Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Chương XXIII Bộ Luật hình sự

15:56 | 06/11/2014

(Bqp.vn) - Bộ luật Hình sự (BLHS) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành từ năm 1985, là công cụ sắc bén của Nhà nước trong quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và công dân, góp phần có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Họp Tổ Biên tập sửa đổi, bổ sung Chương XXIII, Bộ luật Hình sự. (ảnh: Trong Xuân)

Trải qua gần 30 năm thi hành, BLHS có sáu lần sửa đổi, bổ sung (vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997, 1999 và 2009). Mặc dù sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng nhìn chung BLHS vẫn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà nội dung cơ bản là ghi nhận và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân; thực hiện chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có những chuyển biến lớn, tích cực về quyền con người, quyền công dân và kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, sửa đổi BLHS.

Việc sửa đổi BLHS nhằm đảm bảo cho BLHS có tính minh bạch, khả thi và có tính dự báo cao, là công cụ sắc bén, hữu hiệu nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân… bảo vệ trật tự, an toàn xã hội và hoạt động bình thường của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có hoạt động quân sự.

Như chúng ta đã biết, để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, bên cạnh các nguyên tắc (1) Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, (2) Xây dựng Quân đội vững mạnh về tổ chức, (3) Xây dựng Quân đội tinh nhuệ, trước hết là tinh nhuệ về chính trị và trình độ kỹ thuật, chiến thuật, (4) Thực hiện có hiệu quả chủ trương hiện đại hóa Quân đội, (5) Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc phòng…; việc tăng cường chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ đối với quân nhân là vấn đề hết sức quan trọng, là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Vì vậy, BLHS đã dành một chương riêng để quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật quân đội, vi phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân.

Trong những năm qua, các quy định tại Chương XXIII (các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân) đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhằm tăng cường kỷ luật, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵng sàng chiến đấu của quân đội, xây dựng ý thức chấp hành và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người quân nhân, đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, một số quy định về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong BLHS hiện hành đã bộc lộ vướng mắc, bất cập, thiếu tính khoa học và tính lôgíc với các quy định khác của BLHS; đồng thời, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, như: Về tên gọi của chương, căn cứ vào khách thể loại của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là các quan hệ xã hội tồn tại trong Quân đội hoặc khi có hoạt động quân sự; phù hợp với mặt khách quan của tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Chương XXIII- BLHS và chỉ có thể xảy ra trong các hoạt động quân sự. Bao gồm các hành vi xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; hành vi vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của những người không phải là quân nhân như dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong tập trung huấn luyện, công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội; hành vi vi phạm pháp luật quốc tế về chiến tranh như hành vi ngược đãi tù binh, hàng binh, hành vi tàn sát, chiếm đoạt hoặc huỷ hoại tài sản của nhân dân trong khu vực có chiến sự. Chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân bao gồm quân nhân và những người không phải là quân nhân (như dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội) thực hiện. Do đó, việc đặt tên Chương XXIII là “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” như BLHS hiện hành là không bao quát hết các hành vi khách quan được đề cập tại Chương này, cũng như chủ thể của loại tội phạm này.

Đáp ứng yêu cầu xử lý những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quân sự và sự bình đẳng giữa các công dân ngoài Quân đội và công dân phục vụ trong Quân đội; đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ về kỹ thuật lập pháp và phù hợp với đặc điểm hoạt động tố tụng trong Quân đội, (1) Cần nghiên cứu đổi tên Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của BLHS thành “Các tội xâm phạm hoạt động quân sự”; (2) Về đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; đây là điều có tính chất quy định chung đối với các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, nên nội dung của điều luật phải có phạm vi rộng, thể hiện đầy đủ các nội dung: Các tội xâm phạm hoạt động quân sự là gì; được quy định ở đâu và do ai thực hiện?. Đồng thời, để phù hợp với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước có liên quan đến hoạt động quân sự như Luật Dân quân tự vệ, vì theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, ngoài việc phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu; hàng năm dân quân, tự vệ còn được chỉ huy các đơn vị quân sự địa phương (Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh) điều động đi học tập chính trị, huấn luyện quân sự tại các trường quân sự, trong thời hạn đó, dân quân, tự vệ phải thực hiện đầy đủ các chế độ quy định như quân nhân nhưng chưa được điều chỉnh trong Điều 315 BLHS quy định là chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; (3) Bổ sung tội vắng mặt trái phép; vắng mặt trái phép là hành vi không được phép mà đi khỏi đơn vị hoặc không đến đơn vị đúng hạn định; tội vắng mặt trái phép đã từng được quy định trong BLHS năm 1985, nhưng BLHS năm 1999 huỷ bỏ tội này, dẫn đến bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống hành vi vắng mặt trái phép; (4) Hoàn thiện cấu thành tội phạm của các tội, như: Hoàn thiện cấu thành tội chống mệnh lệnh, các tội xâm phạm quan hệ đoàn kết nội bộ quân đội (tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên; tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới; tội làm nhục, hành hung đồng đội); hoàn thiện cấu thành tội phạm của các tội xâm phạm kỷ luật chiến đấu (tội đầu hàng địch; tội bỏ vị trí chiến đấu, tội vi phạm chính sách đối với thương binh, tử sĩ trong chiến đấu, tội ngược đãi tù binh, hàng binh); tội xâm phạm chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ (tội đào ngũ), theo hướng “người nào rời hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ…”; nhóm tội xâm phạm chế độ quản lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí quân dụng; tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); (5) Hoàn thiện các tình tiết định khung hình phạt quy định tại các điều từ Điều 316 đến Điều 340 BLHS; các tình tiết sau đây được coi là những tình tiết định khung hình phạt: “là chỉ huy hoặc sỹ quan”; “phạm tội trong chiến đấu”; “phạm tội trong khu vực có chiến sự”; “phạm tội trong thời chiến”; “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác”; “lôi kéo người khác phạm tội”; “dùng vũ lực”; “giao nộp, vứt bỏ hoặc mang theo vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu quan trọng”; “đối xử tàn ác với tù binh”; “chiến lợi phẩm có giá lớn hoặc rất lớn”; “phạm tội trong khu vực đã có lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp”; “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; (6) Hoàn thiện kỹ thuật lập pháp đối với các Điều 327 (tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự) và Điều 328 (tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự; tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự); quy định hai tội phạm khác nhau về đối tượng tác động và hành vi khách quan, nhưng lại quy định chung về chế tài áp dụng là không bảo đảm nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự.

Từ những vấn đề trên, do vậy việc sửa đổi, bổ sung BLHS nói chung và Chương XXIII- BLHS là cần thiết để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần quan trọng trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

File đính kèm:

Đại tá Nguyễn Đức Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế BQP

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.