Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

18:34 | 24/09/2014

(Bqp.vn) - Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc, khoa học về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn, đã và đang soi đường cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Một trong những vấn đề quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng nền quốc phòng gồm các nội dung cơ bản: Dựng nước và giữ nước, quốc phòng toàn dân (QPTD), toàn diện, hiện đại, độc lập, tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (ảnh tư liệu)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền QPTD bắt nguồn từ truyền thống: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”. Đây là quy luật tồn tại và phát triển, là kế sách giữ nước bền lâu, xuyên suốt trong mọi thời đại. Bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước, nhưng truyền thống yêu nước vẫn thấm sâu vào Hồ Chí Minh. Năm 1954, Người có câu nói nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kế thừa truyền thống dân tộc, giải quyết tài tình mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với thực tiễn của từng thời kỳ cách mạng. Đó là chủ trương “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” trong kháng chiến chống thực dân Pháp; đường lối thực hiện thắng lợi đồng thời hai chiến lược cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ; là phương châm chỉ đạo: “Giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Trong tình hình mới, Đảng đề ra quan điểm: Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nắm chắc nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; trong xây dựng có bảo vệ, xây dựng vững chắc là phương thức bảo vệ tích cực, chủ động. Quốc phòng là công cuộc giữ nước của quốc gia nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh. Các quốc gia trên thế giới có phương thức giữ nước khác nhau như: Chủ yếu dựa vào sức mạnh của quân đội với vũ khí trang bị hiện đại, hoặc dựa vào địa hình hiểm trở, dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài... Với dân tộc Việt Nam, cách thức tối ưu là dựa vào dân, bởi “Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Truyền thống đó trở thành tư tưởng lớn, nhất quán trong sự nghiệp vì dân, vì nước của Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Còn dân là còn nước, có dân là có tất cả”; và “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Nhân dân là lực lượng, là động lực của cách mạng, đồng thời mục tiêu của cách mạng là hướng tới sự ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng “dân là gốc” lên một tầm cao mới: Xây dựng nền quốc phòng của dân, do dân, vì dân; xác định rõ bản chất, mục đích, phương thức xây dựng và hoạt động của nền quốc phòng. Mục đích xây dựng nền QPTD nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ chế độ và bảo vệ nhân dân, làm cho “… dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Phương thức xây dựng nền QPTD theo quan điểm: Sự nghiệp quốc phòng là công việc của toàn dân, là trách nhiệm của dân, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, có nghĩa là: Do toàn dân tiến hành và dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân, không chỉ về nhân lực, vật lực mà còn về trí tuệ, mưu lược. Thực thi đầy đủ các nội dung đó, QPTD mới thực sự là “cái nền” của công cuộc giữ nước, mới quy tụ, tập hợp được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, buộc thế lực thù địch phải đối phó không chỉ với quân đội mà với cả cộng đồng dân tộc. Tính chất, mục đích cao cả của nền QPTD không tự nhiên trở thành hiện thực mà phải thông qua hoạt động thực tiễn theo phương châm: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước phải hướng tới làm cho nhân dân ấm no, hạnh phúc; mọi cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Đảng lãnh đạo và nhân dân làm chủ là hai mặt thống nhất hữu cơ của nền QPTD. Xây dựng nền quốc phòng toàn diện về tiềm lực, lực lượng và thế trận, trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, ngoại giao và quân sự. Tư tưởng Hồ Chí Minh: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “người trước súng sau” không chỉ đối với quân đội mà với cả nền QPTD. Xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, trọng tâm là xây dựng cho được niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, xây dựng thế trận lòng dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng thế trận lòng dân là làm cho: Toàn dân đoàn kết thành một khối vững chắc xung quanh Đảng và Nhà nước, giữ vững niềm tin, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đập tan mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết không phải là khẩu hiệu, là sách lược nhất thời mà là quy luật tồn tại, bí quyết, phương thức tập hợp sức mạnh. Hồ Chí Minh đã khái quát: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Trong đó, “đoàn kết” được lặp lại 3 lần nhằm thể hiện 3 mức độ: Đoàn kết toàn Đảng; đoàn kết các dân tộc, người Việt Nam ở trong và ngoài nước; đoàn kết quốc tế. Tập trung xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh từ Trung ương đến cơ sở. Đảng, Nhà nước phải đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, thực thi đường lối đó một cách hiệu quả và thiết thực; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, tổ chức. Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng thực sự là nơi tập hợp trí tuệ của toàn dân, để nhân dân thực thi vai trò giám sát đối với Đảng, Nhà nước, phản biện xã hội.

Theo Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” nên phải chú trọng đổi mới tiêu chuẩn, công tác quản lý, đánh giá, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lực lượng vũ trang, ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, đối với nhiệm vụ quốc phòng. Vấn đề cơ bản của xây dựng tiềm lực kinh tế là giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thật sự độc lập, tự chủ; đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, tìm ra động lực phát triển mới, phát huy mọi nguồn lực xã hội, giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tăng trưởng bền vững, nâng cao khả năng dự trữ, bảo đảm cho quốc phòng. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ, năng lượng, lương thực, thông tin…; dự báo kịp thời và đối phó có hiệu quả với tác động từ các đột biến của thế giới với kinh tế đất nước, không để xảy ra rối loạn về kinh tế. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng theo quy hoạch vùng, ngành, chương trình, dự án, nhất là vùng kinh tế trọng điểm, trên các địa bàn chiến lược. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ bản tạo nền tảng cho công nghiệp quốc phòng, một số ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm lưỡng dụng, các mặt hàng chiến lược, thiết yếu để giảm dần nhập khẩu. Phát triển nông nghiệp bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Thống nhất và gắn bó mọi mặt giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên hướng biển đảo, biên giới. Gắn chặt tăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, văn hóa là cội nguồn sức mạnh dân tộc, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “là một mặt trận”; xây dựng nền quốc phòng về văn hóa là xây dựng lòng yêu nước: “… làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình”, thương nòi, vị tha… Giữ gìn và làm phong phú nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đi đôi với chống lại sự “xâm lăng văn hóa”, ngăn chặn văn hóa phẩm độc hại, truyền bá lối sống hưởng thụ cá nhân… chính là giữ nước. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có tinh thần yêu nước, ý thực tự lực, tự cường, ý thức làm chủ, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng pháp luật, lao động sáng tạo, sống có văn hóa. Xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ toàn diện cả khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, cả con người, cơ chế, cơ sở vật chất, để khoa học, công nghệ trở thành lực lượng, động lực của sự phát triển. Nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, ứng dụng các thành tựu mới trong lĩnh vực quốc phòng. Xây dựng lực lượng quốc phòng toàn diện, rộng khắp, tập trung có trọng điểm; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có bộ phận tiến thẳng lên hiện đại, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao. Xây dựng thế trận QPTD gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc; gắn kết chặt chẽ các lĩnh vực, lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Xây dựng nền quốc phòng hiện đại cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn nhân lực có trình độ cao, tạo cơ sở xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, góp phần xây dựng quân đội từng bước hiện đại. Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh dân tộc, sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định. Do đó, phải xây dựng nền quốc phòng có thế, lực mạnh; phát huy độc lập, tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về quốc phòng. Chúng ta chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không đi với nước này chống nước khác nhưng phải chủ động tạo lập mối quan hệ “là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, củng cố lòng tin chiến lược, tranh thủ sự ủng hộ thiết thực, có hiệu quả của các nước, nhất là các đối tác chiến lược, nước láng giềng, tổ chức quốc tế với sự nghiệp quốc phòng.

Thực tiễn cho thấy, khi chúng ta quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh thì thành công và ngược lại. Những năm qua, bên cạnh thành tựu to lớn thì công cuộc xây dựng nền QPTD cũng còn những hạn chế: Quốc phòng được tăng cường nhưng chưa toàn diện, tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng có mặt chưa vững chắc. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trở thành “quan cách mạng”, quan liêu, xa dân, suy thoái, biến chất, nói một đường làm một nẻo...; chính quyền cơ sở một số nơi chưa quan tâm chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của dân... Những căn bệnh Hồ Chí Minh cảnh báo vẫn tồn tại. Đất nước vẫn tiềm ẩn các nhân tố bất ổn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền QPTD trong tình hình mới. Điểm nổi bật ở phong cách, tư duy Hồ Chí Minh là lý luận gắn với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Mục đích cao nhất của học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là biến những tư tưởng cao cả của Người thành hiện thực sinh động trong cuộc sống hôm nay.

File đính kèm:

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (nguồn: Báo QĐND)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.