Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Phân biệt học thuyết quân sự Việt Nam với nghệ thuật quân sự, tư tưởng quân sự, đường lối quân sự

09:55 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Phương pháp so sánh làm nổi rõ mối liên hệ và sự phân biệt giữa sự vật này với các sự vật khác đứng cạnh nó nhưng không phải là nó, giúp cho công tác nghiên cứu bám chắc vị trí, phạm vi, góc độ của chủ đề, không lẫn lộn với các sự vật khác.

Tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã có từ lâu nhưng đường lối quân sự thì chỉ xuất hiện từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đặt giả thiết Học thuyết quân sự (HTQS) Việt Nam đã có từ trước thời đại Hồ Chí Minh thì ở thời đại trước chỉ cần phân biệt HTQS Việt Nam với tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Việc phân biệt HTQS Việt Nam (thời đại Hồ Chí Minh) với đường lối quân sự chỉ đặt ra từ khi Đảng ta có đường lối quân sự.

1. Mối quan hệ và sự khác nhau giữa HTQS Việt Nam và nghệ thuật quân sự

Nghiên cứu HTQS Việt Nam, chúng tôi thấy có những nhận thức về các bộ môn quân sự cần được tiếp tục trao đổi, góp phần nhận diện một môn học chưa hình thành rõ nét trong nền học vấn quân sự Việt Nam.

Các môn học trong nền học vấn quân sự Việt Nam thời hiện đại mới được hình thành từ sau cách mạng tháng Tám. Khi ta giành được độc lập, các môn quân sự thực hành mới được truyền bá một cách phổ cập.

Môn học cấp bách đầu tiến là nghệ thuật quân sự, nhưng chiến thuật phổ biến hơn chiến dịch và chiến lược. Nghệ thuật quân sự là môn học phổ biến nhất, được truyền bá sớm nhất trong “giới” quân sự Việt Nam, trở thành cửa ngõ đầu tiến để tiếp xúc với học vấn quân sự của thế hệ những người kháng chiến Việt  Nam. Không chỉ nghệ thuật quân sự trong kháng chiến mà cả trong khởi nghĩa thông qua những chỉ thị, mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh chỉ đạo chuẩn bị và tiến hành Cách mạng tháng Tám. Trong khi ở các nước có điều kiện đào tạo cán bộ quân sự theo con đường học vấn cơ bản, lĩnh vực quân sự được tiếp cận thông qua nhiều bộ môn, trong đó mỗi môn có đối tượng, phạm vi, góc độ của mình thì thực tế đó ở nước ta dễ tạo nên ấn tượng: nghệ thuật quân sự là tuyệt đại bộ phận nếu không nói là toàn bộ các kiến thức về quân sự và bất cứ ai trong lĩnh vực thực hành đã am hiểu nghệ thuật quân sự đến cấp chiến lược đều có thể được coi là “nhà quân sự” am hiểu cả lý luận chiến lược, chiến dịch và chiến thuật đều được coi là “nhà lý luận quân sự”. Dĩ nhiên, các nhà quân sự và nhà lý luận quân sự Việt Nam đều quán triệt đường lối quân sự của Đảng, mới đầu được thể hiện trong các nghị quyết chuyên đề của Trung ương Đảng, được cụ thể hóa trong các nghị quyết và chỉ thị của Quân ủy Trung ương.

Lý luận Mác- Lênin về chiến tranh và quân đội cũng chỉ được truyền bá một cách rộng rãi, tương đối có hệ thống từ sau khi hòa bình lập lại trên miến Bắc.

Khi có nhu cầu thành lập Viện khoa học quân sự và các học viện quân sự thì các môn lịch sử quân sự, địa lý quân sự, kinh tế quân sự, hậu cần quân sự, các bộ môn của nghệ thuật quân sự như chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, các quân binh chủng... mới được thành lập. Cơ sở lý luận đầu tiên thường dựa vào các giáo trình của Liên Xô và Trung Quốc, phần nhiều do các cán bộ đã đi học ở nước ngoài về soạn thảo thành bài giảng.

