Web Content Viewer
ActionsBảo tàng Phòng không - Không quân
(Bqp.vn) - Bảo tàng Phòng không - Không quân (PK-KQ) tiền thân là Nhà truyền thống Bộ Tư lệnh Phòng không (thành lập năm 1958). Năm 1999 Bảo tàng PK-KQ được sáp nhập trên cơ sở hợp nhất 2 Bảo tàng hạng II là Bảo tàng Phòng Không và Bảo tàng Không quân. Năm 2004, Bảo tàng được xây dựng lại tại 173C Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội, khánh thành ngày 28/8/2007.
Là Bảo tàng chuyên ngành lịch sử quân sự nằm trong Hệ thống Bảo tàng QĐND Việt Nam, Bảo tàng PK-KQ được xếp hạng hai trong Hệ thống Bảo tàng quốc gia Việt Nam, nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu về quá trình hình thành, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của bộ đội PK-KQ Việt Nam.
Bảo tàng PK-KQ có nhiệm vụ: Sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền các tư liệu, hiện vật trên mặt trận đối không; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, thăm quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế; tham mưu cho thủ trưởng Cục Chính trị, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo tàng, truyền thống cho Hệ thống nhà, phòng truyền thống Quân chủng PK-KQ; phối hợp với địa phương trong quản lý các di tích của bộ đội PK-KQ nhằm phát huy các giá trị văn hóa quân sự.
Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bảo tàng PK-KQ đã thực sự trở thành một thiết chế văn hóa không thể thiếu của Quân chủng PK-KQ, một Quân chủng kỹ thuật hiện đại, là lực lượng nòng cốt trong tác chiến phòng không bảo vệ bầu trời Tổ quốc, là một bảo tàng hoạt động có hiệu quả ở Thủ đô Hà Nội. Đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng qua các thời kỳ luôn tâm huyết, yêu nghề, nỗ lực vượt khó, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Với phương châm “lấy khách thăm quan làm trung tâm”, phát huy giá trị hiện vật sao cho “mỗi hiện vật, hình ảnh là một câu chuyện lịch sử”, nhằm đem đến cho khách thăm quan những trải nghiệm chân thực nhất khi đến với Bảo tàng.
Khái quát nội dung trưng bày
Bảo tàng được trưng bày theo tiến trình lịch sử, với hơn 58.000 tư liệu, hiện vật trên diện tích 16.000m2 chia thành 2 phần trưng bày:
Phần trưng bày ngoài trời: Với 102 hiện vật khối lớn độc đáo, được trưng bày khoa học trên diện tích hơn 15.000m2, giới thiệu 4 bộ sưu tập hiện vật đặc trưng cho 4 lực lượng của Quân chủng PK-KQ: Pháo phòng không, máy bay, ra-đa, tên lửa. Đó là những vũ khí, khí tài, những loại xe máy đặc chủng bảo đảm, phục vụ chiến đấu của bộ đội PK-KQ đã được bộ đội PK-KQ sử dụng lập nhiều thành tích xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; một số máy của Ngụy quyền Sài Gòn do bộ đội ta thu được và sử dụng hiệu quả trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979 - 1989.
Các hiện vật tiêu biểu: Bảo vật Quốc gia - Khẩu pháo 37mm của khẩu đội Tô Vĩnh Diện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954; Khẩu pháo 90mm do Mỹ sản xuất tham gia đánh thắng trận đầu chống Mỹ ngày 5/8/1964; Máy bay Mi-4 đưa Bác Hồ đi công tác nhiều năm; Ra đa P-35 phát hiện máy bay ném bom chiến lược B-52, thông báo sớm cho quân và dân Hà Nội trước 35 phút; Bệ phóng tên lửa đã lập công bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B-52 đầu tiên đêm 18/12/1972 ngay trên bầu trời Thủ đô; Máy bay MiG-21 phi công Phạm Tuân bắn rơi máy bay B-52 đêm 27/12/1972; Máy bay A-37 phi đội Quyết thắng ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất năm 1975; Những chiếc máy bay đầu tiên do người Việt Nam chế tạo; Máy bay Su-22 sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời, biển, đảo Tổ quốc; Bãi xác các loại máy bay địch bị bộ đội PK-KQ bắn rơi.
Phần trưng bày trong nhà: Nhà trưng bày có hai tầng với diện tích hơn 3.000 m2, trưng bày gần 3.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu theo tiến trình lịch sử phát triển của bộ đội PK-KQ gồm 08 đề mục lớn, 04 chuyên đề cố định:
Đề mục I: Bộ đội PK-KQ tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954).
