Web Content Viewer
ActionsBước đầu tìm hiểu Học thuyết QSVN (phần III): Quá trình hình thành và phát triển Học thuyết quân sự Việt Nam
(Bqp.vn) - Ông cha ta kể từ ngày có những binh thư, binh pháp và kế sách đánh giặc cứu nước của riêng mình đã từng bước tạo ra học thuyết quân sự (HTQS), đã lưu hành, truyền bá làm theo và phát triển học thuyết đó, nhưng chưa hề quy cho nó cái tên là học thuyết mà thường gọi nó dưới cái tên: binh thư, kế sách. phương lược...
Dân tộc Việt Nam sở dĩ đứng vững được như hiện nay, trong điều kiện luôn luôn phải đương đầu với họa xâm lăng của nước ngoài là dựa trên hai chân, một chân là nền văn hiến Việt Nam, một chân là tài thao lược Việt Nam. Hai chân này luôn đi cùng với nhau, xưa ông cha ta trọng tướng rường cột là phải văn - võ song toàn, nếu chỉ võ biến, quân sự không thì chỉ làm tì tướng. Tức là phải luôn đứng vững trên hai chân văn - võ. Truyền thống văn hóa gồm mọi giá trị vật chất và tinh thần, cả đường ăn, nét ở trong nền văn minh lúa nước, tài thao lược bao gồm từ nghệ thuật quy tụ sức mạnh đến nghệ thuật dùng sức mạnh (bao gồm nghệ thuật quân sự). Một chân nào không vững cũng trở thành hiểm họa.
Tuy nhiên, trước hết phải tìm hiểu vì sao Việt Nam buộc phải có nền văn hóa riêng biệt rồi mới lý giải nổi vì sao Việt Nam có cách tạo sức mạnh và cách dùng sức mạnh riêng. Không có nền văn hóa có bản sắc riêng không thể có cách quy tụ sức mạnh và cách dùng sức mạnh của mình.
Chiến đấu là nỗ lực cao nhất của cuộc sống nên phải đi từ đời sống vật chất, tinh thần, ý thức hệ, rồi mới cắt nghĩa về việc binh, về HTQS. Vì sao Việt Nam luôn giữ vững bản sắc văn hóa, trải qua nhiều giai đoạn bị đè nén ép buộc vẫn không bị đồng hóa? Muôn lý giải vì sao Việt Nam có cách quy tụ sức mạnh và cách dùng sức mạnh khác các dân tộc khác, không thể không bắt đầu từ những vấn đề: môi trường tồn tại và điều kiện sinh sống của dân tộc Việt Nam, từ lối sống, cách kiếm sống, cách bảo vệ cuộc sống, từ đó mới thấy những nét riêng về nền văn hóa. Từ nền văn hóa mà tìm ra lối tạo dựng sức mạnh và sử dụng sức mạnh là những nét riêng của HTQS Việt Nam. Ít nhất cũng phải tính đến những yêu tố sau đây:
a) Vị trí địa - chiến lược, địa chính trị xung yếu của Việt Nam, không giống các nước khác. Dựng nước ở một ngã tư chiến lược cửa ngõ một lục địa cổ, làm bao lơn ra biển có thể kiểm soát mới giao lưu giữa Nam, Bắc, Đông, Tây. Nằm kẹp giữa các thế lực đại dân tộc Trung Hoa, Ấn Độ trong khu vực của các thế lực Đại Thái, đồng thời lại nằm trên đường phát triển xuống phương Nam của thế lực đại dân tộc cổ nhất và lớn nhất hành tinh. Đây là vấn đề còn tồn tại lâu dài ở một khu vực hầu như mọi thế lực đều phát triển từ rừng núi ra biển, từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông. Chiều hướng đó hầu như đã thành quy luật ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á. không tránh khỏi thời các thế lực đi chinh phục cũng để mắt đến vùng đất có vị trí địa - chính trị lợi hại này, do đó thời nào cũng không thể xem nhẹ việc giữ gìn cái di sản ông cha phải đổ xương máu ra mới có được như ngày nay.
Đất nước ta sẽ còn bị dòm ngó và chi phối bằng nhiều cách, bởi vì vị trí địa - chính trị là một vấn đề lâu dài, ông cha đã từng phải ứng xử thì con cháu cũng còn phải liên tục lo nghĩ mà ứng xử!
b) Sự hình thành dân tộc, mà nòng cốt của cộng đồng dân tộc là bộ tộc Lạc Việt cấy lúa nước và làm nghề đánh cá (gắn với bộ tộc săn bắn Âu Việt cũng là một nhánh của Lạc Việt), thuộc vùng châu thổ sông Hồng, nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, đã trở thành một trong những chiếc nôi trồng lúa của loài nguời. Vấn đề này đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới xác nhận. Các nhà nông học chứng minh rằng lúa nước được thuần hóa đầu tiên ở các bộ lạc đánh cá và bắt ốc, bán đảo Đông Dường là một trong những quê hương chính của cây lúa nước sinh ra từ lúa ma, lúa trời làm giống cho con người làm lúa sạ, lúa nổi. Lúa nương và lúa lốc do cải tạo từ lúa nước mà có. Ông Mátsuuê người Nhật, chuyên nghiên cứu về lúa đã khẳng định; hai loại lúa cơ bản trên thế giới đều bắt nguồn từ hai trung tâm lúa nguyên thủy là Miến Điện và Việt Nam.
Trong lịch sử, các bộ tộc trồng lúa bao giờ cũng phát triển sớm hơn các bộ tộc săn bắn hoặc du cư vì nó gắn với nền văn minh đầu tiến của nhân loại là nền văn minh nông nghiệp, đòi hỏi nhiều kiến thức ban đầu của loài người. Đã trồng lúa nước thì buộc phải sớm biết nhiều điều: phải biết thiên văn, biết thời tiết, biết thủy văn, tưới tiêu, biết thau chua rửa mặn, biết đo đạc để tính diện tích rộng hẹp, biết độ chênh, độ dốc (tức là phải biết một chút hình học), biết sâu bệnh, sinh học, biết tính toán để chi dùng và tiếp tục sản xuất. Trồng lúa có chăn nuôi, đã chăn nuôi phải biết đến bệnh tật, biết y học. Đã làm nghề nông thì phải biết sử dụng nhân lực, tôn trọng người có kinh nghiệm (lão nông tri điền), quý trọng phụ nữ. Làm nông nghiệp không có người giàu kinh nghiệm, không có phụ nữ thì rất khó, còn săn bắn, cưỡi ngựa trên thảo nguyên thì có cần gì người già, cần gì phụ nữ... Làm nông nghiệp phải điều hòa nhân lực, cả già trẻ, nam nữ, và khi có sản phẩm thừa thì biết trao đổi, sớm xuất hiện phân công xã hội, xuất hiện giao lưu giữa miền ngược, miền xuôi, giữa các tộc người trong cộng đồng dân tộc.
Việc sớm hình thành dân tộc Việt Nam gắn với nền văn minh lúa nước (và đánh cá) là cái gốc tác động rất lớn đến nền văn hóa, đến tư duy, đến luân lý, đạo lý của người Việt Nam. Nếu đem so sánh nền văn minh sông Hồng, có chăng chỉ thua nền văn minh sông Hoàng Hà có trước đó khoảng gần 1000 năm, thua nền văn minh sông Nin (cổ Ai Cập), nhưng không thua nền văn minh sông Hằng (Ân Độ), sông Amadôn (Nam Mỹ), văn minh Lưỡng Hà (Trung Đông) và nền văn minh của nhiều con sông khác trên thế giới. Đó là điều thứ nhất minh chứng về bản sắc lâu đời của nền văn hóa Lạc Việt.
Điều thứ hai là thiên nhiên khắc nghiệt, đa dạng vùng nhiệt đới gió mùa buộc con người phải năng động, dũng cảm, cần cù, thông minh, dựa vào nhau để bảo vệ thành quả lao động, bảo vệ cơ sở ruộng đất, hệ thống tưới tiêu đã được kiến tạo qua nhiều thế hệ. Mỗi thành viên đều phải gắn bó với làng bản, quê hương, chung lưng đấu cật, tối lửa tắt đèn cùng chống thiên tai, cùng chống địch họa, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “lão nông tri điền” thành “đa mưu túc kế”, trẻ em quen chăn trâu cắt cỏ dễ thành trinh sát, thông tin... toàn dân chống thiên tai trở thành toàn dân chống địch họa là tất yếu.
c) Địa hình địa mạo nước ta có điểm khác so với các nước.
Theo thuyết kiến tạo địa cầu, lãnh thổ nước ta từ xa xưa có thể là nơi tiếp giáp và phá hủy của nhiều lục địa cổ, đã làm cho vỏ trái đất trên cương vực nước ta được kiến tạo rất phức tạp. Người ta biết đến hệ thống đứt gẫy sông Hồng là một trong những vành đai phá hủy vỏ hành tinh từng tác động lâu dài đến quá trình hình thành bình độ kiến tạo của toàn khu vực, do đó địa hình, địa mạo nước ta rất đa dạng và hiểm trở: 3/4 là đồi núi, chỉ có 1/4 là đồng bằng. Vùng đồi núi thì có đủ núi cao, trung bình và thấp. Đất nước có đủ ba loại địa hình (cao nguyên, trung du, đồng bằng), có vịnh, đầm hồ, hệ thông sông suối, ruộng lầy... rất phức tạp, lại có bờ biển dài, con nước lên xuống không nhất loạt ở từng miền, tạo ra địa thế thủy văn rất hiểm trở. Quân các nước khác đến xâm lược, đánh vào vùng này gặp rất nhiều khó khăn, tạo ra cái như Nguyễn Trãi đã viết “sơn hà bách nhị” (sông núi hiểm trở khiến hai người có thể chống được trăm người). Địa hình, địa mạo ở Việt Nam có nét riêng như thế, bởi vậy ông cha ta đã dùng địa thế, địa hình để đánh địch, dồn nó xuống đầm lầy, sông cạn để tiêu diệt (như Quang Trung diệt địch ở đầm Mực, như mấy trận trên sông Bạch Đằng, Rạch Gầm, Xoài Mút) những chuyện ấy rất nhiều... Hệ thống đứt gẫy sông Hồng đã tạo ra đủ loại địa hình như Tôn Tử đã khái quát trong binh pháp (có đất xa, đất gần, đất nặng, đất nhẹ, đất thông, đất nghẽn, đất tranh, đất giao, đất vây, đất hợp, đất sống, đất chết...).
Phải chăng chính sự hấp dẫn của vị trí chiến lược, của thiên nhiên trù phú được con người bền bỉ khai thác và cải tạo đã buộc dân tộc Việt Nam phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm từ rất sớm. Nhưng cũng chính thiên nhiên đa dạng và hiểm trở, với điều kiện sinh sống tiến bộ, khôn ngoan của nghề cấy lúa nước và đánh cá đã tạo cho dân tộc Việt Nam một nền tảng căn bản về văn hóa bền vững, hài hòa, nhân ái, đùm bọc nhau không ghét bỏ thiên hạ, biết lo cho mình và biết đến mọi người, một phương thức giữ nước độc đáo, khiến đất Việt từ xa xưa đã nổi tiếng một vùng “địa linh nhân kiệt”. Nền tảng văn hóa đó đã công khai biểu lộ tinh thần phê phán khi những biến tướng của đạo Lão tin phù thủy, thờ yêu quái từ Trung Quốc đưa vào bắt ta chấp nhận như quốc đạo, các quan thứ sử xây rất nhiều đạo quán, nhưng vẫn không được dân ta hưởng ứng. Đến khi đạo Phật vào thì được tiếp thu ngay, vì đó là một tôn giáo rất chân chất, giàu tính triết học, hướng thiện và nhân ái, gần gũi với tâm hồn và đời sống thuần phát của người Việt Nam.
Từ nền tảng căn bản của văn hóa đã tạo ra một phương thức huy động sức mạnh đi đôi với một phương thức sử dụng sức mạnh độc đáo. “Trăm họ là binh, cử quốc nghênh địch, toàn dân giữ nước”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”... trên nền tảng toàn dân đánh giặc mới “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”... khi phải chống lại các đội quân xâm lược có quân đông, tiềm lực lớn.
