là: do chúng ta chưa có các phương tiện trinh sát, phân tích hiện đại, ở nhiều nơi, Bộ đội Hoá học được chuyển sang đơn vị bộ binh chiến đấu, nên không còn tổ chức nòng cốt về phòng hóa để nghiên cứu, phổ biến kiến thức phòng, chống các chất có độc tính cao. Vì thế, bộ đội và nhân dân nhiều nơi phải “dầm mình” trong chất độc hoá học/điôxin do Quân đội Mỹ phun rải mà chưa biết được hậu quả và mức độ độc hại của nó. Hiện nay, Bộ đội Hoá học được xây dựng ngày càng chính quy, hiện đại; dân quân tự vệ phòng hoá được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, là điều kiện thuận lợi để phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của các lực lượng này trong công tác phòng hoá. Trên mỗi khu vực, vùng, miền, cùng với hệ thống đài quan sát hóa học chuyên môn và kiêm nhiệm, cần có các cơ sở phân tích hiện đại, có đủ khả năng phát hiện nhanh, chính xác loại chất độc, đánh giá, kết luận được mức độ và phạm vi ô nhiễm. Cùng với chăm lo xây dựng nguồn nhân lực phòng hoá chất lượng cao, cần đầu tư, hiện đại hoá các trang bị hoá học có đủ khả năng phát hiện, đề phòng, xử lý, tiêu tẩy các tác nhân độc hại mới nhất để trang bị cho lực lượng nòng cốt. Nền công nghiệp trong nước, mà nòng cốt là công nghiệp quốc phòng, cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất các phương tiện phòng hoá phổ thông từ nguyên liệu trong nước, với sản lượng hợp lý và phân bố dự trữ cân đối trên các hướng chiến lược, các khu vực, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng thủ dân sự về phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn và thảm họa CĐHH, phóng xạ, sinh học, góp phần xây dựng nền phòng hoá toàn dân vững mạnh.

(1). Tài liệu tham khảo: Điôxin nỗi đau nhân loại, lương tri và hành động, Nxb QĐND, H. 2005.

Binh chủng Hoá học với nhiệm vụ xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng hậu quả của nó để lại còn rất nặng nề đối với con người và môi trường sinh thái. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc Phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp, đồng thời triển khai những việc làm thiết thực để khắc phục hậu quả mà cuộc chiến tranh đã gây ra đối với người dân Việt Nam, trong đó có vấn đề xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.


Bộ đội Hoá học xứ lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ đã rải hơn 74 triệu lít chất độc dacam (trong đó có hàng trăm kilôgam chất độc điôxin) và hơn 9.000 tấn chất độc CS trên khắp chiến trường miền Trung, miền Nam. Đến nay, sự độc hại của các chất độc vẫn đang hàng ngày tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân và môi trường sinh thái.

Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc Phòng luôn quan tâm sâu sắc vấn đề trên, đã chỉ đạo trực tiếp Binh chủng Hoá Học chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương các cấp tiến hành khảo sát trên quy mô toàn quốc để đề xuất và thực hiện các phương án xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Trên khắp miền Trung, miền Nam, rất nhiều khu đất nhiễm độc tại các bãi chứa, nạp, rửa, đặc biệt ở các sân bay quân sự cũ mà Mỹ đã từng sử dụng trong cuộc chiến tranh. Ví dụ: tại sân bay Biên Hoà, Đà Nẵng, Phù Cát kết quả khảo sát cho thấy hàm lượng điôxin tồn lưu trong đất tại khu vực này cao gấp hàng trăm lần so với tiêu chuẩn cho phép đối với đất phi nông nghiệp (ngưỡng 1.000 ppt), đặc biệt sự thẩm thấu đã đạt đến độ sâu trên 1 m. Trên khắp các khu vực như Tây Nguyên, Quân khu 5, Quân khu 9, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế… đều phát hiện thấy chất độc CS và đạn dược của Mỹ trong chiến tranh chứa chất độc CS.

Việc xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh từ lâu đã được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, các lực lượng đặt ra thành nhiệm vụ cấp thiết phải kiên quyết thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định; Bộ Quốc phòng cũng có các văn bản như: Chỉ thị số 55/CT-QP, Quyết định số 33/2007/QĐ-BQP, Quyết định 1754/QĐ-BQP về nhiệm vụ này… Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trên, những năm qua, Binh chủng Hoá Học đã thể hiện vai trò tiên phong, nòng cốt trong xử lý chất độc hoá học tồn lưu.

Ngay sau chiến tranh Binh chủng Hoá học đã thu gom và xử lý chất độc CS, nhưng triển khai mang tính chất cơ bản thì bắt đầu từ năm 1995 với việc thực hiện nhiều dự án về điều tra, khảo sát, thu gom và xử lý chất độc CS trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị trở vào:

- Tại khu vực Tây Nguyên đã tiến hành điều tra trên địa bàn của 48 huyện thuộc 5 tỉnh và một số kho, cụm kho; phát hiện, thu gom và xử lý 72.336 kg chất độc CS và vũ khí, đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có 48.084 kg chất độc CS và 24.252 kg đạn dược chứa CS);

- Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã tiến hành điều tra trên địa bàn của 8 huyện và một số kho; phát hiện, thu gom và xử lý 20.439 kg chất độc CS và đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có 19.439 kg chất độc CS và 1.000 kg đạn dược chứa CS);

- Tại Quân khu 5 (trừ Tây Nguyên) đã tiến hành điều tra trên địa bàn của 57 huyện, thị thuộc 7 tỉnh và một số kho, cụm kho; phát hiện, thu gom và xử lý 150.960 kg chất độc CS và đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có 56.790 kg chất độc CS và 94.170 kg vũ khí, đạn dược và phương tiện chứa CS);

- Trên địa bàn Quân khu 7 và Quân khu 9 đã tiến hành điều tra tại 170 huyện, thị thuộc 20 tỉnh và một số đơn vị; phát hiện, thu gom và xử lý 55.579 kg chất độc CS và đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có 17.227 kg chất độc CS và 38.352 kg đạn dược chứa CS);

- Tại thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định đã tiến hành xử lý triệt để và an toàn 36.114 kg chất độc CS và đạn dược, thùng chứa chất độc CS.

Đến nay đã điều tra được 283 huyện, quận, thị của 34 tỉnh và một số Cụm kho, kho lớn của Tổng cục Kỹ thuật, Quân khu 4, 5, 7, 9. Tổng số đã phát hiện, thu gom và xử lý hơn 344 tấn chất độc CS và vũ khí, đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có hơn 160 tấn chất độc CS và trên 184 tấn vũ khí, đạn dược chứa CS). Về cơ bản, một khối lượng lớn chất độc CS trên khắp miền Trung và miền Nam đã được thu gom và xử lý, trả lại môi trường trong sạch tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, Viện Hoá Học và Môi trường Quân sự thuộc Binh chủng đang chủ trì phối hợp với các cơ quan và đơn vị tiếp tục thực hiện dự án mở “Điều tra, thu gom, xử lý chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Kiên Giang” nhằm kịp thời thu gom và xử lý chất độc CS tại các điểm nhỏ lẻ khi địa phương hoặc đơn vị phát hiện thấy. Đồng thời tổ chức huấn luyện, đào tạo cho cán bộ hoá học của các tỉnh, quân khu, quân đoàn về phương pháp thu gom, xử lý chất độc CS đã được Bộ Quốc phòng ban hành.

Từ năm 1995, Binh chủng Hoá Học đã chủ trì phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Học viện Quân y, Quân chủng Phòng không - Không quân tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá độ tồn lưu chất độc dacam/điôxin; nghiên cứu các giải pháp xử lý đất nhiễm chất độc dacam/điôxin và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm thời, chống lan toả chất độc ra môi trường xung quanh; nghiên cứu, đánh giá hậu quả và ảnh hưởng lâu dài của chất độc dacam/điôxin đối với con người và môi trường sinh thái, với 3 dự án tại các sân bay Biên Hoà, Đà Nẵng và Phù Cát.

- Tại sân bay Biên Hòa, kết quả phân tích mẫu đất lấy tại nhiều điểm của khu vực này cho thấy hàm lượng chất 2,4-D; 2,4,5-T và điôxin tồn lưu trong đất là rất cao, phân bố không theo một quy luật nhất định và ở các độ sâu rất khác nhau. Với đề tài “Nghiên cứu giải pháp xử lý khu vực đất nhiễm chất độc điôxin”, Binh chủng Hoá học đã nghiên cứu các giải pháp tiêu độc điôxin bằng các phương pháp: hóa học, hoá sinh, quang học. Từ đó, đã triển khai các pilot tiêu độc thử nghiệm và áp dụng các biện pháp chống lan toả đất nhiễm tạm thời; đồng thời, phối hợp triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khác.

