Web Content Viewer
ActionsHọc thuyết QSVN trước thời đại Hồ Chí Minh (phần II): Học thuyết QSVN trước thời đại Hồ Chí Minh về quy tụ và tạo dựng sức mạnh cho sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc
(Bqp.vn) - Bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc là vấn đề sống còn, tiên quyết của dân tộc Việt Nam từ ngày lập nước đến nay. Có nhu cầu đánh giặc thì sẽ phát sinh nghệ thuật đánh giặc. Nghệ thuật quân sự Việt Nam ra đời từ thời Âu Lạc kháng chiến 10 năm chống quân Tần đã phát triển dưới thời Bắc thuộc, qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, thông qua khởi nghĩa, chiến tranh giải phóng, chiến tranh chống xâm lược, nhưng chưa đủ cứ liệu để nói đã có Học thuyết quân sự Việt Nam trong các triều đại đó. Bởi vì học thuyết quân sự ra đời đòi hỏi một trình độ kiến thức và học vấn tương đối toàn diện trong khi các vua Ngô, Đinh, Tiền Lê đều xuất thân là các tướng cầm quân, sau khi đánh đuổi quân thù, mỗi triều đại trị vì không quá vài chục năm, chưa có điều kiện nghiên cứu tổng kết thành lý luận, phát triển đất nước về học vấn và văn hóa.
Chỉ đến thời nhà Lý kéo dài trên hai thế kỷ, chế độ quân chủ tập quyền đã hình thành hoàn chỉnh, đời sống kinh tế - chính trị - xã hội tương đối ổn định, học vấn và văn hóa có điều kiện phát triển. Điện Giảng Võ cùng với Văn Miếu, Quốc Tử Giám cùng phát huy tác dụng đào tạo nhân tài, có thể coi là thời kỳ chuẩn bị học vấn và kiến thức cho Học thuyết quân sự Việt Nam ra đời.
Căn cứ vào sử liệu được lưu hành, có thể coi tác gia đầu tiến của Học thuyết quân sự Việt Nam là Trần Hưng Đạo với hai bộ Binh thư, đã được ứng dụng vào cuộc kháng chiến, cùng “Hịch tướng sĩ” và “Di chúc” dặn vua Trần về kế sách đánh giặc giữ nước. Không thể coi các di sản đó chỉ là các đóng góp về nghệ thuật quân sự mà là sự đóng góp về quan điểm giữ nước gắn chặt với dựng nước, cũng không chỉ là các di sản phản ánh sự nghiệp giữ nước thời Trần mà là những tác phẩm có giá trị tổng kết lịch sử đấu tranh của dân tộc nâng lên thành hệ thống luận điểm chỉ đạo, phản ánh trình độ tri thức, lý luận, phương pháp luận trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nền móng đó tiếp tục được các tác gia dưới thời Hậu Lê, thời Tây Sơn tiếp tục bổ sung, phát triển.
Về mặt quy tụ và tạo dựng sức mạnh dân tộc, nổi lên những nét chính dưới đây:
1. Mục tiêu quy tụ vì đại nghĩa, hợp “lẽ trời đất”, thuận lòng người, vì con cháu muôn đời
Xuất xứ từ nền văn minh lúa nước (và đánh cá) trên dải đất trù phú vùng nhiệt đới ven biển, phải quý “đất” và “nước”là hai thứ không thể thiếu trong canh tác cây lúa nước; từ vị trí chiến lược của đất nước trong khu vực, hấp dẫn sự ham muốn và xâm chiếm của các thế lực đi chinh phục, lại phải thường xuyên chống thiên tai địch họa khắc nghiệt, dân tộc Việt Nam ý thức sâu sắc về sức mạnh của trời, đất và của lòng người. Thế hệ con cháu hết lòng thờ phụng ông cha vì công sức khai phá, tạo dựng nền văn minh lúa nước. Đại nghĩa ở Việt Nam bao hàm những nội dung vừa văn hóa, vừa triết lý trước khi mang hàm nghĩa chính trị chính nghĩa chống phi nghĩa. Nó hội tụ tinh thần nhân nghĩa trong chính sách cầm quyền với lòng nhân ái cao cả của nhân dân, mang bản sắc nền văn hóa Việt Nam “thương người như thể thương thân”.
Nhiều triều đại lấy đạo Phật làm quốc đạo nhưng không bỏ qua giáo lý Khổng- Mạnh và triết lý Lão - Trang, sự chắt lọc và kết hợp hài hòa “tam giáo” tạo nên cái “hành lang ý thức” của cộng đồng dân tộc, yêu cầu mọi ứng xử phải hợp lẽ trời, đất, thuận lòng người, để đức cho đời sau. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, nó đòi hỏi ứng xử hớp quy luật, có sức thuyết phục và có giá trị bền vững. Các thế lực cầm quyền có uy tín ở Việt Nam hiểu rõ điều đó nên đều chủ động hướng theo đại nghĩa mà ứng xử:
- Chiếu hỏi ý quần thần về việc dời đô của Lý Công Uẩn giải thích: “...Làm như thế cốt để mưu cầu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa làm kế cho con cháu muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”. Sau khi dẹp giặc ở Diễn Châu, Lý Thánh Tông khấn trời: “Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân... không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy... Trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc làm hại kẻ hiền lương đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách”. Năm 1182, Lý Cao Tông thấy giặc cướp nổi lên nhiều, hối hận tự trách: “Trẫm đang lúc còn nhỏ mà phải gánh vác cái nghiệp lớn lao, ở chỗ chín tầng sâu xa mà không biết được những việc gian khổ của dân, lại tin dùng lời tấu rỗi của kẻ tiểu nhân để rước lấy sự oán trách của lớp người ở dưới. Nhân dân đã đều oán trách, trẫm sẽ tin cậy vào ai? Bây giờ trẫm xin cải hối, trẫm tự sửa chữa lỗi lầm để bắt đầu sống cùng với dân” (Đại Việt sử lược, tr.249 - 254).
- Nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông đều dựa trên thượng sách “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức, khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc”.
- Nhà Lê đánh thắng quân Minh vì nắm vững quan điểm “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo... Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
- Nhà Hồ có đủ thành cao hào sâu, “thần cơ sang pháo”... nhưng vì chỉ lo tăng cường binh bị, làm khổ trăm họ, lại nơm nớp lo sợ “lòng dân không theo” vì cái tiếng cướp ngôi nhà Trần, đã chứng tỏ “sức mạnh lòng người lớn hơn nhiều lần sức mạnh quân sự”.
Ở một cộng đồng dân tộc có nền văn hiến lâu dài, mục tiêu chính nghĩa do người lãnh đạo chỉ huy đề xướng nếu chưa gắn được với tinh thần nhân ái cao cả, suy nghĩ và hành động theo đạo lý của đông đảo quần chúng thì chưa thể biến thành đại nghĩa dân tộc. Chưa quy tụ được sức mạnh vì “Đại nghĩa dân tộc, hợp lẽ trời, đất, thuận lòng người” mà mưu tính “đại sự quốc gia” thì rất khó tránh khỏi thất bại.
Ngay việc “bình Chiêm” kéo dài từ đời nhà Lý sang đời nhà Nguyễn, sở dĩ được nhân dân đồng tình vì có chính sách: kết hợp ân uy, vừa thông hiếu, vừa đánh dẹp nhằm vô hiệu hóa một sức ép từ bên sườn, phía sau, thường hợp đồng hỗ trợ hướng tiến công từ phương Bắc đánh chiếm Việt Nam, mà theo lời tiến sĩ Pie R.F (PierreRichard Ferray), giám đốc trung tâm nghiên cứu về Á Đông của Pháp, thì “họ muốn bảo đảm an ninh cho bản thân bằng cách chiếm lấy một không gian rộng lớn, lôi cuốn đối thủ thường hơn họ về số lượng, phải phân tán lực lượng, buộc chúng vào một cuộc chiến tiêu hao trước khi tung ra trận chiến quyết định” (Nước Việt Nam từ cội nguồn xa xưa đến ngày nay”, NXB Ấn phẩm đại học nước Pháp năm 1990). Các đời chúa Nguyễn mở nước về phương Nam không vấp phải phản kháng của quần chúng cũng phải kết hợp ân uy (gả công chúa làm hoàng hậu Chiêm Thành, Chân Lạp) để tránh một tai họa bị chúa Trịnh sát hại mà phải nghe lời Nguyễn Bỉnh Khiêm, vượt Hoành Sơn tìm đất dung thân.
