Web Content Viewer
ActionsLịch sử hình thành và phát triển
(Bqp.vn) - Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 11 năm 1939), lần thứ bảy (tháng 11 năm 1940), đặc biệt là Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5 năm 1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) đã quyết định chuyển hướng cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xúc tiến xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, trên cơ sở các đội vũ trang cách mạng ở Việt Bắc, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944 - ảnh tư liệu
Khi đó, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự của dân tộc. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Trận đầu phải thắng” [1], chỉ hai ngày sau khi thành lập, với lối đánh bất ngờ, dũng cảm, mưu trí, đội đã đánh thắng hai trận đầu liên tiếp Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Việt Nam giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Quân đội nhân dân đã cùng toàn Đảng, toàn dân ra sức xây dựng và bảo vệ Nhà nước non trẻ, đập tan âm mưu bạo loạn của các thế lực phản động, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng vừa mới thành lập, đẩy mạnh xây dựng lực lượng, chuẩn bị trường kỳ kháng chiến.
Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Trước một đội quân nhà nghề, được trang bị vũ khí hiện đại, quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính, kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự của cha ông, dựa chắc vào nhân dân, tìm lối đánh thích hợp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc địch phải đánh lâu dài, khoét sâu thế yếu của chúng, làm cho mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán của địch ngày càng trầm trọng; quân số địch tăng bao nhiêu cũng không đủ, càng đánh càng lâm vào thế bị động, càng đánh càng thua.
Từ một đội quân “đầu trần chân đất”, từ những đội Dân quân tự vệ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, từ du kích chiến tiến lên vận động chiến, công kiên chiến, vừa đánh vừa bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự, từ đánh nhỏ lên đánh lớn, từ đánh du kích lên đánh chính quy.
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 5 năm 1954 - ảnh tư liệu
Trải qua chín năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của địch, với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân Việt Nam đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương, rút quân về nước, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nêu một tấm gương sáng cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Lần đầu tiên trên thế giới, ở một nước thuộc địa, một đội quân nhỏ bé, trang bị thô sơ đã đánh bại quân đội nhà nghề của một đế quốc thực dân.
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, việc “xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại” được đẩy mạnh. Dự báo đúng ý đồ chiến lược của chủ nghĩa đế quốc, sớm muộn cũng phải trực tiếp đương đầu với quân đội Mỹ hùng mạnh nhất thế giới, Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng bước được xây dựng ngày càng vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Cùng với sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân, sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, trở thành trụ cột vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam không chỉ dám đánh, quyết đánh mà còn biết đánh thắng. Quân đội nhân dân Việt Nam càng đánh càng mạnh, từng bước vô hiệu hóa sức mạnh của địch, làm cho chúng không phát huy được ưu thế của vũ khí, trang bị hiện đại, bị căng kéo khắp các chiến trường, càng kéo dài chiến tranh càng bị sa lầy vào “đường hầm không lối thoát”.
Qua thực tiễn chiến đấu, chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng sắc bén, hoàn hảo, làm thất bại các chiến lược chiến tranh cùng với các hình thức chiến thuật như “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch. Cùng với quân, dân miền Nam, quân và dân miền Bắc cũng liên tục đánh bại các đợt tiến công và những nỗ lực chiến tranh cao nhất của hải quân và không quân Mỹ. Lực lượng pháo binh, tên lửa, không quân Việt Nam chiến đấu đạt hiệu suất cao chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, đã tiêu diệt nhiều loại máy bay, tàu chiến hiện đại của địch.
Xe tăng Quân Giải phóng miền Nam tiến vào Dinh Độc Lập, ngày 30 tháng 4 năm 1975 - ảnh tư liệu
Những chiến thắng to lớn của quân, dân hai miền Nam - Bắc, đặc biệt là thắng lợi của quân, dân miền Bắc trong việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng pháo đài bay B-52 trên bầu trời Hà Nội (tháng 12 năm 1972) đã buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình; công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; tạo điều kiện cho quân và dân Việt Nam tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc.
Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã sát cánh với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống kẻ thù chung, vì độc lập, tự do của mỗi nước. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” [2], trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đế quốc Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng lực lượng cách mạng Lào và Campuchia chiến đấu khắp các chiến trường Đông Dương. Hình ảnh các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trong những năm kháng chiến gian khổ mãi mãi là tấm gương không phai mờ trong tâm trí hàng triệu người dân Lào và Cam-pu-chia.
Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia xây dựng cuộc sống mới - ảnh tư liệu
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc trường chinh mới, chiến đấu giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Lào bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những thay đổi phức tạp của tình hình trong nước, quốc tế, phát huy truyền thống trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mãi mãi tỏa sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quân đội tham gia mở đường Hồ Chí Minh góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân tích cực tham gia xây dựng kinh tế, củng cố, tăng cường quốc phòng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, góp phần cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Các doanh nghiệp quốc phòng vừa bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Quân đội nhân dân tích cực, chủ động thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống bão lụt, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn,...
Từ khi thành lập đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, cùng toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên những chiến công hiển hách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam là lịch sử chiến đấu oanh liệt và thắng lợi vẻ vang của một quân đội cách mạng, mang bản chất của giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
[1] - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t.2, tr.194.
[2] - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.105.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Truyền thống lịch sử quân sự Việt Nam
- Lịch sử hình thành và phát triển
- Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam
- Lục quân
- Phòng không - Không quân
- Hải quân
- Bộ đội Biên phòng
- Tác chiến không gian mạng
- Gìn giữ hòa bình Việt Nam
- Bộ đội địa phương
- Lực lượng dự bị động viên
- Học viện, nhà trường
- Viện nghiên cứu
- Đơn vị kinh tế - quốc phòng
- Phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam