Web Content Viewer
ActionsQuân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường
(Bqp.vn) - Bảo vệ môi trường (BVMT), sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững đã và đang là vấn đề quan tâm của mọi ngành, mọi cấp, mọi quốc gia. Đối với quân đội, đây cũng là vấn đề cấp thiết, đã và đang được nghiên cứu, giải quyết vì nó gắn liền với việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Quân đội là một tổ chức đặc thù, mọi hoạt động như đóng quân, canh phòng, huấn luyện, diễn tập, sản xuất, sửa chữa, thử nghiệm vũ khí, khí tài, kho tàng, niêm cất bảo quản vũ khí, khí tài, vật tư, trang thiết bị, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật... đều có quan hệ tác động qua lại đối với tài nguyên và môi trường; hơn nữa, phạm vi hoạt động của quân đội rất rộng lớn: trên đất liền, trên không, trên biển, trên sông và cả những vùng biên giới, hải đảo.
Trong chiến tranh giải phóng, tuy nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của rừng trong địa hình quân sự, nhưng do sự tàn phá của bom đạn, do nhu cầu sử dụng vật liệu tại chỗ để phục vụ tác chiến, ngụy trang, làm công sự… nên công tác bảo vệ môi trường còn gặp nhiều hạn chế. Ngay sau khi hoà bình lập lại, đất nước tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoạt động BVMT của quốc gia nói chung, quân đội nói riêng lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Cụ thể là ô nhiễm môi trường do hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng do công nghệ quá cũ; ô nhiễm môi trường do chất thải của các bệnh viện quân y; sự cố môi trường xảy ra trong bảo quản vũ khí, khí tài; ảnh hưởng của hoạt động quân sự (đóng quân, huấn luyện trường bắn, diễn tập, thử nghiệm vũ khí, vận tải quân sự) đối với môi trường tự nhiên; giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường trong các đơn vị bộ đội; ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến chất lượng và độ bền của các phương tiện vũ khí trang bị; tồn lưu chất độc hoá học (chất diệt cỏ, chất huỷ diệt rừng, điôxin...), bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh tại các khu vực quân sự. Vì vậy, đối với quân đội, bên cạnh nhiệm vụ chính trị, công tác BVMT có những phát triển mới, yêu cầu mới, đã, đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần được triển khai sâu rộng.
Trong thời gian qua, công tác BVMT trong quân đội đã thu được những kết quả đảng kể: ban hành các văn bản pháp quy và tổ chức triển khai học tập Luật Bảo vệ môi trường, quán triệt Chỉ thị của Bộ trưởng về nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quân đội cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân; tổ chức tuyên truyền, tìm hiểu về môi trường; điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng, tác động của môi trường đối với các khu vực quân sự và các khu vực liên quan; kiểm soát, giám sát ô nhiễm và quản lý chất thải quân sự; triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật khai thác sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trong hoạt động quân sự; xây dựng và thực hiện đề án của Bộ Quốc phòng trong chương trình nghiên cứu khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước để giải quyết nhiều vấn đề về môi trường; xây dựng và tổ chức lực lượng làm nòng cốt trong phòng chống thiên tai và khắc phục sự cố môi trường…
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường là một vấn đề lớn, là nhiệm vụ mới đối với quân đội và có nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Do vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường trong quân đội cũng còn nhiều hạn chế, như: hoạt động môi trường quân sự thiếu quy hoạch tổng thể, nhiều vấn đề môi trường bức xúc ở các đơn vị vẫn chưa có khả năng giải quyết cơ bản theo hướng phát triển bền vững; việc lồng ghép ưu tiên giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị với việc thực hiện Luật BVMT và các quy định BVMT khác của Nhà nước còn nhiều bất cập; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy trình công nghệ sản xuất quốc phòng và BVMT còn lạc hậu, nguồn lực BVMT yếu kém, hệ thống quản lý chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác BVMT vẫn chưa thực sự được coi trọng đúng mức; trình độ nhận thức về BVMT của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và chiến sĩ nhìn chung còn hạn chế, chưa ngang tầm.
Dưới ánh sáng Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Nghị quyết 16/2007/NĐ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, để nâng cao hiệu quả quân đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong tình hình mới, cần phải thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp quy và hướng dẫn chuyên ngành về bảo vệ môi trường đối với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Thường xuyên cập nhật, rà soát, nghiên cứu bổ sung điều chỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời thể chế hoá, cụ thể hoá mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động môi trường trong quân đội, phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; tạo ra hành lang pháp lý cần thiết bảo đảm cho các đơn vị đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác BVMT. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu ban hành và quy định chương trình, nội dung giáo dục về môi trường thống nhất thực hiện tại các học viện, nhà trường và các đơn vị trong toàn quân.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, xây dựng thói quen và trách nhiệm BVMT ở mọi cấp, từ lãnh đạo, chỉ huy đến từng chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng. Theo đó, cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức tuyên truyền phong phú, sát với tình hình thực tiễn như: tuyên truyền miệng; các hội thi, hội thao; các hoạt động văn hóa văn nghệ…; lồng ghép giáo dục về BVMT trong chương trình đào tạo của các nhà trường, cơ sở đào tạo của Bộ Quốc phòng. Các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông của quân đội chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhà trường và các cơ quan quản lý về môi trường tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để cung cấp đầy đủ, kịp thời những kiến thức cần thiết về môi trường, những quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với nhiệm vụ BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; kịp thời biểu dương, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt về công tác bảo vệ môi trường; kiên quyết đấu tranh phê phán những việc làm sai trái, những hành vi phá hoại môi trường sinh thái.
Ba là, thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng doanh trại quân đội “xanh - sạch - đẹp”, phòng chống dịch bệnh, xoá bỏ tình trạng nơi ăn ở hoặc các hoạt động tăng gia sản xuất không hợp vệ sinh ở các đơn vị; bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho bộ đội, đặc biệt là các đơn vị đóng quân trên đảo và vùng sâu, vùng xa. Tích cực trồng cây phân tán trong và ngoài khu vực quân sự; tham gia chương trình quốc gia về trồng và bảo vệ rừng ở nơi đóng quân. Tăng cường các biện pháp bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước, cảnh quan thiên nhiên, các nguồn lợi lâm - thuỷ sản trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng theo đúng quy định của pháp luật.
Bốn là, tiếp tục xây dựng các phương án tổ chức lực lượng làm nòng cốt khắc phục sự cố môi trường ở các đơn vị và địa bàn nơi đóng quân, nhất là sự cố tràn dầu trên biển và sự cố rò rỉ hoá chất độc - xạ. Tổ chức diễn tập một số phương án khắc phục sự cố môi trường. Thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt cứu hộ, cứu nạn, khẩn trương tổ chức thực hiện việc điều tra, khảo sát khắc phục triệt để hậu quả chất độc hoá học, tồn lưu bom mìn, đạn dược sau chiến tranh…
Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và đào tạo cán bộ, chuyên gia về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cần chú trọng nghiên cứu về môi trường phục vụ cho các hoạt động quân sự; ứng dụng các công trình nghiên cứu về sử dụng nguồn năng lượng sạch, về xử lý nguồn nước và xử lý chất thải bằng các công nghệ phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng đơn vị. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng kiến thức, kết hợp chặt chẽ các hình thức đào tạo trong và ngoài nước đối với cán bộ làm công tác môi trường; đồng thời, quân đội cần tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế, lựa chọn các đối tác chiến lược có cơ sở đào tạo hiện đại để gửi đào tạo các chuyên gia giỏi về lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, định kỳ cử các chuyên gia đi tham quan khảo sát, thực tập làm việc dài hạn cũng như ngắn hạn ở các nước tiên tiến để tiếp cận với nền khoa học hiện đại trên thế giới phục vụ tốt cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quân đội và kinh tế dân sinh. Bên cạnh đó, ưu tiên cơ chế và tài chính phát triển nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ BVMT ở các trung tâm, cơ sở nghiên cứu, các nhà máy và doanh nghiệp quốc phòng trong quân đội.
Sáu là, tăng cường tiềm lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp ngang tầm với yêu cầu trong thời kỳ mới, chú trọng kiện toàn về tổ chức, đào tạo bồi dưỡng về nhân lực và từng bước đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện tốt chức năng quản lý môi trường từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị cơ sở. Hình thành và hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường đồng bộ với Nhà nước, đủ năng lực triển khai các hoạt động môi trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường đối với các đơn vị.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan đơn vị trong toàn quân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, ngoài các hoạt động chuyên môn, chuyên ngành cần phối hợp thống nhất hành động; đặc biệt mở rộng hợp tác, tăng cường phối hợp hoạt động BVMT với các bộ, ngành, địa phương và quốc tế, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động BVMT trong quân đội, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường.