Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Bước đầu tìm hiểu Học thuyết QSVN (phần II): Bước đầu tìm hiểu Học thuyết quân sự Việt Nam

10:11 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Chủ đề “Học thuyết quân sự Việt Nam” được triển khai nghiên cứu cách đây đã nhiều năm với nhiều cộng tác viên trong và ngoài quân đội. Những thành quả bước đầu được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in thành sách dưới nhan đề “Tìm hiểu Học thuyết quân sự Việt Nam” vào năm 1997 và “Phác thảo Học thuyết quân sự Việt Nam” vào năm 1999. Đến năm 2000, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia lại xuất bản tập “Tìm hiểu quan điểm giữ nước và sự hình thành Học thuyết quân sự Việt Nam” của cùng tác giả.

Ngay từ ý tưởng ban đầu, những người đề xuất và hưởng ứng công trình nghiên cứu đều nhất trí phải xuất phát từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc mà tìm hiểu Học thuyết quân sự (HTQS) Việt Nam chứ không lệ thuộc vào quan điểm và khái niệm của nước ngoài vốn không đồng cảnh với ta trong cuộc đấu tranh chống đô hộ và xâm lược.

Nghiên cứu HTQS Việt Nam nhằm phát hiện những tất yếu khách quan của tư duy quân sự Việt Nam, buộc mọi thế hệ phải tuân theo để giữ vững nền độc lập dân tộc, góp phần lý giải một thực tế lịch sử. Một cộng đồng dân tộc dựng nước trên một địa bàn xung yếu, đất không rộng, người không đông (so với những thế lực xâm lược và thống trị lớn mạnh của từng thời đại), hàng ngàn năm bị biến thành quận huyện của phong kiến phương Bắc, hàng trăm năm thành thuộc địa (kiểu cũ và kiểu mới) của đế quốc phương Tây, nhưng vẫn giữ vững và làm phong phú thêm bản sắc dân tộc, không ngừng vùng lên đạp đổ ách thống trị và chia cắt của nước ngoài, thu giang sơn về một mối, đương đầu thắng lợi với họa xâm lăng của các thế lực chinh phục vào loại mạnh nhất hành tinh. Thực tế ấy đã diễn ra hàng ngàn năm trước Cách mạng tháng Tám chứ không chỉ là thực tế sau Cách mạng.

Tìm nguồn gốc từ nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam là đúng nhưng chưa đủ. Vì nếu chỉ do dân tộc Việt Nam đánh giỏi thì cớ sao Thục Phán đã đánh thắng quân Tần lại chịu thua Triệu Đà, để đất nước rơi vào cảnh bị đô hộ từ thế kỷ thứ II trước công nguyên đến thế kỷ thứ X? Cớ sao một dân tộc đã từng ba lần đánh bại Nguyên - Mông, đuổi giặc Minh về nước, quét sạch gần 30 vạn quân Thanh trong một cuộc phản công thần tốc lại chịu để vài ngàn quân Pháp chiếm trọn vẹn đất nước, vài trăm tên lính viễn chinh hạ thành Hà Nội? Cắt nghĩa bằng tướng giỏi cũng không hoàn toàn đúng vì thắng quân Tần cũng do Thục Phán cầm quân mà thua Triệu Đà cũng vẫn do Thục Phán cầm quân. Còn chống lại quân Pháp, không thiếu những danh tướng có bản lĩnh như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám...

Vậy thì quyết định sự còn mất của đất nước còn một cái gì cao hơn, toàn diện hơn nghệ thuật quân sự, xử lý những vấn đề rộng lớn liên quan đến cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... đối nội và đối ngoại, để hướng nghệ thuật quân sự vận hành đúng hướng, đúng mức, khi cứng. khi mềm, khi khoan thai, khi dồn dập, phù hợp với từng trạng thái của đối tượng phải đương đầu, để giành lấy thắng lợi. Những vấn đề cao sâu, rộng lớn đó ngày nay được các nước xử lý bằng HTQS.

