Web Content Viewer
ActionsPhát huy truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết thống nhất, tận tụy, sáng tạo, giữ vững nguyên tắc, đúng quy định của pháp luật” hoàn thành tốt công tác pháp chế trong tình hình mới
(Bqp.vn) - Qua 41 năm xây dựng và phát triển (25/9/1976 - 25/9/2017) ngành Pháp chế Quân đội (tiền thân là phòng pháp chế) đã không ngừng được củng cố và phát triển, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP), cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ huy, quản lý nhà nước bằng pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá Hàn Mạnh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng BQP, Vụ trưởng Vụ Pháp chế BQP chủ trì kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Phòng.
Thực tế từ năm 1948, khi Văn phòng BQP được tổ chức thêm một số bộ phận và điều chỉnh về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Phòng Hành chính, đã quy định: “Giữ việc thu phát và phân phối lưu trữ các hồ sơ công văn; nghiên cứu những nguyên tắc tổ chức về phương diện pháp chế của Bộ; thảo những công văn giao dịch với các cục, các bộ về những vấn đề hành chính chung”. Như vậy, công tác pháp chế trong thời gian này đã được đặt ra ngay trong điều kiện thời chiến, để thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, quản lý của quốc phòng.
Với nhu cầu xây dựng pháp luật và hệ thống hóa pháp luật của hai miền Bắc và Nam để phục vụ cho việc thống nhất đất nước và chủ trương tăng cường pháp chế trong Quân đội, ngày 25/9/1976, Bộ trưởng BQP ban hành Quyết định số 284/QĐ-QP thành lập Phòng Pháp chế của BQP đặt trong Văn phòng BQP, với chức năng, nhiệm vụ chính: “Liên hệ chặt chẽ với Uỷ ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ; nghiên cứu đề đạt với Thủ trưởng BQP kế hoạch công tác pháp chế trong Quân đội từng thời gian; tham gia ý kiến về thủ tục pháp chế những văn bản do các cơ quan, đơn vị dự thảo trước khi trình Thủ trưởng BQP xét duyệt để đưa ra các cơ quan Nhà nước hoặc ban hành trong Quân đội; cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề nghị bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ những chế độ, quy định có tính chất pháp lý trong Quân đội không phù hợp với luật lệ của Nhà nước hoặc không còn phù hợp trong Quân đội; hệ thống hoá luật lệ trong Quân đội; phối hợp với các ngành để tuyên truyền, phổ biến luật pháp, theo dõi việc thi hành luật pháp trong Quân đội; đề nghị với Thủ trưởng BQP những biện pháp thích hợp nhằm hướng dẫn và thúc đẩy việc thi hành luật pháp trong Quân đội; cùng các cơ quan liên quan định kỳ tổng kết công tác pháp chế và đề nghị những biện pháp nhằm tăng cường công tác pháp chế trong Quân đội” - từ đó, ngày 25/9 trở thành ngày truyền thống của Ngành Pháp chế Quân đội.
Ngay từ khi được thành lập, với biên chế ban đầu là 5 sĩ quan, Phòng Pháp chế đã đi vào hoạt động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và đạt hiệu quả thiết thực, nổi bật là: Phòng Pháp chế đã giúp BQP tổ chức thực hiện tổng rà soát, hệ thống hoá luật lệ về quốc phòng và lực lượng vũ trang từ năm 1954 đến năm 1976; đề nghị bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ những chế độ, quy định có tính chất pháp lý trong Quân đội không phù hợp với luật lệ của Nhà nước hoặc không còn phù hợp trong Quân đội. Đã tham mưu cho Văn phòng, giúp Quân uỷ Trung ương xây dựng Nghị quyết số 320/QUTW ngày 14/12/1977 về mở Cuộc vận động “Rèn luyện nâng cao kỷ luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa” trong Quân đội; Nghị quyết số 36/QUTW ngày 25/10/1977 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh Cuộc vận động tăng cường kỷ luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong Quân đội; cùng các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham gia xây dựng Chương 4 (Bảo vệ Tổ quốc) của Hiến pháp năm 1980; ngày 16/2/1980, đã cùng các cơ quan có liên quan giúp Bộ tổ chức Hội nghị Pháp chế toàn quân để quán triệt nghị quyết của Thường vụ Quân uỷ Trung ương về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong Quân đội. Tham gia xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 26/8/1981, Bộ trưởng BQP đã ban hành Quyết định số 296/QĐ-QP về việc thành lập tổ chức pháp chế trong các đơn vị làm kinh tế. Đến tháng 8/1981 đã tổ chức Hội nghị Pháp chế kinh tế toàn quân.
