Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Những nét riêng qui định nội hàm và định hướng nội dung Học thuyết QSVN (phần I): Mấy nét riêng quy định nội hàm Học thuyết quân sự Việt Nam

10:04 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Nét riêng của Học thuyết quân sự Việt Nam là căn cứ xuất phát để nghiên cứu nội hàm Học thuyết quân sự Việt Nam. Nếu không đi từ những nét riêng, dễ rơi vào tình trạng nói lý luận chung nhưng không làm sáng tỏ được những điều tất yếu nhất thiết phải tuân theo của Học thuyết quân sự Việt Nam không giống học thuyết quân sự của nhiều nước khác. Đương nhiên, cái riêng không trái với cái chung, cũng là một dạng biểu hiện của cái chung nhưng là dạng biểu hiện có nét đặc thù buộc ta phải nhận biết cho tường tận.

Qua nghiên cứu bước đầu, có thể thấy Học thuyết quân sự Việt Nam có những nét riêng biệt dưới đây:

a) Là bộ phận hợp thành của nền văn hóa Việt Nam, chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết học và tư duy quân sự phương Đông, lại thường xuyên phải đương đầu với các thế lực lớn mạnh hơn ta,  Học thuyết quânsự Việt Nam là học thuyết huy động sức mạnh toàn diện của cả dân tộc và chế độ vào cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc chứ không phải là học thuyết chỉ bàn về sức mạnh quân sự.

Từ xa xưa,đó là học thuyết lấy khoan thư sức dân làm thượng sách giữ nước, lấy nhân nghĩa, yên dân làm đích của “đánh dẹp”,đời nay khái quát thành sức mạnh tổng hợp của quốc phòng toàn dân và của chiến tranh nhân dân.

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước phương Đông, việc binh xử lý các vấn đề toàn diện hơn việc quân, binh quyền là một dạng của quốc quyền, gắn chặt với chủ quyền chứ không chỉ có quân quyền, trù liệu việc binh là quốc sách chứ không chỉ là vấn đề của chiến lược quân sự. Vì chưa trải qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản (là giai đoạn cố ý tách rời quân đội ra khỏi công việc chính  trị của đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang theo quan điểm quân sự thuần túy, ra vẻ “đứng ngoài” mọi cuộc đấu tranh xã hội), việc binh ở Việt Nam và ở phương Đông từ lâu đã lấy mục đích chính trị làm nội dung chủ yếu, còn quân sự chỉ là thủ đoạn để thực hiện, trước khi Cơlaodơvít vạch trần sự che lấp mục tiêu của chủ nghĩa tư bản bằng công thức “chiến tranh là kế tục của chính trị bằng bạo lực”, ở Việt Nam, từ thế kỷ XIII đã biết lấy khoan thư sức dân làm thượng sách giữ nước, lấy nhân nghĩa, yên dân làm đích ra quân, dùng đối ngoại không phải đánh mà đạt được mục tiêu là hay nhất.

Ở Trung Quốc, Lã Bất Vi, vị tướng quốc thượng phụ của nước Tần, trong “Lã thị xuân thu” viết về việc binh rất toàn diện: “Ở trong nhà không thể xếp bỏ việc đánh đòn con cái, trong nước không thể xếp bỏ việc hình phạt, trong thiên hạ không thể xếp bỏ việc đánh dẹp, chỉ có khéo hay vụng mà thôi... vả lại việc dùng binh đã có từ lâu lắm, chưa từng có một lúc nào không dùng đến. Dù sang hèn lớn nhỏ, hiền ngu đối với nhau đều thế cả, chỉ có lớn hay nhỏ mà thôi. Xét việc binh cho tinh vi thì: - còn kín đáo ở trong lòng chưa nói ra, thế là việc binh đấy - căm thù mà phải đánh, thế là việc binh đấy, - ra oai cho khiếp sợ, thế là việc binh đấy - nói vung lên gây thanh thế, thế là việc binh đấy - hoặc lôi kéo hoặc gạt ra, thế là việc binh đấy, - hoặc liên hiệp hoặc chống lại, thế là việc binh đấy, - đánh cho hăng, thế là việc binh đấy, - ba quân cùng đánh, thế là việc binh đấy. Tám điều đó đều là việc binh cả, chỉ có to hay bé khác nhau mà thôi”. Trong 8 việc binh của Lã Bất Vi, ít nhất có 5 điều không phải là quân sự, đủ thấy quan niệm về việc binh ở phương Đông chỉ xét về thủ đoạn đã toàn diện hơn quan niệm quân sự ở phương Tây.

b) Đó là học thuyết quân sự của một cộng đồng dân tộc chưa phát hiện dấu tích của chế độ nô lệ điển hình trong lịch sử. Các cư dân đông đảo đã chuyển từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ một cách hài hòa không trải qua phủ định và đối lập gay gắt, tạo nên một truyền thống tương đối “dân chủ và bình đẳng” trong cộng đồng dân cư, lấy nông dân làm lực lượng chủ yếu cả trong sản xuất và chiến đấu, làm nền tảng cho chính sách “lấy dân làm gốc” của các thế hệ cầm quyền.

Sức đề kháng của một dân tộc tùy thuộc vào mối quan hệ nội bộ giữa các tầng lớp và các giới đã ra đời và tồn tại trong lịch sử dân tộc đó. Lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam có hai đặc điểm trực tiếp tác động tới sức đề kháng của dân tộc Việt Nam.

Đặc điểm thứ nhất là sự ra đời từ xa xưa của một tầng lớp đông đảo dân tự do của các công xã nông thôn kiểu Châu Á, đóng vai lực lượng chủ yếu trong sản xuất và chiến đấu qua các thời kỳ lịch sử. So với các dân tộc khác ở phương Đông, họ chưa có quá trình bị biến thành đối tượng của chế độ chiếm hữu nô lệ điển hình như đã xảy ra ở Trung Hoa cổ đại hay Ai Cập. Do chế độ phong hầu kiến ấp biến từng vùng nông thôn thành lãnh địa của các công khanh, họ trở thành những nô tỳ, nô bộc được quí tộc tin dùng, nhưng vẫn không bị tước đoạt quyền lợi của người nông dân trong công xã, thực sự trở thành những gia thuộc thân tín của các vương hầu cả trong sản xuất và chiến đấu, không xuất hiện trào lưu phản khác của tầng lớp gia nô trong lịch sử.

Đặc điểm thứ hai là sự chuyển biến từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ theo tục “maiôrát”, không lệ thuộc những quy phạm khe khắt của Nho giáo hay Hồi giáo. Trong dân gian, dấu vết của chế độ mẫu hệ còn tồn tại khá đậm nét trong đời sống kinh tế và văn hóa, địa vị của người mẹ được thừa nhận trên mọi lĩnh vực, không bị phủ định triệt để như trong lớp nho sĩ theo giáo lý Khổng Mạnh.

Hai đặc điểm trên đây đã góp phần quan trọng tạo nên một sắc thái tướng đối “dân chủ và bình đẳng” mang tính cổ truyền trong cộng đồng, tăng cường tình tương thân tương ái, sức cố kết dân tộc, thường xuyên nuôi dưỡng và động viên sức đề kháng Việt Nam chống các nguy cơ xâm lược và thôn tính.

Tục truyền ngôi cho con trưởng xuất hiện vào khoảng đời vua Hùng thứ ba. Các đời vua đầu được lịch sử ghi lại “anh em chia nhau quyền trị nước không phân trưởng thứ”. Tục “maiôrát” xuất hiện ở nước ta từ trước khi đất nước bị lệ thuộc phương Bắc. Tuy Nho giáo ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Việt Nam nhưng về cơ bản nó chỉ được lớp nho sĩ tôn thờ. Trong dân gian thì “lệnh ông không bằng cồng bà”, “con dại cái mang”... tất cả những gì trọng đại đều được chỉ bằng tính từ “cái”: cột cái, đường cái, trống cái, sông cái, vợ cái con cột..., địa vị thực sự của người phụ nữ cả trong sản xuất và chiến đấu đều được lịch sử trân trọng ghi nhận.

Hai đặc điểm trên đây làm cho dân tộc Việt Nam thực sự là một dân tộc tương đối “tự do” xét những quan hệ trong nội bộ cộng đồng và so với các dân tộc khác trong cùng thời kỳ lịch sử. Đó chính là một trong những lý do làm cho nó giữ được sức đề kháng khi bị đô hộ, có sức chiến đấu bền bỉ khi tiến hành kháng chiến. Đường lối động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân bắt nguồn từ các chính sách”ngụ binh ư nông, bách tính giai binh, cử quốc nghênh địch”..., truyền thống hội nghị Diên Hồng, lấy dân làm gốc... thể hiện rõ nét riêng của một cộng đồng dân cư không để lại dấu tích của chế độ chiếm hữu nô lệ, không biến phụ nữ thành phụ thuộc theo nếp của đạo Khổng, đạo Hồi, có khả năng vươn tối độc lập tự do trong mọi hoàn cảnh bị nước ngoài thống trị.

