Web Content Viewer
ActionsNhững nét riêng qui định nội hàm và định hướng nội dung Học thuyết QSVN (phần II): Định hướng về nội dung Học thuyết quân sự Việt Nam
(Bqp.vn) - Chủ đề Học thuyết quân sự Việt Nam với tính cách là hệ thống quan điểm, lý luận, kiến thức, tư tưởng chỉ đạo đúc kết từ thực tiễn tạo ra sức mạnh và sử dụng sức mạnh Việt Nam vào việc giải phóng đất nước, phòng thủ quốc gia, bảo vệ Tô quốc, giữ gìn chế độ có ý nghĩa thực tiễn không kém phần cấp bách, không phải vì đất nước đang bị chiến tranh đe dọa mà vì cuộc cạnh tranh để xác lập vị thế giữa các nước đi vào thế kỷ XXI đang vô cùng sôi động, mỗi nước đều tìm cách tăng cường quốc lực,vươn lên hàng các nước phát triển, không chỉ về kinh tế - kỹ thuật mà cả về sức mạnh quân sự.
a) Nội dung Học thuyết quân sự Việt Nam trước hết phải phản ánh những nét riêng về hoàn cảnh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, không giống hoàn cảnh, điều kiện ra đời và đứng vững của nhiều nước khác, những nét riêng buộc ta không thể đem khuôn mẫu của nước ngoài áp dụng cho mình, cả về khái niệm, quan niệm và hệ thống quan điểm, lý luận và tư tưởng chỉ đạo.
Trên thế giới và cả trong vùng Đông Nam Á, tìm ra một nước trong mấy ngàn năm lịch sử mà phải chịu quá nửa thời gian hoặc bị nước ngoài cai trị, hoặc phải tiến hành khởi nghĩa vũ trang phát triển thành chiến tranh giải phóng, hoặc phải chấp nhận chiến tranh tự vệ, thời đại nào cũng phải đương đầu với các thế lực xâm lược và thống trị mạnh nhất hành tinh, hơn mình gấp nhiều lần cả về quân số và vũ khí mà vẫn đứng vững và phát triển... là việc hiếm có.
Muốn so sánh mình với một nước nào trên thế giới, phương pháp khoa học đòi một sự tìm hiểu tối thiểu về lịch sử đất nước đó, vị trí địa - chiến lược, địa – chính trị của nước đó trong mới giao lưu quốc tế và các nhân tố trực tiếp quyết định sự đứng vững và phát triển của dân tộc đó.
Nhiều người thường so ta với Thái Lan nhưng lại quên rằng từ ngày lập nước vào thế kỷ VII đến nay, mặc dù đã tiếp thu nền văn minh phương Tây từ thế kỷ XVI, nước Thái Lan chưa hề bị đội quân xâm lược nào đặt chân lên vùng đồng bằng sông Mênam trù phú. Trở thành nước quân chủ lập hiến, suốt 40 năm (1932 - 1973) giới cầm quyền thường là quân nhân, năm 1943 đã trực tiếp đưa quân đôi chọi với quân Pháp ở biên giới xứ Đông Dương thuộc Pháp.
Nền độc lập tự chủ trong hòa bình mà nước Thái Lan giữ được trong suốt 13 thế kỷ nay, giống như nền độc lập trong hòa bình mà các nước Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch và nhiều nước Bắc Âu giữ được rất lâu dài còn do nhiều yếu tố quyết định trong đó có yếu tố vị trí của các “khu đệm” trong vùng tiếp giáp chứ không chỉ vì chính sách đối ngoại “mềm dẻo và linh hoạt”. Đến ngày nay, nước Pháp vẫn còn bốn quận hải ngoại và mười vùng đất hải ngoại vốn trước đây cũng là thuộc địa Pháp như Việt Nam thì không thấy ai lấy đó ra so sánh.
Như dân ta thường nói, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, xuất thân từ nước thuộc địa nghèo nàn lạc hậu không thể vừa giành được độc lập tự do, vừa tiến lên giàu mạnh trong thời gian ngắn.
