Web Content Viewer
ActionsHội thảo khoa học “Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức - Nửa thế kỷ nhìn lại”
(Bqp.vn) - Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức (1974 - 2024), sáng 16/7, tại Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng Tham mưu) tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức - Nửa thế kỷ nhìn lại”. Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng dự và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhân chứng lịch sử.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự khẳng định, cách đây nửa thế kỷ, các đơn vị thuộc Sư đoàn 2 chủ lực (Quân khu 5), Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) phối hợp với lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay mở Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức và đã giành thắng lợi vẻ vang. Phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, trí tuệ và bản lĩnh của đội quân cách mạng, trải qua gần 40 ngày, đêm chiến đấu kiên cường, các lực lượng tham gia chiến dịch đã anh dũng chiến đấu, sáng tạo trong thực hành chiến dịch, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra, đập tan khu vực phòng thủ quan trọng của địch, tạo thêm thế và lực mới cho cách mạng miền Nam.
Các đại biểu dự hội thảo.
Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu, đồng thời phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang trên chiến trường Khu 5 trong tác chiến hiệp đồng binh chủng; góp phần làm phá sản “kế hoạch bình định, lấn chiếm” và âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 60 tham luận của các tướng lĩnh; lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; nhân chứng lịch sử, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Hội thảo tập trung làm rõ, khẳng định đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 nói riêng. Phân tích và làm sâu sắc nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức và điều hành chiến dịch; đặc biệt là phát huy vai trò của thế trận chiến tranh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh to lớn để làm nên Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức. Làm rõ vai trò của đảng bộ các địa phương; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang ba thứ quân trên địa bàn... Đồng thời, làm rõ bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch để vận dụng, phát huy vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn nhấn mạnh, chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức để lại nhiều bài học quý giá. Đó là bài học về đánh giá, dự báo đúng tình hình, về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; về vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo vào thực tiễn chiến trường.
Hội thảo khoa học lần này là một trong những hoạt động có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Những tham luận và ý kiến tại hội thảo sẽ góp phần bổ sung thông tin, tư liệu để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc ý nghĩa của chiến thắng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung; phân tích và làm rõ những nhân tố cơ bản làm nên thắng lợi Nông Sơn - Thượng Đức. Bên cạnh đó, hội thảo chính là dịp để tôn vinh và tri ân công lao của cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân đã làm nên chiến thắng; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương thế hệ ông cha, ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước; đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn khẳng định, trải qua gần 40 ngày, đêm chiến đấu, với sức mạnh của chiến tranh nhân dân, trí tuệ và bản lĩnh của đội quân cách mạng, các lực lượng tham gia Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức đã vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm nên thắng lợi có ý nghĩa to lớn, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu và Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5; đồng thời, phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trong tác chiến hiệp đồng binh chủng. Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Đại tá Lê Thanh Bài trình bày đề dẫn tại hội thảo.
Trình bày đề dẫn hội thảo, Đại tá Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự khẳng định, 50 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở các nguồn tài liệu có độ tin cậy, với tinh thần khách quan, khoa học, Đại tá Lê Thanh Bài đề nghị các đại biểu tập trung luận giải, làm sâu sắc hơn một số vấn đề, trong đó nổi bật là phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước và địa bàn; quá trình chuẩn bị và thực hành Chiến dịch, trong đó nhấn mạnh về công tác tổ chức, bố trí, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; vai trò của bộ đội chủ lực và các lực lượng trên địa bàn Chiến dịch.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh trình bày tham luận tại hội thảo.
Là nhân chứng lịch sử trong Chiến dịch, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) - người trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu giành thắng lợi và cùng các lực lượng tổ chức đánh địch phản kích giữ vững Thượng Đức đánh giá, Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức không chỉ mở ra “cánh cửa thép” bảo vệ phía Tây Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa về mặt chiến lược; tạo thế, tạo lực cho những chiến dịch có ý nghĩa quan trọng tiếp theo. Chiến thắng này đã tạo sự đối sánh giữa lực lượng chủ lực cơ động của ta và chủ lực cơ động chiến lược của quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ, góp phần quan trọng trên chiến trường miền Nam...
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Cảnh sát biển Việt Nam cứu nạn thành công 43 thuyền viên gặp nạn trên biển
- Huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ Hải quân hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão số 3
- Duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn, tập trung hỗ trợ, hướng dẫn khu vực bị thiệt hai do bão số 3
- Các cơ quan, đơn vị sẵn sàng ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão
- Bộ Quốc phòng trả lời cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính khi không sơ tuyển nghĩa vụ quân sự