Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Học thuyết QSVN trước thời đại Hồ Chí Minh (phần III): Học thuyết quân sự Việt Nam về sử dụng sức mạnh Việt Nam vào việc giành và giữ vững độc lập, chủ quyển dân tộc

09:37 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Học thuyết quân sự không tiếp cận  vấn đề “sử dụng sức mạnh” trên góc độ của nghệ thuật quân sự, không đi sâu vào cách đánh mà đi vào quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nghệ thuật dùng sức mạnh sao cho có lợi nhất cho mục tiêu giành và giữ độc lập, chủ quyền dân tộc. Trong thực tế, không phải mọi chiến thắng quân sựđều có lợi cho mục đích chính trị, nếu nó được tiến hành không đúng nơi, đúng lúc, một cách “vô chính trị” thì “vô dụng lại có hại”.

Chính học thuyết quân sự của ông cha đã chỉ đạo vấn để đó. Có thể khái quát những nét riêng của việc sử dụng sức mạnh của dân tộc Việt Nam trên những đặc điểm dưới đây:

1. Sức mạnh Việt Nam thường được sử dụng hài hòa, phối hợp giữa quân sự, chính trị, văn hóa, ngoại giao, phục vụ  đắc lực cho mục tiêu của đất nước, dân tộc trong mỗi thời kỳ lịch sử

Là nước nhỏ sống gần nước lớn lại trải qua hàng ngàn năm bị biến thành quận huyện của nước ngoài, mối quan hệ của Việt Nam với nước lớn luôn luôn tế nhị và phức tạp. Để giữ được độc  lập chủ quyền, các triều đại Việt Nam đã biết lui, biết tới, kết hợp giữa mềm dẻo với cứng rắn, giữa chiến lược với sách lược. Không phải cứ đánh hăng, đánh giỏi là có lợi nhất cho đất nước.

Suốt quá trình đấu tranh chống sự thống trị và xâm lược của phong kiến phương Bắc là một sự kết hợp rất hài hòa, nhuần nhuyễn giữa đấu tranh văn hóa, chính trị, quân sự, ngoại giao, kết hợp đấu trí, đấu lý, đấu pháp với đấu lực nhằm vô hiệu hóa nền thống trị của nước ngoài, ngăn chặn, đẩy lùi họa ngoại xâm trước khi phải chấp nhận dùng vũ lực chống quân xâm lược.

Trần Hưng Đạo nói: “Người làm tướng không nên lấy giỏi cung đao cưỡi bắn làm tài mà phải lấy thông suốt cổ kim làm giỏi” chính là muốn yêu cầu tướng lĩnh phải biết “xét cổ nghiệm kim” theo “lẽ hưng vong” mà hành động.

Nguyễn Trãi viết: “Việc binh là việc sống chết. Đồ binh là thứ hung bạo. Thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng đến”.

Tôn Tử căn dặn: “Người không hiểu hết cái hại của việc dùng binh thì cũng không thể hiểu hết cái lợi của việc dùng binh... Nhà vua sáng suốt là phải cân nhắc thận trọng, tướng soái tài giỏi cũng phải cẩn thận đối với việc đó. Nếu không có lợi thì không hành động, nếu không chắc thắng thì không dùng binh, nếu không nguy bức thì không tác chiến. Vua không thể vì phẫn nộ mà xuất quân, tướng không thể vì nóng nảy mà giao chiến. Có lợi cho quốc gia hãy hành động, không lợi cho quốc gia thì phải đình chỉ. Phẫn nộ có thể trở lại vui vẻ, nóng nảy có thể trở lại hiền hòa, nhưng nước đã mất thì không thể trở lại còn, người đã chết thì không thể sống lại. Cho nên nhà vua sáng suốt phải thận trọng việc đó, tướng soái giỏi phải cảnh giác việc đó. Đó là mấu chốt bảo đảm quốc gia an ninh, quân đội toàn vẹn vậy”.

Lịch sử Việt Nam phải gánh chịu rất nhiều cuộc chiến tranh, nhưng xét cho kỹ, ở Việt Nam những cuộc chiến nhằm mục tiêu tranh bá đồ vương, không bên nào có chính nghĩa, như các cuộc “Xuân thu vô nghĩa chiến” không nhiều. Nổi bật trong lịch sử là chiến tranh giải phóng và chống xâm lược và chỉ chấp nhận tiến hành sau khi tất cả các giải pháp về chính trị, ngoại giao đều không ngăn được.

Ở ViệtNam, tướng rường cột là phải văn võ song toàn, vừa giỏi đánh giặc vừa giỏi trị nước, chăm dân. Việc không chấp nhận các thiên  hướng võ biền, quân sự thuần túy đã thành nếp từ trong lịch sử Việt Nam. “Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới thông địa lý, giữa biết việc người, coi bốn biển như một nhà. Đó là tướng chỉ huy được cả thiên  hạ, không ai địch nổi” (Trần Hưng Đạo). Đó là bậc “lương tướng” mà Trần Hưng Đạo dặn vua Nhân Tông phải kén dùng khi kẻ thù dùng cách xâm lược lấn dần như cách tằm ăn dâu, không lấy của dân, không cần thắng chóng... là cách nhiều kẻ thù hiện đang dùng đối với nước ta.

2. Sức mạnh quân sự đước sử dụng có chừng mực, thường không dùng trước, dùng sớm, cũng không sử dụng tới cùng

Là nước nhỏ thường phải đương đầu với nước lớn, Việt Nam không bao giờ ỷ vào vũ lực để giành chiến thắng triệt để, hoàn toàn tiêu diệt đối phương như nhiều nước khác trên thế giới. Mọi hoạt động quân sự đều chỉ nhằm đạt đến mục tiêu đẩy quân xâm lược vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, không còn cách đánh có hiệu lực để giành được chiến thắng, phải chấp nhận ngưng chiến, lui quân.

Đứng dậy khỏi nghĩa hay phát triển thành chiến tranh giải phóng cũng không lấy vũ lực làm giải pháp hàng đầu, thường kết hợp đấu tranh hợp pháp với bất hợp pháp, giả thần phục để quy tụ  lực lượng, đón thời cơ.

Dù đã có tiền lệ về chiến lược “tiến phát chế nhân” dưới thời nhà Lý, nhưng khi đứng trước nguy cơ bị tiến công xâm lược thường dùng bang giao mềm dẻo để trì hoãn, gây cho địch tâm lý kiêu ngạo, chủ quan, có khi trá hàng dụ địch vào thế hiểm mà đánh bại.

Dùng binh không ỷ vào “binh uy” theo lối “cùng binh độc vũ” (đánh đến cùng bằng giải pháp đơn thuần vũ lực) mà thường vừa đánh vừa phân hóa, vừa đánh vừa chia cắt, vừa đánh vừa mở hướng dàn hòa, kết hợp giữa tiến công bằng vũ lực với “tâm công” theo đặc điểm từng đối thủ mà thuyết phục, gói những nội dung cứng rắn trong lời lẽ mềm dẻo, nếu chịu lui quân, sẵn sàng “trải chiếu tiễn đưa”. Nhiều trận quyết chiến chiến lược đánh cho quân địch đại bại phải tháo chạy, thoát chết vẫn chưa hết sợ nhưng liền sau đó tìm cách giữ thể diện cho nước lớn để “bình thường hóa quan hệ”. Như Quang Trung khi hành quân từ Phú Xuân ra Tam Điệp đánh quân Thanh đã từng nói với tướng lĩnh: Nay ta đến đây, tự đốc việc quân, đánh hay giữ đã có phương lược cả rồi. Chỉ trong mươi ngày nữa thế nào cũng quét sạch quân Thanh. Nhưng nước Thanh lớn hơn nước ta đến 10 lần. Bị thua tất người Thanh lấy làm hổ thẹn tìm cách rửa hờn. Nếu cứ để binh lửa liên miên thật không phải là phúc của dân, lòng ta sao nỡ. Vì vậy, sau khi thắng trận phải khéo dùng ngọn bút thay giáp binh. Việc đó ta sẽ giao cho Ngô Thì Nhậm.

