Web Content Viewer
Actions“Lấy chính trị làm gốc” - Một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam
(Bqp.vn) - Tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” xuất hiện rất sớm trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo. Khởi nguồn của tư tưởng ấy đã được Đại hội lần thứ Nhất của Đảng ta họp ở Ma Cao, Trung Quốc (tháng 3/1935) xác định trong Nghị quyết về xây dựng Đội tự vệ. Với Nghị quyết này, lần đầu tiên, Đảng ta khẳng định bản chất giai cấp, bản chất Nhân dân, bản chất cách mạng của “đội tự vệ công nông”, coi đó là vấn đề mang tính nguyên tắc: các đội tự vệ công nông phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản. Nghị quyết khẳng định: Một trong những việc cần kíp đầu tiên Đảng phải làm là cử những đảng viên, đoàn viên ưu tú nhất vào nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các đội tự vệ nhằm xây dựng và giữ vững bản chất cách mạng; qua đó giác ngộ nhân dân để tuyển dụng thêm nhiều quần chúng ưu tú tham gia các Đội tự vệ đỏ. Có làm như vậy, quyền lãnh đạo của Đảng mới trở thành hiện thực trong duy trì các hoạt động của đội tự vệ công nông; đưa đường lối của Đảng xâm nhập sâu rộng vào đời sống thực tiễn.
Tổ chức giao nhiệm vụ trong diễn tập cuối khóa ở Trường Sỹ quan Pháo binh. (ảnh: Quốc Phòng)
Đội Việt Nam Tuyên Truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng được thành lập theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh người đội trưởng, có người chính trị viên đảm nhiệm trọng trách xây dựng và giữ vững bản chất cách mạng của Đội. Trong tác phẩm “Cách đánh du kích” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1941), Người khẳng định: Trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, cấp nào cũng cần có một người chính trị phái viên do đoàn thể cách mạng lựa chọn, được Đảng giao trọng trách nắm giữ linh hồn của đơn vị, trực tiếp chăm lo công tác chi bộ và những công tác chính trị của Đội, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, sinh hoạt dân chủ, xây dựng các mối quan hệ, vun đắp tình đoàn kết, sự nhất trí, giữ nguyên kỷ luật, vận động nhân dân, vận động binh lính địch và giải quyết công tác tù, hàng binh... Nếu không “lấy chính trị làm gốc”, mọi hoạt động trên sẽ có nguy cơ rối loạn, tựa như người đi rừng, đi biển không có “la bàn”...
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các khu và trung đoàn, tiểu đoàn đều có Chính trị ủy viên là Đảng viên Cộng sản trực tiếp chăm lo công tác Đảng, công tác chính trị với chức năng là cán bộ của Đảng công tác trong lực lượng vũ trang, đảm trách việc chăm lo “phần hồn” của đơn vị. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ, Đảng ta đã động viên nhiều cán bộ là Tỉnh ủy viên, Huyện ủy viên vào công tác trong quân đội, đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Trung đoàn, Chính trị viên Tiểu đoàn và Chính trị viên Đại đội. Việc tuyển chọn nhân sự được sàng lọc rất kỹ lưỡng, công tác giao nhiệm vụ của Đảng đối với các đồng chí đảng viên ưu tú và trao quyền cho họ nắm giữ trọng trách chính ủy, chính trị viên đã khẳng định rõ quan điểm “lấy chính trị làm gốc”, đặt công tác chính trị lên hàng đầu trong xây dựng quân đội cách mạng của Đảng ta. Về bản chất, người cán bộ chính trị là cán bộ của Đảng, do Đảng cử vào công tác trong quân đội, chịu trách nhiệm trước Đảng về xây dựng bản chất cách mạng của quân đội, về vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đó là một nguyên tắc và phải được thực thi nghiêm túc, thống nhất, hiệu quả trong toàn quân. Sức sống của nó thể hiện rõ ở sự lớn mạnh, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta.
Như vậy, ngay từ những ngày tháng năm đầu tiên của cách mạng, tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” của Đảng đã được khẳng định rõ nét và nó được thể hiện sinh động trong thực tiễn xây dựng, ở từng bước tiến, sự trưởng thành của quân đội ta.