Đề mục II: Các lực lượng Phòng không - Không quân ra đời và phát triển (1954 - 1964)
Đề mục III: Bộ đội PK-KQ cùng với quân và dân miền Bắc đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc (1964 - 1972).
Đề mục IV: Bộ đội PK-KQ đánh máy bay B-52 và Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972.
Đề mục V: Bộ đội PK-KQ chiến đấu trong đội hình Quân, Binh chủng hợp thành tham gia giải phóng miền Nam.
Đề mục VI: Bộ đội PK-KQ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1977 - 1999).
Đề mục VII: Trưng bày các chuyên đề cố định gồm có 4 chủ đề: Đoàn kết Quân Dân - Sức mạnh từ mặt đất; Đoàn kết quốc tế; Hợp tác hữu nghị trong khối ASEAN; Chuyến bay Hợp tác vũ trụ quốc tế.
Đề mục VIII: Xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Các hiện vật tiêu biểu: Khẩu súng phòng không thu được của Pháp sử dụng bắn rơi máy bay Pháp; Trung đoàn pháo cao xạ 367 - Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội ta tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 và gương chiến đấu của Tô Vĩnh Diện; Chiếc ghế trên máy bay Mi-4 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng khi được bộ đội Không quân đưa đi công tác; Chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964; Những hiện vật quý giá về chiến công đầu của bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam tại Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 3/4/1965 thực hiện lời dạy của Bác “Mở mặt trận trên không thắng lợi”; Những hình ảnh, hiện vật về ra quân của bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam đánh thắng trận đầu ngày 24/7/1965; Những Huy hiệu Bác Hồ tặng cho mỗi phi công khi bắn rơi máy bay Mỹ, trong đó có phi công Nguyễn Văn Cốc - phi công Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất được tặng 9 Huy hiệu Bác Hồ. Trận đánh 1 thắng 36 của phi công Hà Văn Chúc; Trận đánh Tàu của Hạm đội 7 Mỹ; Sáng kiến chống nhiễu của Quân chủng từ năm 1968 - 1972 đã được Đảng, Nhà nước tặng phần thưởng cao quý “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về khoa học kỹ thuật; Hiện vật, hình ảnh bộ đội PK-KQ chiến đấu, bảo vệ giao thông tại chiến trường Quân khu IV, đường Trường Sơn. Giới thiệu về Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, chiến dịch đỉnh cao chống tập kích đường không hạ gục siêu pháo đài bay B-52 - thần tượng của không lực Hoa Kỳ, buộc đế quốc Mỹ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; Phòng sa bàn điện tử độc đáo, mới lạ, tái hiện Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; Giới thiệu về chuyến bay vũ trụ hợp tác quốc tế năm 1980; Khoang đổ bộ của tàu Liên hợp vũ trụ 36, đã đưa phi hành gia Gorbatcô (Liên Xô) và Anh hùng Phạm Tuân trở về trái đất an toàn sau 1 tuần làm việc trên trạm vũ trụ… Những hình ảnh, hiện vật về Quân chủng PK-KQ ngày nay được xây dựng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Khu Di tích lịch sử văn hóa quân sự PK-KQ do Bảo tàng PK-KQ quản lý, gồm: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà bia liệt sĩ PK-KQ và Di tích Sở Chỉ huy K18 tại 169 đường Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội có diện tích hơn 4.000m2 là địa chỉ giáo dục truyền thống sâu sắc cho cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ.
Địa chỉ liên hệ
Bảo tàng Phòng không - Không quân
Số 173C đường Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: btpkkq171@gmail.com
Điện thoại quân sự: 069.562322; 069.562323
Lãnh đạo
Giám đốc: Đại tá, Họa sĩ Vũ Danh Cương
Điện thoại: 0983.756315
Phó Giám đốc: Trung tá Nguyễn Thị Kim Cúc
Điện thoại: 0983.324342
Phụ trách Trưng bày - Tuyên truyền: Trung tá CN, ThS Nguyễn Thu Hằng
Điện thoại: 0983.600253
Email: thuhangn247@gmail.com
Thời gian mở cửa
Mở cửa tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày thứ Sáu.
Buổi sáng: Từ 08 giờ 00 phút đến 11 giờ 00 phút.
Buổi chiều: Từ 13 giờ 00 phút đến 16 giờ 00 phút.
Thứ 7, Chủ nhật phục vụ khách lẻ thăm quan ngoài trời từ 16 giờ 00 phút đến 18 giờ 30 phút.