Lối dùng binh có chừng mực, hạn độ đã góp phần khẳng đinh độc lập, chủ quyền dân tộc nhưng không phá vỡ “trật tự truyền thống” trong vùng, đe dọa vị thế của nước lớn, đã giữ vững mới quan hệ cùng tồn tại qua nhiều thế hệ, thực hiện chính sách “nội đế ngoại vương” phù hợp với tương quan lực lượng đã thực tế hình thành trong lịch sử.

Trong hoàn cảnh độc lực đối chọi với kẻ thù lớn mạnh, chẳng ai viện trợ, làm cố vấn, chuyên gia, thường xuyên bị kiềm chế, chinh phục, bắt phải thần phục, ông cha ta chẳng những không chịu nhân nhượng về độc lập chủ quyền toàn cục mà còn chú trọng bảo vệ từng tấc đất. Nhiều vua dựa trên thực lực và vị thế của đất nước đã dùng ngoại giao có lý có tình đòi được nhiều vùng lãnh thổ đã bị các triều ngoại bang thời trước lấn chiếm. Đó là một bản lĩnh “đối ngoại quân sự” rất trí tuệ đáng coi là “bí thuật gia truyền” mà các thế hệ con cháu còn phải để nhiều công nghiên cứu, tìm hiểu để ứng xử trong thời đại mới.

3. Gắn chặt binh lực với địa hình, thiên  hiểm, thực sự coi trong cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thực hiện con người hòa với núi sông, đồng ruộng mà đánh giặc

Đã từ lâu đối với quân xâm lược phương Bắc, mảnh đất phương Nam đã nổi tiếng một vùng “địa linh, nhân kiệt”, bởi con người không chỉ dùng vũ khí mà từ lâu đã biết khai thác triệt để địa hình thiên hiểm, mưa, nắng, nóng, lạnh mà đánh giặc. Khi Trần Hưng Đạo khẳng định: “Lấy đoản chống trường là lẽ thường trong binh pháp” thì không chỉ có nghĩa dùng vũ khí nhẹ, ngắn chống lại vũ khí dài và nặng. Đoản binh chống trường trận có nghĩa là dùng binh lực quy mô nhỏ, đánh nhiều trận nhỏ, trên chiến trường hẹp... để thắng những đội quân quen dùng binh lực lớn, đánh trận lớn trên chiến trường rộng. Trong khái niệm “đoản binh” có nhân tố địa hình, thiên  hiểm, buộc địch phải kéo dài, dàn mỏng lực lượng, đưa địch vào những vùng “sơn hà bách nhị” (núi sông trăm người không địch nổi hai người) bị đẩy xuống đầm lầy, sông cạn, ruộng ngập, vào khe núi, rừng già... mà tiêu diệt. Bản lĩnh trí tuệ đó đã xuất hiện từ thời Thục Phán đánh quân Tần buộc địch vào thế “ở không được, rút không xong”, phải cam chịu thất bại. Tiếp sau đó, có thể rút ra kết luận: không một vị danh tướng cầm quân nào ở Việt Nam lại không phải bậc thầy trong việc tận dụng địa hình, thiên  hiểm khiến quân thù phải khiếp sợ từng mảnh đất Việt Nam.

Từ rất sớm, ông cha ta đã nhìn rõ đất nước bằng nhãn quan chiến lược với ý định phân chia chiến trường rõ rệt: Trải qua thời kỳ củng cố quyền tự chủ, phải định đô ở Hoa Lư lấy núi sông che chở, đến thời tự thấy có đủ sức mạnh tự vệ để dời đô về vùng châu thổ, cũng chọn nơi có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, có núi sông ngăn cách, lại coi xứ Thanh là “đất căn bản” làm hậu cứ của triều đình, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” vì dựa chắc vào hình sông thế núi và mạng đường sá thủy bộ hiểm yếu. Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cho Nguyễn Hoàng một lời khuyên lấy dải Hoành Sơn ngăn cách làm đất dung thân thì nhãn quan “binh yếu” gắn với tư duy dự báo thời cuộc của một danh sĩ ẩn dật cũng đủ chỉ rõ đất lập nghiệp cho cả dòng chúa Nguyễn.

Chính lòng yêu đất nước của những con người làm chủ nền văn minh lúa nước (và đánh cá) cộng với trình độ am hiểu hình sông thế núi, vùng đất, vùng biển, vùng trời đã giúp ông cha ta giành thắng lợi từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh giải phóng đến chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, không cho những đội quân quen đánh trên các chiến trường rộng lớn tự do hoành hành trên đất nước ta.

Phải đánh theo mùa vì bị hạn chế bởi mưa lũ, sương mù, quân số hao tổn vì “sơn lam chướng khí” đã thành định luật mà nhiều đội quân xâm lược từ xa đến không thể xem thường.

4. Trong việc dùng binh, thường gắn chặt lực với thế, thời mưu trí với dũng lược nhưng có phần trọng mưu hơn trọng dũng; kết hợp mềm với cứng nhưng thiên về lấy mềm trị cứng, khi cần thiết, lại biết lấy cứng trị mềm

Nước nhỏ đương đầu với nước lớn, Học thuyết quân sự Việt Nam không thể thiên về đấu lực mà phải hướng vào đấu trí. Với binh lực không lớn mạnh, phải lấy sự khôn khéo tinh tường mà xử lý, trên cơ sở phán đoán ý định và binh lực của đối phương, thường bố trí lực lượng về mọi mặt thành thế “cử quốc nghênh địch”, lấy lực lượng tại chỗ và lực lượng đã chiếm lĩnh trận địa đón đánh kẻ từ xa tối, lấy quân nhàn đánh quân mệt nhọc, lấy “đánh có chuẩn bị”, thắng kẻ “đánh không được chuẩn bị” lấy ba quân hăm hở diệt thù đánh đội quân ép buộc phải đi cướp đoạt. Trần Hưng Đạo giảng giải: “Nước xiết chảy nhanh đến trôi đá là “thế” vậy. Người đánh giỏi tìm ở “thế”, đá hình vuông thì đứng, hình tròn thì lăn”.

Vừa đánh địch ở chiến trường, vừa chăm chú theo dõi triều chính của đối phương, triệt để khai thác những suy thoái thường diễn ra trong cơ chế cai trị phức tạp, bị nhiều thế lực chống đối, giống như Trần Hưng Đạo phân tích thế nước thời Đinh, Lê: “Nam địa tân cường, Bắc phương bỉ nhược” (nước Nam đang cường, phương Bắc suy nhược). Như  Nguyễn Trãi phân tích “ta xem ở nước các người hiện nay bên trong có họa tiêu tường, bên ngoài có giặc bắc biến, mà đại thần lấn vị, người dưới chuyên quyền; hạn hán hoàng trùng, luôn năm tại họa, bốn phương đạo tặc nổi dậy như ong. Cái cơ táng loạn, há không biết trước rồi sao” (thư gửi cho tướng nhà Minh chỉ huy thành Bắc Giang). Đó chính là thời cơ ta thường dùng lực nhỏ, thế mạnh, đòn hiểm, gắn với “tâm công” mà đánh bại quân địch, đúng như lời Nguyễn Trãi: “Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế. Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn, mất thời không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy”. Đó chính là sự tác động mạnh mẽ của thế, thời tới hiệu quả của chiến cuộc.

Nước nhỏ, quân ít chống lại quân đông nước lớn, không chỉ can đảm dám đánh mà đã giành được thắng lợi vì kẻ thù có  thua nhiều vẫn không thiếu quân, ta tiêu hao dần thì mất sức chiến đấu. Ông cha ta quý trọng “dũng lược” nhưng đặc biệt đề cao “mưu trí”. “Trải biến nhiều thì suy nghĩ sâu, tính việc xa thì thành công lạ” (Nguyễn Trãi).

“Đến như thi hành kế sách thì phải mưu mẹo, khích lên, ứng lại, nhử mồi, dụ dỗ, hư trương thanh thế, đánh úp, đặt phục... Chỉ có hư mà không có thực thì lừa địch không thành công. Chỉ có thực mà không có hư thì đến việc không biết biến báo. Thế đánh chẳng qua chính với kỳ. Chính kỳ biến hóa không cùng. Chính kỳ sinh ra nhan như vòng tròn không có đầu mới, ai biết thế nào là cùng” (Trần Hưng Đạo).

Nguyễn Huệ nổi tiếng ở cuộc hành quân thần tốc từ Phú Xuân ra Thăng Long quét sạch mấy vạn quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa. Chính lời khái quát của “người anh hùng áo vải” ấy lại nhấn mạnh cái riêng của cách đánh Việt Nam: “Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít”. Còn Ngô Thì Nhậm, người mưu sĩ hàng đầu của hoàng đế Quang Trung khẳng định về việc dùng binh: “Tướng giỏi đời xưa lường thế giặc rồi mới đánh, nắm chắc phần thắng rồi mới hành động, tùy theo tình thế thay đổi mà bày ra  chước lạ”, tức là nhấn mạnh mưu lược chứ không ỷ vào binh lực.

Mềm dẻo không có nghĩa là nhượng bộ vô nguyên tắc mà biết dùng sức mạnh tổng hợp gắn tiến công bằng vũ lực với tiến công bằng lý lẽ, dẫn dụ, đánh trên chiến trường và đánh vào lòng người, cô lập kẻ hiếu chiến, thu phục nhân tâm theo lối “lạt mềm buộc chặt”. Nhưng khi kẻ thù đã ở thế thua mà vẫn ngoan cố, không chịu rút quân thì biết kịp thời tập trung lực lượng, “đánh cho nó trích luận bất phản, phiến giáp bất hoàn”, không còn cỗ xe, mảnh giáp mà về.

5. Không chủ động đương đầu với hướng tiến công lớn, với mũi tiến công nhọn sắc của đối phương, kết hợp đánh với phòng tránh, vừa đánh vừa giữ sức, phát triển lực lượng, chuẩn bị  đủ điều kiện tiến lên giành chiến thắng

Dù là đạo quân đàn áp khởi nghĩa, dập tắt chiến tranh giải phóng hay xuất quân chinh phục nước ngoài thì hướng tiến công chủ yếu của địch thường rất mạnh, không dễ gì bẻ gẫy. Tư tưởng chỉ đạo của Học thuyết quân sự Việt Nam không chủ trương đưa chủ lực mạnh ra chọi với chủ lực của địch mà thường sử dụng lực lượng tại chỗ ngăn chặn, chia cắt, trì hoãn, làm thất bại kế hoạch hợp đồng các hướng. Cũng không chủ trương đương đầu với các mũi tiến công nhọn sắc mà thường dùng mưu dụ địch vào sâu, rơi vào ổ phục kích hoặc bị bất ngờ tập kích:

“Lấy yếu chống mạnh, hay đánh bất ngờ,

Lấy ít địch nhiều thường dùng mai phục”

Do không chỉ nhằm mục tiêu đánh thắng từng trận mà phải nắm chắc mục đích đánh bại kẻ thù trong suốt cuộc chiến tranh không cân sức nên thường tìm cách đánh sao cho tiết kiệm, đỡ tiêu hao, tổn thất để giữ sức còn đánh tiếp.

Nói “lấy ít địch nhiều” là xét riêng các lực lượng vũ trang. Nếu kể cả “bách tính giai binh, tận dân vi binh, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” thì không ít hơn địch. Nói “lấy yếu chống mạnh” là xét các thời kỳ đầu của chiến tranh, hoặc từng mặt trang bị.

“Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần.

Lúc Khôi huyện quân không một lữ”.

Chứ đến khi đã “lựa quân hùm gấu, cử tướng vuốt nanh... voi uống mà cạn nước sông, dao mài mà mòn đá núi” thì không chỉ có yếu. Khi đã có đủ sức mạnh đẩy địch vào thế bị giằng xé, hao mòn thì tiến lên đánh như”sấm ran chớp giật,... trúc chẻ tro bay”, “lấy lửa hồng thiêu đốt sợi lông, đem núi Thái Sơn đè lên quả trứng” (Nguyễn Trãi) mà giành lấy thắng lợi quyết định chứ không chỉ một mực lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều.

Chính vì cách đánh của nước nhỏ không thiên về đánh nhanh, đánh lớn mà hướng vào đánh chắc, đánh đau, từ quy mô nhỏ phát triển thành lớn nên mới có lời dặn cẩn thận của Trần Hưng Đạo: “Nếu thấy quân giặc kéo đến như lửa, như gió thì thế đó dễ chống. Nếu nó dùng cách tằm ăn, không lấy của dân, không cần thắng chóng thì phải kén dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến như người đánh cờ, tùy cơ ứng biến”. Bởi vì nếu địch đánh theo cách thứ hai tức là ta đã gặp phải một đối thủ lão luyện, hiểu phương thức lấy mềm trị cứng của ta, chúng đã thay đổi đánh nhanh thắng nhanh” bằng “đánh chắc, tiến chắc”. Nếu ta không kén được người “mưu lược, quyền biến”thì không dễ gì đối phó nổi với lối đánh thâm hiểm này của địch. Không phải chỉ cuộc tiến công bằng thực binh mới có hình thái như Trần Hưng Đạo căn dặn. Lối đánh ấy còn nhắc ta phải cảnh giác với các phương thức tiến công phi quân sự nhưng vẫn dùng cách “tằm ăn lá” bằng lợi khí kinh tế, chính trị và văn hóa.

Là một nước luôn bị nạn ngoại xâm đe doa, tổng số thời gian phải tiến hành chiến tranh chiếm tỉ lệ rất cao trong đời sống bình thường, dân tộc Việt Nam luôn khao khát hòa bình, coi thời gian giữ được hòa bình của mỗi triều đại như những kỷ lục cần so sánh và ghi nhận. Dù không hề có năm tháng lơi lỏng với nhiệm vụ quy tụ và tăng cường sức mạnh dân tộc, xây dựng đội quân chống giặc giữ nước nhưng quan điểm cơ bản của Học thuyết quân sự Việt Nam là càng phải ít dùng, chậm phải  dùng đến vũ lựccàng tốt, đúng như Nguyễn Trãi tuyên bố: “Đồ binh là thứ hung bạo, thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng đến”,như Quang Trung coi việc “binh lửaLiên miến không phải là phúc của dân”. Vừa sẵn sàng đánh thắng nhưng rất coi trọng “đẩy lùi ngăn chặn chiến tranh” là một quan điểm nhất quán của Học thuyết quân sự Việt Nam.

6. Sau khi giành được độc lập chủ quyền, phải chủ động phòng tránh các nguy cơ dẫn đến suy vong đã diễn ra thành quy luật

Các triều đại cũ đều không tránh khỏi quy trình “lập nghiệp - hưng thịnh – suy vong” diễn ra dài ngắn tùy tài đức những người kế vị. Bên cạnh những bài học phát huy được thắng lợi, giữ vững độc lập chủ quyền, các triều đại cũ để lại những bài học về sự suy vong thường do tệ chuyên quyền, độc đoán, không thấu hiểu nỗi khổ của muôn dân; tệ tranh giành ngôi kế vị, sát hại lẫn nhau ngay trong hoàng tộc; tệ say sưa quyền lực, xa hoa trụy lạc khiến triều chính bê trễ, quốc lực suy giảm...

Trên đây là những khái quát bước đầu về sự chỉ đạo việc sử dụng sức mạnh của dân tộc vào việc giành và giữ độc lập chủ quyền, quy tụ cả hệ thống kiến thức, lý luận và phương pháp luận của Học thuyết quân sự Việt Nam. Những quan điểm chỉ đạo trên đây có thể ứng dụng cả trong khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh giải phóng và chiến tranh tự vệ chống xâm lược. Nó không làm thay nghệ thuật quân sự nhưng lại hướng dẫn nghệ thuật quân sự phát triển theo những nét riêng của “trường phái quân sự Việt Nam”, phản ánh một tinh thần yêu nước rất “nhân đạo” trong nền văn hiến Việt Nam.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.