Web Content Viewer
ActionsNghệ thuật quân sự trong khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược từ thế kỷ III trước công nguyên đến đầu thế kỷ X
(Bqp.vn) - Cuộc kháng chiến chống Tần (từ năm 214 - 208 trước công nguyên) là cuộc chiến tranh giữ nước đầu tiên mà sử sách ghi lại. Tần Thủy Hoàng, sau khi thống nhất Trung Quốc, thiết lập nhà nước quân chủ chuyên chế, năm 214 trước công nguyên đã phát động 50 vạn quân xâm lược, thôn tính các tộc Việt ở phía Nam. Trước sức mạnh của kẻ thù, tổ tiên ta đã có một phương thức đánh giặc thích hợp. Người Việt lánh vào rừng, ngày ẩn, đêm hiện, tiến hành cuộc chiến tranh du kích lâu dài.
Cuộc chiến đấu mưu trí của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Thục Phán An Dương Vương đã làm cho quân Tần lương thực bị tuyệt và thiếu, “đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong” khi quân giặc đã bị dồn vào tình trạng căng thẳng, nguy khốn đến tuyệt vọng, người Việt đã tập trung lực lượng, tổ chức phản công đánh lớn, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đập tan cuộc xâm lược của quân Tần.
Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, Triệu Đà là một viên quan lại của nhà Tần lợi dụng lúc chính quyền trung ương suy yếu đã chiếm ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng, lập nên nước Nam Việt, tự xưng vương, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân xâm lược Âu Lạc, nhưng đều bị thất bại.
Biết không chinh phục được Âu Lạc bằng vũ lực, Triệu Đà thay đổi thủ đoạn xin giảng hòa với An Dương Vương, xin cầu hôn công chúa Mỵ Nương cho con trai mình là Trọng Thủy. An Dương Vương chủ quan, mất cảnh giác, bị măc mưu giặc. Lợi dụng tục ở rể, Trọng Thủy ở lại kinh đô cổ Loa, tìm cách lấy cắp bí mật quân sự, gây mâu thuẫn nội bộ triều đình An Dương Vương, làm suy yếu lực lượng quốc phòng của Au Lạc. Khi có thời cơ thuận lợi, Triệu Đà cho quân bất ngờ tiến công, đánh thẳng vào Cổ Loa.
Kể từ cuộc kháng chiến chống Triệu bị thất bại vào cuối đời An Dương Vương, năm 179 trước công nguyên, cho đèn chiến thắng Bạch Đằng lịch sử do Ngô Quyền lãnh đạo năm 938, thơi kỳ Bắc thuộc kéo dài 1.117 năm. Nhưng không phải chỉ có Bắc thuộc, mà còn có hành động quật khởi của dân tộc ta chống lại Bắc thuộc, diễn ra dưới hai hình thức: chiến tranh giữ nước và khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc. Chính trong giai đoạn này, nghệ thuật khỏi nghĩa đã bắt đầu hình thành với nhiều cuộc khởi nghĩa nhỏ, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa chống Đông Hán của Hai Bà Trưng (40) và cuộc khởi nghĩa chống Lương của Lý Bí (542 - 543).
Dù là bước đầu nhưng tính chất khởi nghĩa toàn dân đã biểu hiện rõ nét và tài nghệ của tổ tiên ta cũng đã thể hiện trên các mặt chủ yếu: tổ chức lực lượng, xây dựng địa bàn và phương thức tiên hành khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là điển hình đầu tiên về một cuộc khởi nghĩa toàn dân chống xâm lược, cởi bỏ ách đô hộ của ngoại bang. Trong buổi đầu của lịch sử khởi nghĩa chống xâm lược, Hai Bà đã biết cách tập hợp, tổ chức lực lượng và xây dựng địa bàn khởi nghĩa. Đó là một phong trào nổi dậy của toàn dân, đặc biệt có đông đảo phụ nữ tham gia. Từ căn cứ buổi đầu là Mê Linh, nghĩa quân được các lạc tướng, dân chúng các quận huyện nhất tề nổi dậy hưởng ứng. Sau khi đập tan “đô úy sự” (căn cứ quan trọng của địch) liền lập tức đánh vào Lúy Lâu, chính quyền thống trị đầu não của địch, khiến chúng bị “mất đầu” nhanh chóng tê liệt, rối loạn, tan rã.
Cuộc kháng chiến chống Lương dưới thời Lý Bí - Triệu Quang Phục cũng là một cuộc chiến tranh đánh lâu dài. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, do nhà nước Vạn Xuân thiết lập chưa được bao lâu, quân đội thường trực mới được tổ chức chỉ khoảng 2 - 3 vạn, huấn luyện chưa nhiều, khi giặc tiến vào nước ta. Lý Bí đã chỉnh quân bày trận, mặt đối mặt đương đầu với chúng. Sau một năm chiến đấu, với phương thức tác chiến là tập trung lực lượng tổ chức những trận đánh trong thế phòng ngự bị động, Lý Bí đã liên tiếp bị thất bại và phải rút bỏ hết nơi này đến nơi khác. Tướng Triệu Quang Phục được giao quyền chỉ huy lực lượng còn lại, liền thay đổi cách đánh, rút quân về lập căn cứ ở vùng đầm Dạ Trạch, lấy đó làm đất đứng chân để tiến hành một cuộc chiến tranh du kích lâu dài. Đánh nhỏ, đánh lén, đánh ban đêm nhằm tiêu hao và triệt đường lương thảo của giặc. Nhờ sự chuyển hướng chiến lược đúng đắn mà cục diện chiến tranh thay đổi ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch.
Khi quân Lương bị dồn vào tình trạng căng thẳng, người mệt, lương tuyệt, nguy khốn đến tuyệt vọng, thì người Việt đã tập trung lực lượng, phản công, đánh lớn, tiêu diệt quân Lương, giành thắng lợi trong chiến tranh.
Cuối năm 938, vua Nam Hán là Lưu Cung sai con rể là Hoằng Thao đem quân thủy sang cướp nước ta và tự mình đem quân bộ đóng ở gần biên giới để sẵn sàng tiếp ứng.
Sau khi diệt trừ tên Việt gian Kiêu Công Tiễn, Ngô Quyền đã họp các tướng và đề ra kế sách đánh giặc.
Trận địa cọc ngầm là một nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật thủy chiến Việt Nam mà Ngô Quyền là người khởi xướng đầu tiên.
Mở đầu là trận khiêu chiến. Một bộ phận quân thủy dùng thuyên nhẹ ra đón đánh địch từ xa nhằm kiềm chế, tiêu hao và nghi binh dụ địch. Khi nước triều lên to ngập trận địa cọc, thì lực lượng khiêu chiến giả thua rút chạy, nhử địch vào trận địa đúng lúc, đúng chỗ, theo thế trận đã bày sẵn của Ngô Quyền. Hoằng Thao tên tướng trẻ kiêu ngạo đã sa kế mắc mưu, thúc đại quân đuổi gấp, vượt qua bãi cọc ngầm, ngược sông Bạch Đằng, tiến sâu vào trong trận địa mai phục của ta.
Vào lúc nước triều xuống, quân ta bất ngờ, mãnh liệt từ thượng lưu đánh xuống chặn đầu, kết hợp với quân thủy bộ mai phục hai bên bờ sông đánh tạt ngang vào đội hình quân giặc.
Khi địch bị đánh kịch liệt cũng là lúc hàng cọc nhô lên. Thuyền vướng cọc lại bị quân ta đánh gấp, không sao thoát ra biển được. Toàn bộ đạo thủy quân xâm lược của Nam Hán đã vĩnh viễn bị nhấn chìm xuống sông Bạch Đằng, trong đó có cả chủ soái Hoằng Thao, con trai vua Nam Hán.
Chiến thắng nhanh, gọn, triệt để khiến cho vua Nam Hán không sao kịp ứng phó và tiếp viện cho con. Y đành thu nhặt tàn quân, ra lệnh bãi binh rồi quay về. Từ đó, nhà Nam Hán từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Nghệ thuật quân sự trong khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược từ thế kỷ III trước công nguyên đến đầu thế kỷ X
- Nghệ thuật quân sự trong hai lần kháng chiến chống quân Tống
- Nghệ thuật quân sự trong ba lần chống xâm lược Nguyên - Mông
- Nghệ thuật quân sự trong chiến tranh chống quân Minh xâm lược
- Nghệ thuật quân sự trong chiến tranh giữ nước cuối thế kỷ XVIII