Ở Việt Nam, từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, công việc đó được đường lối của Đảng xem xét và xử lý các vấn đề thực tiễn nhưng không thể đem đường lối của Đảng gán cho những hoạt động đã diễn ra nhiều thế kỷ, trước khi có Đảng. Sự tìm tòi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc cho phép phát hiện ra các “binh thư, kế sách” của ông cha, những sản phẩm ra đời từ thế kỷ XIII được các đời sau tiếp nối, đã thực sự đảm nhiệm chức năng của học thuvềt quân sự vì nó đích thực là hệ thống quan điểm, luận điểm có cơ sở tri thức, lý luận, phương pháp luận chỉ đạo các hoạt động chuẩn bị đất nước, chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc chiến tranh có thể xảy ra (và đã thực tế diễn ra) trong mỗi thời kỳ lịch sử.

Trong cuộc đấu tranh để tồn tại và phát triển, mỗi dân tộc có lai lịch xuất xứ, có vị trí địa lý, địa hình, địa mạo, bối cảnh sinh tụ... của mình, không thể “nghĩ và làm” y hệt các dân tộc khác.

Do hoàn cảnh riêng của Việt Nam, các hoạt động quân sự và tư duy chỉ đạo các hoạt động đó thường lấy cuộc đấu tranh giành lại và giữ vững nền độc lập dân tộc làm mục tiêu chủ yếu, đấu tranh trong nội bộ cộng đồng dân tộc thường bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Thế hệ nào làm khác đi sẽ rơi vào họa mất nước.

Tư duy quân sự chống xâm lược ở Việt Nam vừa mang tính giai cấp vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính thời đại vừa mang tính kế thừa phát triển. Thế hệ sau không đối lập và phủ định các thế hệ ông cha.

Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh nói riêng sở dĩ có sức mạnh chỉ đạo to lớn chính vì đã kết hợp nhuần nhuyễn các vấn đề về giai cấp với các vấn đề dân tộc đã biết giữ gìn và phát huy mạnh mẽ bản sắc dân tộc khi tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, không một chút giáo điều, máy móc.

Nghiên cứu HTQS Việt Nam cần nhận rõ: xưa nay các thuật ngữ quân sự đã lưu hành ở nước ta đã không hoàn toàn giống các thuật ngữ quân sự Âu - Mỹ, kể cả Liên Xô (cũ). Ví như ta có khái niệm về “thế” (thế và lực), khái niệm “đường lối quân sự” mà các nước trên đây đều không có. Đem đối chiếu cụ thể thì chức năng đường lối quân sự của ta tương ứng với các chức năng chính sách quân sự của Đảng và HTQS của Nhà nước Liên Xô, trong khi ở Mỹ khái niệm HTQS khi thì được sử dụng như chiến lược quốc gia, khi lại được sử dụng như một phương thức tác chiến chiến lược (học thuyết về các cường độ xung đột: cao, trung bình, thấp...).

Vì những lý do trên, HTQS Việt Nam được nhận thức như một tổng thể những luận điểm chỉ đạo các hoạt động quân sự và các hoạt động trên các lĩnh vực có liên quan, phản ánh hệ thống tri thức, hệ thông lý luận- phương pháp luận về quân sự của Việt Nam để quy tụ và sử dụng sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân tộc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, vào việc giành và giữ nền độc lập, chủ quyền dân tộc qua mỗi thời kỳ lịch sử, kể từ khi có các “binh thư, kế sách” của Việt Nam... Đó là học thuyết động viên sức mạnh toàn dân, vũ trang toàn dân trong khởi nghĩa dân tộc, phòng thủ quốc gia và chiến tranh tự vệ, là học thuyết “lấy đại nghĩa thắng hung tà, lấy chí nhân thay cường bạo”, “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu chống mạnh” để đẩy lùi và đánh bại các đội quân xâm lược có quân đông, tiềm lực lớn.

