Web Content Viewer
Xã hội hóa việc chăm sóc nạn nhân da cam/điôxin
(Bqp.vn) - Dù chiến tranh đã qua gần 40 năm, nhưng nỗi đau mà nhiều người dân Việt Nam phải gánh chịu do hậu quả phơi nhiễm chất độc hóa học và di chứng còn để lại lâu dài cho cả các thế hệ con cháu. Đó là: hủy diệt thiên nhiên, tác động vào sức khỏe con người và gây ra nhiều bệnh tật nặng nề, gây ra nhiều tai biến sinh sản, gây ra nhiều biến đổi gen, gây quái thai nặng nề và di truyền cho các thế hệ mai sau, gây ung thư các loại. Ước tính ở Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/điôxin.
Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân ở Thái Bình tháng 11/2012.
Để xoa dịu những nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần tương thân, tương ái của đồng bào trong cả nước. Thể hiện bằng những hoạt động thiết thực như: Đã có 402.000 lượt/người tham gia Chương trình nhắn tin “Nỗi đau da cam” qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; hơn 3.500 lượt/tổ chức, cá nhân những nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước ủng hộ bằng tiền mặt và quà tặng vật chất, nâng số tiền vận động quyên góp lên hơn 150 tỷ đồng. Nhiều tỉnh, thành phố vận động, quyên góp được số tiền lớn như: Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 10 tỷ đồng, Quảng Nam 12 tỷ đồng, Đà Nẵng 7 tỷ đồng, Thái Bình 13 tỷ đồng… Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở Trung ương và các địa phương đã chi gần 130 tỷ đồng để làm 545 căn nhà tình nghĩa; cấp 3.650 suất học bổng; hơn 150 suất tìm việc làm; tặng 135.000 suất quà dịp lễ, Tết; 24.000 suất quà thăm hỏi đột xuất… Đặc biệt, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin đã và đang xây dựng 17 trung tâm bán trú nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam ở các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, đang triển khai kế hoạch xây dựng 3 trung tâm vùng ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh để các nạn nhân được tiếp nhận nhiều hơn, có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Đáng chú ý là Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Thái Bình đã mở trung tâm tẩy độc, gần 500 nạn nhân được tăng cường sức khỏe sau các đợt điều trị; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng, Thái Bình vừa khánh thành Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề mới với quy mô lớn hơn, có khả năng tiếp nhận nạn nhân của nhiều tỉnh bạn.
Trong dịp kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 và tưởng niệm 51 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam vừa qua (10/8/1961 - 10/8/2012), Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam đã tôn vinh hàng trăm tấm gương tiêu biểu cho lòng nhân ái, tinh thần “Thương người như thể thương thân” trong phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng đã sản xuất phim viđiô “Chất độc da cam - Nỗi đau còn đó” và cuốn sách ảnh “Nửa thế kỷ - Một nỗi đau” bằng song ngữ Việt - Anh để phát hành rộng rãi trong nước và quốc tế. Các tỉnh, thành phố trong cả nước có nhiều hoạt động sôi nổi hướng về nạn nhân chất độc da cam, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân trong cuộc sống và ủng hộ nạn nhân đấu tranh đòi công lý.
Tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam đã phát động Chương trình nhắn tin từ thiện "Nỗi đau da cam", từ ngày 10/7/2012 đến ngày 4/9/2012, kết quả đã nhận được 100.466 tin nhắn với tổng số tiền thu được gần 2 tỷ đồng. Thành hội TP Hồ Chí Minh mở triển lãm ảnh tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Cung Văn hóa lao động; tổ chức mít tinh kỷ niệm và kêu gọi những tấm lòng nhân ái vì nạn nhân chất độc da cam. Tỉnh hội Sóc Trăng ký Chương trình phối hợp hoạt động với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tiếp tục tiến hành khảo sát hoàn cảnh các nạn nhân chất độc da cam để giúp đỡ. Tại Tiền Giang, Tỉnh hội và hai Huyện hội Chợ Gạo, Gò Công Tây tổ chức họp mặt trao tặng 80 suất quà (200.000 đồng/suất) cho nạn nhân chất độc da cam của hai huyện. Ba năm trở lại đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Tây Ninh đã vận động được hơn 9 tỷ đồng từ các đơn vị, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tỉnh hội Quảng Nam đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng bán trú phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/điôxin và trẻ em bất hạnh trên địa bàn. Thành hội Đà Nẵng tổ chức cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam làm các sản phẩm thủ công tặng Thủ tướng Anh Đavít Camơrôn và một số chính khách Anh đã có tấm lòng nhân ái đối với các em. Tỉnh hội Quảng Bình có 113 xã, phường tổ chức gặp mặt, tặng quà cho nạn nhân và tổ chức giao lưu. Tỉnh hội Bắc Kạn tổ chức “Đợt cao điểm quyên góp vì nạn nhân chất độc da cam” giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh. Thành hội Hải Phòng tổ chức sơ kết thi đua có lãnh đạo Thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam… đến tham dự. Tỉnh hội Quảng Ninh có nhiều hoạt động tôn vinh những người vợ, người mẹ hết lòng phục vụ chồng, con là nạn nhân chất độc da cam, giao lưu nghệ thuật “Những cánh cò gánh nặng da cam”…
Những đóng góp thiết thực và hiệu quả của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và bạn bè quốc tế dành cho nạn nhân chất độc da cam/điôxin là rất đáng ghi nhận. Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam hay nói cách khác “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” để huy động tiềm năng to lớn trong xã hội và cộng đồng giúp các nạn nhân da cam có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần.