Web Content Viewer
ActionsNhân dân Cao Bằng với việc xây dựng “Đội quân đàn anh”
(Bqp.vn) - Cao Bằng là tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên dài giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Địa hình Cao Bằng rất hiểm trở, rừng núi chiếm hơn 90% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Cao Bằng có nhiều đường bộ, thủy thông sang Trung Quốc và đường bộ đi các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang… Cao Bằng cũng là tỉnh có các dân tộc thiểu số chiếm hơn 95% dân số toàn tỉnh, vốn giàu lòng yêu nước và anh dũng chống giặc ngoại xâm, góp phần bảo vệ giữ vững ổn định vùng biên cương của Tổ quốc.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. (ảnh tư liệu)
Năm 1886, thực dân Pháp đánh chiếm Cao Bằng, nhưng phải mất 10 năm sau, chúng mới thiết lập được bộ máy cai trị ở đây. Để giành lại quyền độc lập, tự do đồng bào các dân tộc Cao Bằng liên tục đứng lên đấu tranh, nhưng chưa giành được thắng lợi, bởi chưa có một chính đảng, có đường lối đúng đắn lãnh đạo, đặc biệt là chưa có lực lượng vũ trang đủ sức mạnh để đối phó với kẻ thù.
Tiếp thu tư tưởng Mác - Lê-nin, kế thừa kinh nghiệm trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, căn cứ vào tình hình cụ thể của cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra đường lối cho cách mạng Việt Nam; giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ xây dựng lực lượng cách mạng với việc xây dựng căn cứ địa cách mạng và giữa xây dựng lực lượng chính trị với tổ chức lực lượng vũ trang. Tư tưởng chỉ đạo của Người đã được thể hiện rõ trong văn kiện đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu mới thành lập. Đó là “Tổ chức ra quân đội công nông” [1].
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sau thời gian ngắn, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng cũng được thành lập (1/4/1930), một trong những chi bộ đầu tiên trong cả nước. Ngay khi mới ra đời, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Hải ngoại và nhận thức sâu sắc về vai trò to lớn về đấu tranh vũ trang, Chi bộ Đảng Cao Bằng đã lựa chọn và cử 4 đồng chí (Hoàng Hồng Việt, Hoàng Đình Hùng, Nguyễn Nam Hùng và Đàm Thế Vinh) ra nước ngoài học sửa chữa, chế tạo vũ khí để sau này trở về nước lập Công binh xưởng.
Có Đảng lãnh đạo, có vũ khí và quần chúng nhân dân tận tâm ủng hộ, phong trào cách mạng ở Cao Bằng ngày càng phát triển mạnh, thực dân Pháp càng tăng cường khủng bố, đàn áp và truy lùng bắt giam nhiều cán bộ cách mạng. Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, năm 1940, Cao Bằng lựa chọn và đưa 40 cán bộ, đảng viên vượt biên giới sang Trung Quốc vừa để tránh địch đàn áp, khủng bố, vừa học tập, huấn luyện quân sự, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh cách mạng sau này.
Đầu năm 1941, tình hình trong nước và trên thế giới diễn biến hết sức mau lẹ. Chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng. Trong khi đó nhân dân ta phải chịu hai tầng áp bức, bóc lột của Nhật - Pháp. Trước tình hình đó, ngày 28/2/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ cách mạng bí mật từ nước ngoài vượt qua mốc 108 biên giới Việt - Trung về Pác Bó, (Trường Hà, Hà Quảng). Tại đây, Người trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ địa để lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Người nhận định “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra nhiều triển vọng lớn cho cách mạng nước ta, Cao Bằng có phòng trào cách mạng tốt từ trước lại kề sát biên giới lấy đó làm cơ sở để liên lạc với quốc tế rất thuận lợi, nhưng Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ” [2].
Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó - Cao Bằng, trên miền đất nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng; gắn liền với tên tuổi của Người và lịch sử vẻ vang của đất nước. Với tư tưởng: Muốn có đội quân vũ trang mạnh trước hết phải có đội quân tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo cán bộ đang hoạt động tại Cao Bằng cần chọn những đồng chí cốt cán nhất trong các đoàn thể cứu quốc đào tạo thành những cán bộ quân sự. Người phân công đồng chí Cao Hồng Lĩnh lập trạm liên lạc ở Trung Quốc để đưa đón cán bộ sang học tập quân sự. Từ năm 1941 đến năm 1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, có hơn 200 thanh niên Cao Bằng sang học tại các lớp quân sự ở Điền Đông (Liễu Châu, Trung Quốc).
Cuối năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó. Công tác huấn luyện được Người rất quan tâm; trực tiếp đề ra kế hoạch huấn luyện, sau mỗi ngày, Người triệu tập đồng chí phụ trách đến báo cáo tình hình, rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch cho ngày hôm sau. Người trực tiếp giảng dạy về cách đánh du kích, cách điều tra nắm tình hình địch… Để giảng dạy và huấn luyện đạt kết quả tốt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc biên soạn nhiều tài liệu quan trọng như: “Mười lời thề”, “Chiến thuật cơ bản của du kích”, “Cách đánh du kích”, “Kinh nghiệm du kích Nga”… Những giáo trình quân sự đầu tiên này góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ quan tâm, chỉ đạo về mặt tư tưởng, lý luận, mà còn trực tiếp xây dựng tổ chức. Tháng 10/1941, Người quyết định thành lập đội du kích tập trung đầu tiên ở Pác Bó; gồm 12 người, đại đa số là người dân tộc Tày, Nùng, do đồng chí Lê Quảng Ba làm Đội trưởng, đồng chí Hoàng Sâm làm Đội phó và đồng chí Lê Thiết Hùng làm Chính trị viên. Vũ khí trang bị chỉ có 3 khẩu súng ngắn và 4 khẩu súng trường. Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt, xây dựng cơ sở cho lực lượng tự vệ thường, tự vệ chiến đấu ở các địa phương.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 2/1942, Cao Bằng mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cấp tỉnh để đào tạo cán bộ quân sự cho phong trào cách mạng. Sau các lớp huấn luyện, học viên trở về các địa phương, tổ chức lực lượng vũ trang ở các cấp. Theo đà phát triển của phong trào Việt Minh, việc luyện tập tự vệ nhanh chóng phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh. Các đội tự vệ chiến đấu ở các châu được tổ chức huấn luyện sâu về kỹ thuật cá nhân và các phương thức chiến đấu. Để có cán bộ huấn luyện quân sự, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho đội du kích tập trung đầu tiên phân tán về các địa phương làm nòng cốt. Người chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng: “Bây giờ là lúc phải tổ chức lực lượng vũ trang cho tới tận các địa phương, phải làm gấp, nếu chần chừ sẽ không kịp đâu, chẳng mấy chốc mà Hồng quân Liên Xô sẽ tiêu diệt bọn phát xít, lúc bấy giờ ta phải có đủ lực lượng để đứng lên giành chính quyền” [3].
Chấp hành chỉ thị của Người, Cao Bằng tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng các đội tự vệ. Đến đầu năm 1943, các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình đều tổ chức huấn luyện quân sự, tổ chức diễn tập điểm ở cấp xã, tổng. Nét nổi bật nhất của cuộc diễn tập lần này là, nhằm phát động phong trào quần chúng nhân dân tự mua sắm vũ khí, ủng hộ các đội tự vệ, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang phát triển lên một tầm cao mới.
Cuối năm 1943, trước sự phát triển mạnh của lực lượng tự vệ, thực dân Pháp điên cuồng vây ráp, bắt bớ, giết hại hết sức dã man cán bộ cách mạng. Trước tình hình đó, tháng 3/1943, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng quyết định thành lập các đội vũ trang thoát ly, châu Hà Quảng do đồng chí Dương Đại Lâm làm Đội trưởng; châu Hòa An do đồng chí Nguyễn Thế Đỗ làm Đội trưởng và khu Thiện Thuật của đồng bào Mông ở Nguyên Bình do đồng chí Cao Lý làm Đội trưởng. Lực lượng vũ trang thoát ly đã tổ chức nhiều trận đánh phục kích, tập kích vào các toán địch đi lùng sục, bắt bớ cán bộ cách mạng và diệt trừ những tên tay sai phản động, có nhiều nợ máu đối với nhân dân, bảo vệ cơ sở cách mạng và tài sản của nhân dân.
Cùng với hoạt động luyện tập quân sự ngày càng phát triển rộng khắp, tháng 3/1944, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng quyết định thành lập Công binh xưởng ở căn cứ Lam Sơn (Hòa An) do đồng chí Hoàng Đức Thạc, Bí thư Liên Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo. Nhiệm vụ của Xưởng là sửa chữa, sản xuất các loại vũ khí để trang bị cho các đội tự vệ. Nguyên vật liệu cung cấp cho công binh Xưởng chế tạo các loại vũ khí thô sơ gồm các loại thùng sắt, cuốc xẻng, nồi đồng, chảo gang, dao hỏng, liềm gẫy, lư hương đồng… do nhân dân xung quanh vùng Lam Sơn, Hòa An mang đến ủng hộ.
Không ngăn nổi làn sóng cách mạng ở Cao Bằng ngày một dâng cao, thực dân Pháp ra sức khủng bố phong trào và tăng cường xây dựng hệ thống đồn bốt xung quanh các căn cứ cách mạng, hòng thị uy, bắt bớ, giết hại cán bộ cách mạng. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1944, chúng đã bắt hơn 200 cán bộ, trong đó sát hại 22 người. Những thủ đoạn, tội ác dã man của thực dân Pháp không làm lung lay lòng trung thành và ý chí của nhân dân đối với cách mạng. Đồng bào các dân tộc Cao Bằng vẫn vững tâm tin tưởng và một lòng ủng hộ phong trào cách mạng. Nhờ vậy, phong trào đấu tranh ngày càng phát triển mạnh mẽ, tình thế cách mạng có những chuyển biến tích cực.
Trong bối cảnh đó, ngày 13/8/1944, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng họp bàn chọn thời cơ, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tháng 10/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch trở lại Pác Bó. Sau khi nghe báo cáo tình hình và chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của Liên Tỉnh ủy, Người phân tích và nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình đã qua, nhưng thời kỳ khởi nghĩa toàn dân chưa tới, nếu bây giờ chúng ta chỉ vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, song hiện nay chính trị trọng hơn quân sự, phải tìm ra hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy mạnh phong trào đi lên” [4].
Để thực hiện phương châm hoạt động mới, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Vũ Anh, Lê Quảng Ba nghiên cứu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Với tính chất quan trọng của đội quân này, việc lựa chọn đội viên được tiến hành rất cẩn trọng. Sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng nói chung, Cao Bằng nói riêng là một trong những cơ sở quan trọng để lựa “chọn trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng, số cán bộ và đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực”. Và “Đội quân giải phóng sẽ có nhiệm vụ là dùng vũ trang để kêu gọi, động viên, hỗ trợ nhân dân đứng lên giành chính quyền”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vạch ra những nét cơ bản của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao nhiệm vụ cho đồng chỉ Võ Nguyên Giáp chuẩn bị thành lập, Người căn dặn: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không sao tiêu diệt được. Tổ chức của Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo” [5].
Chấp hành chỉ thị của Người, cùng với sự chuẩn bị khẩn trương, chu đáo về mọi mặt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Nơi đây có địa thế hiểm yếu “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” và là vùng đất có cơ sở chính trị tốt, nhân dân các dân tộc một lòng, một dạ thủy trung son sắt với cách mạng. Đội gồm 34 chiến sĩ, trong đó Cao Bằng có 25 đồng chí (gồm các dân tộc Tày: 16 đồng chí, Nùng: 6 đồng chí, Kinh: 1 đồng chí, Dao: 1 đồng chí, Mông: 1 đồng chí), còn lại 9 đội viên gồm các tỉnh Bắc Kạn 3, Thái Nguyên 2, Quảng Bình 2, Lạng Sơn 1 và Thái Bình 1 người.
Trong buổi lễ thành lập Đội, đại biểu đại diện cho Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, Ban khu, Ban châu, các tổng, xã, đoàn thể và đông đảo nhân dân địa phương đến chúc mừng, tặng quà động viên, thể hiện niềm vui và sự tin tưởng vững chắc vào tiền đồ tươi sáng của đội quân vũ trang tập trung đầu tiên của cách mạng. Kết thúc buổi lễ, thay vì liên hoan mừng thành công, 34 chiến sĩ cùng ăn bữa cơm nhạt không rau, không muối thể hiện ý trí quyết tâm vượt mọi thử thách gian lao trên bước đường chiến đấu ngày mai.
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một bước ngoặt trên con đường xây dựng đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam, như chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh… tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc” [6].
Vừa mới ra đời, chỉ trong 3 ngày (25/12/1944), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã lập được chiến công vang dội đầu tiên; diệt hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội” và hạ quyết tâm “Trận đầu ra quân phải đánh thắng”. Hai trận công đồn tuy quy mô tác chiến nhỏ, nhưng thanh thế, tiếng vang của Đội quân chủ lực đã vang xa khắp trong, ngoài nước mang lại niền tin vững chắc cho nhân dân cả nước nói chung, Cao Bằng nói riêng về tương lai trưởng thành lớn mạnh của “Đội quân đàn anh” gây hoang mang lo sợ trong hàng ngũ của địch.
Sau chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, Ban Chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân quyết định chấn chỉnh, củng cố lực lượng, chỉ sau một tuần, Đội đã phát triển thành một đại đội. Cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân đàn anh dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, cùng với nhân dân cả nước đã 70 năm liên tục xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớn mạnh không ngừng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng duyệt đội ngũ tại Lễ phát động đợt thi đua cao điểm “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014). (ảnh: caobang.gov.vn)
Trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, quê hương Cao Bằng rất vinh dự được đón Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, nơi ra đời Mặt trận Việt Minh và thành lập Đội Việt Nam truyên Truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay). Kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, theo tiếng gọi của Đảng, lớp lớp thanh niên các dân tộc Cao Bằng đã lên đường đánh giặc cứu nước; hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Cùng với sự hy sinh mất mát, cũng có rất nhiều người con ưu tú của Cao Bằng đã trở thành những danh tướng trên khắp các chiến trường, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, tr2.
[2] Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, H.1969, tr.33.
[3] Đầu nguồn, Hồi ký về Bác Hồ, Nxb Văn học, Hà Nội.1975, tr.296.
[4], [5] Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra, Sđd, tr.133, 134.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H.1995, tr.508.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Thể lệ Cuộc thi trực tuyến “Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”
- Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”
- Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
- Công bố mẫu Biểu trưng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng