Web Content Viewer
ActionsQuá trình hình thành và phát triển tư tưởng quân sự Việt Nam
(Bqp.vn) - Là một nước nhỏ trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm luôn phải đấu tranh với các thế lực hơn đến xâm lược, Việt Nam đã sớm hình thành truyền thống quân sự của mình. Đó là truyền thống của một nước nhỏ luôn đánh thắng những kẻ thù, là truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước, là truyền thống quy tụ và tập hợp sức mạnh của cả dân tộc, sử dụng sức mạnh đó để chiến thắng kẻ thù. Truyền thống quân sự đó được tổng kết và lưu truyền qua các thế hệ: từ các binh thư, binh pháp, kế sách đánh giặc cứu nước, đến các quan điểm tư tưởng quân sự sau này là sự tiếp nối lịch sử của quá trình hình thành và phát triển tư tưởng quân sự Viêt Nam.
Tiền đề của tư tưởng quân sự Việt Nam gắn liền với các cuộc chiến đấu chống xâm lược có tổ chức diễn ra dưới các dạng thức như khởi nghĩa vũ trang giành độc lập hoặc các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Cuộc kháng chiến của người Âu Lạc chống nhà Tần, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cuộc chiến tranh chống xâm lược Nam Hán của Ngô Quvền đều thấy rõ dấu ấn của nghệ thuật quân sự, tài dùng binh của người Việt cổ. Dù sử sách không lưu truyền đầy đủ, lịch sử dựng nước và giữ nước trong khoảng thời gian từ thế kỷ I - IX đã đánh dấu bước phát triển của tư tưởng quân sự của người Việt cổ. Sang thế kỷ X, với sự ra đời của nhà nước phong kiến tập quyền là nhà Lý, tư tưởng quân sự Việt Nam đã có bước phát triển với bản “tuyên ngôn độc lập Nam quốc sơn hà” tương truyền là của Lý Thường Kiệt, với chiến lược “tiên phát chế nhân” đánh sang châu Khâm, châu Liêm phá cơ sở chuẩn bị tấn công sang nước ta của quân Tống, với chiến lược phòng ngự dựa vào thế hiểm của núi sông đã dựng lên phòng tuyến sông Như Nguyệt chặn được thế giặc mạnh, kết hợp phòng ngự với tấn công quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, chặn đường tiếp lương, cắt nguồn cung cấp, đẩy quân địch vào thế lúng túng, bị động, bị hao tổn lực lượng và suy yếu. Khi địch đã yếu, Lý Thường Kiệt chủ động hòa giải mở đường cho quân Tống rút lui. Với tài thao lược của mình, Lý Thường Kiệt đã đẩy lui giặc mạnh, thu lại đất đai, vẹn toàn bò cõi. Điều đó cho thấy sức mạnh quân sự Việt Nam, sức mạnh được khơi nguồn từ truyền thống, nghệ thuật quân sự riêng của Việt Nam nhằm động viên sức mạnh về mọi mặt của đất nước, giữ yên bờ cõi, chiến thắng xâm lược dù kẻ đó lúc đầu có thế mạnh hơn mình.
Tư tưởng quân sự Việt Nam thời nhà Lý còn chứng tỏ tư duy độc đáo của người Việt trong chính sách xây dựng quân đội, thực hiện việc “ngụ binh ư nông” để kết hợp giữa xây dựng lực lượng vũ trang với yêu cầu phát triển sản xuất.
Đến đời nhà Trần, nhà nước phong kiến Việt Nam tiếp tục thời kỳ phát triển thịnh trị. Trước yêu cầu tăng cường sức mạnh đất nước, xây dựng quân đội, chuẩn bị thế trận chống giặc, tư tưởng quân sự đời Trần có bước phát triển mới mà nền tảng của nó chính là khai thác sức mạnh của toàn dân trong bảo vệ đất nước. Kế sách “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” là một sự tổng kết có tính lịch sử gắn với điều kiện của đất nước, phản ánh quan điểm huy động sức mạnh đúng đắn của các triều đại phong kiến Việt Nam. Tư tưởng này đến nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó.
Về xây dựng lực lượng vũ trang, nhà Trần đã vận dụng chính sách của thời Lý “ngụ binh ư nông” đồng thời biết chia lực lượng vũ trang thành ba thứ quân: quân của triều đình thường được gọi là du quân (quân cơ động) hay đại quân; quân của các vương hầu ở các địa phương vừa bảo vệ thái ấp của các vương hầu vừa sẵn sàng tham gia đánh giặc khi có biến; lực lượng dân binh hình thành trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược là lực lượng chiến đấu tại chỗ, đánh địch ở khắp nơi tạo nên thế trận rộng khắp làm cho địch luôn bị động đối phó. Trong xây dựng lực lượng vũ trang, nhà Trần đã biết chú trọng xây dựng đội ngũ tướng lĩnh. Lập Giảng võ đường để đào tạo những người chỉ huy. Trong nội dung giảng dạy ở võ đường, không chỉ có binh pháp Trung Quốc như “Vũ kinh thất thư” mà còn có “An nam hành quân pháp” tức là binh pháp của Việt Nam được hình thành, được tổng kết qua các giai đoạn lịch sử chống giặc trước đó.
Đây cũng là thời kỳ xuất hiện một số tác phẩm quân sự của Việt Nam như “Binh gia yếu lược”, “Vạn kiếp tông bí truyền thư”, “Hịch tướng sĩ”. Dù có sách đã thất truyền hoặc có sách đã được đời sau thêm bớt, nhưng không vì thế có thể phủ nhận vai trò của nó đối với lịch sử phát triển tư tưởng quân sự Việt Nam.
Rõ ràng để hình thành các quan điểm quân sự của riêng mình không chỉ có nhu cầu cấp thiết, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, có cách thức tập hợp lực lượng thực hiện “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận”, tổ chức hội nghị “Diên Hồng” phát huy ý chí “sát thát” để bảo vệ tổ quốc, còn phải gắn với sự phát triển của nghệ thuật quân sự. Đó là cách thức đánh giặc “dĩ đoản chế trường”, tránh quân giặc mạnh đánh vào chỗ yếu của địch, thực hiện việc lui quân chiến lược với việc nhanh chóng tập hợp lực lượng đánh đòn quyết định vào lực lượng chủ yếu của địch... Nghệ thuật quân sự Việt Nam thời kỳ này còn ghi nhận sự phát triển qua việc sử dụng linh hoạt các lực lượng, các thứ quân đánh địch mọi lúc, mọi nơi, làm cho địch lúng túng và đẩy dần chúng vào thế bị động đối phó. Việc sử dụng một cách sáng tạo các chiến thuật phản công, nghi binh, phục kích, tập kích... đã làm cho lực lượng địch bị phân tán và suy yếu. Vì vậy, một đội quân mạnh như quân Nguyên - Mông mà ba lần xâm lược Việt Nam, ba lần bị thất bại thảm hại. Sự phát triển của tư tưởng quân sự ở giai đoạn này còn gắn liền với những tướng lĩnh tài giỏi, những nhà chiến lược quân sự thiên tài vạch ra kế sách đánh giặc đúng đắn, nuôi dưỡng quyết tâm, tổ chức lực lượng, nắm chắc thời cơ chỉ huy kiên quyết táo bạo đã đánh thắng những trận quyết chiến chiến lược giành thắng lợi cho cuộc chiến đấu chống xâm lược. Mà điển hình trong số họ đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông vừa là nhà chiến lược vừa là người chỉ huy tài giỏi, là tác giả của những tác phẩm quân sự đời nhà Trần. Những tác phẩm đã để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển tư tưởng quân sự Việt Nam.
Đời nhà Lê, tư tưởng quân sự Việt Nam được thể hiện qua cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, một cuộc khởi nghĩa kéo dài 10 năm và kết thúc bằng thắng lợi của nhân dân ta. Quân xâm lược nhà Minh đã bị đánh bại. Nhà Lê ra đời đánh dấu một giai đoạn lịch sử trong tiến trình phát triển của nhà nước phong kiến Việt Nam. Tư tưởng quân sự Việt Nam có bước phát triển với sự đóng góp to lớn của Nguyễn Trãi, nhà tư tưởng, danh sĩ lỗi lạc, bậc đại nho được coi là “kinh bang hoa quốc, cổ vô tiên” (dựng nghiệp làm rạng danh cho nước từ xưa chưa có). Người mà toàn bộ tâm trí đều giành cho việc tìm ra mưu đánh giặc, tìm nhiều kế sách cho việc yên dân. Từ “Bình ngô sách” đến “Bình Ngô đại cáo”, “Phú núi Chí Linh”, “Văn bia Vĩnh lăng” là những dạng khác nhau kể lại lịch sử và mưu lược đánh giặc Minh đến “Quân trung từ mệnh tập” ghi lại các thư từ qua lại với tướng tá Bắc Triều và các bài văn răn bảo tướng sĩ... Đó là những tác phẩm mà các đời sau có thể nghiên cứu, rút ra những tinh hoa quý giá bổ sung phát triển tư tưởng quân sự Việt Nam. Những tinh hoa đó được chắt lọc trong một bối cảnh khác với các cuộc chiến tranh chống xâm lược của các nhà Lý, Trần. Đó là bối cảnh đất nước bị nước ngoài xâm chiếm, phải phát động khởi nghĩa vũ trang, phát triển thành chiến tranh giải phóng đất nước và các kế sách dựng nước sau chiến tranh.
Điểm nổi bật trong tư tưởng quân sự nhà Lê là ý chí quyết tâm của cả dân tộc đoàn kết lại dưới ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn tạo nên sức mạnh to của cuộc khởi nghĩa lúc đầu, của cuộc chiến tranh giải phóng sau này, sức mạnh đó đã giúp cho nhân dân ta lật đổ ách thống trị của nhà Minh. Cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi được quần chúng ủng hộ còn bởi vì đã xuất phát từ lòng nhân nghĩa, lấy việc yên dân để xóa bỏ cường bạo. Vì vậy, khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra đã nhanh chóng tập hợp được “bốn phương manh lệ”, lực lượng khởi nghĩa nhanh chóng lớn mạnh để đủ sức đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Sự thành công của khởi nghĩa Lam Sơn còn là sự thành công của nghệ thuật khởi nghĩa, của mưu kế đánh giặc. Đánh bằng quân sự, bằng chính trị, bằng ngoại giao, dùng “mưu phạt tâm công”, đánh vào lòng đối phương làm cho kẻ thù nhanh chóng bị tan rã. Tư tưởng quân sự thời kỳ này còn được làm sáng tỏ ở những phương sách đúng đắn trong tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang từ nhỏ đến, từ đánh du kích đến đánh tập trung phối hợp nhiều đạo quân. Kinh nghiệm xây dựng lực lượng của nhà Lê vừa kế thừa truyền thống xây dựng lực lượng của các đời Lý, Trần vừa là sự vận dụng sáng tạo trong điều kiện thực tế nhằm xây dựng một đội quân vũ trang có tổ chức chặt chẽ, có sức mạnh chiến đấu cao. Điều này đã được tổng kết trong “Lam Sơn thực lực”: “Vỗ nuôi sĩ tốt, vời đón hiền giả, thu dụng nhân tài, sửa rèn khí giới, luyện tập binh tượng, dạy bảo phép ngồi đứng tiến lui, lại hun đúc bằng những điều nhân nghĩa. Khiến cho ai ai cũng hết lòng thành, thân với kẻ trên, chết cho người trưởng. Đem quân ấy ra mà chống nhau với giặc thì kẻ nào theo ý hướng ta sẽ sống, kẻ nào trái ý hướng ta sẽ chết”. Với cách thức xây dựng và luyện quân như vậy, lực lượng vũ trang đời Lê đã phát triển nhanh chóng và thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong chiến tranh giải phóng đất nước. Kinh nghiệm này đời sau còn phải nghiên cứu, học tập nhiều.
Tư tưởng quân sự đời Lê vừa thể hiện ý chí quyết tâm đấu tranh cho độc lập tự do, nhưng đồng thời cũng rất chú trọng kế sách giữ nước, cởi bỏ oán thù, thực hiện hòa hiếu để cho hết mối chiến tranh, giữ yên bờ cõi. Quan điểm đó được ghi rõ: “phục thù báo oán là lẽ thường tình của người ta, không thích giết người đó là bản tâm của kẻ nhân giả. Vả người ta đã hàng mà lại giết thì không gì không lành hơn nữa. Chi bằng tha cho ức vạn người, cho hết mối chiến tranh, cho tan đi thù hận khiến sử xanh ghi chép, nghìn thuở lưu thơm như thế há chẳng phải là sao” (Lam Sơn thực lực).