Là nước nhỏ yếu so với đội quân xâm lược của nước lớn, đã trải qua nhiều thời kỳ bị mất độc lập chủ quyền, Việt Nam chẳng những phải hướng HTQS của mình vào việc giữ vững nền độc lập dân tộc mà còn phải chăm lo giành lại độc lập chủ quyền khi bị nước ngoài xâm phạm, chẳng những phải chỉ đạo tốt việc sử dụng sức mạnh mà phải coi trọng chỉ đạo tốt việc quy tụ và sáng tạo sức mạnh về mọi mặt trong những tình huống không thuận lợi, mới có đủ sức đương đầu với các đối thủ lớn mạnh. Đó là những nét riêng mang tính quy định đối với tư duy quân sựViệt Nam, đã xuất hiện trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, mà HTQS Việt Nam cần tổng hợp và khái quát cho rõ nét.

Tiền đề trực tiếp của HTQS Việt Nam là nghệ thuật quân sự chống xâm lược và chia cắt đất nước, đã xuất hiện từ những cuộc kháng chiến đầu tiến của người Âu Lạc chống quân xâm lược nhà Tần. Trải qua hàng loạt những cuộc khởi nghĩa giành quyền độc lập tự chủ, thành nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế - Ngô Quyền, nước Đại cồ Việt thời Đinh Tiến Hoàng, Lê Đại Hành, những người cầm đầu đất nước xuất thân là võ tướng vừa phải chăm lo chống xâm lược, vừa chăm lo xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền, chưa có điều kiện phát triển đất nước về học vấn, học thuật, nên chưa đủ các yếu tố tri thức và lý luận để hình thành HTQS.

Nhà Lý với tám đời vua kế tiếp, hầu hết đều là các bậc minh quân, tài kiêm văn võ, đã phá tan thê “lưỡng đầu thụ địch” do nhà Tống cấu kết với Chiêm Thành (Chế Củ) tiến công Đại Việt, lại ra sức xây dựng nền học vấn Việt Nam, phát triển nền văn hóa Việt Nam, với Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Giảng võ đường, với hịch “Phạt Tống lộ bố văn” công bố lý do đánh Khâm, Liêm để tự vệ Bản “tuyên ngôn độc lập” đầu tiên về “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, là tiền đề về văn hóa và tri thức của HTQS, xứng đáng được xem như thời “tiền HTQS Việt Nam”.

Hầu hết các nhà sử học tham gia nghiên cứu đều thống nhất coi đời Trần đánh dấu sự ra đời của HTQS Việt Nam với nền tảng học vấn và tri thức thâu tóm được từ “binh pháp các nhà”, đã công bố một hệ thống luận điểm chỉ đạo trong “Binh thư yếu lược”, “Vạn kiếp tông bí truyền thư”, “Hịch tướng sĩ”, “Di chúc năm Canh Tý” căn dặn nhà vua (cũng đồng thời căn dặn các đời sau) của vị Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, tác giả được dân tộc tôn lên bậc Thánh, được nhiều nhà nghiên cứu quân sự trên thế giới biết đến và ghi nhận công tích.

HTQS Việt Nam về khởi nghĩa dân tộc, chiến tranh giải phóng và củng cố nền độc lập dân tộc sau ngày giải phóng được Nguyễn Trãi - Lê Lợi bổ sung thành hệ thống luận điểm công bố trong Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập. Phú núi Chí Linh, Văn bia Vĩnh Lăng và các văn kiện khác.

So với các HTQS thời nay nhiều học thuyết do một cá nhân đề xướng, thì chỉ riêng những luận điểm chỉ đạo dưới hai thời Trần - Lê của hai tác gia uyên bác, vừa lý luận vừa thực tiễn là Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi đã đủ sức đặt nền móng cho một HTQS Việt Nam. Những luận điểm đó đã chỉ đạo các hoạt động chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa dân tộc, phát triển thành chiến tranh giải phóng, chuẩn bị và tiến hành chiến tranh tự vệ đánh bại quân xâm lược lớn mạnh.

Thời Quang Trung với chiến công vang dội, quét mấy chục vạn quân Thanh ở hướng bắc, diệt quân Xiêm xâm lược phía nam, với lời tuyên bố nổi tiếng khi xuất quân từ núi Đại Huệ: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng...” đặt nhiệm vụ bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc lên trên mục tiêu quân sự và chính trị, với lời tổng kết như một phương châm chỉ đạo: “Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít”, với chính sách ngoại giao đầy mưu lược, có sự hỗ trợ đắc lực của danh sĩ Bắc Hà Ngô Thì Nhậm, đã nêu cao trí tuệ tự cường, tự lập của dân tộc Việt Nam, càng cố định “nền nếp đối ngoại mềm dẻo sau chiến thắng” của HTQS Việt Nam để củng cố và phát triển thành quả giành được trên chiến trường, không gây thù chuốc oán, khôi phục bang giao bình đẳng với nước lớn.

Thời đại Hồ Chí Minh chẳng những đánh dấu một bước khôi phục toàn bộ tinh hoa truyền thống quân sự yêu nước của dân tộc Việt Nam, đã bị chế độ nhà Nguyễn, đại biểu cho sự suy tàn của phong kiến phi dân tộc, làm mai một, khắc phục tính hạn hẹp của đầu óc dân tộc do hạn chế về thời đại và giai cấp của ông cha, mà còn phát triển những luận điểm chỉ đạo các hoạt động quân sự yêu nước lên một giai đoạn mới về chất vì được chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng.

Khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành phải từ giã gia đình đi tìm đường cứu nước thì tình cảm dân tộc Việt Nam gần như tái hiện lại thời kỳ Bắc thuộc, chỉ thay thế kẻ thống trị cũ là phong kiến phương Bắc bằng kẻ thống trị mới là đế quốc phương Tây và cũng đã diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa bị quân thù đánh bại bằng những phương thức vừa tàn bạo vừa tinh vi xảo quyệt, cố tình buộc thế hệ đi sau phải làm lại những nhiệm vụ của người xưa bằng những phương thức mới: Không thể tránh khỏi phải đi từ khởi nghĩa dân tộc tới chiến tranh giải phóng và chiến tranh tự vệ chống xâm lược, tức là không thể bỏ qua những bài học giành chính quyền của Bà Trưng, Bà Triệu, của Lý Bôn, Phùng Hưng, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, những bài học đuổi quân xâm lược của Ngô Quyền, Đinh Tiến Hoàng, Lê Hoàn, của các đời Lý, Trần, Lê... Lịch sử mấy nghìn năm đấu tranh của dân tộc Việt Nam dường như tái hiện và thu gọn lại trong thế kỷ XX với đủ mọi thử thách khắc nghiệt và thời đại Hồ Chí Minh đã phải làm lại hầu như không thiếu một chiến công nào của ông cha, động viên mọi tiềm năng của trí tuệ Việt Nam. “Bản án chế độ thực dân Pháp” mang tinh thần Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, với tầm mắt của thời đại mới, chỉ rõ một đối tượng nhất định phải đánh đổ, không chỉ nhằm răn dạy tướng sĩ mà nhằm thức tỉnh cả một dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị đồng hóa và thôn tính. “Bản Tuyên ngôn độc lập” vang vọng chí khí của Bình ngô đại cáo, không chỉ “bố cáo thiên  hạ, ai nấy tỏ tường” mà còn công bố cho toàn thế giới biết rõ: “Nước Việt Nam đã thành một nước độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như “Di chúc Canh Tý” của Trần Hưng Đạo dặn vua Trần, mãi mãi là bó đuốc soi đường cho các thế hệ tiếp nối noi theo... Những thử thách của mấy nghìn năm lịch sử đặt lên vai những người mở nước thì tinh hoa của dân tộc mấy nghìn năm cũng hội tụ lại trong những con người lĩnh sứ mạng mở đường cứu nước. Những tác phẩm chỉ đạo sự nghiệp giành và giữ nền độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... đã làm phong phú HTQS Việt Nam trong thời đại mới.

HTQS Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh lấy tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh làm nội dung chủ yếu. Nhưng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh lại là một sự vận dụng sáng tạo HTQS Mác - Lênin vào hoàn cảnh một nước thuộc địa, nơi chủ nghĩa thực dân bộc lộ bộ mặt thống trị và cướp bóc trần trụi nhất, nơi bom đạn và máy chém là những “đề mục” không bao giờ thiếu trong “chương trình nghị sự”. Đó là sự vận dụng sáng tạo HTQS tiến tiến nhất của thời đại, gắn chặt với thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh kiến cường bất khuất của một dân tộc có truyền thống quân sự phong phú và không kém phần độc đáo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh chủ yếu là tư tưởng chỉ đạo việc giành và giữ nền độc lập dân tộc ở một nước thuộc địa, từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội để mưu cầu tự do hạnh phúc cho nhân dân.  Nhưng vì thuộc địa vốn là nơi bị cai trị bằng bạo lực vô hạn độ và không cần che giấu của chủ nghĩa đế quốc, nên tư tưởng Hồ Chí Minh không thể không chăm lo xây dựng cho được bạo lực cách  mạng của quần chúng và chỉ đạo sử dụng nó vào việc đánh bại các hình thức bạo lực của thực dân đế quốc. Do đó, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh lại trở thành bộ phận quan trọng, nếu không nói là chủ chốt, trong toàn bộ tư tưởng của Người và HTQS Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh mẽ cùng với hệ tư tưởng quân sự đó.

Mang đầy đủ nội dung truyền thống quân sự của dân tộc, của ông cha, HTQS Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đã gắn chặt sự nghiệp giải  phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nó quy tụ sức mạnh tổng hợp của dân tộc và của thời đại, chỉ đạo việc tiến công các thế lực thống trị và xâm lược không chỉ ở thuộc địa mà ở ngay chính quốc, trên chiến trường và ở hậu phương chiến lược, bằng cả quân sự, chính trị, ngoại giao. Nó chỉ đạo việc phân hóa kẻ thù đến cực điểm, cắt chúng ra thành nhiều đoạn, nhiều khúc, không chỉ nhằm tiêu diệt sinh lực mà nhằm chủ yếu đánh bại ý chí xâm lược, bẻ gãy phương thức tác chiến chiến lược, đẩy mọi kẻ thù vào tình trạng tướng thì vô kế khả thi, quân không còn bụng dạ nào đi bỏ mạng vô ích, dân không đồng tình với chiến tranh phi nghĩa, khiến kẻ xâm lược tuy vẫn còn nhiều quân, nhiều súng mà phải cam chịu thất bại...

HTQS Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh không dừng lại ở việc chỉ đạo sự nghiệp đánh giặc, cứu nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh không hề coi việc đánh bại kẻ thống trị và xâm lược là mục đích cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người: “Nước  nhà đã được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập phỏng có ý nghĩa gì?”. Bởi vậy, tính mục đích của tư tưởng Hồ Chí Minh, là phải xây dựng và bảo vệ cho được một chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa dân lên thực sự làm chủ xã hội, làm chủ đất nước, loại bỏ mọi nguy cơ đe dọa và vi phạm  nền độc lập dân tộc, quyển làm chủ của nhân dân. Muốn vậy, cùng với đường lối và chiến lược cách mạng của Đảng và của Nhà nước, HTQS Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh phải khái quát cho rành rọt những luận điểm chỉ đạo việc quy tụ sức mạnh của cộng đồng dân tộc trong thời bình, góp phần đắc lực loại bỏ những nguy cơ đe dọa chủ quyền dân tộc, đe dọa chế độ xã hội chủ nghĩa, đe dọa quyền làm chủ của nhân dân, coi đó là đối tượng “chiến  lược” mới, bất kể chúng xuất xứ từ đâu tới.

HTQS cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh không bao giờ là HTQS thuần túy, không biết đến các nguy cơ “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, không biết đến nguy cơ đe dọa chủ quyền về kinh tế, văn hóa, không biết đến những nhân tố làm suy yếu khối “đoàn kết toàn dân”... mà tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh luôn coi là bức tường thành bằng thép, kẻ thù nào động đến cũng bị đánh bại. Chính vì lẽ đó, HTQS Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh phải góp phần đắc lực bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa dân tộc thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Nội dung HTQS Việt Nam hướng vào hai nhiệm vụ quy tụ và sử dụng sức mạnh của cộng đồng dân tộc, vào việc giành và giữ nền độc lập tự chủ về mọi mặt, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, lấy đấu tranh vũ trang làm giải pháp cuối cùng phải dùng đến sau khi đã sử dụng mọi hình thức đấu tranh chính trị, kinh tế và văn hóa.

Mục tiêu quy tụ sức mạnh trước sau đều vì đại nghĩa giải phóng dân tộc, vì sự no ấm của nhân dân, nâng lên trình độ giải  phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Nguồn gốc sức mạnh cần quy tụ được khơi dậy từ chiều sâu nền văn hiến Việt Nam mà bản thân HTQS cũng là sản phẩm của nên văn hóa quân sự, của tinh thần, trí tuệ xả thân vì  nước.

Hướng quy tụ sức mạnh không chỉ thiên về đóng góp sức người, sức của mà thường đề cao yếu tố trí tuệ và mưu lược, quý trọng nhân tài, phát huy cao độ sức sáng tạo của toàn dân giữ nước, toàn dân đánh giặc, của bè bạn khắp nơi hướng về đại nghĩa.

Cơ sở để quy tụ sức mạnh thời nào cũng gắn chặt với nền tảng sản xuất đương thời, gắn chặt xây dựng với bảo vệ, sản xuất  với chiến đấu, đem lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống của nhân dân lao động.

Phạm vi quy tụ sức mạnh dựa vào cơ chế các lực lượng xã hội đã hình thành trong lịch sử, nắm chắc những nhân vật tiêu biểu có ảnh hưởng lớn trong từng vùng, từng bộ tộc, từng tôn giáo, từng dòng họ, ngành nghề, từng địa phương, thông qua đó mà thực hiện quyền làm chủ của dân, kén chọn được người cầm đầu có uy tín mà tạo ra sức mạnh...

- Khi phải huy động sức mạnh vào cuộc đấu tranh, thường sử dụng hài hòa cân đối giữa sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao, sức mạnh kinh tế và ván hóa, bảo đảm duy trì cuộc chiến đấu  vững mạnh về cả vật chất, tinh thần, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” tùy theo động thái của kẻ thù. Sức mạnh quân sự được sử dụng có chừng mực, hạn độ, thường không dùng trước, dùng sớm,  cũng không dùng vũ lực tới cùng theo lối “cùng binh độc vũ”.

- Đánh giặc bao giờ cũng gắn chặt binh lực với địa hình thiên  hiểm, đánh theo mùa, theo thời tiết, tạo nên truyền thống con người gắn với ruộng đồng, làng bản, đường phố, sông nước, rừng núi cùng giữ nước.

- Dùng binh thường gắn chặt lực với thế, thời, mưu trí với dũng lược, nhưng có phần trọng thế hơn trọng lực, trọng mưu hơn trọng dũng, luôn luôn kết hợp mềm với cứng nhưng thiên về khuynh hướng lấy mềm trị cứng.

- Gặp kẻ địch mạnh thường không chủ động đương đầu với hướng tiến công nhọn sắc mà thường chủ động phòng tránh, vừa đánh giặc vừa giữ sức, vừa đánh vừa phân hóa, chia cắt, đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, đẩy địch vào thế bị cô lập cao độ rồi tập trung sức mạnh mở cuộc phản công tổng hợp cả quân sự và chính trị mà giành thắng lợi cuối cùng.

- Khi địch đã chấp nhận thất bại thường mở đường cho địch rút quân, chủ động xóa bỏ hận thù, giúp đối phương khắc phục hậu quả, theo tinh thần “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”, khôi phục quan hệ bình thường...

- Là nước có vị trí xung yếu, thường xuyên bị nhòm ngó, dù hết chiến tranh vẫn phải thường xuyên cảnh giác, giữ cho trong ấm ngoài êm. Những người cầm quyền mọi thế hệ đều phải đề phòng tệ tranh chấp quyền lực, tha hóa biến chất, mất lòng dân, kích thích những mưu đồ đen tối.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.