Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - Thành tựu trong 30 năm triển khai kỹ thuật vi phẫu - một kỹ thuật cơ bản của ngoại khoa hiện đại

09:35 | 29/09/2012

(Bqp.vn) - Trên thế giới, vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, kỹ thuật vi phẫu (microsurgical technique) với nội dung là khâu nối mạch máu nhỏ có đường kính khoảng 1 mm và khâu nối bao bó sợi thần kinh (perineural suture) được thực hiện thành công trên thực nghiệm, giữa thập niên này thì thành công trên lâm sàng. Nó được coi là kỹ thuật cơ bản của ngoại khoa hiện đại và nhanh chóng được áp dụng ở những nước có nền y học phát triển. Với kỹ thuật vi phẫu (KTVP), cho phép thực hiện thành công những phẫu thuật phục hồi hiện đại (modern reconstructive surgical procedures) như: khâu nối bàn tay, ngón tay bị đứt lìa; chuyển ngón chân phục hồi ngón tay bị cụt mất; nối, ghép thần kinh và thậm chí ghép thần kinh có nối mạch máu nuôi thần kinh; chuyển ghép vạt tổ chức (tissue flap) gồm: vạt da, vạt cân, vạt cơ, vạt xương đơn thuần hoặc vạt phức hợp những tổ chức này ở dạng tự do để điều trị những khuyết hổng tổ chức phức tạp ở vùng hàm mặt, chi thể, thân mình; chuyển đoạn ruột non để phục hồi thực quản; chuyển tinh hoàn lạc chỗ; nối ống dẫn tinh và ống dẫn trứng; nối bạch mạch…

Những phẫu thuật này không thể thực hiện được bằng kỹ thuật ngoại khoa kinh điển. Để thực hiện KTVP, đòi hỏi phải có một số trang thiết bị chuyên dụng như: kính hiển vi phẫu thuật, dụng cụ phẫu thuật cầm tay chuyên dụng, máy đốt lưỡng cực, kim chỉ cực mảnh không chấn thương loại 9/0 - 11/0 (đường kính sợi chỉ từ 25 - 20 µm) và nhất là đội ngũ phẫu thuật viên được đào tạo cơ bản. Không chỉ thế, những phẫu thuật có sử dụng KTVP - gọi là vi phẫu thuật (microsurgery) đều là phẫu thuật phức tạp, kéo dài nên đòi hỏi phải có cán bộ và phương tiện đảm bảo tốt cho vô cảm trong mổ, hồi sức sau mổ.

Ở Việt Nam, từ những năm 70 của thế kỷ XX, mặc dầu đất nước đang trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế cũng như thông tin khoa học và quan hệ quốc tế, Bệnh viện TƯQĐ 108 mà đứng đầu là GS, TSKH Nguyễn Huy Phan đã nghiên cứu triển khai KTVP trên thực nghiệm, sau đó nhanh chóng thành công trên lâm sàng vào đầu thập niên 80, bắt đầu là trong chuyên ngành Phẫu thuật Tạo hình, tiếp theo là Phẫu thuật Thần kinh, Chấn thương Chỉnh hình, Phụ sản, Phẫu thuật bụng… Từ những năm giữa thập niên 90, nhiều loại phẫu thuật phục hồi hiện đại đã được thực hiện thường qui trong bệnh viện, đến nay đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân đến từ mọi miền đất nước và nhiều người nước ngoài công tác tại Việt Nam với những phẫu thuật sau:

- Nối bàn tay, ngón tay đứt lìa (thực hiện từ 1981, đã nối hơn 600 phần chi đứt lìa của trên 400 bệnh nhân, đạt thành công trên 90%, có 1 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và được Giải thưởng VIFOTEC về vấn đề này);

- Chuyển ngón chân ghép phục hồi ngón tay (thực hiện từ 1988, đã phẫu thuật cho 38 bệnh nhân, đạt thành công 97,4%);

- Chuyển ghép vạt tổ chức phần mềm tự do như vạt da, vạt cân, vạt cơ hoặc vạt phức hợp những tổ chức này để tạo hình phủ, tạo hình độn những khuyết hổng phần mềm phức tạp (thực hiện từ 1988, đã phẫu thuật cho trên 600 bệnh nhân với thành công trên 96%, có 3 đề tại cấp Bộ Quốc phòng đã nghiệm thu, 4 luận án Tiến sỹ và 3 đề tài luận án Tiến sỹ về vấn đề này đang được triển khai);

- Chuyển ghép vạt xương hoặc da - xương (xương mác, xương mào chậu) tự do để điều trị khuyết hổng các xương ở chi thể và xương hàm dưới (thực hiện từ 1991, đã phẫu thuật cho trên 200 bệnh nhân với thành công trên 95%, có 2 luận án tiến sỹ về vấn đề này);

