Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội

22:46 | 08/11/2019

(Bqp.vn) - Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống, là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật. PBGDPL giúp cho mọi tổ chức và cá nhân xác định đúng phạm vi và mức độ điều chỉnh của pháp luật để chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.

Đối thoại nâng cao nhận thức pháp luật tại Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Thông tin 29, Quân khu 9. (ảnh: thainguyentv.vn)

Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; các cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu, kỹ đến từng cấp ủy, chi bộ, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức đúng sự cần thiết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên đối với công tác này. Đến nay, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ, chiến sĩ toàn quân về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên một bước; công tác PBGDPL trong Quân đội được xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của người chỉ huy các cấp trong việc chỉ huy, quản lý, duy trì cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.

Thường vụ Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa, triển khai thực hiện công tác PBGDPL trong Bộ Quốc phòng [1]. Bộ Quốc phòng đã quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch PBGDPL phù hợp với đặc thù Quân đội; trong đó đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình PBGDPL theo giai đoạn và hàng năm; gắn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm được giao theo chương trình PBGDPL với thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, phù hợp với thực tiễn Quân đội; phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch PBGDPL.

Đã có 13 Đề án về PBGDPL được triển khai thực hiện trong Bộ Quốc phòng đạt hiệu quả. Nhiều đề án đạt hiệu quả cao, như: Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong Quân đội, giai đoạn 2017 - 2021”; Đề án “Tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tham nhũng cho các tầng lớp nhân dân và công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2021”; Đề án tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Đề án tuyên truyền, PBGDPL về dân quân tự vệ; Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2010 - 2015” đến năm 2020; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quốc phòng năm 2018; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023”...

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) tham khảo tài liệu tại tủ sách pháp luật của đơn vị. (anh: Báo Vĩnh Phúc)

Trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL, Bộ Quốc phòng đã phối hợp tốt với các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương để tổ chức các chương trình, hoạt động phối hợp PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng; gắn kiểm tra, giám sát với hướng dẫn tự kiểm tra, giám sát bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện toàn diện, rộng khắp ở các cấp; kiểm tra công tác PBGDPL được tiến hành thường xuyên định kỳ 6 tháng và một năm ở các cấp, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu, nhiệm vụ. Ngoài ra, các cấp ủy đảng tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề hoặc kết hợp với kiểm tra công tác giáo dục chính trị và công tác khác để tiến hành kiểm tra; thông qua việc kiểm tra, giám sát đã kịp thời đánh giá kết quả triển khai thực hiện, giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đưa công tác PBGDPL đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực.

Công tác sơ kết, tổng kết được thực hiện theo đúng quy định; chỉ đạo và tổ chức sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; sơ kết 02 năm thực hiện Kết luận số 04-KL/TW; tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ (2008 - 2012) và trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng 41 tập thể và 41 cá nhân trong Quân đội có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 01 cá nhân; sơ kết 3 năm thực hiện Luật PBGDPL và tổng kết thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg; tổng kết 5 năm (2013 - 2018) hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (9/11), trong đó, cấp Bộ Quốc phòng tổ chức tổng kết, tôn vinh, khen thưởng đối với 61 tập thể và 61 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL và hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Thực hiện Kế hoạch số 98-KH/BCĐCT32 ngày 16/5/2019 của Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức tổng kết. Đến nay  có 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương đã hoàn thành việc tổng kết, báo cáo kết quả đúng thời gian quy định.

Hội thi Báo cáo viên giỏi Quân chủng Hải quân lần thứ IX, năm 2019. (Ảnh: Báo Hải quân)

Có thể khẳng định rằng, triển khai, thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác PBGDPL của Bộ Quốc phòng đã được triển khai toàn diện, bằng nhiều hình thức, biện pháp với nội dung phù hợp đối tượng giáo dục và đặc thù cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội; cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp có sự thống nhất cao về tư tưởng, phát huy trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và thực hiện công tác PBGDPL; Hội đồng Phối hợp PBGDPL ở các cấp những năm qua đã phát huy tốt vị trí, vai trò của các cơ quan trong phối hợp tham mưu, tư vấn, giúp cấp ủy, người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác PBGDPL; đồng thời, làm nòng cốt trong phối hợp tổ chức thực hiện công tác PBGDPL; công tác tham mưu, tư vấn, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác PBGDPL cũng được thực hiện hiệu quả hơn. Đội ngũ cán bộ pháp chế, báo cáo viên pháp luật thường xuyên được kiện toàn, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, tổ chức hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng đạt kết quả tốt. Nội dung PBGDPL được lựa chọn phù hợp với những vấn đề thời sự của đất nước, đặc điểm từng đối tượng, địa bàn, tình hình nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị quân đội. Toàn quân có sự chuyển biến tiến bộ căn bản về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, các hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội năm sau giảm hơn năm trước. Kinh phí dành cho công tác PBGDPL được bảo đảm, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL được từng bước nâng cao; vị trí, vai trò của các tổ chức, lực lượng, cơ quan, đoàn thể trong công tác PBGDPL được phát huy; hệ thống cơ sở vật chất và các điều kiện khác phục vụ công tác PBGDPL cơ bản được bảo đảm từ Bộ xuống đến đơn vị cơ sở. Các hình thức, mô hình PBGDPL trong toàn quân đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng và đặc thù của từng cơ quan, đơn vị. Công tác PBGDPL được gắn kết chặt chẽ với các hoạt động của cơ quan, đơn vị và các cuộc vận động, phong trào Thi đua Quyết thắng, góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Cán bộ Tiểu đoàn 304 (Trung đoàn 990, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum) tư vấn tâm lý cho chiến sĩ. (ảnh: Báo Kon Tum)

Trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL đã xuất hiện nhiều hình thức, mô hình có hiệu quả cao như: Tuyên truyền, phổ biến qua mạng Internet, mạng Misten trong Quân đội, cổng thông tin điện tử, giới thiệu bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu; sân khấu hóa, lồng ghép với biểu diễn văn hóa văn nghệ; mô hình câu lạc bộ pháp luật: “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”; phong trào “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” đã phát huy tác dụng thiết thực ở nhiều đơn vị. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (9/11) hàng năm và mô hình thực hiện “Ngày Pháp luật hàng tháng” trong Quân đội được toàn quân hưởng ứng sôi nổi với nhiều nội dung, hình thức, sinh động. Tủ sách pháp luật được thành lập ở cấp tiểu đoàn, đại đội độc lập và tương đương trở lên, phát huy tốt hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác PBGDPL. Các cơ quan báo chí trong Quân đội làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL. Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, Cổng Thông tin điện tử Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng, Bản tin Pháp luật Bộ Quốc phòng, các báo, tạp chí, tờ tin, trang/cổng thông tin điện tử của các học viện, nhà trường, quân khu, quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… duy trì thường xuyên chuyên mục, chuyên trang, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật và kịp thời phản ánh hoạt động PBGDPL. Trong thực hiện, các cơ quan, đơn vị đã gắn công tác PBGDPL với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào, như: Cuộc vận động quản lý, khai thác vũ khí, trang bị tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt bộ đội, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, qua đó có tác dụng tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tuyên truyền PBGDPL về biên giới thông qua công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới. (ảnh: QĐND)

Công tác xã hội hóa PBGDPL đã từng bước được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội quan tâm, bằng việc huy động các tổ chức quần chúng, mọi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm tham gia vào công tác PBGDPL. Hàng năm, các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ đã chi một phần từ nguồn thu tăng gia sản xuất cho hoạt động PBGDPL; các đơn vị hạch toán kinh doanh đã trích một phần lợi nhuận để đầu tư cho công tác PBGDPL.

Từ kết quả PBGDPL thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau: Một là, phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị, tổ chức quần chúng, Hội đồng Phối hợp PBGDPL và mọi cán bộ, đảng viên. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc. Có cơ chế hợp lý, phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa lãnh đạo với chỉ huy, quản lý, giữa cơ quan chính trị với cơ quan tham mưu hành chính, giữa Bộ Quốc phòng với các Ban, Bộ, ngành liên quan, giữa các đơn vị quân đội với các cơ quan chức năng ở địa phương. Hai là, công tác PBGDPL phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, có đầu tư hợp lý về phương tiện, vật chất, kinh phí bảo đảm. Ba là, coi trọng xây dựng lực lượng nòng cốt cho công tác PBGDPL với cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trước hết là hệ thống cơ quan, cán bộ pháp chế và đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội, lực lượng trực tiếp tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị. Coi trọng tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đội ngũ giảng viên bộ môn Nhà nước và Pháp luật trong các học viện, nhà trường Quân đội. Bốn là, kết hợp chặt chẽ PBGDPL với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các cuộc vận động và phong trào Thi đua Quyết thắng; đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục thuyết phục với duy trì kỷ luật, xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Năm là, làm tốt công tác kiểm tra, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác PBGDPL...

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 tìm hiểu các quy định pháp luật thông qua sách báo tại phòng Hồ Chí Minh. (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Những năm tới, thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đòi hỏi công tác PBGDPL nói chung, PBGDPL về quân sự, quốc phòng nói riêng phải được thực hiện đồng bộ với yêu cầu cao hơn, quyết liệt hơn. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định: Tiếp tục xác định rõ vị trí, vai trò, những chủ trương, nhiệm vụ, yêu cầu của công tác PBGDPL; phát huy trách nhiệm của cấp ủy đảng, các cấp, các ngành, các tổ chức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp; tiếp tục phát huy những mặt mạnh, tích cực đạt được trong thời gian qua; đồng thời, nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục khâu yếu, mặt yếu, đưa công tác PBGDPL vào nền nếp, đạt hiệu quả cao nhất; cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế, chính sách đối với công tác PBGDPL trong Quân đội; thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án PBGDPL bảo đảm chất lượng, hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra; tăng cường chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác PBGDPL; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

[1] - Thông tư số 216/2011/TT-BQP ngày 20/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng của Bộ Quốc phòng khi tham gia giao thông đường bộ; Thông tư số 47/2012/TT-BQP ngày 31/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật trong Quân đội; Thông tư số 103/2012/TT-BQP ngày 26/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với báo cáo viên các cấp trong Quân đội; Thông tư số 79/2013/TT-BQP ngày 26/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế trong Quân đội; Thông tư số 42/2016/TT-BQP ngày 30/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định công tác PBGDPL trong Bộ Quốc phòng.

File đính kèm:

Thiếu tướng Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.