Web Content Viewer
Bồi dưỡng năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật ở trường Sỹ quan Lục quân 1
(Bqp.vn) - Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội, góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cao, cần bồi dưỡng nâng cao năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở đơn vị cơ sở.
Duyệt đội ngũ trong Lễ khai giảng năm học mới.
Trường Sĩ quan Lục quân 1 là nơi đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội cho toàn quân. Học viên tốt nghiệp ra trường là những cán bộ trực tiếp huấn luyện, giáo dục, quản lý cán bộ, chiến sĩ ở phân đội. Họ cũng là lực lượng chủ đạo trong phổ biến, giáo dục pháp luật, duy trì kỷ luật của đơn vị. Nhận thức được vấn đề đó, những năm qua Nhà trường luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật cho học viên nói chung, học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội nói riêng. Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà trường đã được tăng thêm về thời gian và đã có sự đổi mới về phương pháp và hình thức tổ chức, ngoài những nội dung lên lớp tập trung các chuyên đề về pháp luật theo quy định, các hoạt động ngoại khóa cũng đã được các đơn vị tích cực tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Tổ chức hội thi tìm hiểu về pháp luật, sân khấu hóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tọa đàm, trao đổi, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin của Nhà trường trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật... đã góp phần quan trọng làm giảm thiểu vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật của nhà nước. Đồng thời, cũng thông qua các hoạt động trên để bồi dưỡng cho học viên, nhất là học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp các đồng chí hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao trên cương vị công tác sau này. Tuy nhiên, cũng còn cấp ủy, chỉ huy cơ quan, khoa, đơn vị nhận thức về vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đầy đủ, chưa quan tâm, đầu tư nhiều đến bồi dưỡng nâng cao năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật cho học viên; kiến thức pháp luật của học viên còn hạn chế, nhất là kiến thức pháp luật liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Để nâng cao năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội của Nhà trường, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bảo đảm mỗi học viên tốt nghiệp ra trường hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị chức trách được giao, xin đề xuất một số nội dung, biện pháp sau đây:
Một là, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phải bảo đảm tính toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng học viên. Phổ biến, giáo dục pháp luật cần khái quát, thông báo thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, song tập trung phổ biến, giáo dục có chiều sâu về các văn bản liên quan đến hoạt động của quân đội, đơn vị, như: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Dân quân, tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên, Luật biển Việt Nam và Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, các văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp liên quan đến công tác quản lý bộ đội... Trong các bài giảng pháp luật cần dẫn chứng minh họa bằng các tình huống pháp luật, câu chuyện pháp luật để học viên thảo luật, xử lý sát với đơn vị cơ sở... Ngoài ra cần tích cực tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thông qua các hoạt động của các tổ chức quần chúng, gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và bồi dưỡng năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức pháp luật cho học viên.
Hai là, tăng cường thời gian, bồi dưỡng cho học viên có những kỹ năng tuyên truyền miệng pháp luật. Có nhiều phương pháp để phổ biến, giáo dục pháp luật, song ở đơn vị cơ sở, phương pháp tuyên truyền miệng đã và đang được thực hiện thường xuyên. Để tuyên truyền miệng về pháp luật có hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, người cán bộ làm công tác tuyên truyền phải được trau dồi những kỹ năng trong tuyên truyền, biết gây thiện cảm, tạo sự hấp dẫn, ấn tượng trong khi nói; bảo đảm các nguyên tắc sư phạm trong tuyên truyền; biết sử dụng phương pháp thuyết phục với ba bộ phận cấu thành là chứng minh, giải thích và phân tích cho phù hợp, biết tiến hành các bước của một buổi tuyên truyền miệng về pháp luật…Những kỹ năng này không tự nhiên mà có, nó phải được bồi dưỡng thường xuyên, ngay trong khi còn là học viên. Trên thực tế, ở đơn vị cơ sở, có những cán bộ nắm nội dung rất sâu, nhưng khi tuyên truyền, phổ biến lại không đạt hiệu quả cao, điều này một phần do chưa có phương pháp phù hợp và những kỹ năng trong công tác tuyên.
Ba là, phát huy tính sáng tạo của học viên trong đổi mới, tổ chức các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực tế ở đơn vị cơ sở cho thấy, nếu không đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật rất rễ dẫn đến nhàm chán, khó đưa pháp luật vào cuộc sống, do đó cần phát huy tính sáng tạo của học viên trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là tổ chức các hoạt động bổ trợ. Ngoài việc giáo dục tập trung theo chuyên đề, cần gắn tổ chức đa dạng hóa các hoạt động bổ trợ. Cũng là tuyên truyền về một nội dung Luật, nhưng có đơn vị tổ chức cuộc thi tìm hiểu, có đơn vị tổ chức bằng hình thức sân khấu hóa, kết hợp với hoạt động văn nghệ để tuyên truyền; có đơn vị tổ chức dưới dạng “Vòng quay kiến thức pháp luật”, có đơn vị tổ chức dưới dạng “hái hoa dân chủ” để tuyên truyền; phát động phong trào “mỗi tuần học một điều luật”, tọa đàm, diễn đàn… và từ những cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng trong toàn trường. Những hoạt động đó vừa tuyên truyền về pháp luật, vừa tạo sân chơi để quản lý học viên, đưa học viên vào hoạt động thực tiễn để bồi dưỡng kỹ năng tổ chức các hoạt động.
Bốn là, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ quy định tạo cho học viên ý thức tổ chức kỷ luật cao, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước. Bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chính trị tư tưởng, Nhà trường cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý kỷ luật; duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ quy định của Quân đội, pháp luật của nhà nước, giúp học viên hình thành những phẩm chất của người cán bộ Quân đội, sống và làm việc theo pháp luật, hành động theo điều lệnh của Quân đội, chỉ có như vậy người học viên mới hoàn thành tốt chức trách trên cương vị công tác sau này.
Để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở đơn vị cơ sở, việc bồi dưỡng năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật cho học viên nói chung, học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội là rất cần thiết, cần có sự quan tâm về mọi mặt của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, sự nỗ lực cố gắng trong học tập, rèn luyện của mỗi học viên, để Nhà trường hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đào tạo, mỗi học viên sau khi tốt nghiệp ra trường hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên cương vị chức trách được giao.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Phát huy vai trò của Bộ đội Hải quân trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
- Tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới
- Tuyên truyền, giới thiệu và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển Việt Nam
- Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực chất, hiệu quả
- Tài liệu hội nghị quán triệt, triển khai Đề án 1371 và tập huấn báo cáo viên pháp luật trong Quân đội năm 2022