Từ các yếu tố trên đây, căn cứ vào thực tiễn lịch sử Việt Nam, có thể khái quát về sự hình thành và phát triển của HTQS Việt Nam như sau:
HTQS Việt Nam có tiền đề từ những cuộc chiến đấu chống xâm lược có tổ chức đầu tiến của dân tộc. Nó sinh sôi, nảy nở qua các triều đại, được xác lập từ những áng “thiên cổ hùng văn” và các binh thư, kế sách có giá trị tổng kết lịch sử của ông cha, hình thành ngày càng hoàn chỉnh từ thời kỳ đất nước bảo vệ quyền độc lập tự chủ của dân tộc chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh, được nhà Lý chuẩn bị thêm về học vấn, đã ra đời với Trần Quốc Tuấn, Nguvễn Trãi là các tác giả kinh điển... được các thời sau tiếp nối.
HTQS Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt khi được lý luận quân sự Mác - Lênin soi sáng và tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa quân sự trên thế giới. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và nghệ thuật quân sự chống đế quốc là giai đoạn phát triển mới về chất của HTQS Việt Nam.
Tiền đề của HTQS Việt Nam buộc phải xuất hiện trong các cuộc chiến đấu chống xâm lược có tổ chức diễn ra dưới dạng kháng chiến hoặc khởi nghĩa dân tộc. Để tiến hành thắng lợi các hoạt động đó, phải đáp ứng các đời hỏi về tập hợp lực lượng, tạo nguồn sức mạnh, về chọn người cầm đầu, về chương trình hành động, về tổ chức và phối hợp hoạt động, về xử trí điều hành theo diễn biến của tình hình.
Chỉ cần đi sâu vào bất cứ một cuộc chiến đấu có tổ chức nào của ông cha (từ cuộc kháng chiến 10 năm của người Âu Lạc chống nhà Tần, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc kháng chiến chống Nam Hán của Ngô Quyền và các hoạt động của các đời tiếp nối...) đều thấy rõ thắng lợi đạt được không phải là ngẫu nhiên mà đều là kết quả của tài thao lược Việt Nam sớm nảy nở, phát triển lên từng bước.
Đến thời nhà Lý, nhu cầu phát triển nền học vấn quân sự đã buộc triều đình phải thiết lập điện Giảng Võ, được coi là trung tâm đào tạo tướng lĩnh, huấn luyện theo một binh pháp được người Tống gọi là “An Nam hành quân pháp” ngoài ra còn sử dụng vũ kinh thất thư của Trung Quốc làm nội dung giảng dạy. Có thể coi đó là thời kỳ thúc đẩy HTQS Việt Nam ra đời, với bài “Tuyên ngôn độc lập” về Nam quốc sơn hà được Lý Thường Kiệt long trọng công bố, với chiến lược “tiến phát chế nhân” đánh sang Khâm, Liêm phá chuẩn bị của quân Tống với “Lộ bố văn” để công bố lý do đánh sang đất địch với phòng tuyến sông Như Nguyệt đánh tan thủy binh Tống, thực hiện phản công chiến lược buộc Quách Quỳ phải rút quân. Sau đó là các hoạt động sửa định binh chế, chấn chỉnh ngoại giao, nội trị của vị Thái úy Việt quốc công, khai quốc công thần trước Lý.
Những hoạt động động viên sức mạnh về mọi mặt thời nhà Lý để đương đầu với quân Tống báo hiệu một nhu cầu muốn giữ yên bờ cõi, chiến thắng kẻ xâm lược phải có nền học vấn quân sự của riêng mình, không thể chỉ dựa vào kiến thức của phương Bắc mà chống nổi họ.
Có nhu cầu cấp bách, có nền văn hóa với bản sắc riêng, có cách quy tụ sức mạnh và cách đánh giặc riêng cũng chưa thể coi là đã có HTQS. Sự ra đời của học thuyết phải gắn với sự phát triển của nghệ thuật quân sự. nhưng còn phải gắn với trình độ phát triển của học vấn. Phải có những nhân vật uyên thâm vừa có cương vị am hiểu tình thế để vạch ra đường hướng, kế sách, được những người cầm đầu chấp nhận: đó là Trần Quốc Tuấn, vị Quốc công tiết chế được đào tạo đến bậc đế học đã “chọn binh pháp các nhà” tức là từ Tôn Tử, Ngô Khởi đến Tư mã, Lục thao, Tam lược..., đó là Nguyễn Trãi đã “quên ăn đầy giận, cố học thêm thao lược binh thư, xét xưa nghiệm nay, gắng tìm hiểu hưng vong mọi lẽ”. Tức là phải có những con người am hiểu ông cha, hiểu thời cuộc, hiểu địch, hiểu ta, hiểu binh học, binh thư thì mới sản sinh ra được những tác phẩm quân sự có tầm khái quát và tổng kết cao, đặt nền móng vững chắc cho HTQS Việt Nam.