Nhà Tây Sơn với sự nghiệp của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã thực hiện được một nhiệm vụ lao đối với dân tộc và đất nước đó là xóa bỏ cục diện Trịnh - Nguyễn phân tranh, thống nhất đất nước; với chiến thắng quân Thanh ở phương Bắc, quân Xiêm ở phía Nam, tư tưởng quân sự Việt Nam đã có bước phát triển mới. Một dạng thức mới đã xuất hiện trong tư duy quân sự Việt Nam đó là diệt thù trong, đánh giặc ngoài, giữ yên bò cõi, nâng cao vị thế của nước Nam. Khẳng định ý chí quyết tâm “đánh cho trúc chẻ ngói tan, đánh cho phiến giáp bất hoàn, đánh cho trích luân bất phản. Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho sử tri nam quốc sơn hà chi hữu chủ” đó chính là sức mạnh của truyền thống văn hóa, là sự trường tồn của dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã ghi tiếp trong lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam nghệ thuật dùng binh thần tốc của Nguyễn Huệ, của quan điểm “binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Với quan điểm đó, tuy lực lượng quân Tây Sơn lúc đầu ít hơn quân đội của hai nhà Trịnh - Nguyễn nhưng Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn đã nhanh chóng phát triển, tăng cường sức mạnh, lật đổ ách thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đưa giang sơn thu về một mối. Cũng với quan điểm đó, lực lượng quân Tây Sơn tuy không hơn quân Xiêm, quân Thanh nhưng do được tổ chức tốt, huấn luyện tốt cùng với tài dùng binh như thần của Nguyễn Huệ, nên đã đại phá quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút, một trận quyết chiến chiến lược chấm dứt sự can thiệp của triều đình nhà Xiêm, khiến người Xiêm nhiều năm sau nghĩ đến mà chưa hết sợ. Cũng với đội quân đó, dưới ngọn cờ chỉ huy của Nguyễn Huệ đã đánh bại hàng chục vạn quân Thanh, khiến cho Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử, buộc Tôn Sĩ Nghị phải tháo chạy về nước. Nét độc đáo của tư tưởng quân sự thời Nguyễn Huệ còn được thể hiện ở chỗ cha ông ta đã biết qua đánh giặc mà nâng cao vị thế của nước Nam, khẳng định nước Nam này là có chủ, đồng thời biết nghị hòa trong thế mạnh để giữ gìn hòa bình, xây dựng đất nước.
Đến thời chống đế quốc, tư tưởng quân sự Việt Nam phải xử lý nhiều vấn đề khác hẳn mấy trăm năm về trước. Nó phải đương đầu với một phương thức tiến công mới lạ gắn sự phát triển của kinh tế tư bản với chính sách thực dân bóc lột và vơ vét thuộc địa, với bạo lực chưa từng thấy của nền đại công nghiệp tư bản. Suốt từ đầu thế kỷ XIX cho đến khi Hồ Chí Minh tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào yêu nước Việt Nam đã dấy lên mạnh mẽ, lúc bùng lên mãnh liệt, lúc âm ỉ nhưng không bao giờ tắt. Sự thử thách trong gần một thế kỷ giữa phong trào đấu tranh vũ trang của các sĩ phu yêu nước Việt Nam chống lại bạo lực của chủ nghĩa đế quốc thuộc một phương thức khác hẳn những kẻ thù cũ, cho thấy truyền thống tư tưởng quân sự của dân tộc phải được kế thừa và phát triển dưới ánh sáng của tư tưởng quân sự tiên tiến của giai cấp vô sản. Tư tưởng quân sự đó phải dựa trên sức mạnh của cả dân tộc, đoàn kết tập hợp mọi tầng lớp nhân dân chống kẻ thù xâm lược, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phong trào đấu tranh vũ trang nhằm giải phóng dân tộc mới đủ sức đánh bại và bẻ gãy các đội quân viễn chinh của bè lũ thực dân đế quốc.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời kế tục sự nghiệp mà ông cha đã làm dưới thời Bắc thuộc là tiến hành cuộc vận động phát huy tinh thần yêu nước, tập hợp lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột của bè lũ thực dân đế quốc giành độc lập dân tộc. Tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại chống đế quốc vừa thể hiện sự tiếp thu tinh hoa truyền thống quân sự dân tộc vừa phản ánh sự vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, gắn sự nghiệp giải phóng dân tộc với sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, thực hiện mục tiêu cao cả là giải phóng cho con người.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác -Lênin, đặc biệt là tư tưởng cách mạng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng đúng đắn cương lĩnh quân sự, đường lối nhiệm vụ quân sự qua các thời kỳ của cách mạng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, tư tưởng quân sự Việt Nam đã phát triển lên một tầm cao mới, tầm cao thời đại Hồ Chí Minh. Với nội dung khá toàn diện từ quan điểm về bạo lực cách mạng đến khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng và bảo vệ đất nước trong thời bình, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành nền tảng tư tưởng, ngọn đuốc soi đường cho hoạt động quân sự và đấu tranh vũ trang cách mạng ở Việt Nam, đồng thời góp phần phát triển lý luận quân sự Mác - Lênin trên một số vấn đề cụ thể.