Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Học thuyết QSVN trước thời đại Hồ Chí Minh (phần I): Sự cần thiết nghiên cứu Học thuyết QSVN trước thời đại Hồ Chí Minh và phương pháp tiếp cận

09:51 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Cho đến nay, một số cán bộ lãnh đạo, nghiên cứu vẫn cho rằng cái đáp ứng nhu cầu trước mắt là làm rõ Học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, còn nội dung Học thuyết quân sự Việt Nam thời ông cha nếu có thì cũng chưa cấp bách và vị tất đã có gì mới so với các tác phẩm đã viết về “ông cha đánh giặc”, về “Lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam”.

1. Sự cần thiết phải nghiên cứu Học thuyết quân sự Việt Nam trước thời đại Hồ Chí Minh

Phải chăng, ở đây đã có một sự lẫn lộn giữa nghệ thuật quân sự và học thuyết quân sự? Trong khi những vấn đề về chỉ đạo chiến tranh trong thời đại mới đã được nhiều cơ quan chức năng tổng kết một cách có hệ thống, nhiều cuộc hội thảo khoa học nghiên cứu phân tích, có thể qua đó mà khái quát thành những nội dung chủ yếu của Học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh thì những nội dung chỉ đạo của ông cha phần vì tư liệu bị các thế lực xâm lược cố tình tiêu hủy xuyên tạc, phần bị tản mát đội ngũ quan tâm nghiên cứu vấn đề này chưa phải đã thật đông đảo.

Thử tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này:

Cuối năm1941, sau khi chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII quyết định đường lối, chính sách giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, để đáp ứng nhu cầu thức tỉnh mọi giới, mọi tầng lớp nhân dân tham gia Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật, Bác Hồ đã tự tay viết tập diễn ca “Lịch sử nước ta” dài 208 câu làm tài liệu học tập cho các lớp huấn luyện ở chiến khu và phổ biến rộng rãi trong nhân dân, mở dầu bằng câu “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Bài diễn ca ôn lại lịch sử Việt Nam từ đời Hồng Bàng đến cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, kể lại sự tích của anh hùng dân tộc tiêu biểu, nêu gương cho từng giới gái trai, già trẻ, phân tích sự hưng vong qua các triều đại, dành phần đáng kể nói về sự suy yếu của Pháp - Nhật lúc đó, nói về tôn chỉ mục đích của Việt Minh, kêu gọi nhân dân hưởng ứng. Đó  chính là bài học mưu tính việc lớn của đất nước không thể bỏ qua phương pháp “xét xưa nghiệm nay, gắng tìm hiểu hưng vong mọi lẽ” của Nguyễn Trãi.

Năm 1947, nói về đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì phải làm”. Đủ biết trong tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử là một dòng chảy liên tục, không hiểu ông cha thì cũng không dễ gì hiểu đúng thời nay.

Về cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam, để bảo đảm tính khách quan, có thể nhắc lại những luận điểm trong luận án tiến sĩ của giáo sư sử học Deopik D. V., một chuyên gia lớn về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á: “Để hiểu lịch sử Việt Nam, cần phải biết rằng đó là một dân tộc năng động nhất Châu Á. Ta cũng phải lưu ý đến tính năng bền vững dân tộc (ethnique) của người Việt, đến một hiện tượng có một không hai trong sự bảo tồn bản sắc dân tộc dưới ách thống trị ngàn năm của ngoại bang. Kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam đã đưa ra một ví dụ hiếm hoi về sự tiến hành thắng lợi trong nhiều thế kỷ những cuộc chiến tranh giải phóng với những đối phương mạnh hơn hẳn. Điều này dẫn tới sự hình thành một “chủ nghĩa dân tộc phong kiến rất ít thấy trên thế giới...”.

Trong bất cứ lĩnh vực nào, bỏ qua lịch sử là đánh mất lai lịch chính bản thân mình. Đã đánh mất lai lịch thì không còn gì để chiêm nghiệm, suy ngẫm, lý giải, ứng xử trong cuộc đấu tranh để tồn tại và phát triển trong hiện tại và tương lai.

Nghiên cứu Học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại mới mà không tìm hiểu ông cha đã xử lý các vấn đề tương tự, không chỉ về nghệ thuật quân sự mà còn về các lĩnh vực chỉ đạo nghệ thuật quân sự thì cũng không có cứ liệu gì để khẳng định ta có một trường phái quân sự riêng của dân tộc Việt Nam.

Nghiên cứu lịch sử Việt Nam, ta thấy một nét rất xuyên suốt và nhất quán: đó là thời nào cũng phải huy động sức mạnh toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh giành lại độc lập, chủ quyền, chuẩn bị và tiến hành chiến tranh tự vệ chống xâm lược khiến cho không một tình huống chiến lược nào xảy ra trong thời đại mới mà chưa có tiền lệ trong lịch sử, không có một bài học ứng xử nào của ông cha về bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc mà con cháu có thể coi là đã lỗi thời, không còn phù hợp trong thời đại mới (kể cả bài học muốn chống xâm lược phía trước phải lo ổn định phía sau, muốn ổn định ở phương Bắc phải chủ động giải tỏa vu hồi ở Tây Nam).

2. Phương pháp tiếp cận Học thuyết quân sự Việt Nam

Khi nghiên cứu các vấn đề quân sự, mỗi chủ đề phải lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với đặc điểm của chủ đề. Đường lối quân sự là hệ thống các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo mang tính thời điểm, đời hỏi phải xem xét và lãnh đạo cụ thể trong tình hình cụ thể: Thời chuẩn bị khởi nghĩa khác thời chiến tranh giải phóng; lãnh đạo phòng thủ thời bình khác lãnh đạo chiến tranh chống xâm lược.

Nghệ thuật quân sự là phương thức tiến hành đấu tranh vũ trang, không đi vào chỉ đạo phướng hướng như đường lối mà chỉ ra cách đánh chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, cách đánh trong khởi nghĩa khác cách đánh trong chiến tranh giải phóng, cũng không giống cách đánh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Học thuyết quân sự Việt Nam là tổng thể các luận điểm rút ra từ hệ thống kiến thức, lý luận, phương pháp luận về quân sự và các vấn đề có liên quan ở trình độ khái quát nhất, nhằm nâng cao nhận thức, bồi dưỡng quan điểm xem xét và xử lý các vấn đề quân sự có nét riêng của dân tộc Việt Nam. Ở một nước đất không rộng, người không đông, luôn phải đương đầu với những đối tượng lớn mạnh hơn gấp nhiều lần trong cảnh không phải lúc nào cũng giữ được độc lập chủ quyền, phải luôn phòng chống nguy cơ bị đồng hóa và thôn tính (chưa phải vấn đề cũ so với hiện nay), vấn đề tìm nguồn sức mạnh, quy tụ và tạo dựng sức mạnh còn khó hơn sử dụng sức mạnh. Bởi vì, nước ta không giống các cường quốc “lắm người nhiều của”, cần gì có nấy, muốn “dùng binh” phải có binh lực đủ sức đương đầu với các đạo quân có binh hùng tướng mạnh, muốn khởi nghĩa phải có lực lượng dám đứng dậy khởi nghĩa, muốn kháng chiến lâu dài, phải có nhân, tài, vật lực để kháng chiến lâu dài. Khi đã có đủ sức mạnh, sử dụng như thế nào không phải là việc riêng của học thuyết quân sự mà trước hết là việc của nghệ thuật quân sự. Học thuyết chỉ cần khẳng định những luận điểm nhằm trang bị hệ thống kiến thức, trình độ lý luận, phương pháp luận cho vấn đề sử dụng sức mạnh đó sao cho có lợi nhất cho sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Đó là nét riêng của Học thuyết quân sự Việt Nam, cũng là nét phân biệt học thuyết quân sự với nghệ thuật quân sự.

Bởi vậy Học thuyết quân sự Việt Nam lựa chọn phương pháp tiếp cận trên hai góc độ:

- Học thuyết quân sự Việt Nam về quy tụ và tạo dựng sức mạnh cho sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc ;

- Học thuyết quân sự Việt Nam về sử dụng sức mạnh Việt Nam vào sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.

Đương nhiên quy tụ, tạo dựng và sử dụng không phải chỉ là những hoạt động cụ thể mà trước hết phải có lý luận, quan điểm, phương pháp luận chỉ đạo rành rọt mới quy tụ, tạo dựng nổi sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc để giành và giữ độc lập, chủ quyền.

Tạo dựng tốt mới có sức mạnh mà sử dụng. Sử dụng tốt mới góp phần tạo dựng tốt để thực hiện càng đánh càng mạnh. Quy tụ và sử dụng sức mạnh chỉ có thể thực hiện tốt trên cơ sở đánh giá đúng mặt mạnh, yếu của kẻ thù đế làm chuyển biến so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta.

Những quan điểm chỉ đạo của Học thuyết quân sự Việt  Nam thể hiện thành những luận điểm tương đối xuyên suốt và nhất quán. Những khác biệt về vận dụng trong khởi nghĩa, chiến tranh giải phóng, phòng thủ thời bình và chiến tranh tự vệ chỉ cần giải thích thêm cho rõ chứ không lấy đó làm đề mục chuyên sâu như đường lối quân sự.

Phương pháp đó giúp cho công tác nghiên cứu Học thuyết quân sự Việt Nam tiếp cận vấn đề một cách khái quát nhất, đúng tầm cỡ học thuyết, không sa vào các vấn đề của nghệ thuật quân sự, cũng không làm thay đường lối quân sự trong từng giai đoạn cụ thể khi đã có Đảng cộng sản lãnh đạo cách mạng, cũng không lẫn lộn với chiến lược như vài nước phương Tây.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.