- Tại sân bay Đà Nẵng, đã tiến hành lấy và phân tích mẫu, đánh giá mức độ tồn lưu điôxin. Bằng các biện pháp công trình đã hạn chế sự lan tỏa của chất độc ra môi trường. Nghiên cứu thử nghiệm phương pháp xử lý điôxin bằng phương pháp hoá học (của dự án tại Biên Hoà) trong điều kiện địa hình, thổ nhưỡng của sân bay Đà Nẵng; cũng như phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khác về dịch tễ học, sinh học.

- Tại sân bay Phù Cát, kết quả phân tích mẫu cho thấy, hàm lượng chất dacam và điôxin tại các lớp đất là rất cao. Đã tiến hành khảo sát địa chất thuỷ văn, đánh giá thổ nhưỡng và thực hiện các biện pháp tạm thời chống lan toả và ảnh hưởng của chất độc.

Các kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát của Binh chủng Hoá học nói riêng và của Bộ Quốc Phòng nói chung phục vụ rất hiệu quả cho việc xây dựng và triển khai các dự án xử lý đất nhiễm, cũng như phục vụ cho các hội thảo, trao đổi, cung cấp thông tin, hợp tác khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng Mỹ và các tổ chức quốc tế khác. Chính các hội thảo, trao đổi đã góp phần để hai bên hiểu biết, thông cảm và cùng xác định trách nhiệm tốt hơn. Phía Mỹ đã cung cấp thông tin về 11 điểm nóng của một số sân bay để Binh chủng triển khai dự án điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm. Các bên đang phối hợp xây dựng dự án xử lý đất nhiễm tại sân bay Đà Nẵng.

Cùng với việc thực hiện các dự án điều tra, khảo sát nêu trên, Binh chủng Hoá học đã triển khai thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ khả thi để xử lý đất nhiễm chất độc dacam/điôxin trong điều kiện Việt Nam”. Đề tài đã nghiên cứu, lựa chọn vật liệu lọc, vật liệu cách ly và các vật liệu khác để cô lập và cách ly tuyệt đối và an toàn đất nhiễm chất độc dacam/điôxin với môi trường; nghiên cứu, xây dựng phương pháp và mô hình chôn lấp đất nhiễm; nghiên cứu quy trình thu gom và xử lý nước ngầm nhiễm chất độc dacam/điôxin... Trong đề tài này, Binh chủng còn phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nghiên cứu “Phương pháp chôn lấp cô lập tích cực” bằng việc đánh giá thực trạng về chủng loại, số lượng của tập đoàn vi sinh bản địa; sử dụng chế phẩm nhả chậm SlowD kích thích sự tăng trưởng của tập đoàn vi sinh này và tiếp theo là tăng khả năng phân huỷ điôxin bằng vi sinh. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc và kết quả của Đề tài là cơ sở khoa học để xây dựng dự án xử lý khu đất nhiễm tại sân bay Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Với dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc hoá học chứa điôxin tại sân bay Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai”, từ năm 2006 - 2010 Binh chủng Hoá học đã xử lý 100.000 m3 đất nhiễm trên diện tích 4,7 ha bằng phương pháp chôn lấp cô lập cách ly với việc sử dụng các vật liệu cách ly, vật liệu lọc, vật liệu hấp phụ có hệ số an toàn cao; kết hợp với Viện Công nghệ Sinh học chôn lấp cô lập tích cực một phần đất nhiễm; xây dựng hệ thống cống thu và bể xử lý nước ngầm, mương thoát nước mặt; thực hiện các công việc khác có liên quan như theo dõi, giám sát môi trường, phục hồi môi trường, cảnh quan,... Kết quả của dự án đã giải quyết xong một cách cơ bản “điểm nóng” tại sân bay Biên Hoà, góp phần bảo vệ môi trường, trả lại cuộc sống yên bình và an toàn cho những lực lượng và nhân dân sống trên địa bàn.

Với chức năng là lực lượng nòng cốt trong điều tra, khảo sát, khắc phục chất độc tồn lưu sau chiến tranh, Binh chủng Hoá học đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi nguy hiểm, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh, xứng đáng với lời biểu dương của đồng chí nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi đến thăm Binh chủng năm 2008: “ở đâu có hơi độc, chất độc là các đồng chí đến và những nơi các đồng chí đã đến thì môi trường phải được trở lại trong sạch, an toàn. Đây là nhiệm vụ chiến đấu của các đồng chí trong thời bình. Nhiệm vụ của Bộ đội Hoá học rất nặng nề, quá trình thực hiện không ít khó khăn thử thách; nhưng các đồng chí phải tự hào rằng, đó là lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho các đồng chí. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”.


File đính kèm:

(Cổng TTĐT BQP)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.