Riêng HTQS là môn học chưa thành bộ môn riêng, chưa có giáo trình, trừ Học viện quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) có vài khóa dạy về đường lối quân sự - HTQS do bộ môn “đường lối quân sự” đảm nhiệm, có tham khảo một chương trình của các chuyên gia Liên Xô. Khái niệm “HTQS” thường được tiếp xúc qua các từ điển quân sự và Bách khoa toàn thư quân sự của Liên Xô, các tập sách chuyên đề của Xôcôlốpxki, Grescô Chiukêvích, sau này nghiên cứu thêm khái niệm của các nước phương Tây. Từ điển thuật ngữ quân sự và Từ điển Bách khoa quân sự của ta có thuật ngữ “Học thuyết quân sự” nhưng chưa hề có khái niệm “HTQS Việt Nam”.

Qua một số năm nghiên cứu, tập hợp ý kiến đóng góp của nhiều người, chúng tôi thấy nổi lên một số vấn đề sau đây:

Không chỉ cần phải phân biệt HTQS với nghệ thuật quân sự, tư tưởng quân sự, đường lối quân sự, mà còn phải phân biệt nó với lý luận quân sự, lý luận Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, với lịch sử quân sự, lịch sử nghệ thuật quân sự.

Trong tình hình hiện nay, dù đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu. Nhưng có lẽ nguồn có căn cứ hợp lý hơn cả vẫn là các từ điển quân sự, bách khoa toàn thư quân sự Xôviết.

Theo “Từ điển Quân sự” và “Bách khoa toàn thư quân sự Xô Viết”, thì HTQS là sự thể hiện những quan điểm của cơ quan chính trị lãnh đạo đất nước về những vấn đề nhận định về mặt chính trị cuộc chiến tranh tương lai, thái độ của Nhà nước đối với chiến tranh, xác định tính chất của cuộc chiến tranh tương lai, chuẩn bị về kinh tế và tinh thần cho đất nước tiến hành chiến tranh, về những vấn đề xây dựng và huấn luyện lực lượng vũ trang cũng như phương thức tiến hành chiến tranh.

Trong “HTQS” có hai mặt liên quan chặt chẽ với nhau và quy định lẫn nhau, đó là mặt chính trị và mặt kỹ thuật quân sự, trong đó chính trị là mặt chủ đạo. Mặt chính trị bao gồm các vấn đề liên quan đến mục đích và tính chất của cuộc chiến tranh, ảnh hưởng của mục đích và tính chất chiến tranh đến công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang và đến việc chuẩn bị chiến tranh. Trên cơ sở phù hợp với các luận điểm chính trị, mặt kỹ thuật quân sự gồm các vấn đề liên quan đến các phương thức tiến hành chiến tranh, xây dựngquân sự và trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang và duy trì lực lượng vũ trang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Điều đó chứng tỏ rằng, chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng bạo lực và bản chất của quân đội là công cụ của chính trị, của đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, nên HTQS phải mang tính đảng không chỉ trong ý thức tiến hành mà ngay trong chính nội dung của nó. Điều đó được thể hiện rõ ở các điểm sau:

Thứ nhất, đó là hệ thống quan điểm, luận điểm của cơ quan lãnh đạo chính trị của đất nước, chứ không phải của cơ quan chỉ huy quân sự.

Thứ hai, đó là những nhận định về mặt chính trị đối với chiến tranh, chứ không phải là những nhận định về nghệ thuật quân sự (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật) đối với chiến tranh. Việc xác định mục đích, tính chất của cuộc chiến tranh thuộc về nội dung chính yếu của HTQS chứ không phải là cơ sở, căn cứ nền tảng... như nhận thức về nghệ thuật quân sự.

Thứ ba, nội dung HTQS bao gồm hai mặt liên quan chặt chẽ với nhau và quy định lẫn nhau, đó là mặt chính trị và mặt kỹ thuật quân sự, trong đó chính trị là mặt chủ đạo, chi phối mặt kỹ thuật quân sự. Nếu mâu thuẫn phải giải quyết là mâu thuẫn đối kháng, không thể điều hòa thì các thủ đoạn bằng vũ lực được sử dụng một cách rất quyết liệt, nếu mâu thuẫn phải giải quyết không quá gay gắt thì các phương thức đem ra ứng dụng rất bình thường, với cường độ tương đối thấp, thậm chí có phần lỏng lẻo.

Thứ tư, việc xác định nội dung chính trị là nội dung chủ đạo trong HTQS có thể gây bất ngờ cho những nhận thức xưa nay vẫn cho rằng HTQS phải lấy quân sự làm nội dung chủ yếu. Nhưng xét cho kỹ thì đó lại là nét riêng của học thuyết (đường lối) quân sự so với các bộ môn khác cùng nghiên cứu về các vấn đề quân sự. Ở Liên Xô trước đây đã từng lưu hành phổ biến hai khái niệm: Chính sách quân sự của Đảng Cộng sản Liên Xô và HTQS của nhà nước Liên Xô. Đó là hai khái niệm thuộc cùng một cấp độ làm công cụ để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Nhà nước đối với các hoạt động quân sự. Chúng đứng trên các khái niệm khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự (chiến lược, chiến dịch và chiến thuật), chi phối và chỉ đạo các môn học khác về quân sự. Chúng xác định quan điểm phương pháp luận về thực tiễn đất nước và dân tộc cho việc nghiên cứu khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, lịch sử quân sự, tâm lý quân sự... Vì sự lãnh đạo, chỉ đạo nào trước hết cũng là sự lãnh đạo, chỉ đạo về chính trị; “Mặt chính trị bao gồm các vấn đề liên quan đến các mục đích và đến tính chất của cuộc chiến tranh, ảnh hưởng của mục đích và tính chất chiến tranh đến công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang và đến việc chuẩn bị của đất nước” để đề phòng chiến tranh.

Trong hoạt động chỉ đạo của HTQS, những sai lầm, khiếm khuyết về nội dung chính trị nguy hại hơn những sai lầm, khiếm khuyết về kỹ thuật quân sự. Nếu xác định đối tượng tràn lan thì không tập trung được sức mạnh vào đối tượng cần đánh bại, mục đích mà xác định không chuẩn xác thì toàn bộ kỹ thuật sẽ chạy theo một hướng khác, hoặc như xác định không đúng tính chất, thì kỹ thuật quân sự phát huy tác dụng sẽ làm hỏng mục đích. Mục đích và tính chất cuộc chiến tranh như thế nào thì phải xây dựng lực lượng vũ trang đúng với mục đích và tính chất ấy, và sự chuẩn bị cũng theo hướng ấy. Kỹ thuật quân sự mà mất định hướng thì rất nguy hiểm, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quân sự mà không có chính trị thì như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của ta đã làm sáng tỏ các bài học về vấn đề này.

Ở Việt Nam, không chỉ có “chính sách quân sự”, “HTQS” mà còn có “đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam” và  “tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”. Phải chăng, bốn bộ môn này thuộc cùng một cấp độ lãnh đạo và chỉ đạo, lấy Đảng và Nhà nước làm chủ thể đề xuất chứ không lấy hệ thống chỉ huy các lực lượng vũ trang làm chủ thể đề xuất. Và đó cũng là một khía cạnh để phân biệt HTQS với nghệ thuật quân sự.

Thứ năm, khi nói chuẩn bị đất nước thì không chỉ là sự chuẩn bị về mặt quân sự, mà còn là sự chuẩn bị về kinh tế và tinh thần cho đất nước tiến hành chiến tranh trước khi nói đến những vấn đề xây dựng và huấn luyện lực lượng vũ trang cũng như các phương thức tiến hành chiến tranh. Vì sao lại đặt vấn đề chuẩn bị về kinh tế và tinh thần trước? Phải chăng, đây chính là sự thể hiện “lý luận quân sự” của Ăngghen: “Không cái gì phụ thuộc vào kinh tế hơn là quân đội và hạm đội”... thể hiện lời căn dặn giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu chỉ biết đánh mà không biết đến kinh tế, khi hết gạo sẽ không đánh được” và quan điểm “người trước súng sau” của Người. Ai cũng biết lãnh đạo và chỉ đạo mà không tạo ra cơ sở vật chất và tinh thần cho người thực hiện thì sẽ trở thành sự lãnh đạo và chỉ đạo chủ quan. Xây dựng lực lượng vũ trang và các phương thức tiến hành chiến tranh vốn không phải là việc riêng của HTQS mà còn là công việc của đường lối quân sự, chiến lược quâụ sự, của các môn học chuyên ngành về xây dựng và tổ chức chỉ huy quân sự, về huấn luyện và giáo dục quân sự. Vả lại, nếu chỉ lo xây dựng lực lượng vũ trang, nghiên cứu phương thức tiến hành chiến tranh mà không chăm lo chuẩn bị nền tảng tinh thần cho cả nước, cho các lực lượng vũ trang “dám đánh” và “quyết đánh” thì sẽ rơi vào tình trạng có “xác” mà không có “hồn” phải”dám đánh” và “quyết đánh”, mới từng bước đạt tới trình độ “biết đánh” và “biết thắng”.

Năm điều rút ra trên đây có thể khẳng định rằng, theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, HTQS thuộc về cấp độ chỉ đạo chứ không thuộc cấp độ tổ chức thực hiện như nghệ thuật quân sự. Mặc dù ở Việt Nam, HTQS không làm chức năng đường lối quân sự (như ở Liên Xô trước đây) nhưng cũng không vì thế mà nó lại làm thay chức năng của nghệ thuật quân sự. Xưa kia, Trần Hưng Đạo đã từng căn dặn: “Người làm tướng không nên lấy giỏi cung đao cưỡi bắn làm tài, mà phải lấy thông suốt cổ kim làm giỏi” Nghiên cứu HTQS mà không làm rõ các vấn đề chỉ đạo, trước khi đi vào các vấn đề “kỹ thuật quân sự” như phương thức tiến hành chiến tranh, xây dựng quân sự, trang bị kỹ thuật thì có khác gì người làm tướng chỉ “lấy giỏi cung đao, cưỡi bắn” mà bỏ qua các đề “thông suốt cổ kim”. Nguyên soái Liên Xô Malinốpxki định nghĩa: khoa học quân sự là lý luận của ngành quân sự, là hệ thống những kiến thức bao gồm lý luận chung về chiến tranh, vấn đề tổ chức chuẩn bị chiến đấu và giáo dục quân sự. Như vậy, nghiên cứu HTQS không lo các khía cạnh quân sự không được xử lý thỏa đáng, vì sau đường lối, chính sách quân sự và HTQS của Đảng, Nhà nước, còn có khoa học quân sự, lấy nghệ thuật quân sự làm nội dung chủ yếu, đây cũng là môn lý luận riêng của ngành quân sự, là phạm vi nghiên cứu của rất nhiều bộ môn chuyên ngành như chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, và các lĩnh vực bảo đảm; vì thế, không nên “đưa ngược” các nội dung đó lên đường lối và học thuyết. Từ đó, thấy rõ dù HTQS, đường lối quân sự có chỉ đạo khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự nhưng chúng không làm thay nghệ thuật quân sự. Lý luận chiến lược, chiến dịch và chiến thuật cũng thuộc phạm vi nghệ thuật quân sự chứ không phải là nội dung HTQS. Có thể lấy các tri thức về khoa học quân sự, các nguyên tắc nghệ thuật quân sự để chứng minh cho HTQS, nhưng không thể lấy chúng làm đối tượng nghiên cứu HTQS Việt Nam.

Nghệ thuật quân sự là bộ phận chủ yếu của khoa học quân sự; giữa HTQS và khoa học quân sự, có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Trong quá trình hoạt động thực tiễn, người ta rút ra những nguyên tắc nghệ thuật quân sự, những điều cơ bản nhất thiết phải tuân theo trong hoạt động quân sự, còn HTQS lại đề xuất những luận điểm, những quan điểm có tính chất lý luận để đánh giá, phân tích và giải quyết các vấn đề cần xử lý chứ không đề ra những nguyên tắc cụ thể. Học thuyết mà đề ra nguyên tắc thì sẽ tự bác bỏ tính luận thuyết là cốt cách cơ bản của học thuyết.

Cũng có luận điểm cho rằng, HTQS Việt Nam phải chỉ đạo sự nghiệp quân sự với đặc trưng là đấu tranh vũ trang, nên phải ưu tiến các lĩnh vực quân sự hơn các lĩnh vực khác. Ai cũng biết HTQS không phải là học thuyết kinh tế hay triết học. HTQS Việt Nam là hệ thống luận điểm phản ánh trình độ tri thức, lý luận, phương pháp luận về các vấn đề quân sự và các mặt liên quan, chi phối, tác động tới quân sự... nhưng xác định cho nó nhiệmvụ phải chỉ đạo sự nghiệp quân sự là quá phạm vi chức năng của bản thân nó. Khi viết về nhiệm vụ phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đường lối quân sự xuất phát từ đường lối chính trị của Đảng, từ quan điểm về khởi nghĩa và chiến tranh của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ truyền thống quân sự của dân tộc, từ những đặc điểm cụ thể về địch, về ta, về điều kiện quốc tế v.v... để xác định phương hướng, phương châm và nguyên tắc cơ bản chỉ đạo khởi  nghĩa và chiến tranh, chỉ đạo việc xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ địa và hậu phương cũng như chỉ đạo phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự nhằm hoàn thành nhiệm vụ quân sự của Đảng trong các thời kỳ đấu tranh cách mạng” Sự phát triển “sự nghiệp quân sự” trước hết phải là phát triển về khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự dưới sự lãnh đạo của đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về lý luận cơ bản, đã có lý luận về khởi nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin, lý luận về vũ trang bảo vệ Tô quốc xã hội chủ nghĩa của Lênin... Ngoài ra, từng bộ môn trong khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, chuyên môn và kỹ thuật quân sự đều có lý luận của bản thân môn học đó. HTQS Việt Nam không thể thay thế các bộ môn lý luận cơ bản mà chỉ cung cấp các luận điểm mang tính lý luận - thực tiễn về thiên  nhiên, đất nước, con người với truyền thống quân sự Việt Nam, truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta trong suốt lịch sử đấu tranh chống phong kiến phương Bắc và đế quốc phương Tây được ghi lại trong sử sách, trong các áng “thiên  cổ hùng văn” của ông cha, trong các bản tổng kết chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cộng với thực tiễn đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch trong giai đoạn mới.

HTQS Việt Nam là sự khái quát những luận điểm chỉ đạo công cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc ta một cách tổng hợp nhất, cơ bản nhất để chứng minh rằng Việt Nam do hoàn cảnh của mình, đã xuất hiện một trường phái quân sự vừa mang tính quy luật chung, vừa có những nét riêng độc đáo. Ở Việt Nam thời nào cũng coi trọng việc quy tụ lực lượng xung quanh tổ chức lãnh đạo và quản lý nhà nước để giữ nước; phải chống giặc bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân, phải coi trọng mưu kế, thế thời... để biến lực nhỏ thành lực lớn. Nói một cách khác, HTQS Việt Nam vạch ra những định hướng ứng xử trong việc dựa vào sức mạnh của dân tộc để giữ nước. HTQS Việt Nam không chỉ để sử dụng trong chỉ đạo chiến tranh. Xôcôlốpxki khẳng định: “HTQS được xây dựng trên cơ sở hoạt động thiết thực của Nhà nước, là kết quả của một quá trình lịch sử rất lâu dài và phức tạp, phát sinh và phát triển những tư tưởng của Nhà nước trong lĩnh vực phòng thủ đất nước”. Không giống nghệ thuật quân sự được xây dựng và rèn luyện trong thời bình và chỉ được đem sử dụng khi có chiến tranh, học thuyết - đường lối quân sự ngoài việc chuẩn bị cho đất nước, chuẩn bị lực lượng vũ trang cho chiến tranh, duy trì lực lượng vũ trang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu lại bao gồm cả những luận điểm chỉ đạo việc phòng thủ nhằm đẩy lùi, ngăn chặn chiến tranh. Một học thuyết - đường lối quân sự vừa chuẩn bị tốt cho việc đánh thắng trong chiến tranh, vừa góp phần đắc lực vào việc bảo vệ môi trường hòa bình,ổn định đất nước, chứ không phải một học thuyết chỉ chuẩn bị để chấp nhận chiến tranh. Bản thân sự chuẩn bị tốt đã mang tính phòng thủ răn đe để giữ hòa bình ổn định.

HTQS Việt Nam cùng với đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là những môn nghiên cứu các vấn đề chỉ đạo bên cạnh các môn khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự là  các môn nghiên cứu để tổ chức thực hiện. Chỉ đạo thì phải toàn diện, thực hiện thì phải chuyên sâu. HTQS Việt Nam là những luận điểm cơ bản toàn diện nhất, có căn cứ lý luận và thực tiễn đầy đủ, nhằm tạo cho khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, kỹ thuật quân sự một nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội thuận lợi bao gồm cả nền tảng tinh thần văn hóa, một định hướng đúng  đắn để phục vụ tốt nhất cho yêu cầu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

2. Mối quan hệ và sự khác nhau giữa HTQS và tư tưởng quân sự

Tư tưởng quân sự là hệ thống quan điểm về quân sự và các vấn đề có liên quan (như chính trị, kinh tế, văn hóa, tác động tới sự nghiệp quân sự) của những cá nhân kiệt xuất, gắn bó với giai  cấp và dân tộc. Được chính đảng thừa nhận, nó trở thành tư tưởng quân sự của đảng cầm quyền, của nhà nước. Tư tưởng quân sự không chỉ bao gồm các quan điểm về sức mạnh quân sự mà còn biểu thị quan điểm về mới quan hệ giữa chiến tranh và chính trị, chiến tranh với hòa bình, quân sự với chính trị, kinh tế, văn hóa, với khoa học, kỹ thuật và công nghệ...

Tư tưởng quân sự vừa là cơ sở tư tưởng, vừa là bộ phận cấu thành của HTQS. Khi có Đảng, có đường lối quân sự của Đảng thì tư tưởng quân sự của cá nhân kiệt xuất, có uy tín lãnh đạo (tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh) được Đảng thừa nhận và trở thành cơ sở tư tưởng và bộ phận cấu thành đường lối quân sự của đảng.

Khi nói về tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, ta phải xuất phát từ các tư tưởng chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng khi  nói về HTQS Việt Nam thời đại Hồ ChíMinh, ngoài phần cốt lõi nói trên, cần khái quát những tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của các “môn đồ” và các thế hệ tiếp nối, do quán triệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh mà vận dụng sáng tạo vào các hoàn cảnh khác của đất nước mà không chệch khỏi quỹ đạo của tư tưởng đó. Ví như có thể bàn về HTQS Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trong xu thế toàn cầu hóa, trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, mới quan hệ giữa HTQS Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh với tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là mới quan hệ giữa tổng thể và bộ phận. Những tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh lại là bộ phận giữ vị trí chỉ đạo như bộ óc đối với toàn cơ thể, hướng dẫn học thuyết theo định hướng nhất định, như bánh lái đối với con tàu, bảo đảm tính nhất quán về lý luận, phương pháp luận của học thuyết, hướng hệ thống kiến thức của học thuyết đi sâu vào những khu vực cần thiết và có hiệu quả.

 Điểm cần phân biệt giữa HTQS với tư tưởng quân sự là HTQS không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi tư tưởng. Lấy tư tưởng quân sự làm cốt lõi, nó phải không ngừng nâng cao trình độ kiến thức và học vấn về mọi mặt, trình độ lý luận, phương pháp luận nhằm khái quát nhanh những luận điểm chỉ đạo có tác dụng định lượng, định hình,định tính cho các mới quan hệ toàn diện có tác dụng chi phối sức mạnh quân sự trong từng thời kỳ lịch sử. Trong chiến tranh, HTQS (và đường lối quân sự khi có Đảng) đưa sức mạnh quân sự lên hàng ưu tiến, trong hòa bình sức mạnh đó phải được xây dựng phù hợp với yêu cầu bảo vệ thời bình, không thể coi nhẹ bảo vệ quyền độc lập về kinh tế, văn hóa... không xem nhẹ các hoạt động ngoại giao để bảo vệ độc lập, chủ quyền.  Nó phải làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh giữ vững mọi trận địa thời bình, coi trọng giữ gìn ổn định, trật tự an toàn xã hội...

3. Mối quan hệ và sự khác nhau giữa HTQS và đường lôi quân sự

Mối quan hệ và sự phân biệt này chỉ đặt ra từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mà cách mạng Việt Nam chủ yếu phải dựa vào bạo lực cách mạng của quần chúng do Đảng Cộng sản quy tụ và lãnh đạo chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thống trị và xâm lược, về thực chất là làm rõ mối quan hệ và sự phân biệt giữa HTQS Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh với đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do yêu cầu về hệ thống kiến thức, hệ thống lý luận và phương pháp luận, lại phải có các tác giả tiêu biểu đề xuất thành văn bản mới có thể coi là có HTQS. Nhiều nhà nghiên cứu nhất trí với luận cứ: HTQS Việt Nam ra đời từ nhà Trần vào thế kỷ XIII sau khi Trần Hưng Đạo công bố hai bộ binh thư: “Binh gia diệu lý yếu lược” (còn gọi là Binh gia yếu lược, Binh thư yếu lược) và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, bản “Dụ chư tướng hịch văn” (còn gọi Hịch tướng sĩ văn) và bản “Di chúc năm Canh Tý” dặn vua Trần Anh Tông về “kế sách chống giặc giữ nước”. Học thuyết này được tiếp nối bằng hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Trãi - Lê Lợi, Quang Trung - Ngô Thì Nhậm... và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã phát triển lên đỉnh cao mới về nhiều mặt cả hệ thống kiến thức, hệ thống lý luận, phương pháp luận.

Khi có đường lối quân sự của Đảng, liệu nó có thay thế HTQS Việt Nam? Đương nhiên không phải thế. Đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam là phương hướng chính trị, hệ thống các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, các chủ trương lớn để lãnh đạo các hoạt động quân sự của toàn quân, toàn dân trong mỗi thời kỳ lịch sử.

Đường lối quân sự của Đảng là phương tiện lãnh đạo chủ yếu của Đảng đối với hoạt động quân sự và các vấn đề có Liên quan đến sự nghiệp quân sự: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật... Trong khi thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang cũng như đối với các hoạt động quân sự, quốc phòng, sự lãnh đạo của Đảng trước hết là lãnh đạo về chính trị, đi vào mặt chính trị - xã hội của mọi hoạt động quân sự và các mặt Liên quan. Đảng không làm thay hệ thống chỉ huy, hệ thống quản lý và các hệ thống về chuyên môn nghiệp vụ. Sự lãnh đạo của Đảng là sự lãnh đạo cụ thể, xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng, đối tượng... của từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng. Đường lối có vận dụng kiến thức, lý luận, phương pháp luận nhưng bản thân đường lối không phải là các hệ thống đó mà phải là các nghị quyết cụ thể cho mọi ngành, mọi cấp chấp hành. Bởi vậy, đường lối vừa có tính phân kỳ vừa có tính thời hiệu, thời điểm, không thể đem các chủ trương, nghị quyết thời kỳ trước để thi hành trong các thời kỳ sau.

Chúng ta thường có thói quen gọi đường lối quân sự của Đảng ta là đường lối quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân. Nói chuẩn xác, đó là các quan điểm của đường lối, là những bộ phận tương đối ổn định hướng dẫn tư duy đường lối chứ chưa phải toàn bộ đường lối. Bởi vì đường lối có chức năng xác định mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ, phương châm, phương thức hoạt động, các chủ trương lớn để hoàn thành nhiệm vụ, đạt tới mục tiêu trong từng giai đoạn cách mạng. Tất cả những nội dung mang tính chức năng của đường lối quân sự đó đều luôn luôn thay đổi, không thể lắp đi lắp lại. Chỉ có mấy quan điểm lớn, cũng có thể gọi đó là quan điểm lý luận, thuộc  về học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội chứ chưa thể coi đó là đường lối hoàn chỉnh.

Khi đã có đường lối quân sự của Đảng, HTQS Việt Nam không thể đề ra các nghị quyết cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chấp hành. Nó cung cấp những luận điểm khái quát phản ánh hệ thống kiến thức, hệ thống lý luận, phương pháp luận cho đường lối, cho cả hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các vấn đề quân sự và các mặt có liên quan, nhưng nó không bắt buộc phải xác định mục tiêu, mục đích cho từng giai đoạn cách mạng, không phải xác định đối tượng chiến lược và đối tượng tác chiến cho từng thời điểm, không quyết định nhiệm vụ quân sự cho toàn quân, toàn dân, không quyết định phương thức hoạt động cụ thể để chấp hành nhiệm vụ quân sự.