Phải chăng từ cổ chí kim, mục tiêu quy tụ và tạo dựng sức mạnh theo Học thuyết quân sự Việt Nam đều nhất thiết phải phù hợp với đại nghĩa dân tộc, hợp lẽ trời, đất, thuận lòng người”, vì con cháu muôn đời?
2. Nguồn gốc sức mạnh cần quy tụ được khơi dậy từ chiều sâu nền văn hiến Việt Nam
Xét lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, cái có sức sống bền vững và mãnh liệt nhất trải qua mọi cuộc thử lửa là sức sống của nền văn hiến Việt Nam, những truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp, gắn bó với nòi giống, tổ tiến, với quê hương làng xóm, với những lớp người mở nước và giữ nước được cả cộng đồng dân tộc tôn thờ. Mối hiểm họa lớn nhất mà dân tộc Việt Nam đã trải qua (nhưng chưa phải ngày nay đã hết nguy cơ) là mới hiểm họa bị đồng hóa. Nạn đồng hóa đã biến nhiều tộc Việt ở phía nam sông Trường Giang thành người Trung Hoa, cũng đã biến quần đảo Haoai thành một bang của nước Mỹ (biến Philippin thành đất mang tên vua Tây Ban Nha Philip II và thành nước của chúa Kitô), nhưng Việt Nam, dù bị phá bia, đốt sách, bắt phải theo lễ giáo phong tục Hán, vẫn giữ vững bản sắc dân tộc, đồng thời lọc lấy cái tinh túy của nước ngoài mà phát triển nền văn hiến Việt Nam.
Khác với lối “chiêu binh mãi mã”, hấp dẫn bằng quyền lực và của cải, sự quy tụ và tạo dựng sức mạnh, theo Học thuyết quân sự Việt Nam bao giờ cũng khơi nguồn từ các tầng sâu văn hóa, thức tỉnh lòng tự hào, tự tôn dân tộc mà không kích động tính kỳ thị sắc tộc. Là một cộng đồng đa tộc vào loại rất đa dạng và phong phú, phải đương đầu với đủ loại đối thủ tàn bạo xảo quyệt, nhưng trong lịch sử đấu tranh dân tộc không xuất hiện nạn kỳ thị sắc tộc, hằn thù dân tộc, thời nào cũng “đánh kẻ chạy đi chứ không nỡ đánh người chạy lại”, đối xử nhân đạo với tù binh, mở đường “hiếu sinh” cho kẻ đã chấp nhận thất bại, với đối thủ nào cũng sẵn sàng đối thoại, khôi phục bang giao hòa hiếu, cởi bỏ hận thù. Đó là sức mạnh lắng đọng của tầng sâu văn hóa, của chủ nghĩa nhân văn chứ không phải sức mạnh bề nổi của vũ lực một thời.
Tiếp sau bài thơ nổi tiếng “Nam quốc sơn hà” được Lý Thường Kiệt công bố là hàng loạt giai thoại về cuộc đấu tranh gay gắt chống mọi âm mưu khuất phục, thôn tính để đi đến đồng hóa. Đó là lời tuyên bố đanh thép “Thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng; chiếu bảo vệ phong hóa nước nhà của Trần Duệ Tông “quân và dân đều không được mặc áo chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm Thành, Lào” (10-1374); khí phách “ăn tiệc đầu lâu” của Nguyễn Biểu. Đoạn mở đầu bài “Đại cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi khẳng định: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu, núi sông bờ cõi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác”... Sau này, Quang Trung cũng tuyên bố:”Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”, trước khi “đánh cho nó chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn, cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”... Như vậy, muốn có sức chiến đấu bên vững, Học thuyết quân sự Việt Nam thường ưu tiến khai thác, quy tụ sức mạnh từ tầng sâu văn hóa dân tộc. Chính sức đề kháng văn hóa ây là mảnh giáp của dân tộc trước những bão táp lịch sử.Cho dù bị đào bia đốt sách, ép phải tuân theo tục Hán vẫn giữ vững bản sắc. Người Việt lấy cộng đồng làng xã của nền văn minh lúa nước (và đánh cá) làm nền tảng nên nhiều khi mất nước mà không mất làng, đã cứu dân tộc Việt Nam khỏi nạn thôn tính mà nhiều Việt tộc khác (như Mân Việt, Đông Việt, Ngô Việt, Sở Việt, Điền Việt...) đêu đã bị Hán hóa, không còn cương vực, vị trí trên bản đồ thế giới.
Bởi vậy,sau mục tiêu vì đại nghĩa và gắn chặt với mục tiêu đó, nội dung thứ hai của Học thuyết quân sự Việt Nam về quy tụ và tạo dựng sức mạnh là phải thường xuyên giữ vững và khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc với bản sắc văn hóa Việt Nam, làm cho mỗi thế hệ biết rõ nòi giống, tổ tiến, không tự ty, phục ngoại thì mới giữ được cội nguồn, có gốc rễ mà giành lại và giữ vững quyền độc lập, tự chủ.
Vũ khí lợi hại của các thế lực xâm lược và thống trị sau khi áp đặt được quyền lực (bằng thực binh, bằng kinh tế - tài chính) là một quá trình đào gốc văn hóa, hấp dẫn theo một lối sống ngoại lai, tạo ra một lớp người, một thế hệ quên hẳn cội nguồn phong hóa dân tộc, sẵn sàng vì mới lợi làm theo mọi sự điều khiển của quyền lực bên ngoài. Thời gian thống trị chúng có thể duy trì được hàng thiên niên kỷ, hàng thế kỷ cũng bằng lợi khí đó. Chống được vũ khí đó là bí quyết đầu tiến để tự giải phóng, để quy tụ và duy trì sức mạnh của dân tộc nhỏ chống nguy cơ đồng hóa của dân tộc lớn.
Sau này, trong hoàn cảnh bị đế quốc phương Tây biến thành thuộc địa, nguy cơ “vong bản, vong quốc” diễn ra rõ rệt, các sĩ phu yêu nước thường chăm lo bảo vệ “quốc hồn, quốc túy” thức tỉnh “hồn thiêng sông núi”, “Chiêu hồn nước”... đều nhằm đích bảo vệ nền văn hiến Việt Nam, làm nền tảng giữ vững sức đề kháng của dân tộc Việt Nam. Giữ được bản sắc văn hóa thì mất sẽ biến thành còn. Mất văn hóa thì hình như chưa mất gì nhưng thực chất là đang mất tất. Cuộc đấu tranh chống đồng hóa của ông cha ta đã làm sáng tỏ bài học này từ rất sớm.
3. Sức manh quy tu hướng vào cả hai mặt vật chất, tinh thần, nhưng rất chú trong phát huy hiệu quả của trí tuệ Việt Nam
Là nước nhỏ và nước nghèo, từ xưa đến nay, quan điểm quân sự của Việt Nam không bao giờ ỷ vào sức lực và của cải mà phải tìm cách quy tụ và sáng tạo sức mạnh từ nhiều nguồn, lấy mưu trí khắc phục những thiếu thốn về vật chất, lấy sự tham gia sức người, sức của của toàn dân để bổ trợ cho sự hạn chế về binh lực, tài lực của triều đình.
Thực tiễn đấu tranh tự giải phóng và tự vệ của dân tộc Việt Nam thường được tiến hành dưới dạng kết hợp đấu lực với đấu trí nhưng lại thiên về đấu trí. Sự quy tụ và sáng tạo sức mạnh, ngoài việc chăm lo có đủ nhân, tài, vật lực cần thiết còn phải chăm lo động viên trí tuệ, tài năng tiềm ẩn trong các tầng lớp nhân dân, khuyến khích hiền tài đem tâm trí ra giúp nước. Chế độ chiêu mộ và tiến cử hiền tài được nhiêu triều đại thực hiện có hiệu quả.
Chính vì chú trọng cân đối giữa sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất mới tạo ra cách đánh giặc coi trọng mưu kế, thế thời, đó là sản phẩm của trí tuệ Việt Nam.
Các nhà quân sự trên thế giới đêu cho quyền mưu (quyền biến và mưu kế) là trí tuệ cao nhất của người làm tướng, nhưng trí tuệ giữ nước của dân tộc Việt Nam không chỉ dựa vào quyền mưu của tướng lĩnh, triều đình mà còn phát động được trí thông minh vô bờ bến của mọi tầng lớp nhân dân.
Đối với các triều đại, đời vua giương cao được đại nghĩa của dân tộc thì quyền mưu của tướng lĩnh, triều đình gắn được với trí khôn vô bờ bến của nhân dân mà tạo nên trí tuệ Việt Nam. Đối với các đời vua không trung thành với lợi ích dân tộc (như nhiều đời vua Nguyễn) hoặc không nêu cao được chính danh, chính nghĩa (như đời nhà Hồ, nhà Mạc) thì trí tuệ của nhân dân lại hướng theo những thủ lĩnh trung nghĩa mà chống lại quyền mưu của triều đình, không quy tụ nổi thành trí tuệ dân tộc.
Quá trình gắn chặt đại nghĩa với trí tuê dân tộc đã thực sự hình thành sức mạnh Việt Nam, một loại sức mạnh tổng hợp có khả năng đánh bại mọi thế lực xâm lược có quân đông, tiềm lực lớn. Đó chính là các yếu tố mà mọi thế lực cần hội đủ để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc.
4. Quy tụ và tạo dựng sức mạnh trên nên tảng kinh tế hiện thực, trên nền sản xuất đương thời, gắn chặt sản xuất với chiến đấu bảo vệ sản xuất
Trong suốt quá trình lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam cho đến cuộc Cách mạng tháng Tám, nền sản xuất của xã hội Việt Nam không ra ngoài khuôn khổ “dĩ nông vi bản”. Lực lượng sản xuất cũng đồng thời là lực lượng chiến đấu,”ngụ binh ư nông” sớm trở thành quốc sách từ thời nhà Lý.
Chính sách đó gắn chặt binh nghiệp với nông nghiệp, khác hẳn chính sách quân sự của nhiều nước trên thế giới thường đối lập quân quyền với thân phận thấp kém của người nông dân, bị đánh giá như “ếch ngồi đáy giếng”.
Việc binh vốn là “đại sự quốc gia” khi đã trở thành một mặt hoạt động của nông thôn, nông dân, nông nghiệp thì chủ trương “bách tính giai binh” (trăm họ đều là binh) có đủ cơ sở để biến thành hiện thực. Việc binh đã thành một hoạt động phải lo tính ở nông thôn thì người phụ nữ vốn là thành viên quan trọng trong sản xuất nông nghiệp cũng chẳng ngần ngại gì không noi gương người xưa mà tham gia chiến đấu bảo vệ sản xuất (không nhất thiết phải thuộc dòng dõi lạc tướng như Bà Trưng hoặc là gia thuộc của huyện lệnh như Bà Triệu). Khẩu hiệu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” là khái quát từ thực tế lịch sử khách quan của dân tộc ta.
Cơ chế sáng tạo lực lượng độc đáo đó hoàn toàn chưa xuất hiện ở các nước Âu - Mỹ, cũng chưa phát hiện được trong lịch sử Trung Quốc, Ân Độ hay ở các nước Trung Đông. Chính vì lẽ đó, chính sách “ngụ binh ư nông” dưới thời Lý đã được một viên quan nhà Tống ghi chép kỹ báo cáo về triều, được vua Tống khen hay và hạ chỉ cho nghiên cứu áp dụng. Đương nhiên chính sách đó có thành hiện thực dưới triều Tống được hay không còn tùy thuộc cơ cấu xã hội và mới quan hệ giữa người đề ra chính sách với những người thực hiện chính sách.
Như vậy, việc đặt sự nghiệp giữ nước vào tay những người lao động bình thường nhằm gắn chặt sản xuất với bảo vệ sản xuất từ rất lâu đã thành cơ chế trong lịch sử nước ta.
5. Quy tu và tạo dựng sức mạnh theo phạm vi ảnh hưởng của các thế lực truyền thống, trên cơ sở lấy dân làm gốc.
Trong một xã hội còn giữ vững nền nếp của tôn ty trật tự, con đường quy tụ và tạo dựng sức mạnh thời xưa thường bám vào đầu mối theo phạm vi ảnh hưởng của các thế lực truyền thống đã hình thành vững chắc trong xã hội: ở nông thôn theo huyết thống phụ hệ, thường chú trọng các trưởng tộc và các bô lão; ở miền núi, thường chú trọng các tù trưởng, già làng, trưởng bản; với các tôn giáo yêu nước thường chú trọng các cao tăng, thiền sư chức sắc; ở mỗi vùng chú trọng các danh sĩ, hào trưởng.