- Tái tạo dương vật trong một lần mổ bằng vạt da cân cẳng tay, vạt trước ngoài đùi (thực hiện từ 1991, đã phẫu thuật cho 37 bệnh nhân, đạt thành công 92% bệnh nhân);

- Ghép thần kinh chéo mặt và sau đó ghép cơ thon có chức năng vận động để điều trị liệt mặt (thực hiện từ 1987, đã phẫu thuật cho 190 bệnh nhân, đạt thành công 100%, có 1 luận án tiến sĩ về vấn đề này);

- Nối, ghép dây thần kinh ngoại vi (thực hiện từ 1988, đã phẫu thuật cho gần nghìn bệnh nhân với kết quả tốt đạt trên 70%, có 1 luận án tiến sỹ về vấn đề này);

- Chuyển thần kinh kép điều trị liệt thần kinh cơ bì - tức là chuyển 1 bó sợi vận động của thần kinh giữa và 1 bó sợi vận động của thần kinh trụ cho thần kinh cơ bì (thực hiện từ 2010, đã phẫu thuật cho 25 bệnh nhân với kết quả tốt đạt 25/25);

- Ghép thần kinh chéo ngực có nối mạch nuôi điều trị nhổ, đứt hoàn toàn các rễ thần kinh đám rối cánh tay (thực hiện từ 2006, đã phẫu thuật cho hơn 100 bệnh nhân với kết quả phục hồi gấp khuỷu là 100% và gấp cổ tay, ngón tay đạt trên 50% với mức từ M3 trở lên. Đang triển khai đề tài cấp Bộ Quốc phòng và luận án tiến sỹ về vấn đề này);

- Nối lại ống dẫn trứng, ống dẫn tinh (thực hiện từ 2003, đã phẫu thuật cho 5 bệnh nhân với thành công là 5/5 bệnh nhân);

- Nối dương vật đứt lìa (thực hiện từ 2009, phẫu thuật cho 3 bệnh nhân, thành công 3/3 bệnh nhân).

Ngoài ra, bệnh viện cũng đã thực hiện thành công phục hồi thực quản bị khuyết hổng bằng đoạn ruột non hoặc vạt da cân cẳng tay quay (1987) và nối động mạch trong sọ với động mạch ngoài sọ để điều trị tắc mạch máu não (phẫu thuật Gazi Yasargil, 1988).

Đi đôi với thu dung điều trị, công tác nghiên cứu khoa học và huấn luyện đào tạo nhằm triển khai rộng rãi KTVP ở Việt Nam cũng được bệnh viện đầu tư, kết quả là:

- Đề tài cấp Nhà nước “Ứng dụng và phát triển kỹ thuật vi phẫu” do GS, TSKH Nguyễn Huy Phan làm chủ nhiệm và Bệnh viện Trung ương quân đội 108 chủ trì được nghiệm thu năm 1990, đạt kết quả xuất sắc và được tặng Giải thưởng Nhà nước; 4 đề tài cấp Bộ Quốc phòng đã triển khai và được nghiệm thu đúng thời gian, đạt loại xuất sắc;

- Mở nhiều lớp đào tạo về KTVP cho bác sĩ quân đội và dân sự. Đến nay, nhiều học viên đã trưởng thành, làm nòng cốt cho việc thực hiện vi phẫu thuật tại một số bệnh viện lớn trong cả nước như: Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Quân y 103, Viện bỏng Quốc gia, Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Hà Nội, Bệnh viện Seint Paul, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng, Bệnh viện Quân y 175… Đồng thời, cán bộ Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cũng được mời chuyển giao kỹ thuật cho Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Quân y 175;

- Đã đào tạo 9 Tiến sĩ và nhiều Thạc sĩ, Bác sỹ chuyên khoa cấp II về vi phẫu thuật phục hồi, đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ cũng về lĩnh vực này;

- Cùng Nhà máy Z133 Bộ Quốc phòng sản xuất bộ dụng cụ để thực hiện KTVP (năm 1988) thay cho phải nhập ngoại.

Hướng phát triển trong thời gian tới

- Sử dụng vạt tự do trong tạo hình sọ mặt, vành tai, lưỡi;

- Chuyển ghép cơ có chức năng vận động thay thế cơ bị tổn thương do chấn thương;

- Chuyển khớp đốt ngón chân để phục hồi khớp bàn - ngón tay hoặc khớp đốt ngón tay;

- Ứng dụng kỹ thuật nội soi trong bóc tách lấy vạt để chuyển tự do.

File đính kèm:

GS, TS Nguyễn Việt Tiến (YHQS)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.