Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Ngô Khởi và binh pháp Ngô Khởi

17:02 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Ngô Khởi (khoảng năm 440 - 381 trước công nguyên) người nước Vệ (nay gần Định Đào, Sơn Đông, Trung Quốc) là nhà cải cách chính trị, tướng soái quân sự, đồng thời ông cũng là một nhà lý luận quân sự xuất sắc. Ông đã từng làm tướng của nước Lỗ, quận thú quận Tây Hà của nước Ngụy, làm lệnh doãn của nước Sở. Quách Mạt Nhược đánh giá: “Ngô Khởi là nhân vật vĩnh viễn không thể phai mờ trong lịch sử Trung Quốc... là nhà binh học, ông nổi tiếng ngang với Tôn Vũ, là nhà chính trị, ông nổi tiếng ngang với Thương Ưởng”.

Tác phẩm “Binh pháp Ngô Khởi” là tác phẩm xuất sắc về lý luận quân sự thời Trung Quốc cổ đại. Tuy hiện nay chỉ còn lưu truyền 6 thiên là: Đồ quốc, Liệu địch, Trị binh, Luận tướng, ứng biến và Lệ sĩ nhưng đã phản ánh sâu sắc tư tưởng quân sự thời cổ đại không kém gì “Binh pháp Tôn Tử”. Nội dung của “Binh pháp Ngô Khởi” đề cập đến là:

- Về chiến tranh (quan niệm về chiến tranh), Ngô Khởi đã đưa ra một ý kiến đúng đắn là với bất kỳ quốc gia nào cũng “cần trong thì sửa văn đức, ngoài thì lo võ bị”, không thể coi nhẹ mặt nào.

- Về nhân tố cơ bản quyết định thắng bại trong chiến tranh, “Binh pháp Ngô Khởi” đã kế thừa “Binh pháp Tôn Tử” và chỉ rõ: “Đạo là làm cho dân chúng thuận theo ý chí của quốc vương” và phát triển thêm “Trước hết cần giáo dục bách tính, gần gũi muôn dân. Không nên hành động trong bốn tình huống bất hòa: Trong nước không thống nhất ý chí, không thể xuất quân; nội bộ quân đội không đoàn kết, không thể ra trận; khi lâm chiến, trận thế không chỉnh tề, không thể ra đánh; hành động chiến đấu không phối hợp, không thể giành thắng lợi. Do đó, bậc vua sáng khi chuẩn bị đưa dân chúng vào chiến tranh trước hết phải đoàn kết họ lại. Dân chúng biết được nhà vua yêu quý tính mạng của họ, thương xót trước cái chết của họ, chuẩn bị chu đáo như thế thì khi dẫn họ đi chiến đấu họ sẽ tận lực lấy cái chết làm vinh, coi việc sợ chết thoái lui là sỉ nhục”.

“Binh pháp Ngô Khỏi” còn chỉ rõ: “đạo” dùng để khôi phục bản tính thiện lương của con người, “nghĩa” dùng để khiến người ta lập nên công nghiệp, “mưu”dùng để đạt điều lợi tránh điều hại, “yếu”dùng để củng cố, bảo toàn thành quả sự nghiệp. Nếu hành vi không hợp với “đạo”, cử động không hợp với “nghĩa” mà nắm quyền lẫn giữ chức cao thì sẽ tai họa vô cùng. Cho nên, bậc thánh nhân dùng “đạo” để vỗ yên thiên hạ, dùng “nghĩa” để trị lý quốc gia, dùng “lễ” để động viên dân chúng, dùng “nhân” để chăm sóc muôn dân. Bốn đức tốt đó nếu được phát huy thì đất nước hưng thịnh, nếu phế bỏ thì đất nước suy vong.

“Binh pháp Ngô Khởi” còn nêu lên một quan điểm mới: “Giành thắng lợi tương đối dễ dàng, củng cố thắng lợi mới là khó. Cho nên, nhờ nhiều lần thắng lợi mà giành được thiên hạ là ít có, do vậy mà mất nước thì nhiều hơn”. Điều này chứng tỏ Ngô Khởi đã nghiên cứu sâu sắc những bài học của nhiều cuộc chiến tranh trong các thời đại trước, cụ thể hóa quan điểm “thận chiến” và tư tưởng “chiến tranh cốt thắng, không cốt lâu” của “Binh pháp Tôn Tử”, về các nguyên tắc chiến lược, chiến thuật trong hai thiên “Liệu địch” và “ứng biến”,”Binh pháp Ngô Khởi” đã vận dụng yêu cầu “biết địch” của “Binh pháp Tôn Tử” vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể phân tích tình hình 6 nước Tần, Sở, Triệu, Tề, Yên, Hàn; căn cứ tình hình khác nhau để đề ra các biện pháp đối phó khác nhau. Tuy nhiên, những điều đề cập trong “Binh pháp Ngô Khởi” mới chỉ có tác dụng gợi ý về mặt nguyên tắc vì mới xuất phát từ nhận định khái quát, chưa xuất phát từ diễn biến có thể thiên biến vạn hóa trên chiến trường. Do đó, giá trị chỉ đạo thực tiễn còn có phần hạn chế.  Những đoạn phân tích về “tám trường hợp không cần qua bói toán cũng có thể đánh ngay” có giá trị chỉ đạo về tư tưởng tác chiến: Phải nắm vững thời cơ, khi địch đang ở vào hoàn cảnh khó khăn hoặc sơ hở thì không được ngần ngại, phải nhanh chóng quyết đoán tiến công tiêu diệt chúng. Ngoài ra, “Binh pháp Ngô Khởi” còn nêu cách xử trí trong một số tình huống cụ thể như tao ngộ chiến, cách đánh địch có thành lũy vững chắc, phương pháp tác chiến trong vùng núi, vùng đầm lầy... những điều đó có giá trị chỉ đạo tác chiến trong lịch sử phát triển quân sự của các dân tộc mà trước hết là của các dân tộc phương Đông. Ngày nay, những cách thức đó vẫn còn giá trị tham khảo trong tác chiến hiện đại.

- Về nguyên tắc luyện binh, chọn tướng và chế độ thưởng phạt.

Các thiên “Trị binh”, “Luận tướng”, “Lệ sĩ” đã đề xuất tương đối cụ thể các nguyên tắc luyện binh, chọn tướng và chế độ thưởng phạt cho các quân sĩ. “Binh pháp Ngô Khởi” còn nhấn mạnh việc huấn luyện kỹ năng chiến đấu cơ bản và ý thức chiến thuật cho binh sĩ; phân công, sử dụng binhsĩ theo đúng sở trường, sở đoản; nêu cao tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh chỉ huy; tầm quan trọng của việc quy định thống nhất tín hiệu chỉ huy, liên lạc... về phẩm chất người làm tướng, “Binh pháp Ngô Khởi” đã phân tích mối quan hệ giữa “trí, tín, nhân, dũng, nghiêm” mà “Binh pháp Tôn Tử” đã nêu, đặc biệt nhấn mạnh đến”trí” và nêu lên năm yêu cầu cụ thể với người tướng cầm quân là: “lý, bị, quả, giới, ước”.

Ngô Tử viết những người gồm đủ văn võ mới có thể làm tướng. Biết khi cứng khi mềm mới có thể cầm quân tác chiến. Nói chung khi bàn về tướng, người ta chỉ nhìn về mặt dũng cảm. Nhưng dũng cảm mới chỉ là một trong những điều kiện của người làm tướng. Chỉ dũng cảm đơn thuần thì dễ khinh suất ứng chiến; khinh suất ứng chiến mà không tính toán lợi hại thì không thể làm tướng. Cho nên, có 5 điều mà người làm tướng cần chú ý: một  là “lý” hai là “bị”, ba là”quả”, bốn là “giới”, năm là “ước”. “Lý” tức là quản lý chỉ huy nhiều quân cũng như ít quân đều phải có quy củ. “Bị” là lúc nào cũng phòng bị nghiêm chỉnh như đang đôi diện với kẻ địch. “Quả” là khi lâm trận không nghĩ gì đến sinh mạng bản thân. “Giới” là tuy đã thắng trận nhưng vẫn thận trọng như lúc mới giao chiến, “ước” là mệnh lệnh gọn rõ không lôi thôi dài dòng. Khi nhận mệnh lệnh không thoái thác, đánh thắng địch rồi mới nói chuyện quay về. Đó là quy tắc mà người làm tướng cần tuân thủ.

Thiên”Lệ sĩ” chủ yếu luận bàn về việc luận công khen thưởng đối với người có công và gia đình họ.”Binh pháp Ngô Khởi” nêu rõ phải làm sao cho ban bố hiệu lệnh, mọi người vui vẻ chấp hành; ra quân đánh trận, mọi người vui vẻ tham chiến; xung phong hãm trận, mọi người vui vẻ xông vào chỗ chết. Những biện pháp để đạt tới điều đó trong “Binh pháp Ngô Khởi” đã đề cập đến những vấn đề luận công khen thưởng.

Có thể nói”Binh pháp Ngô Khởi” có giá trị rất lớn về mặt chỉ đạo hoạt động quân sự, là một tác phẩm lý luận quân sự cổ đại góp phần phát triển tư tưởng quân sự của Tôn Tử. Ưu điểm chủ yếu của “Binh pháp Ngô Khởi” là nêu lên được những nguyên tắc về xây dựng huấn luyện quân đội, về quan hệ quan binh và những thí dụ cụ thể về xử trí trong nhiều tình huống tác chiến khác nhau. Về tầm khái quát mang tính triết học quân sự, “Binh pháp Ngô Khởi” chưa đạt tới tầm của “Binh pháp Tôn Tử”. Về tính chất chiến tranh, “Binh pháp Ngô Khởi” tuy có nêu lên 5 loại nguyên cớ phát động chiến tranh và cách đối phó với 5 loại chiến tranh đó nhưng việc đế xuất vẫn chỉ dừng lại ở hiện tượng bên ngoài, không  đi sâu vào bản chất. Cách đối phó cũng chỉ thuần túy là suy đoán tự biện, rất khó tìm thấy một chứng cứ nào trong thực tiễn chiến tranh. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, “Binh pháp Ngô Khởi” đã đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển tư tưởng quân sự thời cổ đại. Nó có giá trị nhất định để chúng ta trân trọng nghiên cứu và tham khảo.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.