Web Content Viewer
ActionsHọc thuyết QSVN trước thời đại Hồ Chí Minh (phần VI): Học thuyết quân sự Mác - Lênin và sự phát triển tư duy quân sự truyền thống của dân tộc Việt Nam
(Bqp.vn) - Dựng nước trên một địa bàn có vị trí chiến lược ở vùng Đông Nam Á, chiếm lĩnh một đầu cầu nối liền lục địa Âu - Á với các quần đảo phía đông nam, tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ân Độ Dương, một ngã tư chiến lược trên đường giao lưu từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, nước Việt Nam từ xa xưa đã thành mục tiêu dòm ngó của các thế lực bành trướng và xâm lược.
Để đương đầu với những thế lực chinh phục và thôn tính thường có quân đông, tiềm lực lớn, nước Việt Nam đã đứng vững trên cái nền tảng căn bản của dân tộc, đó là nền văn hiến đi đôi với tài thao lược với nền nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, giữ vững cơ đồ qua các thế hệ.
Tư duy quân sự Việt Nam đã giải quyết đúng đắn nhiều mới quan hệ chi phối nên nghệ thuật quân sự của dân tộc như mới quan hệ giữa chính trị và quân sự; giữa dựng nước và giữ nước; giữa lực lượng sản xuất và lực lượng chiến đấu, giữa quân độicủa triều đình với dân binh và quân các địa phương; giữa mục đích căn bản của dân tộc và mục tiêu trước mắt của chiến tranh; giữa đối đầu và đối thoại; giữa thế, thời và thực lực; giữa chiến lược, chiến thuật và chiến đấu...Vấn đề cơ bản nhất của mọi hoạt động quân sự là xem xét và xử lý mối quan hệ giữa chính trị và quân sự.
Đã từ lâu, mới quan hệ này được ông cha ta giải quyết trong cặp phạm trù văn và võ. Xét về thực chất, văn ở Việt Nam không phải chỉ là văn chương. Cứ xem một trong các đề thi của nhà Lê ra cho các sĩ tử trong một kỳ thi do nhà vua trực tiếp làm chánh chủ khảo: “Bàn về phép trị nước của các bậc đế vương” thì đủ biết văn chính là chính trị. Các bậc minh quân, thánh chúa đều được đào tạo theo yêu cầu “văn võ song toàn”. Các vua thời Lý, Trần, Lê... nhiều người vừa giỏi trị nước, vừa giỏi đánh giặc như Lý Nhân Tông (Phật Mã), Trần Thánh Tông (Nhật Huyên), Lê Thánh Tông (Nguyên Long)... các tướng rường cột đều có tài kiêm văn võ như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi...
Thời nhà Lý, Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên ở nước ta đã được xây dựng. Ít lâu sau, Giảng võ đường, một dạng học viện quân sự đầu tiến của nước ta cũng đã được lập ra dưới thời nhà Trần. Nếu khoa thi tiến sĩ đầu tiến được mở ra dưới triều Lý thì sau đó, đến triều Lê, đã đặt hàm “bác cử” ngang hàm tiến sĩ để phong cho những người đỗ cao trong các khoa thi võ của triều đình.
Ngẫm lời Nguyễn Trãi tâu vua Lê Thái Tông vào năm 1437 khi được nhà vua giao nhiệm vụ “thẩm định nhã nhạc”, càng hiểu rõ ông cha ta nhận thức rất rõ ràng về văn, võ: “Dẹp loạn dùng võ, thái bình dùng văn... Nhưng cái gốc nếu không vững thì lễ nhạc không dựa vào đâu mà đứng được. Văn hiến nếu không có thì lễ nhạc không bởi đâu mà thực hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, âm thanh là văn của nhạc... Tôi vâng theo chiếu chỉ, thẩm định nhã nhạc, không dám không hết lòng; ngặt vì học thức kém cỏi, khó lòng điều hòa được luật điệu âm nhạc là môn thần diệu tinh vi. Xin bệ hạ thương yêu, nuôi dưỡng nhân dân để nơi làng mạc nông thôn không còn tiếng sầu than oán giận. Như thế mới không làm mất cái gốc của nhạc vậy”.
