Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và một số vấn đề cần quan tâm hiện nay

12:07 | 22/12/2013

(Bqp.vn) - Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm và đạt được những kết quả tích cực về nhiều mặt. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội của bộ đội ở một số đơn vị, ở những thời điểm nhất định còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc xem xét, đánh giá đúng thực trạng công tác PBGDPL trong Quân đội có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm công tác này đi vào nền nếp, đạt được hiệu quả thiết thực.

Nhận thức rõ vai trò của công tác tổ chức và bảo đảm thực hiện công tác PBGDPL ngày 15/4/1998, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 492/1998/QĐ-BQP về việc thành lập Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL Bộ Quốc phòng và Chỉ thị số 785/1998/CT-BQP ngày 26/6/1998 về việc triển khai công tác PBGDPL trong Quân đội từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL ở các đơn vị. Theo đó, Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL được thành lập thống nhất ở hai cấp là cấp Bộ Quốc phòng và cấp các đơn vị trực thuộc. Đây là cơ quan tham mưu giúp Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác PBGDPL tại các đơn vị.

Công tác bảo đảm cho hoạt động giáo dục pháp luật đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị quan tâm như đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động, ban hành các văn bản chỉ đạo và xây dựng chương trình, nội dung PBGDPL; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; in ấn, cấp phát tài liệu giáo dục… Hiện tại, lực lượng làm công tác PBGDPL đã và đang dần được củng cố, kiện toàn, đồng thời có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Mặc dù, trong Quân đội có nhiều quân, binh chủng khác nhau với nhiều cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng… ở nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau, hoạt động với nhiệm vụ cụ thể khác nhau, nhưng có sự thống nhất trong tổ chức biên chế của Quân đội nên đội ngũ giáo viên, báo cáo viên được tổ chức chặt chẽ bao gồm: Đội ngũ giáo viên, báo cáo viên; đội ngũ báo cáo viên là cán bộ chính trị; đội ngũ tuyên truyền viên, gồm cả cán bộ chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, cán bộ đoàn, hội viên các tổ chức quần chúng…

Nội dung tuyên truyền pháp luật ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu, thường xuyên cập nhật những nội dung mới. Các tài liệu do cơ quan pháp luật trong Quân đội biên soạn có nội dung vừa bảo đảm được tính lý luận, vừa bảo đảm được tính thực tiễn làm cho các đối tượng thấy được việc học pháp luật là thiết thực.

Cùng với đổi mới chương trình nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục ngày càng đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ… phù hợp với khả năng tiếp thu của từng đối tượng. Các hình thức giáo dục pháp luật chủ yếu là: Lên lớp, thảo luận, trao đổi về các chủ đề pháp luật, tập xử lý tình huống pháp lý xảy ra trong cuộc sống; phổ biến, nói chuyện pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, nhà trường; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật được tổ chức, hưởng ứng các phong trào thi đua thực hiện nghiêm các quy định của Quân đội, pháp luật của Nhà nước; tham gia góp ý vào các dự án luật; hoạt động duy trì điều lệnh, kỷ luật của Quân đội, xử lý các hành vi vi phạm, thông qua hoạt động bảo vệ pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật; giáo dục qua tư vấn, trợ giúp pháp lý và giáo dục pháp luật cá biệt. Các đơn vị đã tích cực xây dựng tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật với số lượng tương đối lớn, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của bộ đội. Triển khai “Ngày Pháp luật” trong các đơn vị bước đầu có những kết quả khả quan. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật mang lại hiệu quả cao và rất thiết thực đối với Quân đội. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết được thực hiện nền nếp, nghiêm túc, chỉ ra được những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, từ đó rút ra những kinh nghiệm về công tác PBGDPL để nhân rộng trong toàn quân.

Tuy nhiên, tính thống nhất trong cơ cấu nội dung giáo dục pháp luật chưa cao, chưa mang tính hệ thống ở mức cần thiết. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu để hoàn thiện chương trình, nội dung PBGDPL bảo đảm tính thống nhất, cơ bản, liên thông giữa các đối tượng giáo dục. Hoạt động giáo dục pháp luật mới chủ yếu nhằm phổ biến các quy định pháp luật nhiều hơn là giáo dục; trang bị cho đối tượng kiến thức pháp luật mà chưa coi trọng đúng mức giáo dục tình cảm, lòng tin pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật. Một số đơn vị còn lúng túng trong việc xác định nội dung PBGDPL cho các đối tượng đặc thù như công nhân, viên chức quốc phòng, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ… Việc giảng dạy pháp luật trong các nhà trường quân đội, ngoài các lớp liên kết đào tạo cử nhân luật, các nhà trường quân đội chủ yếu trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật với quỹ thời gian không nhiều (chỉ từ 30 đến 60 tiết hoặc 90 tiết như Trường Sĩ quan Chính trị).

Nội dung, hình thức, phương pháp PBGDPL ở một số đơn vị còn đơn điệu; chất lượng chưa cao, chưa gắn giáo dục chính trị, tư tưởng với giáo dục pháp luật, giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên; việc chuẩn bị giáo án bài giảng của một số giáo viên, báo cáo viên còn sơ sài, liên hệ vận dụng chưa sát thực tiễn làm bài giảng khô cứng, thiếu tính thuyết phục, năng lực, kiến thức, phương pháp sư phạm còn hạn chế. Công tác quản lý, đăng ký nội dung học tập pháp luật ở một số đơn vị chưa khoa học nên còn bỏ sót nội dung, đối tượng, nhất là ở các đơn vị đóng quân phân tán, hoạt động độc lập. Việc lồng ghép các hoạt động bổ trợ để tuyên truyền PBGDPL ở một số đơn vị chưa được thường xuyên, hình thức chưa đa dạng, chưa chú trọng đúng mức giáo dục nâng cao nhận thức về kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước với công tác quản lý rèn luyện và chấp hành kỷ luật. Chưa phát huy được thế mạnh của các phương tiện thông tin và truyền thông để tuyên truyền PBGDPL; ngoài "Bản tin Pháp luật", các loại hình báo chí trong Quân đội chưa xây dựng được chuyên mục riêng để giải đáp pháp luật, chính sách đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bộ đội.

Công tác PBGDPL cho các đối tượng chưa kịp thời, chưa tập trung vào nội dung chủ yếu, đi vào chiều sâu của từng lĩnh vực và từng loại đối tượng. Công tác nắm bắt, phát hiện giải quyết các vấn đề tư tưởng nảy sinh của bộ đội ở một số đơn vị chưa kịp thời, nhạy bén, việc xử lý kỷ luật để giáo dục răn đe, phòng ngừa còn hạn chế; thậm chí có đơn vị sợ ảnh hưởng đến thành tích nên không báo cáo trung thực, che giấu khuyết điểm làm hạn chế hiệu quả giáo dục pháp luật.

Từ thực trạng của công tác giáo dục pháp luật trong Quân đội thời gian qua, đặt ra một số vấn đề chủ yếu cần được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị quan tâm, giải quyết để nâng cao chất lượng, hiệu quả PBGDPL trong thời gian tới:

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chủ thể giáo dục với vai trò ngày càng tăng của công tác PBGDPL trong Quân đội. Nhận thức của một số cán bộ, kể cả cán bộ chỉ huy vẫn chưa theo kịp đòi hỏi của thực tế, còn nặng về hình thức, báo cáo, giao nhiệm vụ cho cấp dưới thực hiện, chưa thấy hết được vai trò của công tác PBGDPL. Hơn nữa, các thành viên trong Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL chủ yếu cũng là kiêm nhiệm nên trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, dành thời gian cho công tác này còn hạn chế.

Hai là, giải quyết tốt những bất cập trong công tác PBGDPL cho học viên các nhà trường quân đội. Bất cập giữa yêu cầu cao về trang bị kiến thức pháp luật cho học viên trong các nhà trường quân đội với sự hạn chế của chương trình, nội dung, quỹ thời gian của môn học và sự thiếu thốn, lạc hậu của giáo trình, tài liệu phục vụ dạy và học. Điều đó đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy pháp luật trong các nhà trường quân đội bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thống nhất, liên thông giữa các cấp học, khắc phục cơ bản sự chồng chéo về nội dung của môn học. Cần tăng thêm quỹ thời gian của môn học này và có quy định thống nhất đối với từng cấp học; trên cơ sở đó biên soạn giáo trình chuẩn phù hợp với từng cấp học trong các nhà trường quân đội.

Ba là, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiện nay, đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy, cần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác này đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

File đính kèm:

Đại tá, Ths Nguyễn Xuân Thu- Học viện Chính trị

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.