Năm 1982, do yêu cầu nhiệm vụ, Phòng Pháp chế được biên chế 12 sĩ quan, cùng với công tác xây dựng pháp luật, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Phòng Pháp chế còn biên soạn và trình BQP cho xuất bản tập “Pháp luật - Pháp chế” tài liệu giáo dục 10 bài cơ bản về pháp luật cho cán bộ cấp phân đội; là cuốn tài liệu đầu tiên trong Quân đội giảng dạy về pháp luật. Đã sưu tầm, hệ thống hoá, biên tập, trình BQP cho xuất bản tập 1 cuốn “Những cơ sở pháp lý hiện hành của sự nghiệp quốc phòng toàn dân và xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân” theo Quyết định số 84/QĐ-QP của BQP.
Do yêu cầu bảo đảm cho tác chiến ở biên giới và Cam-pu-chia, tổ chức biên chế của Quân đội có nhiều thay đổi, ngày 20/7/1987, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 151/QĐ-TM giải thể Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng BQP; theo đó, nhiệm vụ của Phòng Pháp chế được giao cho Phòng Nghiên cứu tổng hợp Văn phòng Bộ Quốc phòng phụ trách, các đồng chí cán bộ của Phòng Pháp chế được chuyển về Phòng Nghiên cứu tổng hợp thành một bộ phận chuyên trách và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ công tác pháp chế của BQP.
Đến năm 1997, thực hiện Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ trưởng BQP ra quyết định số 1802/QĐ-QP ngày 18/12/1997 thành lập Phòng Pháp chế BQP trực thuộc Văn phòng BQP, ban hành kèm theo Quy chế quản lý tổ chức và phạm vi hoạt động của Phòng Pháp chế. Trong Quyết định ghi rõ: “Phòng Pháp chế BQP có chức năng giúp Bộ trưởng BQP thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; giúp Bộ trưởng BQP nghiên cứu tổng hợp các mặt công tác pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của BQP”.
Thực hiện Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức BQP, ngày 9/8/2004, Bộ trưởng BQP đã ra Quyết định số 110/2004/QĐ-BQP thành lập Vụ Pháp chế BQP trên cơ sở Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng BQP, xác định Vụ Pháp chế BQP là cơ quan BQP, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Chánh Văn phòng BQP. Trong đó, quy định Vụ Pháp chế có chức năng giúp Bộ trưởng BQP thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật; nghiên cứu tổng hợp các mặt công tác pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của BQP. Cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế gồm chỉ huy Vụ, các trợ lý pháp luật và nhân viên nghiệp vụ.
Ngày 05/7/2011, do yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công tác pháp chế, Tổng Tham mưu trưởng đã ban hành Quyết định số 1188/QĐ-TM tăng cường tổ chức biên chế Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng, theo đó Vụ Pháp chế được tổ chức gồm 01 Vụ trưởng, 02 Phó Vụ trưởng, các trợ lý và nhân viên. Ngày 24/6/2014, Bộ trưởng BQP ban hành Quyết định số 2332/QĐ-BQP về việc kiện toàn Vụ Pháp chế và hệ thống cơ quan, biên chế cán bộ pháp chế trong Quân đội; theo đó, Vụ trưởng do đồng chí Phó Chánh Văn phòng BQP kiêm nhiệm, 02 Phó Vụ trưởng, đồng thời thành lập các phòng chức năng (Phòng Tổng hợp, Phòng Kiểm tra, xử lý văn bản và Kiểm soát thủ tục hành chính, Phòng Pháp luật Hành chính và Phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng Pháp luật Tư pháp); đồng thời, thí điểm thành lập 03 ban Pháp chế ở Tổng cục Kỹ thuật, Quân khu 7, Quân chủng Hải quân; cán bộ Pháp chế chuyên trách ở các cục trực thuộc BQP và trực thuộc các Tổng cục; cán bộ Pháp chế kiêm nhiệm ở Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công tác pháp chế, từ kết quả thực hiện thí điểm 3 ban pháp chế và cán bộ pháp chế chuyên trách ở các cục trực thuộc BQP, cục trực thuộc các tổng cục; cán bộ pháp chế kiêm nhiệm ở Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế toàn quân. Căn cứ Quyết nghị của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc kiện toàn Vụ Pháp chế, hệ thống cơ quan, biên chế cán bộ pháp chế trong Quân đội, ngày 24/3/2016, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 1111/QĐ-BQP về việc thành lập Ban Pháp chế, biên chế cán bộ pháp chế trong Quân đội. Theo đó, thành lập 16 Ban Pháp chế thuộc các cơ quan, đơn vị: Bộ Tổng Tham mưu và các tổng cục; các Bộ Tư lệnh: Hải quân, Phòng không - Không quân, các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; biên chế Trợ lý Pháp chế chuyên trách thuộc các cơ quan, gồm các cục trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật; biên chế Trợ lý Pháp chế kiêm nhiệm thuộc Văn phòng các học viện, Trường Sĩ quan thuộc Bộ, các quân đoàn, binh chủng, binh đoàn, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, Viện Y học cổ truyền Quân đội, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Chie huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố, Bộ Tư lệnh Vùng Hải quân, Vùng Cảnh sát biển. Giữ nguyên tổ chức, quân số Phòng Pháp chế thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Phòng Pháp chế thuộc Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Ngoài ra, Ban Cơ yếu Chính phủ và các doanh nghiệp kinh tế như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội được thành lập Phòng Pháp chế; các đơn vị kinh tế còn lại biên chế cán bộ pháp chế chuyên trách.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Đảng bộ Văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng, ngày 29/7/2016, Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 322-QĐ/ĐU về việc nâng cấp Đảng bộ cơ sở Văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng từ 2 cấp lên thành đảng bộ cơ sở 3 cấp và thành lập một số chi bộ mới; theo đó, Chi bộ Vụ Pháp chế được nâng cấp lên thành Đảng bộ bộ phận Vụ Pháp chế, đồng thời thành lập các chi bộ trực thuộc Đảng bộ bộ phận Vụ Pháp chế.
Ngay sau khi thành lập lại Phòng Pháp chế và sau này là Vụ Pháp chế, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản về chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của tổ chức pháp chế, các mặt công tác pháp chế của BQP đã được thực hiện đầy đủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt những kết quả rất thiết thực, nổi bật là:
Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng BQP, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, quản lý, chỉ huy, điều hành Quân đội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng nói riêng và pháp luật nhà nước nói chung. Hoàn thành tốt việc lập đề nghị và tổ chức thực hiện các chương trình xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng và lập dự kiến, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng BQP. Đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng cơ bản đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, yêu cầu công tác quản lý, chỉ huy Quân đội. Công tác thẩm định và tham gia ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào nề nếp, bảo đảm thời gian, chất lượng, được các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản tiếp thu và đánh giá cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đã gắn công tác thẩm định văn bản với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, qua đó nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức tốt việc tổng hợp đề xuất, xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của BQP; chủ trì, phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Công tác kiểm tra văn bản được thực hiện thường xuyên đối với 100% văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của BQP và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành ban hành có liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng; kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của văn bản. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện tích cực, đã lập danh mục trình Bộ trưởng ra quyết định công bố các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ và văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần. Làm tốt công tác tham mưu cho Thủ trưởng Bộ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện các nội dung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phù hợp với đặc thù Quân đội; phát huy tốt vai trò của Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật BQP trong tư vấn, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó góp phần tích cực nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, số vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật trong toàn quân giảm dần theo từng năm. Tham mưu cho Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng BQP về tăng cường quản lý công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế trong Quân đội, đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế; thực hiện tốt nhiệm vụ hợp tác với nước ngoài về pháp luật, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả về công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng. Công tác tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, BQP về giải quyết công việc của các cơ quan khối tư pháp, thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của BQP được thực hiện tốt. Thường xuyên duy trì chế độ phân tích, tổng hợp báo cáo, chế độ giao ban khối tư pháp, thanh tra, ủy ban kiểm tra, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển hàng quý theo quy chế làm việc của BQP và tổng hợp xây dựng thông báo tình hình kịp thời đến các cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, BQP trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo 1389 BQP; Ban Chỉ đạo thực hiện thống kê hình sự, thống kê tội phạm trong Quân đội...). Tham mưu, đề xuất có hiệu quả với Thủ trưởng BQP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các nội dung phục vụ các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Hội đồng Dân tộc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của BQP. Một số mặt công tác như: Tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm; công tác xử lý đơn thư; công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; công tác bồi thường của Nhà nước; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng... cũng đã được triển khai thực hiện theo đúng quy định, đạt hiệu quả thiết thực.
41 năm xây dựng và phát triển, ngành Pháp chế Quân đội đã không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng; luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc chức năng tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật; xây dựng ngành Pháp chế Quân đội ngày càng phát triển vững mạnh. 41 năm qua, các thế hệ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp và viên chức quốc phòng ngành Pháp chế Quân đội đã xây đắp nên truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết thống nhất, tận tụy, sáng tạo, giữ vững nguyên tắc, đúng quy định của pháp luật” góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Bài viết của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về thực hiện ý nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát huy vai trò của Bộ đội Hải quân trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
- Tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới
- Tuyên truyền, giới thiệu và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển Việt Nam
- Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực chất, hiệu quả