Trong thư của Lê Lợi, lấy danh nghĩa đầu mục nước An Nam, gửi các tì tướng thiên triều: “Xưa nay đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng đến...” thì đủ biết ông cha ta luôn xem văn hiến là gốc, thái bình thịnh trị là gốc, còn việc dùng binh chỉ là bất đắc dĩ...
Vì phải thường xuyên tiến hành chiến tranh tự vệ, ông cha ta có ý thức khá sâu sắc về mục đích và sức mạnh của chiến tranh chính nghĩa: “Binh cốt để bảo vệ cho dân, không phải là để làm hại dân, dẹp yên để không phải giết, không phải để giết nhiều người” Ngay câu mở đầu của “Đại cáo bình Ngô” nổi tiếng cũng nói rõ điều đó: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước cần trừ bạo”.
Mục tiêu chiến lược của chiến tranh trước sau chỉ cốt “nước vẹn toàn”, “dân được an ninh” (Phú núi Chí Linh) nhằm mục đích “mở rộng nền thái bình muôn thuở” (Đại cáo bình Ngô) “dập tắt chiến tranh cho muôn đời” (Phú núi Chí Linh).
Sức mạnh của chiến tranh không ỷ vào quân đông, tướng mạnh mà trước hết dựa vào “trên dưới đồng tâm, lòng dân không ly tán, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”. “Cầm quân không vì quân ta nhiều mà kiêu căng, không vì quân ta ít mà nản chí. Sức mạnh cốt là ở điều nghĩa nhân, trí dũng mà ra vậy” (Binh thư yếu lược). “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” (Đại cáo bình Ngô). Đó là sức mạnh của chính nghĩa, của lòng người, của đoàn kết toàn dân. Tư tưởng chiến lược thì không ngại “quân giặc lướt đến như lửa, như gió” mà rất đề phòng kẻ “dùng cách chiếm cứ dần như tằm ăn dâu, không lấy của dân, không cần được chóng”. Lực lượng chiến lược thì “trăm họ là binh, dựng gậy làm cờ, bốn phương dân cày tụ họp” (Đại cáo bình Ngô).
Nuôi quân theo cách “gửi binh trong nông nghiệp”, “khi nào có việc thì gọi ra, khi không có việc thì trở về làm ruộng” (An Nam chí lược). Thế trận thì “cử quốc nghênh địch”, “lấy thế nhàn rỗi chò kẻ mệt nhọc”, “nuôi sức chứa uy để chờ viện dứt thì thành tất phải hàng”. Chỉ đạo chiến lược rất coi trọng thời, thế: “Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn. Mất thời không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy” (Thư Nguyễn Trãi gửi Vương Thông). Trong ba thế (trời, đất, người) thì trọng thế đất hơn thế trời, thế người hơn thế đất. Nhìn sông núi, biết phân biệt nơi “Sơn hà bách nhị” (núi sông cho phép hai người địch nổi trăm người), nhưng vẫn khẳng định: “thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa, thánh nhân xưa chỉ thận trọng việc nhân sự mà thôi”... “Hòa mục là giềng mối của trị an. Trong nước hòa mục thì ba quân hăng hái. Biên cương hòa mục thì không kinh động. Bất đắc dĩ phải trị quân thì phải lấy hòa mục làm trọng. Vua tôi hòa mục thì dùng được người tài. Tướng văn, tướng võ hòa mục mới làm được công việc lớn. Tướng sĩ hòa mục thì lúc thường sẽ nhường nhịn nhau, hoạn nạn sẽ cứu giúp nhau. Hòa mục là đạo tất yếu của việc trị nước, cầm quân, không thay đổi được”. Như vậy, quan điểm của ông cha ta, thế trận mạnh nhất trong các thế là thế trận lòng người. Tư tưởng chiến thuật, thì “bỏ chỗ vững đánh chỗ hở, tránh chỗ chắc đánh chỗ hư”, '“lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ, lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục”. Nhưng khi được thời, có thế thì “đem núi Thái Sơn đè lên quả trứng, lấy lửa hồng thiêu đốt sợi lông”, đánh như “sấm ran chớp giật, trúc chẻ tro bay” khiến cho địch “trích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn”, không còn một cỗ xe, mảnh giáp mà về.
Giải quyết chiến tranh, thường rất kiến quyết về chiến lược nhưng lại rất mềm dẻo trong sách lược, không một chút nhân nhượng về lãnh thổ, chủ quyền nhưng luôn tìm mọi cách giữ bang giao hòa hiếu. Đánh cho địch thua, nhưng khi chúng đã chịu thua thì sẵn sàng cấp thuyền, cấp ngựa cho về. Chính vì tài thao lược Việt Nam với tư tưởng chỉ đạo nghệ thuật quân sự xuất sắc có nhiều nét độc đáo như vậy, dân tộc Việt Nam đã không bị ngoại bang thôn tính, hoặc biến thành quận huyện của chúng.
Bước sang thế kỷ XIX, tình hình đã thay đổi một cách cơ bản. Đứng trước dân tộc Việt Nam là những lực lượng xâm lược ra đời từ một phương thức sản xuất khác hẳn phương thức sản xuất phong kiến cổ truyền. Đúng như Ăngghen đã chứng minh:”phương pháp tiến hành chiến tranh, tổ chức và trang bị của quân đội, chiến lược và chiến thuật đều phụ thuộc vào điều kiện sinh hoạt vật chất” của xã hội và trước hết là phụ thuộc vào phương thức sản xuất ra của cải vật chất. Khi ở châu Âu, “máy hơi nước đã thay thế những chiếc cối xay gió, những viên đạn súng trường đã xuyên thủng áo giáp các chàng kỵ sĩ” thì ở Đông Dương, những phát đại bác bắn từ tàu biển chạy bằng hơi nước đã phá vỡ từng mảng cổng thành cửa Bắc của thành Thăng Long cổ kính. Và đại thần Hoàng Diệu đã phải tuẫn tiết trước sức tấn công của đội quân viễn chinh Pháp... Tiếp sau đó, những phong trào kháng chiến dưới ngọn cờ cần Vương trong giai đoạn đầu hoặc những cuộc nổi dậy trong giai đoạn sau của những sĩ phu và tướng lĩnh yêu nước như Phan Đình Phùng, Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân hay của những thủ lĩnh nông dân như Hoàng Hoa Thám cũng đều bị thất bại. Ở đây, thấy hiện lên hình ảnh một nước Việt Nam phong kiến yếu ớt dưới triều Nguyễn, bị thực dân - đế quốc Pháp xâm lược. Những tư tưởng quan điểm quân sự chỉ đạo chiến lược, chiến thuật và kỹ thuật của một phương thức sản xuất cũ kỹ, không dựa vào quần chúng đông đảo, không chấp nhận những cải cách cần thiết, đã bị những chiến lược chiến thuật của chế độ tư bản đánh bại.
Như vậy, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh để giải phóng đất nước, dân tộc ta vì thiếu một đường lối chính trị đúng đắn nên không thể có một đường lối, học thuyết quân sự đúng đắn và những chủ trương, biện pháp quân sự có hiệu quả. Chính cuộc khủng hoảng về đường lối chính trị và tư duy quân sự đó là nguồn gốc mất nước về tay thực dân Pháp.
Tài thao lược Việt Nam với tư duy quân sự truyền thống là những di sản quý báu mà lịch sử dân tộc Việt Nam để lại, là tinh hoa trí tuệ và tài năng của dân tộc mà những hạt nhân hợp lý của nó hoàn toàn không lỗi thời trong thời đại ngày nay. Hình thành và phát triển trong suốt thời phong kiến, nhưng là các chế độ phong kiến ở một nước nhỏ phải liên tục đương đầu với họa xâm lăng của nước lớn, các triều đại phong kiến Việt Nam thường phải giương cao ngọn cờ dân tộc chống ngoại xâm, hấp thụ được những luồng tư tưởng và tình cảm của nhân dân lao động. Nó đã đóng vai trò tích cực trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trải qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê (Hậu Lê) và đạt đến đỉnh cao dưới thời Quang Trung, sự phát triển của tư duy quân sự truyền thống Việt Nam đã vấp phải lực cản:
Chế độ phong kiến nhà Nguyễn, với tính chất phản động và chống nhân dân của nó đã không thể phát huy nổi tài thao lược của ông cha, cũng không thể vận dụng nổi tư duy quân sự truyền thống của dân tộc, vốn phải lấy “nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của” (Quân trung từ mệnh tập - Nguyễn Trãi). Mặt khác, cần thấy rõ tư duy quân sự truyền thống Việt Nam dù tiến bộ đến đâu cũng không thoát khỏi khuôn khổ của hệ tư tưởng phong kiến. Tư duy chính trị và quân sự đó không thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống đế quốc - thực dân trong thời đại mới. Cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc đời hỏi phải có sự chỉ đạo của một hệ tư tưởng mới của một giai cấp mới, một sự phân tích theo lối mới về kẻ thù và bạn đồng minh, tính đến tương quan lực lượng trong nước và trên phạm vi toàn thế giới, về những mục tiêu và những con đường giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Hơn nữa, hình thành và phát triển trong lòng phương thức sản xuất phong kiến, tư duy quân sự truyền thống Việt Nam gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu thủ công và thói quen sản xuất nhỏ... Với sự chỉ đạo hạn chế đó, nghệ thuật quân sự Việt Nam thời phong kiến chưa thể thắng được nghệ thuật quân sự tư sản đang thời thịnh vượng. Khoa học và nghệ thuật quân sự tư sản chỉ có thể bị đánh bại bởi khoa học và nghệ thuật quân sự của giai cấp vô sản, được Học thuyết quân sự Mác - Lênin soi sáng.
Muốn phát triển thuận lợi trong thời đại mới, tư duy quân sự truyền thống Việt Nam phải tiếp cận với Học thuyết quân sự Mác - Lênin, học tập một cách sáng tạo lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm thực tiễn quân sự của các nước anh em khác.
Lênin đã phát triển lý luận và tư tưởng quân sự của Mác, Ăngghen, đặt nền tảng cho khoa học và nghệ thuật quân sự vô sản, chứng minh tính hơn hẳn của nó so với khoa học và nghệ thuật quân sự tư sản.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước đúng đắn, giải quyết được sự khủng hoảng về đường lối cứu nước những năm đầu thế kỷ XX ở nước ta, mà còn tìm thấy trong các tác phẩm của chủ nghĩa Mác - Lênin học thuyết quân sự kiểu mới, thứ vũ khí đương đầu với thứ bạo lực vô cùng tàn khốc của chủ nghĩa đế quốc. Thứ bạo lực đã được Lênin chỉ rõ là... một loạt những cuộc chiến tranh mà không ai coi là chiến tranh cả vì đó thường chỉ là những cuộc tàn sát, vào thời mà quân đội của chủ nghĩa đế quốc ở châu Âu và châu Mỹ được vũ trang bằng những vũ khí tiêu diệt tối tân nhất, tàn sát nhân dân các thuộc địa không có vũ khí và không có khả năng tự vệ.
Lênin đã chỉ ra cục diện mới đã hình thành trong thời đại đế quốc chủ nghĩa mà nếu không nhìn rõ cục diện đó thì không thể có một ý niệm sơ đẳng nào về một thế chiến lược khả dĩ đương đầu với thế lực quân sự khổng lồ của chủ nghĩa đế quốc đang làm mưa làm gió trên khắp hành tinh. Trước hết, tư tưởng quan trọng nhất, cơ bản nhất của chúng ta là sự phân biệt những dân tộc bị bóc lột và kẻ đi bóc lột... Đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc là ở chỗ hiện nay toàn thế giới phân chia thành một số lớn những dân tộc bị áp bức và một số rất ít những nước đi áp bức, nắm trong tay những tài sản khổng lồ và lực lượng quân xự hùng mạnh. Toàn bộ dân số thế giới có 1 tỉ 750 triệu người thì tuyệt đại đa số, chắc chắn là 1 tỉ 250 triệu sinh mạng tức là gần 70% dân số thế giới là nhân dân các dân tộc bị áp bức hoặc là chịu chế độ nô lệ trực tiếp hoặc là nửa thuộc địa...và phụ thuộc”. Chính cái nhãn quan chiến lược phân chia hàng triệu người trên toàn thế giới này đã chỉ cho các dân tộc bị áp bức thấy rõ đâu là lực lượng của mình, khơi dậy trong lòng họ hình tượng có thể liên kết 70% dân số thế giới trong một thế trận của các dân tộc bị áp bức chống lại thế lực đế quốc chủ nghĩa, tuy rất tàn bạo nhưng chỉ là “một số rất ít”.
Và ngay trong cái “số rất ít” ấy, nhà chiến lược thiên tài của cách mạng thế giới đã tạo ra cho các dân tộc bị áp bức một lực lượng đồng minh vô cùng lợi hại nằm trong lòng kẻ thù, đánh thẳng vào hậu phương của chúng. Khi biên tập 19 điều kiện kết nạp Quốc tế Cộng sản, Lênin viết ở điều 8 như sau:
Về vấn đề thuộc địa và dân tộc bị áp bức, thì các đảng trong các nước mà giai cấp tư sản có thuộc địa và áp bức các dân tộc khác, phải có một đường lối đặc biệt rõ ràng minh bạch. Đảng nào muốn gia nhập Quốc tế III đều buộc phải thẳng tay vạch mặt những thủ đoạn xảo trá của bọn đế quốc “nước mình” trong các thuộc địa, ủng hộ trên thực tế - chứ không phải bằng lời nói - mọi phong trào giải phóng ở thuộc địa, đời hỏi phải trục xuất bọn đế quốc nước mình ra khỏi các thuộc địa ấy; gây trong lòng công nhân nước mình thái độ anh em chân thành với nhân dân lao động các nước thuộc địa và các dân tộc bị áp bức; và tiến hành tuyên truyền một cách có hệ thống trong quân đội nước mình chống- mọi sự áp bức các dân tộc thuộc địa.
Thế trận mới mà Lênin đã tạo ra cho cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa đã hình thành ngay khi ra đời Quốc tế III, và đó chính là cái thế trận mới thúc đẩy nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộcViệt Nam phát triển.
Lênin cũng chỉ rõ mâu thuẫn về quân sự của chủ nghĩa đế quốc mà các lực lượng cách mạng phải kịp thời khai thác: Chiến tranh đế quốc đã giúp cách mạng giai cấp tư sản đã bắt lính ở những thuộc địa, những nước lạc hậu, những vùng hoang vắng, để ném vào cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa... Chúng đã dạy họ cách sử dụng vũ khí. Đó là một khoa học hết sức có ích, và chúng ta có thể... cảm ơn sâu sắc các giai cấp tư sản về điều đó.
Vào thời điểm gần 3/4 nhân loại còn chìm đắm trong đêm đen thuộc địa chưa có lối ra, cách phân tích thời cuộc và sự chỉ đạo chiến lược của Lênin gần như đã vạch ra bản phác thảo cương lĩnh cho cách mạng và chiến tranh giải phóng, ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Nhìn lại toàn bộ tư tưởng và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ việc tham gia ĐảngCộng sản Pháp, thành lập Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, ra báo “Người cùng khổ”, viết “Bản án chế độ thực dân”, đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, những đội tự vệ đỏ và sự uốn nắn phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, những cuộc khởi nghĩa từng vùng tiến đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám, cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta đều thấy rằng người thầy của cách mạng Việt Nam đã nắm vững chiến lược cách mạng và Học thuyết quân sự Mác - Lênin để áp dụng, phát triển một cách sáng tạo vào những điều kiện lịch sử ở nước ta.
Học thuyết quân sự Mác - Lênin chỉ rõ sự thống nhất và tầm quan trọng của việc lãnh đạo chính trị và chỉ huy quân sự trong chiến tranh, xác lập mới quan hệ có tính quy định giữa quân sự, chính tri và kinh tế, theo công thức “quân sự là kế tục của chính trị, nhưng chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”. Nó tạo nên cơ sở lý luận để xác định đúng mục đích chính trị và cơ sở kinh tế xã hội cho từng cuộc chiến tranh, tạo điều kiện cho tư tưởng quân sự Việt Nam xác định và lựa chọn đúng mục tiêu chiến lược và các biện pháp tác chiến chiến lược phù hợp với mục đích chính trị và cơ sở kinh tế xã hội của cuộc chiến tranh đó.
Học thuyết đó khẳng định vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong chiến tranh, của nhân tố kinh tế và nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh hiện đại; tầm quan trọng của tổ chức quân sự và trang bị kỹ thuật của quân đội trong đấu tranh vũ trang; mối Liên hệ chặt chẽ cũng như tính phụ thuộc của nghệ thuật quân sự và tổ chức quân sự vào chế độ xã hội vào trình độ phát triển của binh khí kỹ thuật; những quy tắc và phương thức đấu tranh vũ trang... Học thuyết đó cũng xác lập một hệ thống quan điểm và phương châm của Đảng và Nhà nước trên các vấn đề chuẩn bị vũ trang bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chống lại mọi hoạt động xâm lược của kẻ thù.
Được Học thuyết quân sự Mác –Lênin soi sáng, học tập lý luận và thực tiễn xây dựng và chiến đấu của các lực lượng vũ trang Xôviết, tư tưởng quân sự Việt Nam xác lập vị trí đúng đắn của mình trong nền khoa học quân sự vô sản, tự trang bị cho mình một nhãn quan chiến lược với tầm nhìn có quy mô thế giới. Đặt cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc mình trong cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc và các giai cấp bị thống trị trên toàn thế giới, trong thế trận do chính Lênin và Quốc tế III đề xướng. Thế trận đó đã nhân sức mạnh cứu nước và giữ nước của dân tộc ta lên gấp bội, tạo ra những mũi tiến công mới ngay tại dinh lũy của kẻ xâm lược, đẩy chúng vào thế bị tiến công cả ở phía trước và ở ngay sau lưng, gây nên những hậu quả tổng hợp cả về chính trị, quân sự và kinh tế, đối nội và đối ngoại mà chính kẻ thù cũng không ngờ tới.
Dựa vào chiến lược, sách lược của cách mạng vô sản mà phân tích kẻ thù, sắp xếp lực lượng, nó tạo cho mình một cơ sở chính trị - xã hội vững chắc, dựa trên sự giác ngộ dân tộc và giác ngộ giai cấp sâu sắc của nhân dân lao động, quy tụ các lực lượng chiến đấu vào một lý tưởng và một mục tiêu chiến đấu vĩ đại và hiện thực.
Kế thừa tư tưởng quân sự truyền thống về mới quan hệ giữa “văn” và”võ”, nó đặt sự nghiệp quân sự của đất nước trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và giai cấp, lấy đường lối cách mạng và đường lối quân sự của Đảng làm đường lối chỉ đạo các hoạt động quân sự, lấy các tổ chức chính trị của quần chúng cơ bản làm chỗ dựa xã hội, lấy cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng làm Bộ tham mưu tối cao đã tạo nên một hệ thống lãnh đạo và chỉ huy chiến đấu gắn với quần chúng mạnh mẽ, chưa từng có trong lịch sử.
Phát huy truyền thống “trăm họ là binh” của ông cha, truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của dân tộc, vận dụng quan điểm “quần chúng nhân dân có vai trò quyết định trong chiến tranh”, sáng tạo phong trào toàn dân đánh giặc, toàn dân cứu nước và giữ nước, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, thực hiện triệt để lý luận vũ trang toàn dân mà Mác đã rút ra từ Công xã Pari, biến thế trận “cử quốc nghênh địch” của ông cha thành thế trận cả nước đánh giặc ở khắp nơi, bắt kẻ địch phải căng lực lượng ra đối phó, đông trở thành ít, mạnh hóa thành yếu.
Theo những nguyên lý xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới của Lênin, từ phong trào cách mạng của quần chúng, tư tưởng quân sự Việt Nam tạo dựng nên những đội quân trưởng thành trong chiến đấu, từ nhỏ đến lớn, gắn chặt bản chất giai cấp công nhân, với tinh hoa truyền thống của dân tộc, tạo thành hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” - một điển hình quân đội thực sự của dân, vì dân và do dân.
Nắm chắc mối liên hệ của nghệ thuật quân sự vào sự phát triển của binh khí kỹ thuật, tư tưởng quân sự Việt Nam đã tổ chức các đơn vị chủ lực phù hợp hoàn cảnh kinh tế, chính trị, yêu cầu và khả năng của đất nước, gắn bó chặt chẽ với các lực lượng vũ trang quần chúng rộng khắp: từ đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung tiến lên các trung đoàn độc lập và các đại đoàn chủ lực, đủ sức đánh bại những binh đoàn tinh nhuệ của quân viễn chinh Pháp, nâng tới quy mô nhiều quân đoàn với các binh, quân chủng hiện đại, đủ sức đương đầu thắng lợi với các đơn vị chủ lược mạnh nhất của Mỹ - Ngụy.