Nền nếp trên đây đã được thực hiện qua nhiều triều đại: phong vương cho người hoàng tộc, phong tước công hầu... cho những người có công lao, kén nhiều tù trưởng miền núi làm phò mã, sử dụng nhiều cao tăng có đức độ tài năng làm quốc sư. Khi đất nước gặp cơn hoạn nạn, nhiều hào trưởng, danh sĩ thường lặn lội đi tìm minh chủ, kéo về tụ nghĩa.
Ở Việt Nam, không phải mọi triều đại đều có thể tồn tại với bất cứ giá nào. Khi một đời vua đã tha hóa đến mức các thế lực truyền thống có ảnh hưởng, trong từng phạm vi xã hội đã không thần phục nữa thì thường bị quần chúng xa rời, gạt bỏ bằng cách này hay cách khác, kịp thời thay thế bằng những nhân vật tiêu biểu, đủ sức làm hạt nhân quy tụ sức mạnh quốc gia, bảo đảm sự nghiệp giành và giữ độc lập, chủ quyền dân tộc.
Các thế lực truyền thống thường có phạm vi ảnh hưởng lâu bền vì có gốc trong dân, được dân giám sát và chấp nhận. Cách tham gia triều chính của cộng đồng dân tộc Việt Nam chưa thành cơ chế “xã hội công dân” như cách mạng tư sản phương Tây, nhưng lại tham gia bằng chế độ “suy tôn và giám sát thủ lĩnh”, bằng thái độ “tin theo” hoặc “rời bỏ” tùy tài năng, đức độ.
Chính thông qua cơ chế đó mà Nguyễn Trãi tổng kết: “Mến người có nhân là dân, chở thuyền hay lật thuyền cũng là dân”. Người “có nhân” ở đây không phải chỉ là người tốt bụng mà là người tài đức được nhân dân tin cậy. Có tài đức thì được nhân dân chuyên chở trên “dòng chảy” của mình hướng tới mục tiêu. Không có tài đức thì nhân dân sẽ có vô vàn cách thức làm cho thuyền lật úp!
Có người nói xã hội Việt Nam không có truyền thống dân chủ. Đó là một cảm nhận khi so sánh với các xã hội phương Tây đã lần lượt trải qua cách mạng tư sản từ vài thế kỷ nay. Nhưng nếu xét lịch sử từ xa xưa thì Việt Nam không có chế độ nô lệ điển hình như Trung Quốc, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã... cũng không thụ động tiếp nhận những giáo lý áp bức phụ nữ như đạo Khổng, những tôn giáo cực đoan kỳ thị người ngoại đạo trói buộc phụ nữ như đạo Hồi. Quan điểm khinh rẻ phụ nữ của Khổng - Mạnh chỉ chi phối các nho sĩ nhưng không chinh phục nổi các tầng lớp bình dân. “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “phép vua thua lệ làng” đã chứng minh tính tương đối dân chủ của cộng đồng làng xã. ít thấy nơi nào có nên nếp đi khắp thôn cùng xóm vắng chiêu tập hiền tài ra đánh giặc giúp nước như ở Việt Nam, cũng ít thấy nơi nào có nền nếp triệu người già hỏi việc giữ nước như ở Việt Nam.
Cái chân lý “dân là của nước, nước là của dân, còn dân là còn nước, mất dân là mất nước” đã được nhiều triều đại nước ta chiêm nghiệm bằng những bài học xương máu.
*
* *
Trên đây là sự khái quát mấy nét riêng về hoạt động quy tụ và tạo dựng sức mạnh mang tính truyền thống của dân tộc Việt Nam, không nằm trong phạm vi nghệ thuật quân sự. Nhưng nó lại phát sinh, phát triển như một thứ định luật chi phối quá trình tạo dựng sức mạnh dân tộc của nhiều thế hệ, trở thành hệ thống luận điểm phản ánh trình độ nhận thức, lý luận, phương pháp luận để tạo ra sức đề kháng của dân tộc Việt Nam, có thể coi đó chính là một phần nội dung Học thuyết quân sự Việt Nam trước thời đại Hồ Chí Minh.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Từ tư duy giữ nước đến Học thuyết quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần I): Bản lĩnh Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần II): Lịch sử giữ nước của dân tộc ta
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần III): Sơ lược về sự hình thành và phát triển nền Nghệ thuật quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần IV): “Phạt Tống lộ bố văn” - Một phương thức chống xâm lược dưới thời nhà Lý