c) Đó là học thuyết quân sự của một cộng đồng đa tộc (commmunauté polyethnique), tuyệt đại bộ phận lấy nền văn minh lúa nước làm nền tảng, lấy đất và nước làm nguồn sống chính, đã có quá trình chung lưng đấu cật chống thiên tai địch họa, lấy làng bản làm cơ sở sản xuất cũng đồng thời làm cơ sở chiến đấu để tự vệ. Chiến lược “làng - nước” đặt nghĩa vụ cho trai tráng cùng toàn dân đánh giặc giữ làng, tạo điều kiện cho quân chủ lực đánh giặc giữ nước là nét riêng của Học thuyết quân sự Việt Nam.

Một cộng đồng dân tộc quy tụ tới 54 tộc người thường xuyên giữ được cuộc sống yên vui hòa thuận, không phát sinh nạn kỳ thị sắc tộc, tín ngưỡng, mặc dù thời nào cũng bị các thế lực xâm lược chia rẽ, kích động là điều đáng tự hào của văn hiến Việt Nam. Đó không phải là hiện tượng ngẫu nhiên  mà có nguồn gốc rất sâu xa trong lịch sử. Các tộc người Lạc Việt và Âu Việt làm nòng cốt trong cộng đồng được coi là những hậu duệ cuối cùng của các tộc “Bách Việt” sinh sống ở phía nam sông Trường Giang, còn giữ được nền độc lập dân tộc, lại thuộc dòng dõi Kinh Dương Vương vốn được truyền thuyết xác nhận là thủy tổ của “Bách Việt”. Nhân dân có thể không biết hết điều đó nhưng các triều đại cầm quyền ở Việt Nam đều biết rõ và ghi nhớ điều đó.

Chính sách tiếp nhận thân tình các tộc người phương Bắc (đại bộ phận từ các vùng đất khác nhau thuộc miền Giang Nam, do loạn lạc, đói kém, dịch tễ... mà di cư xuống phương Nam) là một chính sách vừa hợp lòng nhân nghĩa Việt Nam, vừa hợp đạo lý lịch sử. Đổi lại, các tộc người di cư xuống đất Việt cũng luôn coi người Âu Lạc không phải là giống người xa lạ, đã tạo thành truyền thống chung lưng đấu cật chống thiên tai, địch họa, không dễ tin theo những luận điệu chia rẽ làm đảo lộn quan hệ bình thường. Tuy nhiên tính đa tộc vẫn là nét riêng rất nhạy cảm của cộng đồng dân tộc Việt Nam mà các thế hệ cầm quyền cần hiểu kỹ các chínhsách thông minh đúng đắn của ông cha, cảnh giác đề phòng âm mưu chia rẽ, kích động của các thế lực đen tối đang gây cho nhiều nước những tai họa lớn. Chiến lược “làng - nước” dựa vào thanh niên trai tráng làm dân binh để giữ làng, lấy quân các lộ, “bộ đội địa phương” để giữ tỉnh, giữ huyện, dành ưu tiên cho quân chủ lực của chính quyền trung ương đánh các trận then chốt để giữ nước, đó là truyền thống quân sự của cộng đồng dân cư xuất xứ từ nền văn minh lúa nước, sống thành làng bản, thành cộng đồng kiểu công xã châu Á (không giống những người du mục, du cư), phải chiến đấu giữ làng bản, thái ấp, lãng mộ, như “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo đã nói, không để mất làng, hàng ngàn năm Bắc thuộc vẫn giữ được làng, do giữ được làng mà không mất nước. Truyền thống giữ làng ngày xưa lại được các làng chiến đấu thời kháng chiến phát huy. Đó cũng là nét riêng của Học thuyết quân sự Việt Nam.

d) Đó là học thuyết của một cộng đồng dân tộc đã từng phải nhiều phen đương đầu với nguy cơ thôn tính và đồng hóa, bởi vậy Học thuyết quân sự Việt Nam phải đi từ việc giữ gìn vun đắp bản sắc, bảo vệ các giá trị văn hóa của dân tộc mà giữ vững quyền độc lập tự chủ về mọi mặt, tạo ra tài thao lược Việt Nam. Xét cho cùng, yếu tố giữ cho dân tộc luôn thoát khỏi nguy cơ bị Hán hóa hoặc Âu hóa, Mỹ hóa, dù bị đối phương cố tình tha hóa, chính là nền văn hiến Việt Nam.

