Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Tôn Vũ và binh pháp của Tôn Tử

17:04 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Tôn Vũ (chưa rõ năm sinh) là nhà tư tưởng quân sự thời cổ, tướng nước Ngô cuối đời Xuân Thu (Trung Quốc), vốn là người nước Tề chạy loạn sang cư trú ở nước Ngô. Năm 512 trước công nguyên được Ngũ Tử Tư tiến cử, Tôn Vũ đã dâng lên vua Ngô 13 thiên binh pháp và được vua Ngô trọng dụng phong làm tướng quân. Ông đã cùng Ngũ Tử Tư phò tá vua Ngô, đề xuất mưu lược làm cho nước Ngô trở nên hùng mạnh. Năm 506 trước công nguyên, ông bày mưu cho vua Ngô đem 3 vạn quân đánh bại 20 vạn quân Sở bằng cách cho quân Ngô vu hồi kỳ tập vào vùng đông bắc nước Sở. Từ đó, nước Sở không còn khả năng tranh bá với nước Ngô nữa. Trong 30 năm phục vụ nước Ngô, Tôn Vũ đã làm cho nước Ngô từ một nước nhỏ, phá được nước Sỏ mạnh, uy hiếp các nước Tề, Tấn và bắt nước Việt phải thuần phục. Tác phẩm nổi tiếng “Binh pháp Tôn Tử” của ông được tôn là người thầy của binh gia trăm đời, là tác phẩm lý luận quân sự sâu sắc phản ánh tư tưởng quân sự thời cổ đại.

Binh pháp Tôn Tử

Bộ Binh pháp Tôn Tử được biên soạn thành sách vào khoảng năm 496 – 453 trước công nguyên. Khi yết kiến Hạp Lư, Tôn Vũ đã dâng cho vua Ngô 13 thiên binh pháp này. Mỗi thiên nhằm một chủ đề nhất định tạo thành một hệ thống tư tưởng hoàn chỉnh, được viết bằng cổ văn chữ Hán gồm hơn 5.900 chữ.

Giá trị to lớn của “Binh pháp Tôn Tử” trước hết chính là những quan điểm về chiến tranh, tác động của chiến tranh, bản chất của chiến tranh, mục đích của chiến tranh... ông khẳng định: “Chiến tranh là việc lớn của quốc gia, nó có quan hệ đến việc sống chết của nhân dân, việc mất còn của đất nước, không thể không suy xét một cách thận trọng”. Đây là sự đánh giá khá chính xác về vai trò chiến tranh trong đời sống xã hội loài người. Từ góc nhìn đó, “Binh pháp Tôn Tử” nêu mục đích chiến tranh là bảo tồn mình để giành chiến thắng. Người đánh trăm trận thắng cả trăm chưa thể kể là người tài giỏi nhất, không đánh mà buộc địch đầu hàng mới là người giỏi nhất. Để đạt mục đích đó, Tôn Tử đã chỉ ra năm nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh đó là: “Đạo, trời, đất, tướng, pháp”. “Đạo” là làm cho dân chúng thuận theo ýchí của quốc vương, sống chết vì quốc vương mà không sợ nguy hiểm. “Trời” là quy luật thay đổi về khí hậu, thời tiết như ngày đêm, mưa nắng, nóng lạnh. “Đất” là sự xa gần của vị trí địa lý, sự hiểm nguy, bằng phẳng của địa hình, sự rộng rãi hay chật hẹp, đâu là đất sống, đâu là đất chết. “Tướng” là những phẩm chất cần có của tướng soái, là sáng suốt, đáng tin cậy, nhân ái, dũng cảm, nghiêm túc. “Pháp” là các chế độ về biên chế quân đội, sắp xếp tướng soái và cung cấp hậu cần. Năm nhân tố này nói chung tướng soái đều biết, nhưng chỉ những người nhận thức sâu sắc những nhân tố này mới có thể đánh thắng. Cho nên, muốn so sánh nghiên cứu điều kiện của hai bên, tìm hiểu khả năng thắng bại, thì phải xem: Quốc vương bên nào được nhân dân ủng hộ nhiều hơn? Tài năng của tướng soái bên nào cao hơn? Quân đội bên nào thích ứng với thiên thời, địa lợi hơn? Pháp lệnh được quán triệt, chấp hành hơn? Thực lực quân sự bên nào mạnh hơn? Tố chất huấn luyện của quân lính bên nào tốt hơn? Thưởng phạt của bên nào nghiêm minh hơn? Căn cứ vào cách so sánh đó để phán đoán, thì sẽ dự kiến được ai thắng, ai thua.

