Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Học thuyết QSVN trước thời đại Hồ Chí Minh (phần V): Giữ nước từ bản sắc văn hóa

09:28 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Nếu các giá trị văn hóa là những bảo vật cuối cùng mà một dân tộc có khả năng còn giữ được nguyên vẹn sau khi bị các thế lực giàu mạnh thống trị và cướp đoạt thì phải coi đó là nguyên nhân sâu xa nhất trong các nguyên nhân đứng vững của dân tộc Việt Nam sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc và hơn một thế kỷ bị các đế quốc phương Tây xâm lược và cai trị.

Lịch sử đã chứng minh rằng, chính nền văn hóa mới là mạch sống lưu truyền qua các thế hệ, làm cho các dân tộc đứng vững và phát triển lâu bền, có sức thu hút cải biến cả những thế lực đi chinh phục chứ không phải sự giàu có về vật chất hay sức mạnh bằng bạo lực. Chính vì lẽ đó, trí tuệ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử chưa bao giờ xao lãng việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hiến nước nhà, cả trong những hoạt động không có yêu cầu sáng tạo về văn hóa.

Kể từ lời đối đáp đầy tự tin của sứ giả nước Việt với vị nhiếp chính phương Bắc về những phong tục của người Việt phương Nam như cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm mình, nhuộm răng đen, đi chân đất... do những nhu cầu sinh sống của bộ lạc trồng lúa và đánh cá, qua lời khẳng định nước Đại Việt thực là nước văn hiến, chẳng những chỉ có sự “riêng biệt về núi sông bò cõi” mà còn có sự “khác nhau về phong tục Bắc - Nam” trong bản “Đại cáo bình Ngô”, đến quyết tâm của Quang Trung đại phá quân xâm lược để giữ vững một nền văn hóa “đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng” đặt trên mục tiêu quân sự và chính trị “đánh cho không còn một cỗ xe, mảnh giáp mà về, cho biết nước Nam anh hùng là có chủ”... đủ minh chứng rằng trước mọi biến cố lịch sử, ông cha ta luôn giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc làm cái gốc giữ nước, đồng thời lọc lấy cái hay cái đẹp của nước ngoài làm gia bảo truyền lại cho con cháu.

Tiến sĩ Pie R.F. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á của Pháp, trong tập “Nước Việt Nam từ cội nguồn xa xưa đến ngày nay” khẳng định, Việt Nam có “một nền văn hóa có sự thống nhất đặc biệt, một tính độc đáo mãnh liệt, ngay từ khi nó chấp nhận nền văn hóa nước ngoài và Việt hóa tất cả”. Ông gọi đó là tính cách Việt Nam (la Viêtnamité).

Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đã gắn chặt cuộc đấu tranh giành độc lập với cuộc đấu tranh cho dân sinh dân chủ, giữ vững nền văn hóa dân tộc, chống chính sách ngu dân, biến dân ta thành kẻ “vong bản, vong quốc”. “Đề cương văn hóa Việt Nam” với nội dung xây dựng nền văn hóa dân tộc sau khi giành chính quyền cách mạng đã được Ban Thường vụ Trung ương thông qua tháng 2-1943, khẳng định: “phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”.

Cuộc đấu tranh giải phóng tiến hành trong 3 thập kỷ đã phát huy mạnh mẽ truyền thống bất khuất trong nền văn hóa dân tộc, biểu hiện tập trung trong lời tuyên bố: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà văn hóa lớn của thế giới, mà “sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”

Văn hóa luôn được Đảng ta xác định “là một động lực mạnh mẽ đồng thời là một mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” theo phương hướng “giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại”. Báo cáo chính trị của Trung ương trình Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã đưa chủ đề xây dựng nền văn hóa tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc, lấy việc xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống làm nhiệm vụ trung tâm của văn hóa, văn nghệ...gắn chặt việc giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới...  đưa các nhân tố văn hóa tinh thần nhân văn thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội, trong ứng xử từ gia đình, trường học, xã hội đến các hoạt động sản  xuất kinh doanh, giao tiếp...

*

*    *

Chúng ta thường có thói quen coi văn hóa là một mặt hoạt động của đời sống xã hội, là tấm gương phản ánh đời sống kinh tế, là một lĩnh vực của đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc nhưng lại xao lãng một tầm vóc lớn hơn, đó là: tính tổng thể của văn hóa. Trong khi các hoạt động về văn hóa nghệ thuật chỉ là những công cụ, phương tiện của văn hóa và cũng không phải là công cụ phương tiện duy nhất, chưa hết khuynh hướng coi đó là toàn bộ chủ đề văn hóa, chỉ các văn, nghệ sĩ chịu trách nhiệm về hoạt động đó.

Nhưng trước hết, đó là một tổng thể những cấu trúc xã hội và những biểu hiện về trí tuệ, cả khoa học nghệ thuật và lễ giáo, tín ngưỡng v.v... Tổng thể ấy đã làm nên bản sắc riêng của một dân tộc không thể lẫn lộn với một dân tộc khác và là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử nhằm thỏa mãn đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Những truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp của dân tộc ta tạo nên nền văn hiến mà các thế hệ Việt Nam đã biểu thị lòng tự hào chính đáng. Khi ta nói về tầng văn hóa Đông Sơn, về nền văn hóa phương Đông, nền văn hóa Inca... chính là nói đến tổng thể những dấu tích và giá trị còn lưu truyền lại của những cộng đồng người trong một thời kỳ lịch sử. Đó là thứ ngôn ngữ duy nhất của quá khứ còn tự lên tiếng khi từng thế hệ con người lần lượt nằm im trong lòng đất.

Trong đời sống, tổng thể ấy hòa quyện vào và bộc lộ trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, nội trị, văn học nghệ thuật, tâm lý, tinh thần, tín ngưỡng...Nói một cách cụ thể, văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa chỉ huy, văn hóa ngoại giao (không chỉ là văn hóa đối ngoại), văn hóa kinh doanh (không chỉ là văn minh thương nghiệp), văn hóa ngành y, văn hóa nhà giáo... Có những cuộc chiến tranh có văn hóa, vì văn hóa, đã góp phần giải phóng các dân tộc, giải phóng con người không chấp nhận các giải pháp vô nhân đạo xử lý trong mọi tình huống chiến tranh. Trái lại có những nền hòa bình... vô đạo, phi văn hóa vì nó cố tình duy trì trạng thái đè nén bạo ngược đối với con người.

Tính tổng thể của văn hóa được ông cha ta diễn đạt trong một thuật ngữ là thuật ngữ “phong hóa” để nói lên một cách tổng quát toàn bộ phong tục, tập quán và nếp sống của một xã hội, lấy đó làm thước đo sự thịnh suy của một thời kỳ lịch sử.

Phong hóa hay văn hóa thời nào, ở đâu cũng phải lấy chân, thiện, mỹ làm tiêu chí để tôn trọng, cổ vũ, noi theo, lấy cái giả, cái ác, cái xấu làm điều khinh ghét, xa lánh, loại trừ, không thể vì sự  tiến bộ nào mà làm đảo lộn chân lý đó.

Làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, nghiên cứu, phát minh, sáng tác vì sự phát triển của con người là văn hóa. Chống lại sự giải phóng con người thì dù văn chương, chữ nghĩa bề bề cũng là phi văn hóa. Chăm lo cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đưa đất nước mau thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, lệ thuộc là văn hóa. Làm lơ trước những sự bất công, làm giàu trên công sức xương máu của người khác, vì lợi ích riêng bán rẻ chủ quyền, thanh danh của dân tộc... là phi văn hóa. Cán bộ, đảng viên giữ nếp sống trong sáng trung thực,cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực sự là người lãnh đạo, là đầy tớ trung thành của nhân dân là văn hóa. Tham ô, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, kèn cựa mưu cầu danh lợi, đặc quyền đặc lợi là phi văn hóa. Kinh doanh giữ chữ tín lâu bền là văn hóa. Lừa lọc, bội ước là phi văn hóa. Chữa bệnh, dạy học vì sự an toàn và mở mang trí tuệ con người là văn hóa. Kinh doanh sức khỏe, đầu cơ kiến thức một cách vụ lợi là phi văn hóa. Giữ gìn bản sắc dân tộc, truyền thống ông cha mà không nệ cổ, tôn trọng các dân tộc khác, không ngừng học hỏi cái hay, cái đẹp của thế giới, của loài người là văn hóa. Đua đòi, sùng ngoại, du nhập, mất gốc là phi văn hóa.

Văn hóa không chỉ là đạo lý mà là những giá trị vật chất và tinh thần được sáng tạo ra được xã hội thừa nhận.

Không có những giá trị, chuẩn mực, những tấm gương trong sáng của đất nước, của địa phương, của đoàn thể, cơ quan, xí nghiệp, từng trường học, gia đình, những tổ chức, lớp người được giao trọng trách, làm sao có “sản phẩm” tốt cho toàn xã hội?

Trong các phương thức truyền bá văn hóa tốt đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, bài trừ văn hóa xấu độc, lai căng pha tạp, phương thức nêu gương: từ trên xuống, từ trong ra, từ lớp người đi trước, từ các bậc thức giả được xã hội trọng vọng... là rất thiết thực. Đó chính là chăm lo cái gốc để giữ vững độc lập dân tộc về mọi mặt.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.