Trong Thư gửi Hội nghị Chính trị viên (3/1948), Bác Hồ chỉ rõ, Đảng ta “lấy chính trị làm gốc” trong xây dựng quân đội là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Nó đặt người cán bộ, đảng viên vào đúng vị trí lãnh đạo, quán xuyến, chăm lo mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và nhân dân nơi đơn vị đóng quân, từ việc ăn mặc, ở, nghỉ, tập luyện, công tác và sức chiến đấu của quân nhân, mối quan hệ giữa đơn vị với nhân dân địa phương; làm cho đơn vị thực sự đoàn kết, thân ái, dân chủ, giữ nguyên kỷ luật, đến việc phòng, chống các hiện tượng tiêu cực, hủ hóa, tham ô, lãng phí... Nhờ đó mà phát triển văn hóa quân sự, làm cho đường lối chính trị trong nội bộ ngày càng tốt hơn; quan hệ với dân chúng ngày càng thân ái hơn.
Tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” phải được quán triệt và thể hiện sâu sắc nhất ở việc quán triệt và thực hiện thắng lợi đường lối, quan điểm của Đảng trong đơn vị, đến mọi cán bộ, chiến sĩ và trong dân chúng; thực hiện tốt nhất sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; là cơ sở để xây dựng và phát triển các mặt: quân sự, hậu cần, kỹ thuật... để quân đội ta chiến đấu và chiến thắng. Đó là phương cách tốt nhất, hiệu quả nhất để nhân dân tin yêu, mến phục và giúp đỡ bộ đội; để bộ đội yêu quý, giúp đỡ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh; để quân với dân là một ý chí, hăng hái giết giặc, lập công; ta càng đánh càng thắng, địch càng đánh càng thua to; quân đội ta mau chóng lớn mạnh, trưởng thành, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân. Lý luận và thực tiễn xây dựng quân đội ta cho thấy, tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” đã được thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; ở quá trình quân đội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất. “Lấy chính trị làm gốc” là định hướng đúng đắn, một nguyên tắc “bất di bất dịch” trong xây dựng quân đội cách mạng thời kháng chiến cũng như bảo vệ Tổ quốc hiện nay; làm cho quân đội ta luôn xứng đáng là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; là vũ khí “đặc biệt tinh nhuệ”, sắc bén để “miễn dịch” trước sự tấn công của các thế lực thù địch. Tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” còn thể hiện rõ phương châm xây dựng quân đội thống nhất ý chí và hành động; lúc bình thường cũng như lúc ra trận đều coi nhau như anh em ruột thịt, tạo nên sức mạnh vô địch, không có loại vũ khí tối tân, hiện đại nào có thể phá vỡ; không có khó khăn nào có thể cản bước, ngăn đường; không có kẻ thù nào có thể khuất phục.
Để làm tốt công việc của Đảng trong xây dựng quân đội cách mạng, không ít lần Bác Hồ căn dặn chúng ta: trách nhiệm của người chỉ huy quân sự và người chính ủy, chính trị viên phải rõ ràng, mọi việc đều phải đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, cả người chỉ huy và người chính ủy, chính trị viên phải làm kiểu mẫu cho mọi việc; đều am hiểu và có trách nhiệm chung về “học tập chính trị và quân sự” của bộ đội. Bởi theo Bác, “Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân, nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là Quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”. Bác yêu cầu: “Học tập chính cương, chính sách của Đảng cho hiểu mà làm cho đúng tức là thực hành chủ nghĩa Mác - Lê-nin... Riêng về các chú, chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc làu mà không biết đánh giặc thì vô dụng. Cho nên các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu... Tóm lại là học để nâng cao trình độ người chỉ huy” [1].
Tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” trong xây dựng quân đội ta đặt ra yêu cầu phải nhận thức rạch ròi chức trách, nhiệm vụ của người chỉ huy quân sự, người chính ủy, chính trị viên và từng người đội viên. Trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ, người chỉ huy quân sự và người chính ủy, chính trị viên phải thật sự gắn bó với nhau “hai người phải là một”, tức là thống nhất về mọi mặt, từ lập trường, quan điểm, nhận thức, đến chủ trương, biện pháp và hành động để làm “kiểu mẫu” cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhìn vào họ mà học tập, làm theo.
Như vậy, nguồn gốc ra đời của công tác chính trị, của hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị bắt nguồn từ tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” để đảm bảo vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực tiễn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta đã khẳng định tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” trong xây dựng quân đội cách mạng của Đảng và Bác Hồ là hoàn toàn đúng đắn, thiết thực, hiệu quả.
Ngày nay dù vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự có tối tân, hiện đại nhưng xét đến cùng, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta được quyết định bởi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Xa rời nguyên tắc ấy, quân đội ta sẽ mất phương hướng, rơi vào thoái hóa, biến chất, mất sức chiến đấu. Chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác khi chuẩn bị trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân: nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị. Muốn cách mạng thành công thì nhân dân và quân đội phải có quan điểm chính trị rõ ràng, đúng đắn, tức là đường lối chính trị của Đảng phải thấm sâu vào từng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, giúp họ có được bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có như vậy, Đảng mới có chỗ đứng vững chắc trong lòng nhân dân, dân tộc.
Thực tiễn 70 năm xây dựng quân đội ta cho thấy, tùy theo tình hình, nhiệm vụ cụ thể, cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội có sự điều chỉnh, phát triển phù hợp. Nhưng dù thế nào thì cơ chế ấy cũng phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; chế độ công tác chính trị phải được quy chế hóa cụ thể nhằm thường xuyên tăng cường hiệu lực công tác tư tưởng, công tác tổ chức của Đảng trong mọi mặt đời sống của quân đội.
Việc Đảng ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-TƯ về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong quân đội, tiếp tục thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam chính là nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong xây dựng quân đội ta thời kỳ mới, đảm bảo cho quân đội ta tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Hơn lúc nào hết, cuộc sống đang đòi hỏi Đảng phải chăm lo đặc biệt đến công tác tổ chức của Đảng trong quân đội để xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ sức lãnh đạo toàn quân giữ vững bản chất cách mạng, kiên định, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng đánh bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Điều đó đặt ra vấn đề cấp thiết phải quán triệt lại, nhận thức sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” mà Đảng và Bác Hồ đã xác định. Đây là một trong những “bí quyết” thành công, đảm bảo cho “sinh mệnh chính trị của Đảng, của quân đội” được giữ vững, bản lĩnh chính trị và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta được tăng cường, luôn đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu nhiệm vụ mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác, vừa là đội quân lao động, sản xuất, là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Một nội dung cơ bản nữa của tư tưởng “lấy chính trị làm gốc trong xây dựng quân đội cách mạng được Bác Hồ đặc biệt quan tâm là “cán bộ phải thương yêu chiến sĩ”. Bác căn dặn: “Các chú là đại đoàn trưởng, trung đoàn trưởng hay tiểu đoàn trưởng, cũng chỉ là những người đặt kế hoạch và điều khiển đánh trận. Lúc ra trận, việc đặt mìn, phá lô cốt đều do tay anh em đội viên làm. Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kĩ thuật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng lợi. Trái lại, nếu anh em chính trị khá nhưng quân sự kém hoặc chính trị, quân sự đều khá nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, săn sóc, động viên. Cán bộ phải chăm lo cho đội viên đủ ăn, đủ mặc. Cán bộ có coi đội viên như chân như tay thì đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc. Ngoài ra, còn phải dạy cho đội viên biết cách dân vận. Cái gì cũng phải nhờ dân. Không có dân thì không có bộ đội. Cán bộ phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân, làm cho đội viên thành một người tuyên truyền bằng công việc thực tế. Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tùy vào hoàn cảnh mà tổ chức, giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết; muốn vậy, cán bộ phải gương mẫu” [2]. Thấm nhuần lời dạy của Bác, quân đội ta quán triệt, thực hiện nghiêm túc, góp phần to lớn trong xây dựng, củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa cán bộ chiến sĩ và nhân dân, thực hiện “quân với dân một ý chí”, “quân với dân như cá với nước”.
Tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” còn được thực hiện ở cán bộ chính trị cần nêu gương sáng về rèn luyện đạo đức mới, đạo đức cách mạng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để làm gương cho bộ đội và nhân dân. Cán bộ chính trị phải rèn đức, luyện tài, luôn là hạt nhân đoàn kết đơn vị, phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội ta.
Thời gian càng lùi xa, tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” trong xây dựng quân đội cách mạng vẫn còn sống mãi, nó có sức cổ vũ, động viên hết sức to lớn đối với cán bộ chính trị của quân đội ta, là nguyên tắc mang tính phương hướng, mục tiêu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người cán bộ ưu tú của Đảng công tác trong quân đội. Đó cũng là những tư tưởng rất cơ bản, sợi chỉ đỏ xuyên suốt chỉ đạo mọi hoạt động của quân đội ta. Trong điều kiện lịch sử mới, quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng “lấy chính trị làm gốc” của Đảng, Bác Hồ là một tất yếu, để quân đội ta luôn kiên định, vững vàng; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 316 - 332).
[2] Học viện Chính trị: Lịch sử Học viện Chính trị (1951 - 2011), Nxb QĐND, H.2011, tr. 35 - 50.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Thể lệ Cuộc thi trực tuyến “Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”
- Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”
- Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
- Công bố mẫu Biểu trưng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng