Web Content Viewer
ActionsNguyên Bình vẹn nguyên tình nghĩa
(Bqp.vn) - Trong chuyến công tác tại Cao Bằng, Đoàn cán bộ của Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng) do Thiếu tướng, nhà báo Nguyễn Kim Lãm, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học Quân sự dẫn đầu đã có dịp về thăm Nguyên Bình, thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, nơi cội nguồn thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Trong cái gió heo may, rừng Trần Hưng Đạo hiện ra trước mắt chúng tôi, cảm xúc dạt dào khi bước chân đặt lên mảnh đất ghi dấu ấn một thời hào hùng của quân đội ta.
Tự hào về truyền thống lịch sử anh hùng
Nguyên Bình là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, có diện tích 839,15 km2, gồm 20 đơn vị hành chính, với 18 xã và 2 thị trấn; dân số hiện nay trên 40.000 người, gồm 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng. Cách đây 70 năm, chấp hành Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại Khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một mốc son lịch sử, sự kiện trong đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của toàn dân tộc; đồng thời là một trong những sự kiện nổi bật, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các thành viên đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà bia ghi danh 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Ngay sau ngày thành lập, được sự đùm bọc, chở che của đồng bào các dân tộc Nguyên Bình, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã ra quân “đánh thắng trận đầu”, tiêu diệt gọn hai đồn: Phai Khắt (25/12) và Nà Ngần (26/12). Với thắng lợi này, đã mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của quân đội ta, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Có thể nói, thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành lớn mạnh của quân đội ta có sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Nguyên Bình anh hùng. Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tỉnh Cao Bằng nói chung, huyện Nguyên Bình nói riêng đã anh dũng, kiên cường, luôn một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng với niềm tin son sắt; trở thành căn cứ địa, hậu phương lớn huy động sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng với cả nước đưa cuộc kháng chiến của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong hòa bình, đồng bào các dân tộc Nguyên Bình lại cùng chung sức đồng lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên, hòa bình chưa bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam và sau đó là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc diễn ra. Một lần nữa, nhiều người con ưu tú của Nguyên Bình lại lên đường chiến đấu, không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Phát huy truyền thống, xây dựng Nguyên Bình xứng tầm lịch sử
70 năm qua, kể từ thời điểm lịch sử ngày 22/12/1944, quê hương Nguyên Bình đã có nhiều đổi thay, hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng; cuộc sống của nhân dân ngày càng no ấm. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng mà ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, thị trấn Nguyên Bình, Tĩnh Túc và một số xã vùng đồng bằng, các xóm gần quốc lộ 34 đã có điện lưới quốc gia. Năm 1994, Trung ương tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng 18 km đường từ thị trấn Nguyên Bình đến Khu Di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo, xây dựng Nhà bia ghi danh 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Đài thu phát sóng Truyền hình Trung ương và Truyền hình Cao Bằng... Từ đây, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Nguyên Bình có bước đổi thay, nhân dân ngày càng phấn khởi và tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình Bế Xuân Tiến cho biết: Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện đã có đường giao thông đến trụ sở làm việc, gần 89% các xóm có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xóm. Toàn huyện hiện có trên 69% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn qua các năm đều đạt và vượt kế hoạch; trong đó, năm 2014 đạt 107,2% kế hoạch, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 93% so với kế hoạch; tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 18.562 tấn; thu nhập bình quân đạt 10,770 triệu đồng/người/năm...
Trên các mặt văn hóa xã hội, y tế, giáo dục cũng có nhiều chuyển biến tích cực, huyện đã duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở và tiểu học; 100% các xã, thị trấn đã thực hiện tốt công tác xóa mù chữ. Toàn huyện hiện có 4 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và 5 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh vững chắc trên địa bàn.
Đến thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, chúng tôi được ông Đặng Hùng Cao, người đã gần 20 năm làm bảo vệ kiêm hướng dẫn viên Khu Di tích giới thiệu: Rừng Trần Hưng Đạo nằm trên địa bàn 2 xã Tam Kim và Hoa Thám, là trung tâm hệ thống các di tích lịch sử cách mạng liên quan đến sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, bao gồm 5 cụm điểm di tích: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, hang Thẳm Khẩu (xã Tam Kim), Vạ Phá (xã Tam Kim), Đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) và Đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám). Trong đó, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền với giai đoạn lịch sử, quan trọng đối với cách mạng Việt Nam; gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; gồm 4 điểm di tích: Địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, lán nghỉ và bếp ăn của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt cho Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đỉnh Slam Cao - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đặt trạm quan sát.
Các thành viên đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bức phù điêu ghi danh 34 chiến sĩ trong buổi Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Để Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo ngang tầm với lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ nhiều tháng nay công tác xây dựng, trùng tu Khu Di tích đã được các đơn vị tiến hành khẩn trương. Con đường nối từ quốc lộ 3 đến Đồn Nà Ngần về Phai Khắt dài gần 30 km đã được lực lượng công binh nâng cấp và trải nhựa; đường vào Khu Đi tích được sửa chữa và mở rộng. Trong Khu Di tích, ngôi nhà trưng bày được thiết kế theo kiểu nhà sàn uy nghi tọa lạc ngay bên sườn núi. Đặc biệt, Nhà tưởng niệm Đại tướng và các anh hùng liệt sĩ hình lục giác là điểm đến cho du khách dâng hương, tri ân và ghi nhớ công ơn những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Các công trình khác như: Khu nhà bia ghi danh 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, khu nhà lán, sân bãi đỗ xe cũng được sửa sang, tôn tạo; khu vực quanh bức phù điêu và Nhà tưởng niệm 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được mở rộng, bài trí ghế đá, vườn hoa, cây cảnh như một công viên, tạo cho du khách sự cảm nhận thư thái khi về thăm…
Đại diện đơn vị thi công việc trùng tu, tôn tạo Khu di tích, Thiếu tá Nguyễn Văn Giang, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tê - Quốc phòng 799, kiêm Giám đốc Công ty Xây lắp 86 cho biết: Công ty là đơn vị được Bộ Tư lệnh Quân khu 1 giao cho thi công một số công trình gồm: 8,6 km đường liên xã Tam Kim - Hoa Thám, xây mộ liệt sĩ đầu tiên trong quân đội hy sinh tại Đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), xây dựng nhà chờ đón tiếp khách và tham gia gói thầu số 9 xây dựng hạ tầng nhà khách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ trong Công ty đã không quản ngày đêm, nỗ lực hết mình, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay, toàn bộ các công trình do đơn vị đảm nhiệm đều đã được hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và sẵn sàng phục vụ khách thăm quan Khu Di tích.
Những ngày này, trên các ngả đường về với Khu Di tích, nhân dân hai bên đường đều treo cờ Tổ quốc để chào đón các đoàn du khách về thăm Nguyên Bình, thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Thanh Hoạt, Chủ tịch UBND xã Tam Kim vui mừng chia sẻ: Toàn xã hiện có 633 hộ dân, với 2.870 nhân khẩu sinh sống tại 13 xóm, bản. Chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã tổ chức tôn tạo, trùng tu một số hạng mục trong Khu Di tích, gồm: nhà trưng bày, nhà dâng hương, nhà chờ đón tiếp khách; cải tạo lán nghỉ và bếp ăn của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân; xây bể nước và làm đường... Qua đây, người dân trong xã cũng được hưởng lợi nhiều từ việc đầu tư của Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị toàn quân.
Tạm biệt Nguyên Bình, chia tay rừng Trần Hưng Đạo, chúng tôi trở về mang theo bao tình cảm thắm thiết, chân tình của người dân nơi cội nguồn cách mạng, một lòng vững tin theo Đảng, chung tay đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng đối với Nguyên Bình và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo là sự tri ân nghĩa tình dành cho đồng bào các dân tộc nơi cội nguồn cách mạng - mảnh đất anh hùng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Thể lệ Cuộc thi trực tuyến “Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”
- Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”
- Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
- Công bố mẫu Biểu trưng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng