Web Content Viewer
ActionsHọc thuyết QSVN trước thời đại Hồ Chí Minh (phần IV): Bản sắc văn hóa dân tộc trong Học thuyết quân sự Việt Nam
(Bqp.vn) - Ở những trang cuối cuốn “Nhật ký trong tù” nổi tiếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho “Mục đọc sách”. Trong bài “Những hiểu biết cơ bản về quân sự...” của mục này, sau phần viết về “Huấn luyện” (quân sự), Bác Hồ bàn đến văn hóa: “Ý nghĩa của văn hóa: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạovà phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phường thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Học thuyết quân sự Việt Nam có tiền đề từ nghìn năm vùng lên đấu tranh của dân tộc ta chống những kẻ thù xâm lược hùng mạnh và ách thống trị ngoại bang tàn bạo. Nhân dân ta không chỉ yêu nước, căm thù giặc bằng những hành động, mà còn đúc kết thành hệ thống kiến thức, lý luận, phương pháp luận (học thuyết quân sự) làm phương hướng cho chiến đấu, động lực cho phong trào và cơ sở cho niềm tin tất thắng. Học thuyết quân sự Việt Nam ra đời làm cho chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta phát triển. Các quan niệm về nghĩa vụ với đồng bào, về nguồn gốc sức mạnh, về các yếu tố cấu thành dân tộc, về phương pháp luận đánh giặc, cứu nước được hình thành. Những nguyên lý: cùng một giống nòi thì phải có nghĩa vụ thương yêu đùm bọc nhau; đoàn kết toàn dân sẽ tạo thành sức mạnh rời non, lấp biển; trong đánh giặc, cứu nước nếu biết xét lẽ trời, thuận lòng người, biết phát huy sức mạnh của cả cộng đồng, biết linh hoạt sử dụng phát triển “quyền” hoặc “biến” trong chủ trương, chính sách, trong chiến lược, chiến thuật, theo “thời” và “biết thời” thì sẽ chiến thắng kẻ thù. Theo định nghĩa của Bác Hồ về văn hóa đã nêu trên, Học thuyết quân sự Việt Nam ra đời và phát triển trong công cuộc giữ nước và dựng nước được xem là bộ phận kết tinh nhiều giá trị văn hóa dân tộc và là điểm tập trung nhất của văn hóa dân tộc.
Trước hết, Học thuyết quân sự Việt Nam biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc, ở mục đích tự thân.
Văn hóa là giá trị đặc trưng nhất của dân tộc. Học thuyết quân sự Việt Nam hình thành và phát triển là để bảo vệ giá trị đặc trưng ấy (cũng chính là bảo vệ sự tồn tại và phát triển của giống nòi trước nguy cơ thôn tính và đồng hóa của ngoại bang). Nghiên cứu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt, bài thơ được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất của nước Việt Nam, các nhà lý luận quân sự còn coi đây là văn bản tiền học thuyết quân sự. Tất nhiên, để “Nước Nam là của vua Nam. Sách trời đã ghi rõ”, Lý Thường Kiệt còn có phương lược “Tiến phát chế nhân” (đánh địch trước khi chúng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược) và có phòng tuyến sông cầu (đánh địch trên một không gian rộng ở tuyến đầu Tổ quốc khi chúng tiến hành chiến tranh xâm lược) để khẳng định “Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Qua bài thơ của Lý Thường Kiệt, nền độc lập, chủ quyền và lãnh thổ của nước ta được công bố rõ ràng. Nó chứng tỏ sự trưởng thành về ý thức dân tộc của nhân dân ta và khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc (đồng thời bảo vệ bản sắc dân tộc) và chủ quyền đất nước đã giành được từ sau chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938, đã được bồi đắp củng cố hơn một thế kỷ.
Thời Trần, được khẳng định là thời điểm ra đời của Học thuyết quân sự Việt Nam với hai bộ binh thư và bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo. Nghiên cứu “Hịch tướng sĩ”, chúng ta thấy rất rõ mục đích chiến đấu của quân và dân nhà Trần, không những để bảo vệ quyền sống, quyền an hưởng thái bình của mỗi người dân trong đất nước độc lập mà còn để bảo vệ những giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc.
Thế kỷ XIV, giặc Minh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, mục đích là quyết biến nước ta thành quận, huyện của Trung Hoa nên chúng không từ một tội ác dã man nào, chúng còn phá hủy các di tích lịch sử, tịch thu các kho tàng văn hóa của người Việt. Soạn “Bình Ngô sách” và cùng với thủ lĩnh Lê Lợi tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh giải phóng thắng lợi, Nguyễn Trãi thay mặt chủ tướng và nhân dân Đại Việt long trọng công bố Tuyên ngôn độc lập: “Cáo bình ngô”. Thật kỳ diệu, bằng văn bản lý luận này, một lần nữa Nguyễn Trãi lại đánh bại tham vọng ngông cuồng của nhà Minh (sau khi đánh bại chúng bằng quân sự trên chiến trường) muốn biến nước ta thành quận huyện của Trung Hoa. Bằng những lập luận sắc bén, hùng hồn về lãnh thổ, văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử, Nguyễn Trãi chỉ cho đế chế Đại Minh thấy Đại Việt đã từng là một quốc gia độc lập phát triển và mãi mãi là quốc gia độc lập, phát triển sánh ngang với các cường quốc phương Bắc: “Xét như nước Đại Việt ta. Thật là một nước văn hiến. Bờ cõi sông núi đã riêng. Phong tục Bắc Nam cũng khác...”.
Năm 1789, khi hành binh từ kinh thành Phú Xuân ra Thăng Long đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ra tuyên ngôn đánh giặc: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó trích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Bản sắc văn hóa Việt Nam được người anh hùng “áo vải cò đào” đặt lên vị trí phải bảo vệ đầu tiên.
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trời long đất lở, trong “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa văn minh - văn hóa dân tộc lên thành một trong những mục tiêu đấu tranh giải phóng của nhân dân ta.
Thứ hai, Học thuyết quân sự Việt Nam biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong tư duy - phương pháp luận.
Các nhà quân sự trên thế giới đều cho quyền mưu là thuộc tính cao nhất của người làm tướng. Nhưng quan điểm Học thuyết quân sự Việt Nam coi trọng nhân nghĩa hơn quyền mưu, lấy nhân nghĩa làm nền sức mạnh Việt Nam, vốn là đáp số của một sự hội tụ lớn: cả nhân nghĩa và quyền mưu đều là tài đức của người lãnh đạo, chỉ huy, là sức mạnh từ bên trên. Trong nhân dân, đó là lòng nhân ái cao cả và trí tuệ vô bờ bến. Hội tụ được nhân nghĩa của lãnh đạo, chỉ huy với lòng nhân ái cao cả của nhân dân thì thành đại nghĩa của toàn dân tộc. Hội tụ được quyền mưu của lãnh đạo chỉ huy với trí tuệ vô bờ bên của nhân dân thì thành trí tuệ Việt Nam. Đặt trí tuệ Việt Nam trên nền tảng đại nghĩa dân tộc mà trù hoạch, tiến hành kế sách thì phát huy được sức mạnh Việt Nam, có thể giành được chiến thắng trong cả khởi nghĩa và các loại hình chiến tranh chính nghĩa.
Có thể đem tiêu chí đó cắt nghĩa sự thành bại của mọi cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc trong lịch sử. Bên cạnh những thắng lợi to lớn, đã xảy ra không ít va vấp: có đại nghĩa mà thiếu quyển mưu của lãnh đạo, chỉ huy, hoặc chưa tận dụng được trí tuệ vô bờ của nhân dân đều dẫn đến thất bại (như khởi nghĩa Hai Bà Trưng). Có quyền mưu và nhân nghĩa của lãnh đạo, chỉ huy nhưng chưa biến nổi thành đại nghĩa và trí tuệ của dân tộc thì cũng chưa dễ giành được thắng lợi (như khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám). Có quyền mưu mà thiếu đại nghĩa thì thất bại (như Hồ Quý Ly). Bởi vậy, xét cho cùng sức mạnh giành thắng lợi của Việt Nam chính là sức mạnh của đại nghĩa dân tộc gắn chặt với trí tuệ Việt Nam. Sử dụng sức mạnh cả trong khởi nghĩa và chiến tranh chính nghĩa đều phải hội đủ cả hai đại lượng kết chặt làm một. Mặt nào chưa đủ mạnh phải kịp thời có chủ trương, giải pháp khắc phục mới không thất bại.
Theo quan điểm đó, cả trong khởi nghĩa và chiến tranh chính nghĩa, Việt Nam không ưu tiến dùng vũ lực, cũng không dùng vũ lực sớm và dùng trước. Đó vừa là quy luật chung nhưng cũng là nét riêng của học thuyết quân sự “lấy nhỏ thắng lớn” đòi hỏi tuyệt đối phải mở đầu đúng lúc, kết thúc vừa độ. Đương đầu với kẻ thù lớn mạnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam biết rõ chỉ có thể buộc họ chịu thất bại trong một cuộc chiến tranh hoặc phải chấm dứt một nền thống trị chứ không thể loại bỏ dân tộc, đất nước họ trên trái đất. Trước sau rồi cũng phải chung sống trong những mới quan hệ nhất định, thậm chí phải cởi bỏ oán thù. Nước nào cũng có sự tự tôn tự trọng, bởi vậy quan điểm quân sự Việt Nam từ xa xưa đã không lấy vũ lực làm giải pháp duy nhất để giành thắng lợi mà vừa đánh vừa mở đường cho đối phương chấp nhận thất bại, đã đến thì cũng có cách trở về. Từ”tâm công” của ông cha đến “Mặt trận chống đế quốc xâm lược” thời đại Hồ Chí Minh đã góp phần giành thắng lợi, hạn chế đổ máu cho cả đôi bên. Quan điểm quân sự Việt Nam phản đối sự “tàn sát, triệt hạ” trong chiến trận (như đã xảy ra trong lịch sử nhiều nước), bởi “nay chiến mai hòa” là quy luật tất yếu của quan hệ quốc tế.
Thứ ba, Học thuyết quân sự Việt Nam biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong nội dung chỉ đạo mọi hoạt động quân sự.
Các quan điểm chỉ đạo sử dụng sức mạnh dân tộc có những nét riêng rất xuyên suốt, nhất quán cho phép mỗi thời tùy nhiệm vụ quân sự mà vận dụng. Khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng khác chiến tranh tự vệ ở chỗ phải tạo được lực lượng và chỗ đứng chân ngay tại nơi địch vẫn nắm quyền cai trị. Những lực lượng nòng cốt ban đầu phải rất tinh nhuệ, trung thành, giữ được bí mật đến cùng, loại trừ được kẻ đầu hàng phản bội. Nước dài và hẹp, bảo đảm sự thông suốt trong chỉ huy, lãnh đạo, tạo được cơ sở vững chắc trong thành phố, cả trong lòng địch, đều là nét phải lưu ý của Học thuyết quân sự Việt Nam.
Trong sự nghiệp đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, ta buộc phải dùng đến vũ lực không ít, nhưng dân tộc Việt Nam không bao giờ ỷ vào vũ lực để giải quyết các mâu thuẫn gặp phải, thường tận dụng “đấu trí” trước khi “đấu lực”, đời quyền hợp pháp trước khi nổi dậy đánh đổ. Bang giao với nước lớn, nhiều khi đi sứ quan trọng hơn trận đánh, một “ông trạng” giỏi đối đáp đem lại hiệu quả chẳng kém gì một danh tướng cầm quân. Đối ngoại quân sự thời nhà Lý, nhà Lê đều đã buộc nước lớn phải trả đất lấn chiếm, chẳng kém ngoại giao thời chống đế quốc.
Chính vì gắn “đấu lực” với “đấu trí” nên lực nhỏ mà hiệu quả lớn, “sức dùng một nửa công được gấp đôi”, nước nhỏ rút cục vẫn không thua nước lớn.
Ứng xử kết hợp cứng rắn với mềm dẻo nhưng thiên về lấy mềm trị cứng, lấy đạo lý đè bẹp cường bạo. Trong việc dùng binh, luôn kết hợp thế với lực nhưng trọng thế hơn trọng lực, kết hợp mưu trí với dũng lược nhưng trọng trí hơn trọng dũng, mưu lược thì lấy nhân nghĩa làm gốc, đem nhân nghĩa đánh bại xảo trá.
Không đơn độc đưa chủ lực ra chọi với kẻ thù mà chủ lực thời nào cũng gắn chặt với địa phương, làng bản, gắn chặt với nhân dân, thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ. Lính đánh thuê và các đội quân nhà nghề bị ép phải rời bỏ xứ sở vì cuộc chiến vô nghĩa, vấp phải sức đề kháng không chỉ của một đội quân mà của cả một dân tộc, trở thành trơ trọi giữa bầy đàn vô vọng, thì quân đông cũng thành đơn lẻ, mạnh hóa yếu, càng đánh càng thua.
Từ thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn chủ trương tiến hành chiến tranh giữ nước bằng thế trận tình người, “hình trận như chữ nhân gọi là nhân trận, thuận nghịch cũng là chữ nhân, tiến thoái cũng là chữ nhân, hợp tan cũng làm một người. Một người làm một trận, nghìn muôn người cũng làm một trận, nghìn muôn người động là một người...”. Cái thế kiềng ba chân ấy chính là thế trận của chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân mà chúng ta đang kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Từ tư duy giữ nước đến Học thuyết quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần I): Bản lĩnh Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần II): Lịch sử giữ nước của dân tộc ta
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần III): Sơ lược về sự hình thành và phát triển nền Nghệ thuật quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần IV): “Phạt Tống lộ bố văn” - Một phương thức chống xâm lược dưới thời nhà Lý