Xét trong hệ thống các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta với khoa học và nghệ thuật quân sự thì tư  tưởng quân sự Hồ Chí Minh còn nằm trong lĩnh vực tư duy chỉ đạo được đường lối quân sự cụ thể hóa thành chủ trương, nhiệm vụ phương châm, nguyên tắc qua mỗi thời kỳ lịch sử. Còn chính sách quân sự của Nhà nước ta lại là sự cụ thể hóa và công khai hóa một số nội dung của đường lối quân sự, tư tưởng quân sự chú trọng mặt đối ngoại để công bố công khai của chủ đề. Lấy tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh làm cốt lõi, HTQS Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh còn khái quát những quan điểm chỉ đạo của đường lối quân sự và của các cá nhân lãnh đạo, hình thành các luận điểm có giá trị tiêu biểu, phù hợp với mọi hoàn cảnh, làm cơ sở lý luận - thực tiễn và đất nước, dân tộc cho đường lối quân sự của Đảng trong các thời kỳ sắp tới.

Khi đã có đường lối quân sự của Đảng, người ta nghiên cứu HTQS Việt Nam để bám chắc cội nguồn, nâng cao kiến thức, lý luận, phương pháp luận về thực tiễn đất nước và lịch sử dân tộc để tìm ra phương thức xử trí tình huống chứ không đời phải quán triệt để tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ như đối với đường lối quân sự.

Trong khi đường lối quân sự của Đảng cầm quyền phải có quyền lực buộc mọi người không được làm trái thì HTQS góp phần bồi dưỡng quan điểm, nâng cao trình độ, thuyết phục bằng lý luận và kinh nghiệm, bằng phương pháp luận trong việc tiếp cận và xử lý các vấn đề quân sự cho sâu sắc và chuẩn xác.

Trong thực tế, đường lối quân sự của Đảng và HTQS Việt Nam có sự thâm nhập vào nhau nhưng không chồng chéo dẫm đạp về phạm vi góc độ. Cơ sở lý luận của đường lối quân sự của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng (quân sự) Hồ Chí Minh, nhưng nó không loại bỏ hệ thống tri thức về dân tộc Việt Nam, truyền thống quân sự Việt Nam, các kế hoạch dựng nước và giữ nước của tổ tiên và các thế hệ tiền bối. Chính vì vậy mà đường lối quân sự của Đảng ta mới được bảo đảm về tính đúng đắn và hiện thực. Xét về mặt đó, HTQS Việt Nam với bản sắc dân tộc đậm đà đã cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở nhận thức, lý luận và phương pháp luận cho đường lối quân sự của Đảng ta.

Xếp trong các bộ môn về khoa học xã hội thì đường lối quân sự cùng với tư tưởng quân sự, HTQS cùng thuộc cấp độ lãnh đạo, chỉ đạo đối với nghệ thuật quân sự, nhưng đường lối quân sự thuộc về các hoạt động lãnh đạo của tổ chức chính trị, còn HTQS Việt Nam nằm trong phạm vi lý luận do giới nghiên cứu khái quát từ lịch sử đất nước được giới lãnh đạo tham khảo và vận dụng. Các tác gia có uy tín như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh... khi viết những tác phẩm có giá trị học thuyết là đứng trên góc độ nghiên cứu mà đề xuất chứ không đứng trên góc độ lãnh đạo để ra chỉ thị.

Sự thâm nhập còn thể hiện trong những nội dung HTQS trong thời đại Hồ Chí Minh có những nét khái quát nhất về thành quả lãnh đạo và tư tưởng quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế tục và phát triển các tinh hoa quân sự của dân tộc Việt Nam, nhưng HTQS Việt Nam không trích nguyên văn các văn kiện đường lối làm nội dung học thuyết.

Sự lãnh đạo của đường lối quân sự còn định hướng cho HTQS và khoa học nghệ thuật quân sự trong giai đoạn mới, phát triển đúng quan điểm quân sự của giai cấp công nhân, của Đảng Mác - Lênin, hướng vào những nội dung thiết thực bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.