Web Content Viewer
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam
(Bqp.vn) - Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thông qua hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở trong Quân đội.
Hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội được tổ chức từ Quân ủy Trung ương đến cơ sở, hoạt động theo Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quân ủy Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định gồm các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng công tác trong Quân đội và một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng công tác ngoài Quân đội. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng là Bí thư Quân ủy Trung ương. Các cấp ủy đảng (từ cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương đến cấp chi bộ) ở cấp nào do đại hội đảng bộ (chi bộ) cấp đó bầu.
Quân ủy Trung ương tham mưu, đề xuất để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; lãnh đạo mọi mặt trong Quân đội. Phối hợp và hướng dẫn các cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương về quân sự, quốc phòng. Trực tiếp lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân, nền quốc phòng toàn dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Quân ủy Trung ương thực hiện chế độ quyết định tập thể đối với các vấn đề lớn như chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các biện pháp xây dựng Quân đội, các vấn đề về công tác cán bộ trong Quân đội. Chỉ đạo Tổng cục Chính trị và thông qua Tổng cục Chính trị chỉ đạo các đảng bộ và hệ thống cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên các cấp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị nhằm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Hệ thống cơ quan chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm Tổng cục Chính trị, các cục, phòng và ban chính trị ở các đơn vị. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong toàn quân, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và trực tiếp, thường xuyên của Quân ủy Trung ương. Căn cứ nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương, Tổng cục Chính trị nghiên cứu, đề xuất để Quân ủy Trung ương quyết định chủ trương, biện pháp về công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Căn cứ nghị quyết của Quân ủy Trung ương, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị xác định kế hoạch tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các cấp trong toàn quân.
Tổng cục Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác tổ chức xây dựng Đảng; công tác cán bộ; công tác tuyên huấn; công tác bảo vệ an ninh quân đội; công tác chính sách; công tác dân vận,... trong toàn quân. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội nghiên cứu, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành các chính sách đối với Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, hậu phương Quân đội; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn, hội Phụ nữ. Phối hợp với các ban đảng, các đoàn thể của Trung ương, các cơ quan chức năng của Nhà nước để chỉ đạo, hướng dẫn công tác Đảng, công tác chính trị trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương và trong xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ, dự bị động viên ở các địa phương và ở các Ban, Bộ, ngành Trung ương. Phối hợp với các ngành có liên quan để kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công tác điều tra, xét xử trong Quân đội. Chỉ đạo và tham gia nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; nghiên cứu, phát triển khoa học xã hội nhân văn quân sự, tham gia nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Cơ quan chính trị của các đơn vị trong Quân đội tiến hành giáo dục, bồi dưỡng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo hướng dẫn xây dựng các đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; hướng dẫn các đơn vị đấu tranh với các luận điệu chiến tranh tâm lý trên mặt trận chính trị, tư tưởng, chống lại các biểu hiện tư tưởng đối lập, thù địch; phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Từ cấp trung đoàn và tương đương đến cấp quân khu và tương đương có chính ủy và cơ quan chính trị. Từ cấp đại đội và tương đương đến cấp tiểu đoàn và tương đương có chính trị viên. Chính ủy, chính trị viên là người chủ trì về chính trị; chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị; trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tiến hành các nội dung công tác Đảng, công tác chính trị theo chức trách, nhiệm vụ; tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác chung của đơn vị.
Người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho những quyền hạn trong phạm vi, chức trách; chịu trách nhiệm trước pháp luật, cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động của đơn vị theo phạm vi, chức trách, nhiệm vụ; phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp.
Người chỉ huy có trách nhiệm chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên và nghị quyết của cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động của đơn vị. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, người chỉ huy phải báo cáo cấp ủy cấp mình về nhiệm vụ được cấp trên giao, đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo để cấp ủy thảo luận, quyết định. Khi có tình huống khẩn cấp, người chỉ huy chủ động quyết đoán, xử lý kịp thời để hoàn thành nhiệm vụ, sau đó báo cáo và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, người chỉ huy cấp trên và cấp ủy cấp mình.
Quan hệ giữa chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy là quan hệ phối hợp công tác. Chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy phải thường xuyên, chủ động liên hệ chặt chẽ với nhau trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, tin cậy, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ; cùng chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên phải kịp thời thông báo, trao đổi cho nhau biết các nghị quyết, chỉ thị và mệnh lệnh của cấp trên, thống nhất đánh giá tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, báo cáo cấp ủy, hoặc ban thường vụ cấp ủy quyết định; xây dựng kế hoạch, phân cấp tổ chức thực hiện nghị quyết và kiểm tra các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quốc phòng
- Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam
- Quản lý nhà nước về quốc phòng
- Phương hướng tăng cường lãnh đạo, quản lý về quốc phòng
- Luật Quốc phòng, năm 2018
- Luật Quốc phòng, năm 2005
- Ngân sách