Web Content Viewer
ActionsNghệ thuật quân sự trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918)
(Bqp.vn) - Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nghệ thuật quân sự được phát triển mạnh trên cả 3 lĩnh vực: chiến lược quân sự, chiến dịch và chiến thuật.
1. Chiến lược
Khi vạch ra các kế hoạch chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, các nước tham chiến đã chú ý đến khả năng kinh tế của đất nước, đến các lực lượng dự bị chiến lược, tổ chức phối hợp hành động chiến lược với nhau, dự kiến hiệp đồng tác chiến giữa lục quân và hải quân...
Song, các kế hoạch đều không thực hiện được, do các nước vạch ra theo ý chủ quan của mình và bị mắc nhiều sai lầm. Bên cạnh đó, còn do những mâu thuẫn gay gắt trong quá trình chiến tranh, gây cản trở việc thực hiện các kế hoạch vạch ra. Mở đầu chiến tranh, tất cả các nước đều đã vận dụng hình thức tiến công chiến lược, nhằm giành thắng lợi nhanh chóng và quyết định, song đều không xác định hướng tiến công chủ yếu để tập trung mọi nỗ lực giành thắng lợi, do đó các kế hoạch đều mang tính chất phiêu lưu, đánh giá thấp đối phương, ngược lại quá đề cao sức mạnh của mình, dẫn đến không nước nào thực hiện được mục tiêu đã đề ra trong quá trình tiến công.
Quá trình diễn biến chiến tranh, thực tế do bị thiệt hại và không đủ sức để tiếp tục tiến công nữa, các nước của cả hai khối quân sự đã buộc phải chuyển vào phòng ngự chiến lược trên toàn bộ mặt trận bằng các hệ thống trận địa dày đặc, nhằm mục đích tranh thủ thời gian, chuẩn bị lực lượng mọi mặt để chuyển sang tiến công.
Về cơ bản, phòng ngự chiến lược trong cuộc chiến tranh đạt hiệu quả cao, ngăn chặn và đẩy lùi được các cuộc tiến công của đối phương, giữ vững các khu vực, mục tiêu phòng ngự. Điều này cho thấy rõ phòng ngự trong cuộc chiến tranh mạnh hơn tiến công.
Một bài học chiến lược to lớn là nước nào có nền kinh tế phát triển, có nhiều lực lượng dự bị sẽ có khả năng bảo đảm cho lực lượng vũ trang của mình giữ và tăng thêm sức mạnh, thực hành hoạt động tác chiến liên tục và dài ngày trong cuộc chiến tranh kéo dài.
Sự chỉ đạo chiến lược quân sự trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất có bước phát triển mới do tổ chức quân đội phát triển (phương diện quân, cụm tập đoàn quân...).
Hệ thống tổ chức chỉ huy được tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới.
2. Chiến dịch
Các yếu tố để hình thành chiến dịch xuất hiện ở cuối thời đại tư bản chủ nghĩa, bước sang thời đại đế quốc chủ nghĩa, được phát triển lên một bước mới trong các cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc với nhau. Chiến dịch là hiện tượng khách quan của nghệ thuật quân sự ra đời trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất; đồng thời là lĩnh vực lý luận và thực tiễn của nghệ thuật quân sự, vạch ra các phương pháp và hình thức chuẩn bị và tiến hành các chiến dịch trong chiến tranh.
Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, đã xuất hiện một số loại hình chiến dịch của lục quân binh chủng hợp thành và phát triển ngày càng hoàn thiện.
Các loại hình chiến dịch đã vận dụng trong chiến tranh chủ yếu là chiến dịch tiến công, chiến dịch phòng ngự.
Chiến dịch tiến công là một loại hình chiến dịch cơ bản để giành thắng lợi của các khối quân sự trong chiến tranh thế giới lần thứ Nhất. Chiến dịch tiến công gồm tiến công vận động và tiến công trận địa.
Các chiến dịch tiến công vận động chiến tuy có quy mô, nhưng chưa chiến dịch nào thực hiện được tiêu diệt đối phương ở quy mô chiến dịch, mà chỉ mới tiêu hao, đẩy lùi đối phương, không giành được thắng lợi quyết định.
Chiến dịch tiến công trận địa trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổi bật vấn đề quan trọng nhất là tìm kiếm các phướng pháp đột phá trận địa phòng ngự đối phương có hiệu quả.
Phương pháp thứ nhất là thực hiện đột phá trên một chính diện rộng từ 40 km trở lên ở khu vực trận địa phòng ngự của đối phương.
Phương pháp đột phá thứ hai là đột phá từng khu vực nhỏ hẹp 12 - 15 km của mặt trận.
Phương pháp đột phá thứ ba của chiến dịch tiến công là đột phá ở một số đoạn trên một chính diện tiến công rộng.
Từ cuối năm 1914, các nước tham chiến đều buộc phải chuyển sang tác chiến phòng ngự, hình thành chiến dịch phòng ngự với các quy mô tập đoàn quân, phương diện quân và cụm tập đoàn quân. Các hình thức chiến dịch phòng ngự ngày càng phát triển.
Hình thức đầu tiên của chiến dịch phòng ngự là dựa vào các công sự kiên cố, vận dụng trong năm 1914. Hình thức phòng ngự này có nhược điểm là thiếu vững chắc, đối phương có thể đột phá được bằng hỏa lực pháo binh.
Hình thức phòng ngự trận địa, kết hợp giữa các công sự cố định và dã chiến xuất hiện năm 1915 có bước phát triên cao hơn trước. Đó là tính vững chắc cao trong phòng ngự, bảo đảm giữ vững các khu vực và mục tiêu chiến dịch đề ra.
Hình thức chiến dịch phòng ngự trận địa kiên cố có thể được hình thành trong năm 1916.
Hình thức phòng ngự co dãn xuất hiện trong năm 1917 và 1918. Để đánh đòn đột kích mạnh ban đầu của đối phương, bên phòng ngự bố trí thêm các đơn vị và trận địa cảnh giới ở tiền tuyến phòng ngự. Khi thực hành tiến công, nếu đối phương tiến hành đột kích bằng hỏa lực, thì cũng chỉ đột kích vào chỗ không người, và chỉ có thể chiếm được một vài trận địa. Sau đó, bên phòng ngự, bằng các đòn phản đột kích mạnh mẽ, đẩy lùi đối phương về tuyến xuất phát tiến công.
3. Chiến thuật
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học kỹ thuật nói chung và khoa học kỹ thuật quân sự nói riêng, phương pháp tổ chức và tiến hành trận chiến đấu tiến công ngày càng được hoàn thiện.
Các nguyên tắc chiến thuật chiến đấu binh chủng hợp thành được hình thành do quân đội các nước được trang bị nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh (như pháo binh, máy bay, xe tăng...). Nguyên tắc này đời hỏi trong các trận chiến đấu tiến công, muốn đạt hiệu quả, phải phối hợp tác chiến giữa bộ binh, pháo binh, xe tăng, máy bay, bộ đội công binh và các binh chủng kỹ thuật khác. Thắng lợi đạt được là do tác chiến hiệp đồng các binh chủng, quân chủng.
Các phương pháp tổ chức và tiến hành trận chiến đấu phòng ngự cũng phát triên và ngày càng hoàn thiện trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Khi tổ chức phòng ngự, bên phòng ngự chú ý xây dựng thêm hầm, hào cho bộ binh, cho các ổ súng máy, làm hầm tránh đại bác, hầm trú ẩn và hệ thống hào giao thông.
Đội hình chiến đấu phòng ngự hình thành thê đội có chiều sâu, đồng thời tập trung trên chính diện. Điều đó cho phép các binh đoàn, binh đội phòng ngự bố trí thê đội hai và các lực lượng dự bị được bí mật. Quá trình phòng ngự đã thực hiện phản kích để tăng thêm sức đề kháng trong chiều sâu phòng ngự.