Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần V): “Chúng chí thành thành” - một quan điểm giữ nước của dân tộc Việt Nam

10:18 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Đã hình thành đất nước và dân tộc thì quốc gia nào cũng phải lo phòng thủ chống lại sự xâm lược của các thế lực bên ngoài. Xưa nay, họa xâm lược thường diễn ra dưới hình thức vũ trang, nhưng vũ trang không chỉ là hình thức duy nhất. Trong lịch sử, nhiều quốc gia đã biến mất trên bản đồ thế giới, nhiều dân tộc bị diệt vong có khi chỉ bằng họa đồng hóa của dân tộc lớn, bằng thôn tính hòa bình hoặc bằng kế ly gián để nội bộ diệt nhau. Để chia xẻ thế giới, ngày nay, chủ nghĩa đế quốc đã tiến hành các cuộc chiến tranh tổng lực để đè bẹp đối phương cả bằng quân sự, chính trị và kinh tế, văn hóa, tâm lý, ngoại giao...

Để tạo nên sức mạnh giữ nước, mỗi quốc gia, mỗi chế độ và các giai cấp cầm quyền có những quan điểm khác nhau, đồng thời mỗi dân tộc đều kế tục những truyền thống do lịch sử để lại. Với dân tộc Việt Nam, những quan điểm giữ nước truyền thống của tổ tiên mang một sức mạnh to lớn mà chúng ta phải coi trọng để tìm cách thừa kế, phát triển trong giai đoạn mới.

Chuyện xưa kể lại rằng: “Năm Trùng Hưng thứ 5 (1289), sau khi đã đánh đuổi quân Nguyên, nhiều đoạn thành Thăng Long bị quân địch san bằng. Vua Trần Nhân Tông hạ chỉ gấp rút sửa sang lại. Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn can: “Việc sửa lại thành trì không cần kíp lắm. Việc cần kíp của triều đình phải làm ngay không thể chậm trễ là việc úy lạo nhân dân. Hơn bốn năm, quân giặc hai lần tràn sang quấy rối. Từ nơi núi rừng tới nơi đồng ruộng đều bị tàn phá hầu hết. Vậy mà nhân dân vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài, xuất lực đi lính và đóng thuế làm nên một lực lượng mạnh cho triều đình chống nhau với quân giặc. Nay nhà vua được trở về nơi yên ổn, việc làm trước hết là chú ý ngay đến nhân dân. Những nơi nào bị tàn phá, tùy tình trạng nặng, nhẹ, có thể miễn tô thuế cho mấy năm. Có như thế nhân dân mới nức lòng cùng quay hướng về triều đình hơn nữa. Người xưa đã nói: “Chúng chí thành thành” nghĩa là ý chí của quần chúng làm nên bức thành kiến cố. Đó mới là cái thành cần sửa ngay, xin nhà vua xét kỹ”

“Chúng chí thành thành” không phải là một phát kiến của Trần Hưng Đạo. Điều đó đã được nói đến trong các binh thư cổ. Nhưng điều đáng nói là vị danh tướng rường cột nhà Trần, khi “xem xét và lựa chọn binh pháp các nhà” đã phát hiện, tâm đắc và ứng dụng nó một cách đúng lúc và có hiệu quả. Trong khi nhà vua nghiêng về sửa sang thành quách, coi đó là việc cần kíp phải làm ngay, thì Trần Hưng Đạo lại coi việc chăm sóc đời sống muôn dân là cấp bách hơn cả.

Trong lịch sử nước ta, hai triều đại Trần, Hồ kế tiếp nhau đã nêu hai bài học chính diện và phản diện về dựa vào dân hay dựa vào thành quách, quân quan mà giữ nước. Hồ Quý Ly không phải không biết “lòng dân là một sức mạnh cực lớn”, nhưng do chính sách chính trị và kinh tế chứa đựng nhiều yếu tố xa dân nên khi đất nước bị xâm lược, dù có hệ thống thành quách vững bền, quân sĩ hàng trăm vạn, rốt cuộc cũng phải cam chịu thất bại.

Quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân ngày nay, không phải là phát kiến của Đảng ta. Nó đã được các nhà quân sự thiên tài của giai cấp vô sản, Ph.Ăngghen nói đến cách đây trên 100 năm và được Lênin phát triển trong giai đoạn cách mạng của giai cấp vô sản chống chủ nghĩa đế quốc. Những quan điểm đó đã được đề cập một cách cơ bản trong học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, được nhiều Đảng cộng sản trên thế giới vận dụng. Nhưng tâm đắc và vận dụng các quan điểm ấy vào hoàn cảnh một nước nhỏ, vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, chống lại những tên đế quốc to, thường phải lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy trang bị kém hiện đại chống lại những vũ khí hiện đại cả trong khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước thì Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển lên một bước mới hết sức phong phú, độc đáo, mang đậm nét bản sắc dân tộc Việt Nam.

“Chúng chí thành thành” của người xưa và “quốc phòng toàn dân” thời nay đều có chung một cội nguồn: “Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân... Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”'.

Chân lý đó thật dễ hiểu nhưng nhận thức cho sâu sắc, toàn diện để thực hiện lại không đơn giản. Sau khi nước ta giành chiến thắng (1975), nhiều anh em, bè bạn có chung cảnh ngộ đã tìm đến nghiên cứu kinh nghiệm Việt Nam. Ta đã trân trọng trình bày cả khó khăn và thuận lợi, cả những điều làm được và những điều chưa làm được. Nhiều nước anh em đã vận dụng rất sáng tạo và có hiệu quả. Nhiều nước thấy còn khó và cũng có bè bạn thấy rất khó. Bởi vì, “chúng chí thành thành” xưa kia và “quốc phòng toàn dân”, “chiến tranh nhân dân” ngày nay có vẻ chỉ là một quan điểm quân sự, nhưng xét trong tổng thể, lại là những chính sách kinh tế - chính trị - xã hội, trước khi trở thành quan điểm quân sự.

Nếu không “khoan thư sức dân”, không coi “việc làm trước hết là chú ý ngay đến nhân dân”, nếu không “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân” thì không thể có “chúng chí thành thành” trong sự nghiệp giữ nước, cũng không có “quốc phòng toàn dân” và “kháng chiến toàn dân” trong nhiệm vụ “bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tư cách là Tổ quốc”.

Muốn cho ý chí của quần chúng tạo nên thành lũy, muốn phát động cuộc kháng chiến toàn dân, chẳng những phải có chế độ kinh tế - chính trị - xã hội tiến bộ mà còn phải có chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn để hạn chế những bất công xã hội, bồi thường sức dân... mới cố kết được tuyệt đại đa số quần chúng xung quanh một mục tiêu, một chế độ mà quần chúng tha thiết giữ gìn và bảo vệ.

Trong mấy cuộc kháng chiến, ở những vùng không có địa hình hiểm trở. Đảng ta đã chủ trương xây dựng “căn cứ địa lòng dân”. Căn cứ địa ấy đã xuất hiện ngay giữa đồng bằng Bắc Bộ hoặc đồng bằng sông cửu Long, ngay sát Hà Nội, Sài Gòn, thậm chí ngay trong nội đô mà kẻ thù không có cách gì phá nổi. Phải có những cơ sở nhân dân như thế nào, nhân dân phải sẵn sàng xả thân cho cuộc chiến tranh chính nghĩa như thế nào, cơ quan đầu não mới dám đề ra một chủ trương như thế. Bởivậy, “chúng chí thành thành” của người xưa và “quốc phòng toàn dân”, “chiến tranh nhân dân” của thời nay, xét cho cùng, là một hệ quả tổng hợp của những chính sách cả về chính trị, kinh tế và văn hóa, tạo hiệu quả về tâm lý xã hội không dễ đạt tới.

Quần chúng chỉ chịu đem tài sản và sinh mệnh ra bảo vệ một chế độ mà họ thừa nhận đích thực là của họ, một cơ chế đang hoạt động vì họ.

Cùng một sự việc nhưng diễn biến thực tế lại muôn màu muôn vẻ: trong chiến đấu, không hiếm chiến sĩ lấy thân mình che đạn cho cán bộ vì chẳng phải giải thích nhiều lời, nhưng bằng thực tế cuộc sống và chiến đấu hàng ngày, họ ý thức rõ người cán bộ mà mình bảo vệ quả thực đang là đầu não của các trận đánh, của cả đơn vị, có quan hệ đến thành bại của cuộc kháng chiến mà họ quyết giành cho được chiến thắng. Nhưng nếu thực tế cuộc sống và chiến đấu lại không đủ chứng minh điều đó, thì hành động cao đẹp ấy chưa chắc đã xảy ra. Hãn hữu, nó lại chứng minh điều ngược lại thì có thể diễn ra những hành động trái ngược.

Cũng là xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng đến nay không ít nước xã hội chủ nghĩa, bên cạnh sự chống phá của kẻ thù, đã xuất hiện sự không đồng tình của quần chúng đến mức độ họ có thể bị kích động tham gia những hoạt động chống đối chế độ.

Quần chúng là chủ thể làm nên lịch sử nhưng quần chúng cũng là khách thể chịu sự tác động của mọi trào lưu xã hội, của mọi cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Trong bất kể tình huống nào, đối với nước ta với đặc thù đất không thật rộng, người không thật đông, quân thường trực không thật lớn, thường phải chống lại những đối thủ có quân nhiều, tiềm lực mạnh, trang bị hiện đại hơn thì yêu cầu toàn dân giữ nước, toàn dân đánh giặc là một chân lý không phải bàn cãi. Để biến thành sức mạnh phòng thủ quốc gia, mục tiêu - lý tưởng nào cũng phải xuất phát từ quần chúng, được quần chúng đông đảo đồng tình, thì mục tiêu - lý tưởng đó mới biến thành sức mạnh vật chất, định hướng được hành vi hàng triệu con người. Trong trận đánh, mệnh lệnh của chỉ huy, kể cả của người có quyền lực cao nhất đối với người thừa hành phải biến thành một mệnh lệnh tự thân, một thứ động lực nội tâm quy định các hành vi của người thực hiện đủ sức áp đảo bản năng sợ chết của mỗi con người. Hành vi đối với quốc phòng và chiến tranh không chỉ là đóng góp của cải hay chất xám, nó có yêu cầu cống hiến sinh mệnh.

Sang giai đoạn mới, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật quân sự đang làm thay đổi tậngốc học thuyết quân sự, chiến lược quân sự và phương thức tác chiến của các thế lực xâm lược. Ngoài việc mở cuộc tiến công toàn diện, kết hợp trong ngoài,nhiều khả năng chúng sẽ không đánh kéo dài như trước. Thực tế chiến tranh vùng Vịnh cho thấy, khi cần thiết, chủ nghĩa đế quốc không dừng lại ở học thuyết “xung đột cường độ thấp”. Phương thức hoạt động của chúng đang hướng về cách mở cuộc tiến công toàn tuyến, đánh thẳng vào các thê đội phía sau, thực hành đột phá, bao vây, chia cắt, ngăn chặn... đẩy đối phương vào thế bị động cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật: lấy hoạt động chiến thuật được bảo đảm chặt chẽ về kỹ thuật đề đạt mục tiêu chiến lược. Mở đầu chiến tranh, địch sẽ thực hiện ngay từ đầu những đòn tiến công áp đảo bằng hỏa lực với những loại vũ khí hiện đại nhất, có khả năng hủy diệt không kém vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học. Tính chất tàn khốc của chiến tranh càng thử thách nghiêm khắc ý chí của nhân dân.

Để chống lại các loại hình chiến tranh hiện đại này, phòng ngự trận địa theo kiểu chiến tranh quy ước không còn là phương thức phù hợp của chiến tranh tự vệ. Bên cạnh những lực lượng chính quy tinh nhuệ và tương đối hiện đại, hành động theo phương thức rất cơ động, thoắt đến, thoắt đi, không hình thành các mục tiêu cố định, phải chăng một thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc và rộng rãi, với những lực lượng tại chỗ hùng hậu dám đánh và biết đánh, được chuẩn bị sẵn sàng, chủ động tạo thế xen kẽ, đánh địch ở khắp nơi, mới đương đầu nổi với kiểu tiến công đó? Muốn được như vậy, “thế trận lòng dân” theo truyền thống “chúng chí thành thành” của người xưa càng cần được tái hiện mạnh mẽ trong quan điểm quốc phòng toàn dân của Đảng ta, để chỉ đạo xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc, các lực lượng dự bị động viên đông đảo, các đội dân quân, tự vệ rộng khắp... Và tất cả phải theo phương hướng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ngày 27/5/1947: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân, là một lực lượng vô địch, là một bức tường thép của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tướng đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

Để thực hiện được yêu cầu đó trong tình hình đất nước hiện nay, phải chăng cần chú trọng điều chỉnh các chính sách kinh tế - chính trị, xã hội, hạn chế những bất công do tệ nạn tham nhũng gây ra, thúc đẩy sản xuất... thiết thực bồi dưỡng sức dân, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng? Đó vừa là giải pháp, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.