Không bảo vệ các giá trị tinh thần và văn hóa dân tộc thì nguy cơ bị lệ thuộc xuất hiện ngay từ đó. Trong giao lưu, tiếp thu các thành tựu văn minh, nếu để mất bản sắc văn hóa thì sẽ mất tất. Chỉ có giữ vững độc lập về văn hóa, không để bị đồng hóa, dù bị phá bia, đốt sách vẫn giữ được bản sắc thì mới có các bản lĩnh khác. Nền văn hiến Việt Nam đã làm nền cho độc lập tự chủ về kinh tế, về chính trị, về tôn giáo, về cương vực, nếu đã không bị Hán hóa thì cũng không bị Âu hóa, Mỹ hóa. Có còn là mình thì mới chăm lo được đến độc lập chủ quyền dân tộc.

Đặc điểm này báo hiệu trước một định luật: giữ bản sắc văn hóa chính là giữ cái gốc của sự nghiệp giữ nước, nếu đã mất bản sắc văn hóa thì không có cốt cách gì để giữ vững độc lập tự chủ về kinh tế và chính trị. Đó đã là việc của thời xưa và còn là đại sự của thời nay.

e) Đó là Học thuyết quân sự của một cộng đồng các dân tộc nhỏ, định cư trên một vùng hiểm yếu có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, đã nhiều lần bị nước ngoài xâm lược và thống trị, phải thường xuyên đi từ khởi nghĩa giành quyền tự chủ tới chiến tranh giải phóng, từ chiến tranh giải phóng tới chiến tranh tự vệ, vừa giữ nước, vừa khôi phục, xây dựng đất nước bị chiến tranh tàn phá. Khi yên bình, phải tuân thủ quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng đi đôi với bảo vệ, ổn định phải phòng bị bất trắc, hòa hiếu phải đề phòng xung đột, thường xuyên tìm hiểu ý định của các đối thủ tiềm tàng.

Học thuyết quân sự Việt Nam không thể du nhập tư duy, quan điểm quân sự của các nước xuất xứ từ nền văn minh Hy Lạp và La Mã vốn là những đế chế hùng mạnh đã từng đem quân chinh phục nhiều dân tộc trên các lục địa, ở đó các thủ lĩnh bao giờ cũng sẵn có trong tay các lực lượng vũ trang đông đảo. Ở Việt Nam, nhiều thời kỳ bị nước ngoài thống trị, Học thuyết quân sự Việt Nam trước hết phải thành thạo việc thu gom, quy tụ lực lượng, khơi dậy sức đề kháng dân tộc, tạo dựng sức mạnh trong các tình huống hiểm nghèo mới có lực lượng mà sử dụng. Khi giành được thắng lợi, không được phép mất cảnh giác, tưởng rằng nền độc lập dân tộc sẽ không còn bị ai xâm phạm.

Trái lại, trong mọi mối quan hệ thời bình, phải sẵn sàng chuẩn bị cho thời chiến, chủ động phát hiện các nguy cơ đe dọa an toàn, các ý định biến ta thành lệ thuộc, không chỉ bằng vũ lực.

Một khía cạnh khác có liên quan đến nét riêng của Học thuyết quân sự Việt Nam, “đó là truyền thống tự lực tự cường của cộng đồng dân tộc, Dựng nước ở một vùng xung yếu khắc nghiệt nên mang sẵn bản lĩnh kiên cường bất khuất, cưỡng lại sự dụ dỗ, mua chuộc và đe dọa của cường quyền, của các thế lực lớn mạnh. Là dân tộc có quá trình bị chinh phục hàng nghìn năm, phải thông qua vũ trang khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh giải phóng tới chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà không phải mọi dân tộc khác đều phải thế. Các đối thủ không chỉ dùng vũ lực để xâm lược, mà còn dùng chính sách chia rẽ, mua chuộc, dọa dẫm để nắm lấy Việt Nam. Để đương đầu, Việt Nam phải có bản lĩnh gan góc mưu tính đại sự, không dễ dàng khuất phục. Từ truyền thuyết xưa kể lại rằng: Vua Hùng đã cự tuyệt sự lôi kéo dụ dỗ của Việt Vương Câu Tiễn chống lại Ngô Phù Sai, đến sự kiện Thi Sách chồng Trưng Trắc không khuất phục sự dụ dỗ của Thái thú Tô Định, khí phách của Bà Triệu không cam phận nhi nữ thường tình làm tì thiếp cho người, khí phách của Trần Bình Trọng “thà làm ma nước Nam không thèm làm vương đất Bắc”, khí phách của Nguyễn Biểu ăn tiệc đầu lâu do Trương Phụ bày đặt...

Thời nào cũng nêu cao tinh thần bất khuất khi gặp bước gian nguy, cho đến những tấm gương trong thời kỳ chống thực dân cũ và mới gần đây, người trong nước cũng như người tạm xa Tổ quốc, mỗi thế hệ Việt Nam từ cổ chí kim vẫn nhất quán tuân theo khí phách “chết vinh còn hơn sống nhục, chết đứng còn hơn sống quỳ”, không vì lợi riêng mà “tham vàng bỏ ngãi, phản lại quê hương”. Đó cũng là đức tính “quên mình vì đại nghĩa” của dân tộc Việt Nam, một khía cạnh truyền thống trong nền văn hiến dân tộc có quan hệ đến nét riêng của Học thuyết quân sự Việt Nam.

g) Khi buộc phải dùng vũ lực thì tuân theo phương thức của nước nhỏ đương đầu với các đối thủ có quân đông, tiềm lực lớn, thường phải lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy mưu - kế - thế - thời thắng địch ỷ vào tiền của và sức mạnh của binh khí kỹ thuật, biết mở đầu đúng lúc, kết thúc vừa độ, đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận các thế lực xâm lược thống trị lớn mạnh, mở đường cho đối phương chấp nhận thất bại, sẵn sàng cởi bỏ oán thù, khôi phục tình bang giao hữu nghị.

Phải chăng cái gốc sinh ra những nét riêng của nội hàm Học thuyết quân sự Việt Nam bởi ta là nước nhỏ, dân không đông, quân ít phải đối phó với nhiều âm mưu thôn tính, với chiến tranh xâm lược mà phải luôn giữ được ổn định bên trong, hòa khí với bên ngoài, không ỷ vào vũ lực để giải quyết tranh chấp. Ra sức mở rộng diện đối tác, thu hẹp đối tượng, trì hoãn chiến tranh. Buộc phải đánh giặc thì biết lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lại phải có nhiều thứ quân, nhiều cách đánh, nhiều cách giành chiến thắng, như đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, gắn quân sự với chính trị, ngoại giao, vừa đánh vừa đàm v.v... để đạt được yêu cầu đối phương chịu chấp nhận thất bại, tôn trọng độc lập chủ quyền dân tộc.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam không lấy các yêu cầu phải tiêu diệt chủ lực địch, đuổi chúng tới căn cứ xuất phát... làm mục tiêu chiến lược mà lấy yêu cầu đánh bại ý chí xâm lược, bẻ gãy thủ đoạn chiến lược chủ yếu làm mục tiêu chiến lược.

Khi đối phương đã thực sự chấp nhận thất bại, thường tạo điều kiện cho họ rút quân trong “danh dự”, giữ được thể diện của nước lớn, đồng thời cùng chủ động mở đường khôi phục bang giao hữu nghị.

Cho đến nay, dân tộc Việt Nam đã khôi phục quan hệ bình thường với cả ba đối thủ Nhật, Pháp, Mỹ đã từng là đối tượng tác chiến của quân dân Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến nay. Đó là điểu thường diễn ra phổ biến trong lịch sử dân tộc.

Kể từ nhà Lý chấp nhận sắc phong là An Nam quốc vương của triều đình nhà Tống, chính sách “nội đế ngoại vương” vẫn là chính sách nhất quán của các triều đình Việt Nam cho tới nhà Nguyễn. Quang Trung - Nguyễn Huệ là người nêu tấm' gương toàn diện của nền binh học Việt Nam; vừa diệt thù trong, vừa đánh bại giặc ngoài ở cả hai đầu Tổ quốc, liền sau đó đã khôi phục bang giao trên thế mạnh, buộc nhà Thanh phải có chính sách ưu đãi nhưng vẫn giữ vững chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, tạo mọi yếu tố tăng cường sức mạnh về mọi mặt. Đó cũng là nét riêng của nền binh học Việt Nam.

Học thuyết quân sự Việt Nam chắc chắn có nhiều nội dung phong phú và sẽ không ngừng phát triển trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhưng nó không thể thoát ra ngoài những nét riêng của một đất nước và dân tộc buộc nó không thể giống các học thuyết quân sự khác.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.