Giữ nước ở ngã tư thế giới không thể ví với người giữ nước trong chiều sâu hoặc bên rìa lục địa.
Bởi vậy, một nội dung không thể thiếu của Học thuyết quân sự Việt Nam là phải làm rõ nhu cầu và hoàn cảnh giữ nước có nét riêng của dân tộc, những nhu cầu và hoàn cảnh khách quan không ai muốn mà cũng không ai có quyền chối bỏ, đặt các thế hệ Việt Nam trước một tất yếu lịch sử: hoặc đứng vững và phát triển trong tư thế tự cường, tự lập hoặc biến thành phụ thuộc của các nước lớn mạnh, không có cách lựa chọn khác. ông cha đã đổ xương máu và trí tuệ ra giành và giữ, người thừa hưởng không thể coi công sức đó là do thiếu “mềm dẻo, linh hoạt”.
Nếu không làm rõ những nội dung đó, Học thuyết quân sự Việt Nam không thể khẳng định nguồn gốc sự cố kết giữa các cộng đồng dân tộc, tinh thần bất khuất được biểu thị bằng trí thông minh sáng tạo đã làm nên tài thao lược cùng với nền văn hiến Việt Nam, hình thành những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo, những quy tắc ứng xử nhất thiết phải tuân theo, những tri thức không thể không biết tới của mọi thế hệ Việt Nam, không khắc phục được những khuynh hướng mơ hồ, ảo tưởng với cuộc đấu tranh tự vệ đã thành định luật của đất nước và dân tộc.
b) Nước nhỏ phải đương đầu với nước lớn, nước nghèo chậm tiến phải ứng xử với các thế lực giàu mạnh, không thể “cậy” vào vũ lực mà phải kết hợp cứng mềm, bằng sức mạnh toàn diện, bằng phương thức tổng hợp, cố tránh phải dùng vũ lực càng ít càng tốt, càng trì hoãn càng tốt.
Sức mạnh không phải từ trên giáng xuống mà kết hợp cả hai chiều từ cơ sở vươn lên, trên quy tụ và chỉ đạo vận dụng. Đó là sức mạnh bắt nguồn từ bàn tay khối óc của mỗi con người gắn với gia đình, làng bản, đường phố, hợp thành sức mạnh từng địa phương, làm nên sức mạnh cả nước. Đất có thể khi còn khi mất, nhưng con người gắn với quê hương làng bản không bao giờ chịu mất.
Khi phải dùng vũ lực, dù đó là vũ lực không chỉ của nhà nước mà của cả lực lượng vũ trang quần chúng và của nhân dân, phát triển ngày càng sâu rộng theo sự tiến bộ của chế độ xã hội, thì cũng không ỷ vào lực mà biết tính thời, tạo thế, nghĩ kế, bày mưu, thực sự đấu trí nhiều hơn chọi lực, tìm ra cách đánh hợp với sở trường ta, sở đoản của đối phương, vừa đánh vừa dẫn dụ, phân hóa, vừa đánh vừa mở đường cho đối phương chấp nhận thất bại, thực sự “lấy đại nghĩa thắng hung tàn...”.
Chính vì lẽ đó, dù vẫn bám chắc chủ đề sức mạnh phòng vệ, Học thuyết quân sự Việt Nam không chấp nhận các nội dung quân sự đơn thuần. Nó phải gắn chặt với nền tảng sức mạnh là kinh tế, mục tiêu quy tụ sức mạnh là chính trị, động lực thúc đẩy sức mạnh là văn hóa... trong phạm vi quan hệ đến chủ đề tạo ra sức mạnh và sử dụng sức mạnh để giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước và chế độ.
Trải qua nhiều thực tiễn, ông cha ta đã xử lý việc binh khá toàn diện. Trần Hưng Đạo lấy “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”, lấy”vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức” làm gốc của sức mạnh. Nguyễn Trãi mở đầu bản “Bình Ngô đại cáo” từ mục tiêu “làm việc nhân nghĩa cốt để yên dân, dấy quân đánh dẹp trước tiến trừ bạo”, bằng cách “giơ gậy làm cờ bốn phương dân cày tập hợp, rượu hòa nước lã, một lòng tướng sĩ cha con”. “Binh thư yếu lược” có đoạn viết; Ba điều giỏi (dùng tướng, chọn tướng và biết tướng), cái tinh vi của người dùng tướng dùng quân đều ở cả đó. Tôn Võ và Ngô Khởi đã giỏi trong lĩnh vực ấy nhưng Mạnh Tử và Tuân Tử vẫn cho là chưa được vì “kế căn bản” chưa có, nên Tôn Võ và Ngô Khởi chỉ là cái rìu búa đẽo nước mà thôi, bệnh ở ngoài mà họa ở trong, mất nước có thể kiễng chân mà chờ đến
Từ cổ chí kim, sự nghiệp cứu nước và giữ nước ở Việt Nam không thể giành thắng lợi chỉ bằng những hoạt động đơn thuần quân sự. Thế kỷ XV, nhà Hồ rất chú trọng cải cách kinh tế, củng cố quốc phòng, nhưng chỉ vì quá tin vào thành lũy kiến cố, binh hỏa lực hùng hậu, để xảy ra tình trạng “trăm vạn người, trăm vạn lòng”(Nguyễn Trãi) mà bị quân Minh đánh bắt.
Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đưa dân lên địa vị thực sự là chủ đất nước, sức mạnh toàn diện càng được khẳng định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại... Nếu chỉ biết đánh mà coi nhẹ chính trị và kinh tế, tuyên truyền giáo dục nhân dân tức là chỉ biết một mặt vì đánh không thể tách rời chính trị và kinh tế” (Hồ Chí Minh). Người xưa gọi đó là kế căn bản của việc binh, thiếu “kế căn bản” có hiệu quả thì quân sự chỉ như “cái rìu búa đẽo nước”, tai họa chẳng phải kiễng chân chờ mà đã ập đến với hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa ngay trong thế kỷ XX!
Bởi vậy, Học thuyết quân sự Việt Nam phải có nội dung toàn diện, như ông cha ta xử lý việc binh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng quan điểm quân sự cách mạng. Có thể gọi đó là “Binh thuyết Việt Nam”, nay gọi là Học thuyết quân sự cách mạng Việt Nam.
c) Nước nhỏ muốn không lệ thuộc nước lớn, nước nghèo muốn không phụ thuộc nước giàu tất phải thực hiện chính sách đối ngoại khiêm tốn gắn với tự tôn, tự lập, mềm dẻo nhưng không khuất phục. Ông cha đã từng ứng dụng kế sách “trong xưng đế, ngoài xưng vương” mà vẫn giữ vững chủ quyền. Thời nào cũng phải lo ngăn trước ngừa sau, ghi nhớ bài học cả hai lần mất nước đầu tiên vào tay phong kiến phương Bắc rồi đến đế quốc phương Tây đều do bị ngoại bang dùng mưu lừa gạt tìm đường đánh chiếm, dẫn đến bị lệ thuộc lâu dài.
Bởi vậy, Học thuyết quân sự Việt Nam không thể chỉ mang nội dung chỉ đạo chiến tranh mà phải bao gồm cả nội dung phòng vệ thời bình, càng phòng vệ tốt càng đẩy lùi, ngăn chặn chiến tranh, cả chiến tranh có khói súng và các loại không có khói súng. Phải thường xuyên nhận mặt những đối thủ tiềm tàng, biết ta biết địch, không chỉ hiểu phương thức tiến công mà hiểu cả thâm ý cư xử, lúc yên đề phòng lúc nguy, hưởng phúc phải lo phòng họa. Vì đề phòng tai họa từ phía trước mà phải lo ổn định phía sau, vì phải đương đầu với nước lớn mà không thể xem thường hướng tập hậu của nước nhỏ. Chính vì vậy mà lịch sử chống Tống, đánh Nguyên, đuổi Minh, phá Thanh phải kết hợp với bình Chiêm đã thực sự xảy ra, với nhiều sự kiện và nguồn gốc không đơn giản.
d) Học thuyết quân sự các nước Tây Âu phổ biến đều phát triển từ lý luận quân sự và nghệ thuật quân sự Hy Lạp và La Mã cổ, vốn là những đế chế cường thịnh, có nền kinh tế và khoa học kỹ thuật sớm phát triển. Đối với các nước đó, việc tạo dựng sức mạnh, bổ sung binh lực không có gì khó. Lý luận và học thuyết quân sự thường thiên về sử dụng sức mạnh bao gồm việc rèn luyện tướng sĩ, tổ chức đội hình, tìm cách đánh có lợi để tiêu diệt đối phương. Nó thường xuất xứ từ tác phẩm của các danh tướng, học giả... thành học thuyết của từng chính khách, từng nhà nước để chỉ đạo các nhiệm vụ trước mắt.
Học thuyết quân sự Việt Nam là học thuyết của những người lãnh đạo và quản lý nước nhỏ, nhiều lần bị nước ngoài xâm lược và thống trị. Việc khởi nghĩa, tiến hành chiến tranh giải phóng và chiến tranh tự vệ trên những địa bàn quen thuộc hoặc ứng xử với những âm mưu đe dọa và mua chuộc cùng loại thường diễn đi diễn lại, luôn đặt toàn dân tộc trước thử thách mất còn. Bối cảnh đó tạo ra những kinh nghiệm chung, những lý luận, quan điểm chung cần được truyền đạt, bổ sung, phát triển thành lý luận và tư tưởng chỉ đạo, thành phương thức ứng xử và cách đánh mang nét riêng của nhiều thế hệ lãnh đạo cộng đồng dân tộc, của truyền thống Việt Nam. Nó tất phải bao gồm những nội dung chỉ đạo việc quy tụ và sáng tạo sức mạnh, đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, rồi mới nói đến nội dung sử dụng sức mạnh để làm sao lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, càng đánh càng mạnh, không thể rập khuôn các hạng mục của Học thuyết quân sự Âu - Mỹ.
e) Trong thời đại Hồ Chí Minh, Học thuyết quân sự cách mạng Việt Nam chẳng những phát huy được truyền thống tốt đẹp của ông cha mà còn có bước nhảy vọt về chất cả về sáng tạo sức mạnh và sử dụng sức mạnh, là bộ phận hợp thành của học thuyết giải phóng dân tộc đi đôi với giải phóng xã hội, giải phóng con người, bảo vệ dân tộc, xã hội và con người đã được giải phóng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đầy đủ về mọi mặt, bảo vệ sự nghiệp xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc, bảo vệ chế độ mới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Những nội dung quy tụ sức mạnh của đoàn kết quốc tế, đoàn kết toàn dân, tôn trọng quyền làm chủ của dân... làm nền tảng cho một phương thức phòng thủ và tiến công tổng hợp, cho cách đánh thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với chiến tranh xâm lược biết đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận các thế lực thù địch lớn mạnh tự giành thắng lợi từng phần tới giành thắng lợi toàn cục... thường xuyên cảnh giác và sẵn sàng ứng xử với mọi nguy cơ đe dọa an toàn của Tổ quốc và chế độ trong thời đại mới... cần được làm rõ một cách có cơ sở.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Từ tư duy giữ nước đến Học thuyết quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần I): Bản lĩnh Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần II): Lịch sử giữ nước của dân tộc ta
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần III): Sơ lược về sự hình thành và phát triển nền Nghệ thuật quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần IV): “Phạt Tống lộ bố văn” - Một phương thức chống xâm lược dưới thời nhà Lý