Học thuyết quân sự Mác – Lênin trang bị cho tư duy quân sự Việt Nam quan điểm kết hợp chặt chẽ yếu tố con người với vũ khí kỹ thuật, kết hợp vũ khí thô sơ của dân tộc với không ngừng tiến lên làm chủ vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, đủ sức bẻ gãy những biện pháp chiến lược phức tạp nhất của kẻ thù như chiến lược tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp, chiến lược tập kích B-52 của đế quốc Mỹ...
Kết hợp mưu lược cổ truyền của ông cha với những tri thức và quy tắc nghệ thuật quân sự hiện đại của giai cấp vô sản, dựa vào thế trận cả nước đánh giặc, nghệ thuật quân sự Việt Nam sáng tạo ra những cách đánh phù hợp với đặc điểm chiến trường, với mỗi vùng chiến lược, tiến hành những chiến cuộc và chiến dịch ngày càng có hiệu suất cao, vừa đánh đau vừa đánh hiểm, tiêu diệt từng bộ phận, đánh bại từng biện pháp chiến lược, đánh bại nghệ thuật quân sự hiện đại của bọn xâm lược thường cậy có quân đông, tiềm lực lớn.
Ghi nhớ bài học vừa dựng nước vừa giữ nước của ông cha, tư duy quân sự Việt Nam đã quán triệt tư tưởng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Lênin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đất nước để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, chuẩn bị sẵn sàng chống xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một nền nghệ thuật quân sự cùng hệ tư duy chỉ đạo nó dù tiến tiến đến đâu cũng không khánh khỏi những mặt hạn chế nào đấy do mặt khách quan của những điều kiện lịch sử, hoặc về chính trị - xã hội, hoặc về kinh tế, kỹ thuật.
Ngày nay, kinh tế và khoa học kỹ thuật đang trở thành một lĩnh vực chủ yếu làm thay đổi nhiều mối quan hệ trong chiến tranh hiện đại. Kinh tế và kỹ thuật quân sự sẽ tác động đến tổ chức và chỉ huy, đến chiến dịch và chiến đấu, qua đó mà tác động trở lại chiến lược và chiến thuật. Từ lâu, Ăngghen đã chỉ ra rằng các nguyên tắc nghệ thuật quân sự không phải là bất biến. Những nguyên tắc chiến lược, chiến thuật giành thắng lợi trong điều kiện lịch sử này sẽ không còn nguyên hiệu quả nếu chúng ta áp dụng chúng một cách máy móc vào một hoàn cảnh đã đổi khác.
Tư duy quân sự Việt Nam đã chứng tỏ sức sống và tính ưu việt của mình qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống bọn phản động quốc tế. Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, nền nghệ thuật quân sự Việt Nam nhất thiết phải tiến lên một trình độ mới. Nó phải khắc phục rất nhiều trở ngại khó khăn để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới, giành thắng lợi trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, những cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao đồng thời cũng là những cuộc chiến tranh chống lại vũ khí công nghệ cao của các thế lực đế quốc.
Xây dựng một tổ chức quân sự gọn và vững mạnh phù hợp với thực trạng kinh tế và nhiệm vụ quốc phòng của đất nước, chăm lo xây dựng và phát triển khoa học và nghệ thuật quân sự trên cơ sở Học thuyết quân sự Mác - Lênin, kế thừa và phát triển tư duy chỉ đạo nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc, kịp thời tổng kết thực tiễn quân sự mới, tiếp thu có chọn lọc khoa học và nghệ thuật quân sự các nước tiến tiến, vận dụng sáng tạo vào điều kiện mới của đất nước đó chính là yêu cầu phát triển tư duy quân sự, bộ phận hợp thành của Học thuyết quân sự Việt Nam.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Từ tư duy giữ nước đến Học thuyết quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần I): Bản lĩnh Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần II): Lịch sử giữ nước của dân tộc ta
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần III): Sơ lược về sự hình thành và phát triển nền Nghệ thuật quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần IV): “Phạt Tống lộ bố văn” - Một phương thức chống xâm lược dưới thời nhà Lý