Với “Binh gia yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư”, một cuốn được đích thân Trần QuốcTuấn nhấn mạnh tầm quan trọng trong “Hịch tướng sĩ”, một cuốn đã được Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư trân trọng đề tựa, coi là “bí thuật gia truyền không tiết lộ cho người ngoài biết” (trích Đại Việt sử ký toàn thư), dù có sách đã bị đời sau thêm bớt, có sách đã thất lạc nhưng không thể phủ nhận sự có mặt và hiệu quả của nó đối với lịch sử Việt Nam. Hai cuốn binh thư ở hai trình độ phổ cập và “cao học”, cộng với “Hịch tướng sĩ” răn dạy võ tướng, “Di chúc Canh Tý”căn dặn vua Trần (Anh Tông) về kế sách chống giặc phương Bắc, chừng ấy nội dung làm sáng tỏ những điều đã có từ các đời trước là quá đủ đối với một HTQS để cho đời sau nghiên cứu và khai thác.
Ở thời Lê, sự đóng góp của Nguyễn Trãi vào HTQS Việt Nam là rất lớn. Người danh sĩ lỗi lạc thừa hưởng trí tuệ cả của cha (là quan Hàn lâm Phi Khanh Nguyễn Ứng Long) và của ông ngoại (là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán), đã tự mình tiễn cha tới cửa ải đi đày và lặn lội đi tìm minh chủ hiến kế diệt giặc cứu nước. Ở bậc đại danh nho, được coi là “kinh bang hoa quốc, cổ vô tiền” (dựng nghiệp làm rạng rỡ cho nước từ xưa chưa có), toàn bộ tâm trí đều dốc vào việc tìm ra mưu lược đánh giặc, yên dân: từ tập Bình Ngô sách đề xuất với Lê Lợi được chấp nhận và áp dụng đến “Bình Ngô đại cáo”, “Phú núi Chí Linh” và “văn bia Vĩnh Lăng”, những dạng khác nhau kể lại lịch sử và mưu lược đánh giặc Minh giành lại đất nước, đến “Quân trung từ mệnh tập” ghi lại các thư từ qua lại với các tướng tá Bắc triều và các bài văn răn bảo tướng sĩ... các đời sau có thể rút ra một mảng bổ sung, phát triển về HTQS được tiếp cận trong một bối cảnh khác: bối cảnh đất nước bị nước ngoài chiếm đóng phải lập căn cứ địa, thu gom lực lượng, đi từ khởi nghĩa địa phương phát triển thành chiến tranh giải phóng và khôi phục đất nước sau giải phóng.
Chưa tính đến những binh thư kế sách của các đời tiếp nối như Quang Trung Nguyễn Huệ, Đào Duy Từ, chỉ kể hàng chục cuốn sách, tập văn có liên quan đến đấu tranh vũ trang dưới hai thời Trần - Lê, đã có đủ tư liệu, cứ liệu để kết luận rằng: Việt Nam thực sự đã có HTQS của mình bao gồm cả lý luận và thực tiễn, cả tư tưởng và nghệ thuật, cả đường hướng và phương châm nguyên tắc, cả kiến thức, quan điểm và bản lĩnh quân sự của dân tộc, không hoàn toàn giống những điều đã có của các nước khác.
Từ đó, có thể rút ra kết luận: HTQS Việt Nam, với những nội dung riêng biệt của nó, qua sự chuẩn bị kiến thức từ đời nhà Lý, thực sự đã hình thành và hoàn chỉnh qua các đời Trần, Lê với hàng chục văn kiện làm chứng tích, trong đó cần bàn thêm về mấy văn kiện sau đây:
Về bộ “Binh gia yếu lược”, đã được Trần Quốc Tuấn giới thiệu trong bản “Hịch tướng sĩ”, ngày nay không còn chính bản mà đã bị các đời sau thêm bớt, nhiều đoạn có pha trộn cả “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ. Về mặt văn bản học, có người coi đó là “ngụy thư”, là sách giả. Sự thật có lẽ không đơn giản như thế: Dân ta có thói quen viết tiếp những điều do ông cha để lại, như lối tục biến gia phả, các thế hệ sau viết tiếp các thế hệ trước mà không viết một văn bản mới, đấy là một nếp của dân tộc Việt Nam. Do công lao và đức độ của Trần Quốc Tuấn, sau khi mất không những được triều đình tuyên dương công trạng mà còn được nhân dân tôn thờ lên bậc thánh, theo tiêu chí “thần uy thánh đức”. Ai có ân uy thì được phong thần nhưng phải có ân đức thì mới được phong thánh. Bởi vậy, đời sau coi bộ “Binh gia yếu lược” của “đức thánh Trần” như là tài sản chung của dân tộc Việt Nam. Mặt khác do nhu cầu cuộc sống và chiến đấu của đời sau, thấy cần bổ sung phát triển cho cập nhật, nhưng vẫn giữ lấy cốt lõi cũ chứ không thay bằng một binh thư khác.
Đọc kỹ các chương của “Hổ trướng khu cơ” thì thấy người viết không muốn viết một tập binh thư mà chỉ làm một bộ giáo trình huấn luyện gồm ba tập: tập thiên, tập địa và tập nhân.
Tập thiên thì nói: tổng luận về cơ yếu binh pháp, thiên hỏa công, thiên thủy chiến, thiên bộ chiến, thiên giữ trại, thiên tổng bình. Tập địa thì nói: yếu chỉ bàn về trận, nói về các phép trận, yếu luận về giáo trường diễn trận, yếu pháp về phá trận và tổng bình tập địa. Tập nhân là yếu chỉ về tướng, cách chọn tướng, luyện binh, yếu luận về quân cơ, phép dạy quân đánh giặc, phép giữ thành chống giặc, yếu luận về địa thế.
Phải chăng tác giả “Hổ trướng khu cơ” không muốn viết một tập binh thư, mà chỉ muốn vận dụng binh thư cổ thành một giáo trình huấn luyện, không muốn thay “Binh gia yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư” bằng một binh thư khác. Đời sau thấy có những nét phát triển có giá trị thì bổ sung vào. Giữ lại và tục biến các binh thư của Trần Hưng Đạo, đó cũng là một cách suy nghĩ và xử lý kiểu Việt Nam đối với các bậc thánh hiền.
“Vạn kiếp tông bí truyền thư” được Trần Quốc Tuấn lấy làm sách gia truyền dạy bảo con em đã hiện rõ hiệu quả trong suốt 175 năm, với 12 đời thịnh trị của các vua Trần, không kể đến bảy năm đời hậu Trần, qua hai ông vua Giản Định và Quý Khoáng sau khi bị nhà Hồ thoán đoạt.
Giống như Bình Ngô sách của Nguyễn Trãi đã được Lê Lợi ứng dụng, “bí truyền thư” chẳng những đã được đem ra truyền thụ cho các hoàng thân, quốc thích mà còn được đích thân tác giả chỉ đạo thực hành. Cho nên, xét về mặt lịch sử, binh thư đó đã tồn tại và phát huy tác dụng.
Con cháu không còn văn bản thì đời sau phải vừa truy tìm, vừa thông qua thực tiễn lịch sử mà hiểu ý tác phẩm. Nếu chỉ xét về mặt văn bản học, ngay những tác phẩm của Khổng Tử, Lão Tử cũng do đời sau viết lại, rất khó xác định được bản gốc. “Binh pháp Tôn Tử” tuy tác giả là Tôn Vũ, người nước Tề, nhưng thực tế đã được Tôn Tan bổ sung và chỉnh lý, 13 bài còn lại đến nay là do Tào Tháo biến tập và chú thích. Nhưng không thể vì thế mà coi đó là sách giả.
Trải quan những bước thăng trầm của các đời, với chiến thắng quân Thanh ở phía bắc, quân Xiêm ở phía nam, với sự nghiệp “phù Lê diệt Trịnh”, HTQS Việt Nam thời phong kiến yêu nước còn biết đến một dạng thức đấu tranh diệt thù trong giặc ngoài, giữ yên bò cõi, nâng cao vị thế, kết hợp đánh giặc với cầu hòa trên thế mạnh dưới thời Quang Trung trước khi vấp phải làn sóng thực dân hóa của đế quốc phướng Tây.
Đến thời chống đế quốc, HTQS Việt Nam phải xử lý nhiều vấn đề khác hẳn mấy trăm năm về trước. Nó phải đương đầu với một phương thức tiến công mới lạ gắn chặt sự hào nhoáng của kinh tế - chính trị tư sản với bạo lực chưa từng thấy của đại công nghiệp tư bản. Suốt từ đầu thế kỷ XIX đến khi Đảng Cộng sản ra đời, nền độc lập tự chủ của dân tộc cùng với HTQS Việt Nam thời phong kiến đã bị vòng xoáy của chính sách thực dân đẩy vào ngõ cụt. Mở đầu bằng cuộc bang giao “kiểu Triệu Đà” đem một hoàng tử đi cầu viện và kết thúc bằng sự hóa thân thành thuộc quốc của một vương triều với xiềng xích, bom đạn dành cho mọi hoạt động yêu nước.
Sự thử thách trong ngót một thế kỷ giữa phong trào vũ trang phản kháng của các sĩ phu yêu nước chống lại bạo lực không hạn chế của đế quốc thực dân thuộc một phương thức sản xuất khác hẳn kẻ thù cũ đã khẳng định một chân lý: Chỉ có tuân theo những chỉ dẫn của một nền khoa học quân sự dưới sự chỉ đạo của lý luận quân sự tiến tiến của giai cấp công nhân, lấy phong trào cách mạng của nhân dân làm nền tảng thì mới đủ sức đánh bạivà bẻ gãy các đội quân viễn chinh của chủ nghĩa đế quốc hiện đại. hơn hẳn các lực lượng cách mạng cả về vũ khí - kỹ thuật và nghệ thuật tác chiến. Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện trong tình cảnh sức đề kháng của dân tộc đã bị chính sách chia để trị của chủ nghĩa thực dân làm tan rã. Nó phải kế tục công việc mà ông cha đã từng làm dưới thời Bắc thuộc: tiến hành cuộc vận động đánh thức tinh thần yêu nước của quần chúng chống lại bạo lực phản cách mạng của thực dân đế quốc, gắn sự nghiệp giải phóng dân tộc với sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, xây dựng lực lượng vũ trang từ phong trào cách mạng, từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, đem sức ta mà giải phóng cho ta...
Được các nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng, các tinh hoa truyền thống quân sự của dân tộc Việt Nam chẳng những đã được trân trọng giữ gìn mà còn phát triển lên một đỉnh cao mới, chứng minh tính hơn hẳn của một hệ tư tưởng quân sự và nghệ thuật vừa mang tính giai cấp vững vàng, vừa in đậm dấu ấn của một dân tộc anh hùng bất khuất, Liên tục đánh bại các đội quân viễn chinh của hai đế quốc hùng mạnh.
Với cương lĩnh quân sự của Đảng Cộng sản qua các thời kỳ cách mạng, đường lối, chiến lược quân sự của Đảng qua chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, với tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, HTQS Việt Nam đã phát triển sang một thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh với nội dung khá toàn diện, đi từ khởi nghĩa qua các loại hình chiến tranh cách mạng tới bảo vệ hòa bình ổn định.
Thừa nhận hiệu quả to lớn của đấu tranh vũ trang trong suốt mấy chục năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng không thừa nhận sự lãnh đạo đó đã được nâng lên tầm HTQS là điều không lôgíc. Nhưng nếu cho rằng, “chỉ đến khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo theo chủ nghĩa Mác - Lênin, nước ta mới có HTQS” cũng chẳng kém phần phi lý vì những cuộc chiến đấu của ông cha ta chống lại những thê lực hùng mạnh nhất trong thời đại đó không thể nổ ra một cách tự phát mà phải được soi sáng bằng một hệ thống kiến thức và quan điểm khá sắc sảo, nhất quán mới giành được thắng lợi.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Từ tư duy giữ nước đến Học thuyết quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần I): Bản lĩnh Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần II): Lịch sử giữ nước của dân tộc ta
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần III): Sơ lược về sự hình thành và phát triển nền Nghệ thuật quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần IV): “Phạt Tống lộ bố văn” - Một phương thức chống xâm lược dưới thời nhà Lý