Ngoài năm nhân tố cơ bản trên, “Binh pháp Tôn Tử” còn xác định: cần tạo thành một loại “thế” làm điều kiện bổ trợ để giành thắng lợi. Cái gọi là “thế” tức là hình thế được tạo thành dựa trên sự phán đoán tình huống, cơ biến linh hoạt, tránh điều hại, tìm điều lợi mà có. Dùng binh pháp tác chiến là một hành động đánh lừa đối phương, cho nên có năng lực tác chiến thì làm ra vẻ không có năng lực; muốn đánh thì làm ra vẻ không muốn đánh; muốn hành động ở gần thì làm ra vẻ hành động ở xa; muốn hành động ở xa thì làm ra vẻ muốn hành động ở gần. Dùng lợi nhỏ để nhử kẻ địch, nhân sinh hỗn loạn mà chiến thắng địch; kẻ thù có đầy đủ lực lượng thì phải phòng bị nó; kẻ địch có binh lực mạnh thì phải tránh xa nó; làm địch nổi giận để đánh bại nó; dùng lời lẽ nhún nhường để làm cho kẻ địch kiêu căng mà lơi lỏng; kẻ địch nhàn rỗi phải làm cho chúng mệt mỏi; kẻ địch đoàn kết phải tìm cách ly gián... Đánh vào nơi địch không chuẩn bị, ra quân lúc địch bất ngờ. Đó là bí quyết để giành thắng lợi của các nhà quân sự. Những điều đó chỉ có thể dùng ý mà hiểu, chứ không thể dùng lời mà truyền đạt được.

Bàn về tác chiến, “Binh pháp Tôn Tử” cho rằng: “Việc dụng binh quý thắng không quý lâu; người thiện chiến không gọi lính hai lần, không chở lương 3 lần” làm tiêu chuẩn và yêu cầu của thắng nhanh. Cuối cùng đề ra việc phải dùng lương thảo của địch, thắng địch mà mình ngày càng mạnh hơn là một thủ đoạn để giảm nhẹ chi phí nhân lực, vật lực, tài lực cho chiến tranh và để thực hiện được ý đồ “tốc chiến, tốc quyết”. Cho nên, tư tưởng quân sự của Tôn Tử khẳng định: Thượng sách của việc dụng binh là dùng mưu lược để thắng lợi, sau mới dùng đến ngoại giao đế giành thắng lợi, sau nữa mới dùng đến lực lượng quân sự để giành thắng lợi, hạ sách là đánh thành. Đánh thành là biện pháp bất đắc dĩ. Cho nên, người giỏi dùng binh tác chiến khuất phục quân đội địch mà không cần giao chiến, chiếm thành ốc của địch mà không cần cường công, hủy diệt đất nước địch mà không kéo dài ngày tháng, cần phải giỏi dùng mưu lược mà giành thắng lợi trong thiên hạ. Một quân đội như vậy không bị tổn thất đồng thời lại giành được thắng lợi to lớn, đó là nguyên tắc của “mưu công”. Để đạt được mục đích đó, cần phải biết được tình huống nào có thể tác chiến, tình huống nào không thể tác chiến: biết được cách căn cứ vào binh lực nhiều ít khác nhau mà vận dụng cách đánh khác nhau. Toàn quân trên dưới đoàn kết một lòng, dùng quân có chuẩn bị, ra quân đã sẵn sàng đế đối phó với địch không chuẩn bị. Cuối cùng, trong Thiên mưu công binh pháp, Tôn Tử rút ra một vấn đề có tính nguyên tắc cho mọi hoạt động tác chiến là muốn giành thắng lợi phải “biết mình, biết người trăm trận không nguy”.

“Binh pháp Tôn Tử” còn tiếp tục xác định những vấn đề có tính nguyên tắc trong chỉ đạo chiến lược, chiến thuật, trong vận dụng nghệ thuật quân sự đó là những vấn đề: So sánh lực lượng để quyết định hình thức tác chiến cho phù hợp, khiến cho mình ở vào thế không thể bị đánh bại. Đồng thời, trên cơ sở đó phát huy tính năng động, chủ quan tạo thành một loại “thế hiểm, tiết đoạn” để đánh thắng kẻ địch. Phải thực hiện được việc điều động địch chứ không để địch điều động mình. Hiểu rõ tung tích địch mà không để lộ tung tích mình. Tạo thành thế ta “thực” địch “hư”, và dùng phép “tránh thức, đánh hư” đế đạt được mục đích. Người biết căn cứ vào sự thay đổi của tình hình địch, biết vận dụng khả năng sẵn có của mình mà giành thắng lợi là “người dùng binh như thần”. Trong “Binh pháp Tôn Tử”, một số nguyên tắc chỉ huy tác chiến được xác định rất cụ thể: với quân địch có thể đánh vào khí thế của nó, vái tướng lĩnh của địch có thể làm lung lay quyết tâm của nó. Người giỏi dùng binh cần tránh nhuệ khí của địch, khi địch uể oải, mệt mỏi thì tấn công chúng. Đó là phương pháp đối phó với khí thế của địch, hay quân nghiêm chỉnh của ta đối phó với quân hỗn loạn của địch, lấy quân trấn tĩnh của ta đối phó với quân ồn ào của địch, lấy quân nhàn nhã của ta đối phó với quán mệt mỏi của địch, dùng phương pháp tiếp cận chiến trường của ta để đối phó với sự di chuyển từ xa tới của địch, lấy quân no đủ của ta mà đối phó vối quân đói khát của địch. Đó là phương pháp hạn chế chỗ mạnh của địch, khoét sâu chỗ yếu của chúng để tăng cường sức mạnh chiến đấu của phía ta. Không nên đón đánh quân địch có đội hình chặt chẽ, không nên tiến công quân địch có thế trận nghiêm chỉnh. Đó là phương pháp tác chiến cơ động, linh hoạt. Khi địch chiếm điểm cao thì không nên đón đánh, địch dựa lưng vào đồi núi thì không nên tấn công chính diện, quân địch giả vờ thua thì không nên truy kích. Quân địch gồm lực lượng tinh nhuệ thì không nên tấn công ngay. Quân địch nhử mồi thì không mắc lừa. Quân địch đã rút về nước thì không nên chặn đánh. Bao vây quân địch nên chừa một chỗ hở, quân địch đến bước đường cùng thì không nên truy bức. Đó là nguyên tắc chỉ huy tác chiến mà “Binh pháp Tôn Tử” đã đề cập.

“Binh pháp Tôn Tử” còn đề cập đến một số thủ đoạn tác chiến như hỏa công, dụng gián, hành quân và một vấn đề quan trọng khác được “Binh pháp Tôn Tử” đề cập và bàn tương đối kỹ, đó chính là vai trò của tướng lĩnh chỉ huy. Trong thiên “cửu biến”, Tôn Tử có nhấn mạnh việc dùng binh phải luôn luôn biến hóa. Người tướng thông hiểu về cái lợi của cửu biến là người biết dùng binh một cách tài tình, sáng tạo. Cho nên, làm tướng phải biết xem xét vấn đề một cách toàn diện, phải biết cái lợi, cái hại để dùng binh. Cuối cùng, Binh pháp chỉ ra: “người tướng soái nếu cứ khư khư vào bản ý của mình mà không linh hoạt thì sẽ rất nguy hiểm, rất có thể sẽ làm cho toàn quân tan vỡ, tướng soái bị giết”.

Qua những vấn đề cơ bản mà “Binh pháp Tôn Tử” trình bày có thể thấy đây là tác phẩm kinh điển, xuất sắc về quân sự, có ảnh hưởng rất sâu rộng tới quá trình phát triển lý luận quân sự sau này.

Trên nền tảng tư tưởng biện chứng chất phác, cái đáng trân trọng trong “Binh pháp Tôn Tử” là nắm toàn cục chiến tranh, chiến lược và chiến thuật để khái quát thành nguyênlý chung. Hệ thống các nguyên tắc trong “Binh pháp Tôn Tử” thống nhất trong một chỉnh thể và liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, muốn hiểu một cách cặn kẽ một nguyên tắc nào đó được đề cập không thể chỉ xem một đoạn, một chương mà phải xem toàn bộ tác phẩm mới có được nhận thức hoàn chỉnh và trọn vẹn. “Binh pháp Tôn Tử” có ảnh hưởng đối vối lịch sử tư tưởng quân sự, hoạt động quân sự. Nhiều nhà nghiên cứu lý luận quân sự sùng bái và ca ngợi Tôn Tử. Mao Nguyên Nhị, người Trung Quốc đời Minh đã từng nói: “Những người trước Tôn Tử, Tôn Tử không bỏ sót ai, những người sau Tôn Tử không ai bỏ qua được Tôn Tử”. Có thể nói, sự xuất hiện của “Binh pháp Tôn Tử” đã đem lại sự phát triển sâu rộng cho lý luận quân sự qua các thời đại. Ngay từ đời Đường, “Binh pháp Tôn Tử” đã du nhập vào Nhật Bản, Triều Tiên. Nhật Bản rất sùng bái “Binh pháp Tôn Tử” và gọi nó là “ông tổ của binh học phương Đông”, “binh thư số một của thời kỳ cổ đại”. Khoảng cuối thế kỷ XVII, “Binh pháp Tôn Tử” được truyền sang các nước châu Âu, châu Mỹ. Năm 1772, nó được dịch sang tiếng Pháp. Vào lúc đó, một tạp chí lý luận của Pháp đã viết: “Nếu các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Pháp đều được đọc những tác phẩm ưu tú như cuốn “Binh pháp Tôn Tử” này thì là phúc cho nước Pháp. Người ta nói rằng Napôlêông khi bị đày ra đảo Xanhhêlen tình cờ được đọc “Binh pháp Tôn Tử” đã vỗ bàn khen và cảm thán nói: “Nếu ta sớm thấy được bộ binh pháp này thì ta không thể bị thất bại”.

Ở Việt Nam, “Binh pháp Tôn Tử” đã được trân trọng và đã được vận dụng sáng tạo trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phép dùng binh của ông Tôn Tử tuy đã lâu đời nhưng những nguyên tắc của ông đến nay vẫn còn rất đúng. Những nguyên tắc dùng binh của Tôn Tử chẳng những đúng về quân sự, mà dùng về chính trị cũng rất hay”. Trong những năm chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền và những ngày đầu cách mạng mới thành công, Người đã viết 11 bài về cách dùng binh của Tôn Tử để huấn luyện cho dân chúng và bộ đội.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.